Trung Quốc với chiến lược thống trị thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam

30/06/2016 09:48
Ngọc Việt
(GDVN) - Việc Trung Quốc gia tăng mua cá tra quá lứa tại Việt Nam sẽ nhanh chóng biến họ trở thành khách hàng chiến lược, cho dù có thể sản lượng không lớn.

Ngày 28/6, VTV khuyến cáo nông dân nuôi cá tra cần thận trọng với việc thương lái Trung Quốc đột ngột mua cá tra quá lứa của Việt Nam với giá cao hơn khoảng 1.000VND đến 2.000VND/kg so với cá tra thu hoạch đúng lứa – đủ tiêu chuẩn xuất khẩu – bởi đây có thể được xem là một điều bất thường đáng nghi ngại. 

Như người viết từng phân tích, trong quan hệ làm ăn tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới, thỉnh thoảng thương nhân Trung Quốc lại tạo ra “những cơn sốt mơ hồ” .

Thông qua việc gia tăng mua một mặt hàng nào đó với số lượng và giá cả tăng đột biền, Trung Quốc có mục đích làm thiệt hại cho kinh tế các nước ở tầng nấng nấc thấp nhất – người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Nhưng thiệt hại do thủ đoạn này của Trung Quốc gây ra lại cực kỳ lớn cho cả nền kinh tế.

Thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn tỉ trọng cấu thành giá thành sản phẩm cá tra. Ảnh: laodong.com.vn.
Thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn tỉ trọng cấu thành giá thành sản phẩm cá tra. Ảnh: laodong.com.vn.

Tuy nhiên, theo người viết thì dấu hiệu của việc tăng giá mua cá tra quá lứa lần này tại Việt Nam không phải khởi đầu cho một “cơn sốt”, cho dù nó cũng rất “mơ hồ”. Vậy phía sau sự khác thường này là gì? 

Chiến lược thống trị thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam

Xin phép được bắt đầu từ cơ cấu của chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu. Theo tài liệu của vasep.com.vn, trong cơ cấu giá thành nguyên liệu cá tra thì: chi phí cho thức ăn chiếm từ 76,9% đến 81,0%, chi phí cho thuốc và hoá chất chiếm tử 4% đến 5%;

Chi phí cho con giống chiếm từ 7,5% đến 8%, chi phí lãi vay chiếm từ 4% đến 9,5%, chi phí khác chiếm từ 2,0% đến 2,1%. Như vậy là chi phí cho thức ăn đã chiếm tới 4/5 giá thành nguyên liệu cá tra Việt Nam.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, cả nước nhập khẩu lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu trị giá tới 3,252 tỷ USD và bạn hàng lớn nhất cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam là Argentina với trị giá trị đạt 1.326 tỷ USD, chiếm 40,8% tổng giá trị.

Ngoài ra Hoa Kỳ chiếm hơn 413 triệu USD, Trung Quốc hơn 261 Triêu USD, Italy hơn 220 triệu USD, Brazil hơn 214 triệu USD, Ấn Độ khoảng 138 triệu USD.

Còn theo tài liệu Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2015, giá trị nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 1,38 tỷ USD, tăng 14,5% so cùng kỳ năm 2014.

Trong đó Argentina chiếm 36,2%, Mỹ là 19,5%, Trung Quốc 7,7% và 5 tháng đầu năm 2016 giá trị nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,16 tỷ USD giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2015, song lượng nhập từ Argentina lại tăng, và chiếm tỷ trọng đến 46,7%, còn lại lượng nhập từ các thị trường khác thì giảm như Hoa Kỳ chỉ còn chiếm tỷ trọng 11%, và Trung Quốc giảm còn 5,9%.

Như vậy là về mặt hàng thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn cho cá tra – yếu tố chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành nguyên liệu - lượng hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc chỉ chiềm từ 1/7 đến 1/5 so với số lượng nhập từ Argentina.

Cho dù chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 lượng hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc tăng tới 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Còn 5 tháng đầu năm 2016, trong khi lượng nhập từ Trung Quốc giảm 15,85%, thì Argentina lại tăng 5,05% so với cùng kỳ năm 2015.

Với thực tế này cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc đã gần như mất trọn thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam vào tay đối thủ Argentina.

Với tỷ lệ quá chênh lệch như trên, để có thể lật ngược thế cờ, qua đó chiếm lĩnh thị trường béo bở này, các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi Trung Quốc bắt buộc phải có chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ đến từ quê hương của vũ điệu tango.

Người Trung Quốc vốn muốn làm điều gì cũng phải nhanh chóng nên họ sẽ cạnh tranh bằng tổng lực.  

