Bộ Tài chính tái khẳng định chưa đủ cơ sở cấp phép cho Vietstar Airlines

05/05/2016 07:43
Mai Anh
(GDVN) - Bộ Tài chính khẳng định, điều kiện vốn của Vietstar Airlines chưa đáp ứng đúng theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Liên quan đến việc cấp giấy phép vận chuyển hàng không của Công ty CP Hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines), trong văn bản mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính một lần nữa cho rằng, chưa đủ cơ sở để khẳng định Vietstar Airlines đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Đề xuất cấp phép vận chuyển hàng không gây tranh cãi

Trước đó, như báo điện tử Giáo Dục Việt Nam thông tin, cuối tháng 3/2016, Bộ Giao thông vận tải gửi đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines.

Tại văn bản đề xuất, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép Vietstar Airlines nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng.

Website của Vietstar Airlines trước đây từng đăng tải thông tin giới thiệu là đơn vị kinh tế của Quân chủng Phòng không - Không quân/ ảnh chụp màn hình.
Website của Vietstar Airlines trước đây từng đăng tải thông tin giới thiệu là đơn vị kinh tế của Quân chủng Phòng không - Không quân/ ảnh chụp màn hình.

Đề nghị này của Bộ Giao thông vận tải trái ngược hoàn toàn với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP (Nghị định “Về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”).

Cụ thể, tại điều 8, Nghị định 30/2013/ NĐ-CP nêu rõ: Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không như sau:

Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ Đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: 100 tỷ đồng Việt Nam.

Văn bản số 5747 gửi Văn phòng Chính phủ của Bộ Tài chính
Văn bản số 5747 gửi Văn phòng Chính phủ của Bộ Tài chính

Điều 9, quy định, văn bản xác nhận vốn hợp lệ là: Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hoặc khi tổ chức, cá nhân nhận được văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép.

Bộ Tài chính tái khẳng định chưa đủ cơ sở cấp phép cho Vietstar Airlines ảnh 3

Lộ diện "miếng mồi béo bở" trong kế hoạch góp vốn của Vietnam Airlines

(GDVN) - 145,2 ha đất quốc phòng tại ba sân bay sẽ đem lại cơ hội kiếm tiền bạc tỷ cho Vietnam Airlines và Vietstar Airlines chỉ là tấm bình phong?

Bộ Tài chính tái khẳng định chưa đủ cơ sở cấp phép cho Vietstar Airlines ảnh 4

Cục Hàng không sai luật khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines?

(GDVN) - TS.LS Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe nhấn mạnh, cần yêu cầu Vietstar Airlines hoàn thiện hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: Văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.

Tổ chức, cá nhân trực tiếp xác nhận vốn của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu tại thời điểm xác nhận.

Đối với hãng hàng không đang khai thác, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn phù hợp.

Văn bản pháp luật quy định rõ ràng nhưng trong Hồ sơ cấp phép, thay vì nộp văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, Vietstar Airlines đã thay thế bằng Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015. 

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 30, Vietstar Airlines phải có đủ nguồn vốn 700 tỷ đồng, tuy nhiên trong Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 của hãng hàng không này mới có vốn chủ sở hữu 652.7 tỷ đồng còn thiếu 47,3 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Cách lý giải của Bộ Giao thông vận tải gây mâu thuẫn bởi nếu vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà trái luật, xé luật thì rõ ràng sẽ tạo tiền lệ xấu.

Chưa đủ điều kiện để được cấp phép

Sau khi rà soát quy định pháp luật, đối chiếu với hồ sơ của Vietstar Airlines, mới đây trong Văn bản số 5747 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tái khẳng định: chưa đủ cơ sở để khẳng định Vietstar Airlines đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cũng nhắc lại việc ngày 7/10/2015, Bộ Tài chính có văn bản số 14032 trả lời Văn phòng Chính phủ về việc lấy ý kiến về việc cấp giấy phép vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines.

Ảnh chụp văn bản số 14032 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu.
Ảnh chụp văn bản số 14032 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu.

Tại văn bản số 14032 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu ký nêu rõ: Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 12277 ngày 14/9/2015 thì việc xác nhận vốn của Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt đã được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM thực hiện và chưa có các văn bản xác nhận nào khác, như vậy là chưa phù hợp với quy định tại Điều 9, Nghị định 30 và chưa có cơ sở để khẳng định Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Thủ tướng: Không ký bất kỳ văn bản nào bị chi phối bởi lợi ích nhóm

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Chính phủ phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, "nói không với tham nhũng, tiêu cực" và không lãng phí.

Các thành viên Chính phủ phải làm gương cho xã hội; rà soát lại những sơ hở trong quản lý, điều hành để xảy ra tham nhũng, lãng phí, trong đó Thủ tướng và các Phó Thủ tướng không thể ký những văn bản bị chi phối bởi lợi ích nhóm, được đặt trước. 

Tại văn bản số 5747, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 30/2013. Bộ này cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng liên quan đến việc cấp phép cho Vietstar Airlines, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là năng lực hoạt động của doanh nghiệp này bởi sau 5 năm hoạt động, Vietstar Airlines lỗ gần 50 tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện tối thiểu thành lập hãng hàng không.

Năng lực yếu kém, vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện tối thiểu để được cấp phép, liệu Vietstar Airlines có thực sự “cất cánh” để “góp thêm một ngôi sao mới” trên bầu trời hàng không, thêm sự lựa chọn cho hành khách hay chỉ xin cấp phép nhằm vào mục đích khác?

Dư luận hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi lớn trước hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines khi trong Báo cáo số 411 của Vietnam Airlines do Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh ký ngày 9/3/2016 cho biết, hãng hàng không này đã lên phương án tham gia góp vốn vào Vietstar Airlines trên cơ sở nhận chuyển giao phần vốn của Quân chủng Phòng không - Không quân tại Vietstar Airlines.

Mà phần vốn góp của Quân chủng Phòng không - Không quân tại Vietstar Airlines chính là quỹ đất quốc phòng lên đến 145,2 ha tại 3 sân bay lớn trên cả nước: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. 

Đây là phương án nhanh nhất cho Vietnam Airlines cũng như các các hãng hàng không Vietnam Airlines đang có vốn góp có thể chủ động về cơ sở hạ tầng tại các sân bay căn cứ, phục vụ cho kế hoạch phát triển đội bay, mở rộng mạng bay.

Nếu như việc góp vốn của Vietnam Airlines vào Vietstar Airlines hoàn tất, hãng hàng không này được cấp phép và trở thành hãng hàng không thứ 5 ở Việt Nam và Hãng hàng không Vasco- SkyViet cũng được cấp phép như đệ trình của Bộ Giao thông vận tải thì một mình Vietnam Airlines điều hành 4 hãng hàng không, chưa kể liên doanh ở Campuchia là 5 hãng.

Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines không còn là doanh nghiệp nhà nước và đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu cùng lúc đầu tư vào 5 hãng hàng không, Vietnam Airlines liệu có tránh được những rủi ro về tài chính, điều hành và quản trị?

Mai Anh