Tờ trình của Bộ GD&ĐT cho rằng, trong thời gian qua, sự song trùng quản lý giáo dục và đào tạo giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ GD&ĐT đã gây ra những bất cập về quản lý, đi ngược với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Nhưng với góc nhìn của TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thì trước mắt phải giải quyết được sự bất cập trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Nếu dựa theo Luật Giáo dục hiện tại và Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ còn những hạn chế? Vậy những hạn chế này là gì? TS. Lê Viết Khuyến cho biết:
Cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay về cơ bản không đáp ứng nhiều định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
PV: Thưa ông, cụ thể những hạn chế đó là gì?
TS. Lê Viết Khuyến: Toàn hệ thống không có sự nhất quán do khối Giáo dục nghề nghiệp được tách riêng biệt. Do không phải là một bậc học nên không thể xem khối này nằm ở vị trí trên giáo dục trung học và dưới giáo dục đại học.
Ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trong khối đó cũng không có sự liên thông thực sự. Luật Giáo dục Nghề nghiệp quy định muốn được dự tuyển vào cao đẳng thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp THPT (hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT).
Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo (do 2 cơ quan Nhà nước khác nhau quy định).
Không có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO (ISCED 2011 ), thì các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục Nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của ISCED2011.
Thí dụ như, đối với trình độ trung cấp, tùy theo trình độ học vấn (văn hóa ) đầu vào của người học, nếu người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) thì người đó chỉ đạt được cấp độ 2 của ISCED (vì có thời gian đào tạo quá ngắn ), còn nếu người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thì người đó đã đạt được cấp độ 4 của ISCED.
TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung |
Nhưng theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì cả 2 loại người học đều có cùng một trình độ. Ngoài ra ISCED2011 cũng quy định trình độ cao đẳng phải thuộc về giáo dục đại học trong khi theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì cao đẳng không được xem thuộc giáo dục đại học.
Không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông. Việc rẽ nhánh học sinh sau THCS là lối đi vào “ngõ cụt” vì người học không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp THPT.
Do đó xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau THCS người học đều cố đi vào THPT. Còn sau THPT người học thường có xu hướng đi vào đại học vì nếu đi vào cao đẳng thì sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học (do cấu trúc chương trình ở hai trình độ này lại được hai bộ khác nhau quy định theo những định hướng khác nhau, rất khó liên thông với nhau).
Việc xã định cấu trúc hệ thống Giáo dục Việt Nam phải được dựa trên các cứ liệu gì, thưa ông?
TS. Lê Viết Khuyến: Có ba cứ liệu quan trọng đã được sử dụng để thiết kế sơ đồ cấu trúc này là:
Thứ nhất, những định hướng cơ bản của Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Giáo dục nghề nghiệp nên ở bộ nào?(GDVN) - Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải, bởi thực tế câu chuyện xuất phát còn nằm ở những bất cập của Luật Giáo dục nghề nghiệp mà trước đó Quốc hội đã thông qua. |
Thứ hai, những định hướng cơ bản của Nghị quyết Chính Phủ 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt nam giai đoạn 2006-2020.
Thứ ba, Các nguyên tắc cơ bản của Phân loại giáo dục theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được UNESCO ban hành (ISCED 2011).
Thư ông, những năm trước đây Giáo dục Việt Nam có đặt mục tiêu thực hiện phân luồng và liên thông học sinh? Hậu quả của việc không thực hiện được phân luồng và liên thông này có ảnh hưởng gì tới cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và hệ thống giáo dục nghề nghiệp?
TS. Lê Viết Khuyến: Từ nhiều năm qua chủ trương thực hiện phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT đã được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Thí dụ như cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục xác định sau giáo dục mầm non (dưới 6 tuổi) sẽ đến giáo dục tiểu học (5 năm), trung học cơ sở (4 năm), sau đó đến THPT (3 năm) hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (3-4năm), rồi cao đẳng, đại học và sau đại học.