Trong kinh tế thị trường thì đầu ra của sản phẩm mang tính quyết định cho việc sản xuất – kinh doanh, mà hiểu nôm na là người mua quyết định việc người bán cần bán gì, bán như thế nào.

Người viết cho rằng, Trung Quốc sẽ triển khai chiến lược cạnh tranh thị trường thức ăn chăn nuôi trong sản xuất cá tra bắt đầu bằng việc tìm cách ảnh hưởng quyết định tới đầu ra của sản phẩm cá tra – thị trường tiêu thụ cá tra xuất khẩu của Việt Nam. 

Và có lẽ, đóng vai người mua dễ tính là một trong những cách tốt nhất tạo ra sức hút cho thị trường – điều mà thương nhân Trung Quốc đã nhiều lần vận dụng thành công và người viết đã phân tích chi tiết chiêu thức này trong bài “Quy trình ngược tinh vi”.

Trung Quốc với chiến lược thống trị thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam ảnh 2

Trung Quốc ngấm đòn "gậy ông đập lưng ông"

(GDVN) - Trung Quốc đã tham gia vào sân chơi của kinh tế thế giới thì phải tuân thủ luật chơi, nếu không sẽ lợi bất cập hại và có thể đến lúc mất cả chì lẫn chài.

Trong khi sản phẩm cá tra phụ thuộc quá nhiều vào tính mùa vụ, chất lượng cá tra nguyên liệu có thể thay đổi chỉ sau vài ngày quá lứa, cùng với đó là thiệt hại rất lớn cho người nuôi cá tra.

Có lẽ chỉ trong giấc mơ thì mới có chuyện người khác giúp mình chuyển lỗ thành lãi trong thời buổi hiện nay, khi mà nhà nước cũng chưa tìm ra cách nào khả thi để giúp người dân giảm thiệt hại.

Vậy mà thương nhân Trung Quốc đã "giúp" người dân nuôi cá tra tại Việt Nam hiện thực hoá giấc mơ ấy giữa ban ngày. Cá tra quá lứa bán được đã tốt lắm rồi, nay lại còn bán được giá cao hơn giá cá tra thu hoạch đúng lứa tứ 1.000 VND đến 2.000 VND/kg.

Như vậy là đầu ra của sản phẩm “cá tra quá Date” đã quá hấp dẫn đối với người nuôi cá tra và qua đó thương nhân Trung Quốc vô hình chung đã trở thành "ân nhân" với người nông dân nuôi cá tra tại Việt Nam.

Trong khi đó, trong danh mục các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam trên thị trường toàn cầu nói chung, tại Nam Mỹ nói riêng, thì Argentina chiếm thị phần quá nhỏ, thậm chí trong danh mục thị trường còn không có tên và sản lượng cá tra xuất khẩu vào nước này.

Thế là Trung Quốc đã tìm ra điểm bất lợi nhất của Argentina trong việc khống chế thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam – trong đó có thức ăn cho cá tra – và Trung Quốc sẽ khai thác triệt để điểm bất lợi ấy của đối thủ để biền thành lợi thế cho mình.

Việc Trung Quốc gia tăng mua cá tra quá lứa tại Việt Nam sẽ nhanh chóng biến họ trở thành khách hàng chiến lược, cho dù có thể sản lượng không lớn, nhưng lại cực kỳ quan trọng vì nó biến lỗ thành lời cho người nuôi cá tra.

Trong khi việc đó luôn chỉ diễn ra khi cá tra đã “quá Date” và nguy cơ thua lỗ lớn đã hiển hiện với người nuôi cá tra. Do vậy, người nuôi cá tra không phải thay đổi cách nuôi hay bất cứ điều gì mà vốn có thể nghi ngại đó là âm mưu gây hại của người Trung Quốc.

Việc mua cá tra quá lứa không giống như mua đỉa, là mãng cầu non hay râu bắp ngô non, móng trâu móng bò mà người Trung Quốc vốn đã tạo nên “những cơn sốt mơ hồ” gây thiệt hại cho người Việt Nam. 

Dường như chỉ có lợi, không có hại, vậy người dân Việt Nam – trực tiếp là người nuôi cá tra có tăng lượng mua thức chăn nuôi của Trung Quốc? Có lẽ câu trả lời không thể là không được.

Trong thời gian tới, những năm tới việc mua cá tra quá lứa có thể vẫn diễn ra và lượng thức ăn cho cá tra với nhãn hiệu “Made in China” cũng sẽ tăng lên trên thị trường Việt Nam.

