Ngày 9/6/2016, theo kết quả bầu cử đã công bố, ông Dương Ngọc Hải trúng cử tại tổ bầu cử số 2 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua, ông Dương Ngọc Hải ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 (gồm quận 7 và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ) Thành phố Hồ Chí Minh.
Căn cứ vào điều 87 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kính đề nghị Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia tiến hành xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu đối với ông Dương Ngọc Hải.
Ông Dương Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh liệu có xứng đáng là Đại biểu Quốc hội, đại diện cho quyền lợi của dân? Ảnh: VKSND.TPHCM. |
Thời gian qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài điều tra phản ánh về vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết mà ông Dương Ngọc Hải - khi ấy là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo và ký ban hành các cáo trạng và bà Hà Thị Bích Thu, Kiểm sát viên giữ quyền công tố vụ án.
Các ngày 18, 21 và 22/3/2016, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đưa vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết ra xét xử sơ thẩm công khai, tại phiên tòa Hội đồng xét xử đã làm rõ, xác nhận lại toàn bộ những chứng cứ vi phạm tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh mà trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh là đúng sự thật.
Phát biểu của Bí thư Thăng và hành động của "quan" Kiểm sát Dương Ngọc Hải |
Trong các bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh đều đưa ra những lời lẽ, lập luận (thiếu căn cứ) để buộc tội bằng được bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam) lừa đảo, chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng và Yee Lip Chee (Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam) là người không liên quan; là bị hại trong vụ án.
Tuy nhiên, tại phiên tòa với những căn cứ không thể chối cãi, Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu phải thừa nhận sai lầm và đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Yee Lip Chee.
Cuối phiên tòa, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam.
Việc Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã đủ cơ sở khẳng định ông Dương Ngọc Hải và bà Hà Thị Bích Thu, Kiểm sát viên có dấu hiệu cố tình bỏ lọt tội phạm, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự.
Bởi vì, trước đó Tòa án đã nhiều lần trả lại hồ sơ, kiến nghị xem xét trách nhiệm Yee Lip Chee và những chứng cứ có lợi, có thể làm giảm trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết nhưng Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đều coi thường, không nghiêm túc xem xét tội trạng của Yee Lip Chee và những kiến nghị kêu oan của bị cáo Tuyết.
Ông Dương Ngọc Hải, khi ấy là Phó Viện trưởng không làm tròn trách nhiệm của mình là “quyền kiểm sát, bảo vệ pháp luật” khi hoàn toàn đồng ý với lập luận thiếu căn cứ, trái pháp luật trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Cũng chính vì kết luận như vậy của cáo trạng mà Wong Kong Hee (Chủ tịch Công ty L&M Việt Nam) – người đã trực tiếp ký vào các ủy nhiệm chi và phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát số tiền 1,5 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam đã rời khỏi Việt Nam, ông này không có mặt tại phiên tòa định rõ hành vi phạm tội của mình và kẻ chủ mưu Yee Lip Chee mặc dù tòa đã có văn bản triệu tập.
Như vậy, đã có đủ căn cứ để xem xét truy cứu trách nhiệm đối với ông Dương Ngọc Hải và bà Hà Thị Bích Thu, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh về hành vi vi phạm tố tụng trong vụ án.
Từ kẻ đứng ra tố cáo bà Tuyết lừa đảo, đến nay HĐXX đã xác định Yee Lip Chee (áo đen) mới chính là kẻ chủ mưu trong vụ án lừa đảo và quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm của ông này. Điều lạ lùng là ông Dương Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh lại cố "cãi trắng" cho Yee Li Chee. Ảnh: Mạnh Hùng |
Căn cứ vào các nội dung trên, ngày 4/4/2016, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có văn bản số 17/GDVN-HC gửi Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, kính đề nghị chỉ đạo kiểm tra, làm rõ các nội dung nêu trên để đảm bảo uy tín, chất lượng ứng viên Đại biểu Quốc hội, không để sót lọt các ứng viên thiếu tiêu chuẩn vào đội ngũ những người đại diện cho quyền lợi của nhân dân ở bộ máy Quốc hội (nếu có).
Cùng thời gian này, một điều khá bất ngờ là với các nghi vấn sai phạm nêu trên đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều lần nêu trước công luận; Báo cũng đã có nhiều công văn đề nghị làm việc trực tiếp; đồng thời có văn bản gửi đến Thành Ủy TP.Hồ Chí Minh và các cơ quan trực thuộc nhiều lần nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết. Ông Dương Ngọc Hải còn được cất nhắc, bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM.
Trở lại với công tác bầu cử, ngày 19/4/2016, trước đề nghị của Báo điện tử Giáo dục Viêt Nam, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có văn bản gửi Ủy ban bầu cử TP.Hồ Chí Minh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và trả lời kết quả xem xét, giải quyết cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không nhận được thông tin trả lời của Ủy ban bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh về những thông tin sai phạm liên quan tới ông Dương Ngọc Hải theo quy định của pháp luật.
Ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết: "Theo điều 87 Luật bầu cử, ứng viên đã trúng cử mà vẫn tiếp tục bị khiếu nại, tố cáo thì Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ tiếp tục xem xét. Chậm nhất 30 ngày sẽ phải trả lời về khiếu nại, tố cáo đó, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội".
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cũng xác nhận: "Trong 5 ngày, nếu ai khiếu nại, tố cáo về những ứng viên đã trúng cử Đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ có 30 ngày xem xét các đơn thư đó".