GS. Lâm Quang Thiệp viết: Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp đến gần, nhiều học sinh và phụ huynh đang hồi hộp lo lắng chẳng những về việc dự thi, mà còn về cách xét tuyển của các trường khi có kết quả thi. Ấn tượng của việc xét tuyển căng thẳng năm ngoái đang còn lưu trong tâm trí mọi người.
Bộ GD&ĐT và Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đang khuyến khích các trường tham gia vào phương thức xét tuyển chung nhờ một phần mềm xây dựng theo một thuật toán hiện đại (thuật toán “chấp nhận trì hoãn”) của S. Shapley, một thuật toán mà A. Roth đã áp dụng để giải một số bài toán về kinh tế, xã hội và do đó hai ông đã đạt giải Nobel về kinh tế vào năm 2012.
Nếu các trường đại học tập hợp lại thành nhóm trường cùng sử dụng thuật toán này thì việc xét tuyển sẽ hết sức nhanh chóng và có hiệu quả cao: vừa thỏa mãn tốt nhất nguyện vọng của thí sinh, vừa đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng.
Thuật toán gì mà hay như vậy? Bài này xin giới thiệu tóm tắt thực chất và hiệu quả của thuật toán đó để các trường tích cực tham gia, còn thí sinh và phụ huynh thì yên tâm chấp nhận.
Ảnh minh họa báo Thanh niên. |
GS. TSKH. Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng viện Toán của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (hiện là trưởng khoa Toán-Tin Đại học Thăng Long) đã đưa thuật toán này vào nước ta vào cuối năm 2014, TS. Phan Huy Phú (Đại học Thăng Long) đã tổ chức xây dựng thành công phần mềm.
Phần mềm đã được thử nghiệm xét tuyển đại học trên dữ liệu giả lập gồm một triệu thí sinh, mỗi thí sinh có 6 nguyện vọng. Phần mềm chạy trên một máy tính thông thường chỉ mất 2 giờ và cho kết quả rất phù hợp.
Năm 2015 Bộ GD&ĐT đã cho một số trường thử nghiệm thuật toán này cho việc xét tuyển và đạt kết quả tốt, tuy nhiên thuật toán đã không phát huy được hết tác dụng vì chỉ xét trong phạm vi hẹp của một trường.
Phần mềm theo thuật toán nói trên áp dụng cho xét tuyển đại học có những ưu điểm vượt trội sau đây:
Thỏa mãn tốt nhất nguyện vọng của thí sinh: Thí sinh có thể đưa ra hàng chục nguyện vọng chọn ngành, chọn trường theo thứ tự, phần mềm giúp sắp xếp thí sinh vào nơi thỏa mãn tốt nhất nguyện vọng của mình (dựa vào điểm thi và các yếu tố khác của thí sinh và tương quan với những thí sinh khác có nguyện vọng tương tự).
Hiệp hội kêu gọi các trường liên kết xét tuyển đại học, cao đẳng(GDVN) - Ngày 24/5, Hiệp hội các trưởng đại học, cao đẳng Việt Nam có Công văn số 48 gửi các Hội viên kêu gọi thành lập nhóm xét tuyển. |
Đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ của trường đại học: Trường đại học có thể đưa ra hàng loạt tiêu chí mà mình mong muốn về yêu cầu điểm số cũng như các năng lực khác của thí sinh, về khả năng thu nhận của nhà trường theo các ngành nghề khác nhau…
Nhà trường cũng có thể đưa thêm các tiêu chí liên quan các nguồn số liệu khác, chẳng hạn kết quả học tập ở phổ thông, hoặc kết quả của kỳ thi do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức v..v…
Giảm tối đa lượng “thí sinh ảo” trúng tuyển.
Chính vì bài toán phức tạp đa nguyện vọng, đa tiêu chí được giải quyết nhờ các tính toán một cách khoa học và tường minh, thuật toán này cũng giúp loại bỏ nhiều tiêu cực trong tuyển sinh.
Ở nước ngoài thuật toán này đã được áp dụng trong tuyển sinh. Chẳng hạn, tại bang New York, Mỹ, mỗi thí sinh được đăng ký 5 nguyện vọng, bang có gần 200 nghìn thí sinh, các phương thức xét tuyển cũ trước đây đưa đến tình trạng 30 nghìn thí sinh không đạt nguyện vọng.
Nhưng từ năm 2005 áp dụng thuật toán này đã giảm số thí sinh không đạt nguyện vọng xuống chỉ còn 3 nghìn. Một số bang khác của Mỹ cũng lần lượt áp dụng. Có tin Pháp cũng đã áp dụng thuật toán này.
Chính vì hiệu quả cao của thuật toán đã nêu, vào năm 2005 GS. Ngô Bảo Châu cũng có ý kiện đề nghị Bộ GD&ĐT áp dụng thuật toán này vào tuyển sinh.
Một đặc điểm của thuật toán đang bàn là hiệu quả của nó càng cao khi tập hợp càng đông các trường tham gia.
Tuy nhiên, để các trường kịp tìm hiểu và “tự nguyện” tham gia, Bộ GD&ĐT đã chấp nhận để một số trường đại học thành lập các nhóm trường xét tuyển: hiện nay ở miền Bắc có nhóm trường mà nòng cốt là Đại học Bách khoa Hà Nội, miền Trung có nhóm trường mà nòng cốt là Đại học Đà Nẵng. Theo chúng tôi được biết, phần mềm tốt đã được xây dựng và thử nghiệm nghiêm chỉnh nói trên đây trường Đại học Thăng Long sẵn sàng cung cấp miễn phí cho các nhóm trường.
Như vậy việc sử dụng phương thức xét tuyển hiện đại đã được sẵn sàng về mặt công nghệ. Chúng tôi mong lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tìm hiểu phương thức tuyển sinh mới và quyết định tham gia các nhóm trường sẵn có hoặc lập thêm các nhóm mới, các phụ huynh và thí sinh cũng yên tâm đăng ký vào các nhóm trường.
Và chúng tôi tin rằng đến mùa tuyển sinh năm sau toàn bộ các trường đại học và cao đẳng đều đăng ký tham gia các nhóm trường xét tuyển, và mọi nhóm trường xét tuyển sẽ được hợp nhất thành một nhóm chung cho cả nước.
Vì rằng, khi các trường và thí sinh đã hiểu và thấy hiệu quả của phương thức xét tuyển mới, không ai lại từ chối một phương thức xét tuyển hiện đại mà mọi thí sinh đều được hưởng lợi vì được thỏa mãn tốt nhất nguyện vọng của mình, và mỗi trường đại học, cao đẳng được đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ về tuyển sinh.