Ngày 23/6, tờ Khmer Times đưa tin, trong chuyến thăm tuần trước tới tỉnh Koh Kong, Tây Nam Campuchia, ông Hun Sen đã bị cảnh sát giao thông tỉnh này xử phạt vì lỗi lái xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Tin này lập tức được chuyển tải trên mạng xã hội.
Đến ngày hôm sau, nhiều báo điện tử mới đăng lại. Chậm nhất là VTV cũng đã kịp phát trên sóng truyền hình đến vài lần như một tin hot.
Thủ tướng Hun Sen đèo người xe ôm mà không mang mũ bảo hiểm - Ảnh: Khmer Times |
Không hot sao được. Thủ tướng xứ người bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm luật giao thông mà. Chuyện đúng là vô tiền khoáng hậu.
Hãy xem nội dung biên bản xử phạt mà một viên cảnh sát ghi lại: "Một người lái xe máy tên Hun Sen đã phạm vào luật 6, bộ luật giao thông đường bộ Campuchia, và phải nộp phạt 15.000 riel (khoảng 80.000 VNĐ)".
Quý vị lưu ý, viên cảnh sát ghi "một người lái xe máy tên Hun Sen" chứ không phải ông Thủ tướng Hun Sen phạm luật nhé.
Trong con mắt viên cảnh sát đang thực thi luật pháp, chỉ có ông Hun Sen - công dân. Mà đã là công dân thì đều phải bình đẳng trước pháp luật.
Vì thế, viên cảnh sát không hề đắn đo khi lập biên bản xử phạt thủ tướng, càng không có chuyện lấy điện thoại ra để "thỉnh" ý kiến cấp trên của mình, hẳn là thế.
Phán quyết của PCA là cơ hội để Trung Quốc rút lui trong danh dự(GDVN) - Chúng ta cần nói thẳng với Trung Quốc: Thứ nhất, Việt Nam cũng như các nước không bị lệ thuộc vào Trung Quốc không chấp nhận đường lưỡi bò. |
Còn ông Hun Sen thì vui vẻ chấp nhận hình phạt.
Thủ tướng Campuchia cũng đã công khai xin lỗi công chúng.
Trên trang cá nhân của mình, ông Hun Sen khẳng định sẽ nộp phạt cho mình cũng như cho người ngồi sau và là chủ của chiếc xe máy mà ông đã cầm lái.
Người thi hành công vụ thì vô tư, khách quan, công bằng dù anh ta chỉ là một viên cảnh sát quèn.
Người vi phạm thì nghiêm chỉnh chấp hành dù ông ta đang ở đỉnh cao quyền lực của quốc gia.
Cả hai đều cho công chúng thấy, thượng tôn pháp luật là trên hết. Bài học vỡ lòng ấy không phải ai cũng nhớ.
Và với vụ "vi phạm" pháp luật hi hữu này, ông Hun Sen đã đạt được mục đích của mình.
Đó là bài học, là thông điệp mà ông muốn gửi đến dân chúng.
Một bài học thấm thía lòng dân mà không cần phải thuyết lí dài dòng: Bài học tự mình nêu gương.
Đến đây, tôi nghĩ, chắc gì ông Hun Sen đã phạm luật bởi đơn giản ông là Thủ tướng chính phủ.
Lí do khiến tôi có ý nghĩ chẳng giống ai là ở chỗ tôi đã từng tham quan đất nước Campuchia trong một chuyến du lịch đến cố đô Xiêm Riệp hồi năm ngoái.
Trong chuyến đi ấy tôi chú ý quan sát thì thấy ở Xiêm Riệp cũng như ở các thành phố, thị xã khác mà mình ghé qua dọc đường, rất ít người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Tôi đem chuyện này hỏi hướng dẫn viên người Khơme thì được biết việc chấp hành đội mũ bảo hiểm ở Campuchia không nghiêm ngặt như Việt Nam.
Trên đường phố cũng rất ít khi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của người dân.
Trong khi đó thì tai nạn giao thông không chừa một ai.
Vì thế tôi nghĩ, ông Hun Sen muốn "vi phạm" luật giao thông đường bộ để "thức tỉnh" ý thức chấp hành luật pháp của người dân cũng như lực lượng chức năng thi hành công vụ.
Đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để ông gửi đến dân chúng thông điệp mang ý nghĩa sâu xa nhưng rất thiết thực của mình.
Ông đã bắn một mũi tên trúng hai ba đích.
Từ khi thông tin ông bị xử phạt được đăng tải, chẳng ai chê trách, phê phán ngài Thủ tướng trong việc này cả mà trái lại, hoan nghênh ông, khâm phục ông đã tôn trọng luật pháp với tư cách một công dân.
Hãy thượng tôn pháp luật!
Đó là thông điệp mà ông Hun Sen - đương kim Thủ tướng Campuchia gửi đến dân chúng bằng chính hành động có một không hai của mình.