LTS: Ngày 22/6, Báo điện tử giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ"” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ý kiến của độc giả đặc biệt là đội ngũ giáo viên trên cả nước.
Trong đó có rất nhiều bình luận phản đối lại nội dung bài viết, hôm nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc tiếp tục gửi một bài viết đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam như gửi lời cảm ơn tới độc giả đã quan tâm tới vấn đề thầy nêu và cũng là dịp để tác giả bình bàn xoay quanh những quan điểm trái chiều của độc giả.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Bài viết: “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ"” của tôi (Đỗ Tấn Ngọc) đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 22/6, đúng như dự đoán của tôi, có khá nhiều bạn đọc là thầy, cô giáo quan tâm và bình luận.
Phần lớn ý kiến tiếp tục “phản pháo”, kể “tội" Ban giám hiệu nhà trường. Có Ban Giám hiệu nhờ chạy chọt, “quan hệ” mới lên được các chức danh ấy.
Quyền lựa chọn cán bộ quản lý nằm trong “tay” nhưng sao giáo viên còn ca thán (Ảnh: thpt-taythanh-tphcm.edu.vn) |
Có Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng gian dối không đứng lớp tiết nào nhưng vẫn kê khai khống để nhận tiền phụ cấp hàng tháng.
Hiếm có Ban giám hiệu nào vì tính chất công việc quản lý vất vả, mệt nhọc mà xin từ chức, quay trở lại làm giáo viên.
Ban giám hiệu bây giờ chơi nhiều hơn làm. Ban giám hiệu không đủ năng lực, phẩm chất, gây nên tình trạng ỳ ạch, yếu kém của ngành giáo dục.
Có Hiệu trưởng mới lên chức được mấy năm đã sắm xe con, xây nhà lầu.
Có ý kiến còn cho rằng tác giả bài viết là kể lể, ngụy biện, bênh vực cán bộ quản lý vì ông ấy đang là Phó Hiệu trưởng.
Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ"(GDVN) - Nhiều giáo viên cho rằng, Ban giám hiệu dạy ít là sướng…chứ có mấy giáo viên hiểu được tính vất vả, phức tạp của công việc quản lý? |
Chỉ có vài kiến đồng tình, ủng hộ quan điểm bài viết của tôi.
Tôi nghĩ rằng, mỗi thầy cô giáo có quyền nêu lên quan điểm, chính kiến của mình về mọi vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến giáo dục, dạy học…công việc, nhiệm vụ chính của từng giáo viên để ngành giáo dục trong sạch, phát triển hơn.
Tôi có thể hiểu, một số thầy cô giáo đã, đang có những khó chịu, bất bình… với năng lực, phẩm chất, lối sống, cung cách quản lý, điều hành của bộ phận cán bộ quản lý ở tại cơ sở giáo dục mà các thầy cô giáo chưa cho dịp bộc bày, chia sẻ hoặc chưa đủ bản lĩnh, tự tin để lên tiếng, đấu tranh.
Với hàng ngàn bài viết của mình về các vấn đề giáo dục trên các mặt báo trong Nam ngoài Bắc (gần 20 năm qua), hàng trăm bài báo xuất hiện trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, tôi chưa bao giờ bênh vực, thiên vị ai cả, tôi có chân lý gãy gọn khi viết: tốt khen, xấu chê.
Năm 2015, tôi có loạt bài “đánh” vào năng lực thấp, sức ỳ lớn, ý thức, trách nhiệm hạn chế của một bộ phận không nhỏ đội ngũ giáo viên chúng ta.
Tôi từng bị nhiều thầy cô giáo “ném đá”, phê phán dữ dội, có người còn yêu cầu tôi cho số điện thoại để họ “lên lớp”, “chỉ bảo”…
Đọc các bình luận của độc giả sau các bài viết “đụng” giáo viên của mình, tôi kiểm nghiệm ra rằng, một số giáo viên nhà ta rất cố chấp, bảo thủ, không thích người khác chỉ trích những điểm yếu, hạn chế của họ, tìm mọi cách bao biện, đổ thừa trách nhiệm cho nhiều người, nhiều thứ khác.
Trở lại với vấn đề của bài viết trên, tôi có nhận định, một số thầy cô giáo tinh thần đấu tranh, xây dựng tập thể ở nhà trường còn bộc lộ sự nhu mỳ, hạn chế thấy rõ.
Có hiện tượng một số Ban Giám hiệu sai phạm, gian dối, không dạy tiết nào theo quy định nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp hàng tháng, thầy cô giáo là thành viên của nhà trường đó, tại sao không lên tiếng?
Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!(GDVN) - Thực tế, có vị hiệu trưởng vì một lý do tế nhị không được bổ nhiệm lại khiến họ trở thành giáo viên thì mấy năm liền không có nổi một tiết dạy đạt loại tốt. |
Nếu ý kiến nhiều lần ở đơn vị không được Ban giám hiệu trả lời, giải thích thỏa đáng thì tại sao, các thầy cô giáo không đề đạt, kiến nghị lên cấp Phòng, Sở Giáo dục để được giải quyết thấu đáo?
Một số cán bộ quản lý ở mấy địa phương từng nhận sai và trả lại tiền phụ cấp khi bị phản ánh lên cấp trên.
Các thầy cô giáo đừng biện minh tôi đã ý kiến rồi nhưng họ không nghe; chúng tôi sợ thế này, sợ thế khác; lý do trường lớp thừa giáo viên nhiều nên Ban giám hiệu không đứng lớp.
Tôi để ý thấy, nhiều giáo viên ở trường lớp thì im lặng, co ro, nể sợ, thấy chuyện bất bình, trái quy định… không bao giờ ý kiến, tìm cách xúi giục, kích động người khác nói thay cho mình hoặc toàn nói, toàn phê phán ở đâu đâu.
Mặt khác, quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý ở nhà trường bây giờ cũng khá chặt chẽ, bài bản.
Trước khi được đề bạt, trong đó có tổ chức hội nghị, lấy ý kiến , phiếu tín nhiệm của tập thể, của giáo viên, các thầy cô giáo có quyền kiến nghị, không tín nhiệm thầy A, cô B …vì không đủ năng lực, phẩm chất….
Thầy A, cô B…không đủ 50% phiếu tín nhiệm thì lấy gì mà bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Ở tỉnh Quảng Ngãi quê tôi, có những trường hợp như thế, tập thể giáo viên không tín nhiệm thì đành phải dừng lại, đưa người khác về.
Quyền dân chủ, quyền lựa chọn cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường nằm trong “tay” giáo viên, tại sao các thầy cô giáo không phát huy?
"Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ"(GDVN) - Không ít Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường phổ thông không thực hiện dạy học đúng số tiết theo quy định nhưng vẫn lĩnh tiền phụ cấp ưu đãi đứng lớp. |
Nói ra chuyện tổ chức cán bộ thì một số nhà giáo lại biện minh đủ đường, nào là chúng tôi không có quyền, nào là chạy chọt, “quan hệ” tốt, nào là phiếu tín nhiệm của giáo viên không có nghĩa lý gì hết, mấy ông ở trên quyết hết….
Một số thầy cô giáo luôn có nhìn “định kiến”, “đánh đồng” về vai trò lãnh đạo nhà trường và không dám lên tiếng đấu tranh trước một số sai phạm của Ban giám hiệu cho thấy “điểm yếu” rất nguy hiểm trong bộ phận giới giáo hiện nay.
Sợ không đấu tranh, bằng mặt không bằng lòng, tìm mọi cách bới móc, nói xấu lãnh đạo…thì còn đâu niềm tin, tinh thần đoàn kết để cùng nhau xây dựng nhà trường, ngành giáo dục khắc phục khó khăn, tồn tại, ngày càng đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của học sinh, phụ huynh và xã hội?
Nếu người ngoài, con trẻ, học sinh… nếu biết được tình trạng, tâm tính của một số giáo viên như vậy sẽ suy nghĩ gì đây?
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích một bình luận của độc giả Minh Mẫn như sau:
“Thưa bạn đọc, thưa thầy Ngọc! Thú thật, đọc xong bài viết của thầy, bản thân tôi cũng thấy có một vài điểm có lý. Thế nhưng trong lòng sao rất buồn thế này!
Tôi buồn, và cũng mong thầy Ngọc nói riêng, các thầy cô giáo viên nói chung cũng phải biết buồn.
Buồn vì tại sao ngay cả những quan điểm trình bày có logic, hợp tình, hợp lý cũng bị phán xét hoặc ngó lơ?
Tôi buồn vì sao người dân có ác cảm với giáo viên, với trường học, với ngành giáo dục đến thế?
Các vị có buồn không và vì sao lại ra nông nỗi này?
Chắc có lẽ ai cũng biết mà không cần nói thêm!
Cha, mẹ tôi là giáo viên, từ nhỏ tôi luôn nghe cha mẹ tự hào: "Nghề giáo là nghề thiêng liêng và cao quý nhất trong tất cả các nghề".
Đến bao giờ ngành giáo dục mới hiểu và thay đổi để mỗi người thầy, người cô trở thành người thiêng liêng và cao quý như những ngày xưa cũ?”