Việc phân luồng này có vẻ tương đối hợp lý, nhưng trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp Trung ương và cấp Địa phương) lại mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng trung học phổ thông và chặn luồng học lên đối với các hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề (thể hiện ở các quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng), trong khi ở các nước, học sinh học hệ trung học nghề vẫn được quyền học lên các bậc học cao hơn.
Kết quả là, theo thống kê giáo dục năm 2010-2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động.
Chính tỉ lệ nhập học THPT cao đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên cao đẳng, đại học (mặc dù tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam vẫn còn ở dưới mức trung bình của thế giới), cũng như nhiều rắc rối khác có liên quan tới sự quá tải của các kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học hàng năm.
Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người và Hội khuyến học Việt Nam. |
Hậu quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở là trong nhiều năm qua Việt Nam chỉ có được nguồn nhân lực quá thấp kém về trình độ nghề nghiệp.
Vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp chuyên nghiệp), hoặc ở mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp), hoặc ở mức vượt quá trình độ công nghệ hiện tại của đất nước (như ở hệ cao đẳng nghề).
Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2011 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (từ 15 tuổi trở lên), có đến 84,6% không có trình độ chuyên môn- kỹ thuật, 4% qua dạy nghề, 3,7% trung cấp chuyên nghiệp, 1,7% cao đẳng và 6,1% đại học.
Kết quả đánh giá tổng hợp nguồn nhân lực của Tổ chức BERI (Business Enviroment Risk Intelligence) từ lâu cũng đã xếp Việt Nam vào nhóm nước cuối cùng, nhóm nước có kỹ năng nghề nghiệp ở dưới mức tiêu chuẩn.
Với cơ cấu trình độ nhân lực như vậy Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, để cùng với giáo dục đại học truyền thống, hình thành nên nền giáo dục sau trung học hoặc giáo dục bậc ba.
Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập với nhau.
Việc tách trình độ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó.
Vậy, để tạo ra tiền đề cho việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trước mắt chúng ta cần phải làm gì?
TS. Lê Viết Khuyến: Trước mắt cần phải thực hiện các công việc như sau:
Thứ nhất, tập trung quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo về cùng một đầu mối như rất nhiều nước đã làm (thí dụ như trong Bộ Giáo dục của Thái Lan có 3 Tổng cục là: giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề).
GS Hồ Ngọc Đại: Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau sẽ có một dân tộc khác(GDVN) - Công nghệ giáo dục là lấy trẻ em làm trung tâm chứ không phải thầy giáo. Học là chơi chứ không phải vật lộn đau khổ. Học không thi cử, không chấm điểm. |
Thứ hai, thiết kế khung chương trình tổng thể cho các hệ giáo dục phổ thông (bao gồm: giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) và hệ trung học nghề.
Thứ ba, thực hiện cơ chế phân cấp quản lý về giáo dục – đào tạo cho các địa phương và các cơ sở giáo dục (về ngành nghề, nội dung chương trình, mạng lưới cơ sở giáo dục…) bám sát cơ cấu chuyển dịch kinh tế và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, cũng như ở tầm quốc gia.
Thứ bốn, tổ chức lại hệ thống giáo dục các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, các cơ sở dạy nghề ở địa phương để hình thành nên 2 loại trường cơ bản là trung học phổ thông và trung học nghề.
Theo thống kê giáo dục 2013, Việt Nam hiện có 2.669 trường trung học phổ thông trong khi chỉ có 295 trường trung cấp chuyên nghiệp và 303 trường trung cấp nghề.
Do đó, để có sự phân luồng khoảng hơn 30% học sinh tốt nghiệp THCS, không phải chỉ chuyển mục tiêu đào tạo cho các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề để trở thành các trường trung học nghề mà còn cần hợp nhất một lượng rất lớn các trường THPT với các trung tâm dạy nghề tại địa phương (có khoảng 869 trung tâm) để chuyển các trường này thành trường trung học nghề.
Ban hành chính sách khuyến khích người học đi theo luồng trung học nghề bao gồm các ưu đãi về chính sách tuyển sinh, học phí, học bổng… Cần kiên quyết siết chặt chỉ tiêu đối với hệ THPT.
Trân trọng cảm ơn ông.