Không khó đoán một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Argentina và Trung Quốc trong việc cung cấp mặt hàng béo bở này tại thị trường Việt Nam và phần thắng có thể sẽ nghiêng về người Trung Quốc.

Nhận diện mặt trái của vấn đề

Theo lẽ thường thì bất cứ sự kiện gì xảy ra trong cuộc sống đều có mặt trái của nó. Đối với những sự kiện do người Trung Quốc tạo ra thì nhiều khi hiệu ứng bởi mặt trái của sự kiện tác động còn lớn hơn mặt chính của sự kiện.

Việc thương nhân Trung Quốc tăng mua cá tra quá lứa với giá cao cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ được xem là mặt trái của nó. Theo cá nhân người viết thì có thể nhận diện 3 nguy cơ sau.

Thứ nhất là việc mua bán cá tra quá lứa diễn ra dễ dàng bởi người mua dễ tính khiến cho người nuôi cá tra chủ quan, xem nhẹ tính mùa vụ với tâm lý “cá tra quá Date” đã có người mua, vì vậy việc chậm trễ trong thu hoạch có thể sẽ diễn ra.

Điều này sẽ khiến cho sản lượng cá tra quá lứa tăng lên và áp lực bán cá quá lứa cũng tăng lên chẳng khác gì cá thu hoạch đúng lứa. Nguồn cung tăng, áp lực tiêu thụ tăng thì đương nhiên giá sẽ giảm. 

Mặt khác, khi người nuôi cá tra xem nhẹ tính mùa vụ sẽ khiến cho lượng cá thu hoạch đúng lứa có thể giảm đi, nguyên liệu cho xuất khẩu giảm, hoạt động sản xuất trong ngành chế biến thuỷ sản, trong đó có chế biến cá tra xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu nên có thể chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí thu hẹp sản xuất.

Hình minh họa: Internet.
Hình minh họa: Internet.

Thu nhập lao động xã hội giảm sút, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm, thậm chí có thể kéo theo rất nhiều hệ luỵ như vỡ nợ hay phá sản. 

Một động thái nguy hiểm có thể nhận diện nữa là việc “cá tra quá Date” được Trung Quốc tiêu thụ dễ dàng sẽ khiến cho người nuôi cá tra tăng giá bán với cá tra thu hoạch đúng lứa, qua đó làm cho chi phí giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không thể có lợi nhuận.

Tuy nhiên, khoản lợi do giá tra đúng lứa tăng chưa hẳn đã thuộc về người nuôi cá tra, bởi giá tăng thì lượng mua cá tra đúng lứa giảm, lượng cá tra quá lứa tăng và thương nhân Trung Quốc sẽ hạ giá mua “cá tra quá Date”. Thề là “của thiên trả địa”, người Việt Nam tự hại nhau trong tình huống này.

Thứ hai là sự nguy hại khi sản phẩm thức ăn cho cá tra “Made in China” chiếm số lượng lớn trên thị trường Việt Nam. Do Trung Quốc thường cạnh tranh không lành mạnh mà nguyên nhân là do sản phẩm giá rẻ, chất lượng kém nên thương nhân Trung Quốc không dám “mặt đối mặt” với đối thủ mà hay dùng chiêu bẩn để hạ gục đối thủ, khống chế đối tác.

Do tỷ trọng thức ăn và hoá chất chiếm tới 4/5 trong chi phí sản xuất nguyên liệu cá tra nên tác động của 2 thành phần này cũng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cá tra.

Có thể trong giai đoạn đầu của cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Argentina, chất lượng thức ăn cho cá tra của Trung Quốc không thua kém gì chất lượng của Argentina, song về lâu dài, khi thị phần của thức ăn chăn nuôi Trung Quốc tại Việt Nam đủ lớn thì chất lượng sản phẩm của Trung Quốc có thể thay đổi.

Có thể tỷ lệ các thành phần trong thức ăn chăn nuôi Trung Quốc sẽ thay đổi và không loại trừ có chất khiến cho cá sớm “quá Date”, lúc đó cá tra quá lứa sẽ tăng nhanh khiến người nuôi cá tra của Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào thương nhân Trung Quốc.

Và chắc chắn, giá cá tra quá lứa sẽ không còn giá “trong mơ” như hiện nay. Đặc biệt, chất lượng cá tra ảnh hưởng bởi chất lượng thức ăn rất lớn nên có thể chất lượng cá tra ăn thức ăn Trung Quốc sẽ có chất lượng khác biệt phần nào đó.

Sản lượng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc sẽ tăng, đồng thời các thị trường khác sẽ bị thu hẹp. Đây là nguy cơ của sự phụ thuộc, lệ thuộc khó tránh khỏi và cùng với đó là những thiệt hại không dễ đo lường.

