Chiếc Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng, mang biển số xanh 95A-0699, gây nhiều chú ý trong dư luận tuần qua do giá trị ô tô vượt tiêu chuẩn Nhà nước bố trí cho cán bộ cấp tỉnh.
Ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết, xe này do ông mượn của người bạn, ban đầu có biển kiểm soát màu trắng 29A-79093.
Một năm trước khi được phân công về Hậu Giang làm
Ai là người cho Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn xe siêu sang? |
Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2016, ông đã mang từ Hà Nội vào sử dụng.
"Khi đó Hậu Giang còn khó khăn, chưa thể bố trí xe công vụ nên tôi mượn xe bạn để đi lại, phục vụ công tác.
Biển số xanh gắn cho xe đã được lãnh đạo tỉnh đồng tình và Công an tỉnh cấp cho tôi để thuận tiện công việc.
Nay có dư luận không tốt thì tôi trả lại", ông Thanh nói và cho biết sẽ không yêu cầu tỉnh cấp xe công vụ vì địa phương còn nghèo (Vnexpress.net hôm 1/6 thông tin).
Chiếc xe trị giá nhiều tỷ đồng mà ông Trịnh Xuân Thanh nói "mượn" của bà con bên vợ. ảnh: Tuổi trẻ. |
Xem ra, chiếc xe Lexus dùng làm phương tiện di chuyển của vị Phó Chủ tịch Hậu Giang vừa được đổi từ biển trắng thành biển xanh 95A-0699, cũng được cấp ... đúng quy trình, như cách trả lời của ông Trần Công Chánh - Bí thư tỉnh này.
“Sau khi ông Thanh mang xe vào, lãnh đạo tỉnh thấy rằng nếu ông Thanh dùng chiếc xe mang biển số trắng đi làm việc cũng không tiện, nên đã đề nghị phía Công an tỉnh cấp tạm một biển số xe công để ông Thanh tiện đi lại, làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tôi thấy việc này là bình thường dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe Nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ĩ”, ông Chánh nói.
Nếu theo cái lý của vị Bí thư tỉnh Hậu Giang, lẽ ra, việc làm của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh này phải đáng được biểu dương.
Hay nói cách khác, đây có thể coi là một tấm gương điển hình tiên tiến về tinh thần tiết kiệm nhân sách, cần được nhân rộng.
Thế thì người ta cần gì phải ầm ĩ đến mức như vậy?
Ông Trịnh Xuân Thanh, ảnh moit.vn |
Nhưng dư luận không phải không có cái lý của mình, bởi xét cho cùng thì "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật", và những gì mà các vị đang cố tình bảo vệ cho cái lý của nhà "quan", chẳng khác nào như đổ thêm dầu vào lửa.
Sự việc sẽ chẳng có gì ầm ĩ như cách ông Chánh nói nếu chiếc xe Lexus cá nhân kia không bị thay đổi biển số theo kiểu... chẳng giống ai như vậy (từ biển trắng, sang biển xanh).
Cũng chẳng có gì ầm ĩ nếu ông Phó Chủ tịch nhận sai sót và công khai xin lỗi nhân dân về hành vi “khác thường” của mình.
Bởi chẳng có quy định nào của pháp luật cho phép xe tư nhân mang biển số xanh cả.
Hay theo cách nói của nguyên cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an): "Việc cấp biển số này (biển xanh) mà không thực hiện các thủ tục mua bán, cho, tặng là sai với trình tự thủ tục đăng ký xe.
Biển số chứ có phải cái quần cái áo đâu mà cứ thay liên tục được", (Giáo dục Việt Nam hôm 5/6).
Trớ trêu thay, chính là Công an Hậu Giang, cơ quan nắm quyền thực thi xử lý sai phạm luật pháp lại vi phạm "điều cấm" này.
Lạ hơn, một lãnh đạo đứng đầu tỉnh Hậu Giang như ông Chánh lại “ủng hộ” cho thuộc cấp của mình sử dụng biển số xe sai quy định thì đúng là chuyện cười ra nước mắt còn gì.
Nhưng hình như trong sự việc này quan nghĩ về quan “thoáng” hơn so với những gì mà chức vụ, vị trí đòi hỏi người ta cần phải thực hiện.
Hãy tưởng tượng, nếu quan chức của tỉnh nào cũng làm chuyện "khác thường" như vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang (dùng xe xịn, đổi biển) thì đất nước sẽ ra sao?
Nhân dân có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào vị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nếu như họ không làm đúng pháp luật(?).
Và khi đó, thượng tôn pháp luật có còn được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền?