Phần mềm xét tuyển xử lí dữ liệu 1 triệu thí sinh trong 20 phút

03/06/2016 07:42
Phương Thảo
(GDVN) - Đây là phần mềm xét tuyển của Đại học Thăng Long có tên “Chấp nhận trì hoãn” đã được mang chạy thử tại Đại học Thái Nguyên ngày 2/6.

Phần mềm xét tuyển của Trường Đại học Thăng Long đã được giới thiệu tới nhiều trường đại học cách đây khá lâu, thậm chí trước sự lộn xộn của kỳ xét tuyển năm 2015 nhiều người chứng kiến đã cho rằng, phần mềm này như một phao cứu sinh cho Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lí do gì phần mềm này chưa được các trường biến tới rộng rãi. Chứng kiến cảnh lộn xộn, mất kiểm soát trong tuyển sinh, đặc biệt là khâu xét tuyển của kỳ tuyển sinh năm 2015, lãnh đạo Đại học Thăng Long quyết định “không ngồi nhìn”.

Kỳ tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tiến hành lập nhóm xét tuyển, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, đồng thời mong muốn tránh được sự cố về dữ liệu, đường truyền như năm trước. 

Hiện tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã hình thành hai nhóm (Nhóm tuyển sinh chung, gọi  tắt là nhóm GX do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, và nhóm của Đại học Đà Nẵng chủ trì). Các nhóm này đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bước vào kỳ tuyển sinh mới.

Đông đảo các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đến nghe giới thiệu về phần mềm xét tuyển của Đại học Thăng Long.
Đông đảo các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đến nghe giới thiệu về phần mềm xét tuyển của Đại học Thăng Long.

Tuy nhiên, nhiều khâu lo ngại về xử lí dữ liệu nguồn tuyển sinh và tỷ lệ ảo vẫn còn đặt ra. Để giải cho bài toán này, lãnh đạo Đại học Thăng Long đã đề xuất dùng phần mềm của mình do GS. Hà Huy Khoái xây dựng dựa trên một thuật toán thông minh.

Theo GS. Hà Huy Khoái, phần mềm này sẽ càng tỏ ra hữu hiệu khi được sử dụng trên một quy mô lớn và rộng, quy mô càng lớn thì sẽ hạn chế được lượng thí sinh ảo – điều mà các trường trước nay vẫn lo ngại.

Phần mềm xét tuyển xử lí dữ liệu 1 triệu thí sinh trong 20 phút ảnh 2

Phương án xét tuyển đại học thoả mãn cả nhà trường và mọi thí sinh

(GDVN) - Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) kiến nghị phương thức xét tuyển tối ưu nhất.

Trước sức nóng của kỳ thi, ngày 14/5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 15 về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, trong đó nhấn mạnh Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả Kỳ thi phục vụ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bảo đảm công bằng, thuận lợi cho thí sinh và nhà trường.

Thực hiện Chỉ thị này, trong thời gian qua Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã liên tiếp triển khai nhiều công việc, trong đó tuyên truyền tới các cơ sở giáo dục, các trường đại học, cao đẳng về kỳ thi và kỳ tuyển sinh. 

Hiệp hội đặc biệt nhấn mạnh tới tính ưu việt của phần mềm mà Trường Đại học Thăng Long đã giới thiệu trước đó, và kêu gọi các trường hội viên thành lập nhóm xét tuyển và ủng hộ chủ trương này.

Ngày 6/2, lãnh đạo Hiệp hội cùng Đại học Thăng Long đã có cuộc làm việc với Đại học Thái Nguyên và các trường hội viên. Tại đây, sau khi nghe ông Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Đại học Thăng Long giới thiệu về phần mềm, lãnh đạo nhiều trường đã tỏ ra rất hài lòng và cho rằng đây là một giải pháp hữu hiệu. 

Hiệu trưởng Đại học Thăng Long trình bày về phần mềm.
Hiệu trưởng Đại học Thăng Long trình bày về phần mềm.

Tuy nhiên, do thời gian còn rất ngắn nên nhiều trường thuộc Đại học Thái Nguyên cũng tỏ ra băn khoăn về mặt kĩ thuật. Sau khi chứng kiến phần mềm chạy thử trên dữ liệu giả lập với 1 triệu thí sinh để lọc ra người trúng tuyển, phần mềm này chỉ mất chưa đầy 20 phút để hoàn thành trong điều kiền máy tính có cấu hình bình thường.

TS. Vũ Đức Thái (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông) cho rằng, ông hoàn toàn tin tưởng vào phần mềm này, nhưng đặt ra câu hỏi phần mềm có tự động tách toàn thí sinh để xét hay không? Phần mềm có chức năng sàng lọc thí sinh, vậy thì xét tới khi nào? Và qua đây TS. Thái xin được copy phần mềm này để về thử nghiệm.

TS. Phan Huy Phú cho rằng, phần mềm này sẽ chạy xét tới hết nguyện vọng thì dừng. Lãnh đạo nhiều trường đại học tại đây cũng mong Hiệp hội nếu thống nhất được thì công bố sớm phần mềm này, vì thời gian không còn nhiều. 

Cùng trao đổi với các trường, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đề nghị các nhóm xét tuyển công khai các phần mềm để cho các trường được lựa chọn.

Trao đổi thêm, PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin, vấn đề tuyển sinh đã được Chính phủ rất quan tâm từ những năm trước.
Tuy nhiên, mọi ý kiến đóng góp từ phía Hiệp hội trước đó đều chưa được Bộ GD&ĐT tiếp thu, phản hồi.

“Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Hiệp hội đã triển khai công tác tuyên truyền tới các trường và năm nay Hiệp hội đứng ra tư vấn, ít nhất phải tạo ra nhóm tuyển sinh. Phần mềm của Đại học Thăng Long bước đầu có thể thực hiện trên một số nhóm là khả thi, ít nhất là để chống ảo.

Sau đây, Hiệp hội sẽ tư vấn cách thi và tuyển sinh cho những năm tới. Hiệp hội mong các trường tại Đại học Thái Nguyên bao quát để hình thành nhóm tuyển sinh” PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết.  

Trong buổi giới thiệu này có hơn 50 đại biểu từ các trường thành viên đã chăm chú theo dõi và sôi nổi trao đổi về những tiện ích của phần mềm này. Tất cả các ý kiến đều khẳng định tính nổi trội của phần mềm này so với phần mềm đã được Bộ cung cấp cho các trường năm 2015 và mong muốn Bộ nên áp dụng phần mềm cho mùa tuyển sinh 2016.

Đánh giá về phần mềm này, GS. Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, đây là một phần mềm hiện đại, nếu áp dụng được ngay thì tốt. Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên sẽ nhóm họp sớm để bàn công tác chuẩn bị và sẽ có ý kiến trao đổi lại về phần mềm này. 

Phương Thảo