Cấp phép hàng không: Không thể có ngoại lệ
Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải liên tiếp đề nghị Thủ tướng phê duyệt, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) và Công ty CP Hàng không SkyViet.
Điều đáng nói là cả hai công ty này đều chưa đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Cụ thể, Công ty CP Hàng không SkyViet được thành lập trên cơ sở chuyển đổi VASCO có dấu hiệu trái pháp luật, nghi thất thoát tài sản nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Còn Vietstar Airlines đang vướng mắc về năng lực tài chính khi thua lỗ kéo dài (báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy sau 5 năm hoạt động, Vietstar Airlines lỗ gần 50 tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 300 tỷ đồng), không đủ vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không, không có văn bản xác nhận vốn theo đúng quy định tại Nghị định số 30.
Bộ Tài chính khẳng định văn bản xác nhận vốn của Vietstar Airlines không hợp lệ và đúng quy định của pháp luật - ảnh minh họa |
Theo Nghị định 30/2013 của Chính phủ về việc kinh doanh vận tải hàng không và hoạt động hàng không chung, doanh nghiệp khai thác dưới 10 máy bay phải có vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Trường hợp góp vốn bằng tiền phải có văn bản của ngân hàng xác nhận khoản tiền tương đương phong tỏa tại ngân hàng.
Đối với trường hợp vốn góp bằng tài sản, bất động sản (BĐS) phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, BĐS.
Tuy nhiên trong hồ sơ xin cấp phép, Vietstar Airlines đã nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 để thay thế văn bản xác nhận vốn theo quy định nêu trên.
Nghi vấn hồ sơ xin cấp phép hãng bay Vietstar Airlines sai luật(GDVN) - Thay vì nộp văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng, Vietstar Airlines đưa ra báo cáo tài chính đã kiểm toán để thay thế... Bộ Tài chính tái khẳng định chưa đủ cơ sở cấp phép cho Vietstar Airlines(GDVN) - Bộ Tài chính khẳng định, điều kiện vốn của Vietstar Airlines chưa đáp ứng đúng theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP. |
Cũng theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, có vốn chủ sở hữu của Vietstar Airlines chỉ mới có 652.7 tỷ đồng, còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với quy định.
Mặc dù Bộ Giao thông vận tải cho rằng, hồ sơ cấp phép của Vietstar Airlines là hợp lệ, tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ Tài chính kết luận Vietstar Airlines chưa đáp ứng đủ điều kiện về vốn góp và xác nhận vốn pháp định theo Nghị định 30.
Mới đây nhất, trong cuộc họp báo thường kỳ chính phủ ngày 5/5, trả lời báo chí về việc Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng.
Đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến an toàn con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh.
Việc xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại NĐ số 30/2013/NĐ-CP, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển hàng không nội địa và tạo môi trường bình đẳng, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Tuy đã có những ý kiến chỉ đạo rất rõ từ Văn phòng Chính phủ cũng như trả lời cụ thể từ Bộ Tài chính nhưng trên thực tế, vẫn có những tranh luận cho rằng, trả lời như Bộ Tài chính là cứng nhắc và cần có sự linh hoạt trong cấp phép để thị trường hàng không cạnh tranh hơn.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhìn nhận Vietstar Airlines xin cấp phép bay tại thời điểm này lẽ ra phải thuận lợi hơn những doanh nghiệp tư nhân trước đây vì có nhiều quy định mới thoáng hơn.
Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam - ảnh Hoàng Lực |
Trước năm 2013, các nhà đầu tư muốn xin giấy phép hoạt động hàng không phải có đủ vốn pháp định vài trăm tỷ đồng “nằm chết” 2-3 tháng ở ngân hàng cho đến khi được hoặc không chấp thuận cấp phép.
Ông Cường so sánh Nghị định 76/NĐ/2015 về kinh doanh bất động sản đã cho phép chứng minh vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp đang hoạt động là được sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán ở năm gần nhất. Từ so sánh này theo ông Cường, Vietstar Airlines gặp khó khăn không đáng có.
Nếu ngoại lệ thì cần gì luật
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm của mình, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, ông hoàn toàn đồng tình với ý kiến chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ về việc xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
“Nói Bộ Tài chính cứng nhắc là không đúng bởi khi cho ý kiến vấn đề bất kỳ phải dựa trên văn bản của pháp luật, văn bản quy định ra sao các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân phải thực hiện như vậy.
Nghị định quy định rõ doanh nghiệp phải thực hiện, khi hồ sơ của Vietstar Airlines thay văn bản xác nhận vốn bằng báo cáo tài chính là chưa đầy đủ. Đối chiếu với luật không đúng, không hợp lệ, Bộ Tài chính phải lên tiếng”, Ths-Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Ths.LS Trương Anh Tú phân tích, trước khi Nghị định 30 có hiệu lực, tất cả Bộ, ngành trong đó có cả Cục Hàng không cũng được tham gia góp ý kiến soạn thảo.
"Vậy nên không thể nói doanh nghiệp đang gặp khó khăn với quy định tại Nghị định 30", Ths.LS Tú nhấn mạnh.
Mặt khác, cho đến khi có văn bản luật khác điểu chỉnh hoặc thay thế Nghị định 30 còn hiệu lực thì phải thực hiện.
Đặt giả thiết nếu có ngoại lệ với Vietstar Airlines, Ths.LS Trương Anh Tuấn thẳng thắn: “Đã là quy định của luật áp dụng không có ngoại lệ, ngoại lệ thì cần gì luật. Nếu có ngoại lệ ngoài luật sẽ gây hậu quả lớn”.
Hàng không dân dụng là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến tính mạng con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh, vì vậy cần sự kiểm soát chặt chẽ. Trong đó yêu cầu doanh nghiệp phải có đủ nguồn vốn có ý nghĩa riêng.
Ý nghĩa ở đây theo LS. Trương Anh Tuấn, thể hiện hai khía cạnh: Thứ nhất, đảm bảo phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện đúng không gây thất thoát, lãng phí tài sản cho chính doanh nghiệp. Mặt khác, khi doanh nghiệp đủ điều kiện vốn đảm bảo phát triển sẽ không ảnh hưởng chung đến chiến lược phát triển ngành hàng không.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân - tức tiền tư nhân không phải tiền nhà nước nên họ thua lỗ không ảnh hưởng đến ngân sách. Tuy nhiên, cách hiểu này là thiển cận, đúng là doanh nghiệp được làm những điều luật pháp không cấm nhưng nhìn rộng ra kinh tế vĩ mô, nếu dự án không khả thi sẽ gây ảnh hưởng lớn cả nền kinh tế.
“Ví dụ nhà máy thép xây xong không hoạt động ảnh hưởng đến môi trường, mất đi quỹ đất, ảnh hưởng đến cả chiến lược của ngành. Do đó quy định của luật nhằm đảm bảo dự án thành công nhất vừa”, LS. Tuấn nói.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã trình lại Thủ tướng, đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines. “Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến cơ quan liên quan để tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng xem xét, quyết định", ông Mai Tiến Dũng thông tin. |