Trung Quốc với chiến lược thống trị thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam ảnh 4

Việt Nam cần cẩn trọng thủ đoạn Trung Quốc đẩy ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài

(GDVN) - Các nước trên thế giới đã xem việc xử lý môi trường là tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy Trung Quốc đã có những cách thức vượt qua.

Thứ ba là tạo hình ảnh thân thiện của người Trung Quốc trong mắt người dân Việt Nam và phía sau đó là nhiều toan tính cho giấc mộng “Đại Trung Hoa”.

Xin nhắc lại rằng, ngày 18/7/2013, Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), đã công bố kết quả khảo sát tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc, trong đó có tới 26/38 nước, người dân không ưa người Trung Quốc. 

Tại một số quốc gia, số người dân không ưa Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất cao như tại Nhật Bản (89%), Hàn Quốc (79%), Úc (79%), Tây Ban Nha (85%), Ý (83%), Pháp (83%),  Anh (82%), Israel (79%), Jordan (71%), Thổ Nhĩ Kỳ (68%), Hoa Kỳ (60%), Kenya (77%), Nigeria (70%), Nam Phi (67%), Senegal (62%), Argentina (71%) và Chile (65%).

Không khó nhận diện trong thời điểm hiện nay, ở Việt Nam, số người không ưa Trung Quốc cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tại Việt Nam, tâm lý Trung Quốc đi đến đâu, ở đâu, làm gì gì luôn gây hại cho người Việt đã gần như một mặc định.

Vì vậy, phải làm gì để cải thiện hình ảnh, để thay đổi suy nghĩ của người Việt Nam đã gần như một sách lược của Trung Quốc và mọi thành phần người Trung Quốc khi đến Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội có thể thể hiện được điều ấy.

Việc "giúp" người nuôi cá tra Việt Nam giải quyết lượng cá tra qua lứa là một trong những việc làm có thể cải thiện tình hình đó. Bởi lẽ, tất cả nguy cơ hay tác hại từ việc mua cá tra quá lứa không xảy ra ngay nên người dân Việt Nam không dễ nhận diện để phản ứng phòng ngừa.

Qua một thời gian không thấy tác hại thì sự nghi ngờ sẽ được giải toả và sự thân thiện với người Trung Quốc đã có cơ hội, ít nhất trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam sẽ là: “người Trung Quốc đến Việt Nam cũng có người tốt, người xấu” và người đang mua giúp cá tra quá lứa giá cao có thể được xem là người tốt.

Xin được lấy một ví dụ cho việc dễ tính của người Trung Quốc khi mua hàng “quá Date” để chứng minh cho những nguy cơ được nhận diện trong việc thương nhân Trung Quốc mua “cá tra quá Date” không chỉ là một lời cảnh báo, mà đã có người phải trả giá vì chuyện này.

Đó là trường hợp doanh nghiệp XC của doanh nhân mà người viết đã từng đề cập trong một số bài viết, đã trực tiếp trải nghiệm những ngón đòn trên thương trường khi bán hàng gỗ thủ công mỹ nghệ cao cấp cho khách hàng Trung Quốc.

Có lẽ trong nghề gỗ thì ai cũng biết, mặt hàng gỗ cao cấp màu sắc sản phẩm càng gần với màu tự nhiên của gỗ là càng đẹp, càng giá trị. Khi đó, ông XC có một số hàng tồn lâu ngày khiến cho màu sắc không còn đẹp – xuống màu, sậm màu.

Ông XC rất vui khi khách hàng Trung Quốc mua toàn bộ số hàng tồn và đặt thêm nhiều hàng hoá cũng sơn màu sậm như số hàng tồn đó. Phủ sơn màu sậm thì dễ hơn rất nhiều là làm sao sản phẩm có màu tự nhiên vì các chi tiết luôn khác màu nhau, khiến cho sản phẩm không đồng màu.

Vì khách hàng Trung Quốc đặt thì nhiều nên những đơn hàng khác bị doanh nghiệp XC từ chối. Nhưng khách Trung Quốc chủ yếu kiểm hàng “bằng mắt bằng tay” vì vậy hầu hết hàng đặt thêm không được khách hàng Trung Quốc nghiệm thu.

Với tình thế đó, bán ra thị trường không được vì màu quá sậm nên hoặc là sơn lại, hoặc là bán rẻ như bèo- kiểu gì cũng lỗ. Ông XC chọn cách thứ hai – bán rẻ - và người mua lại là một người Trung Quốc khác, kiểu gì cũng lỗ.

Sau đó, quay lại thị trường cũ thì đã mất đi nhiều khách hàng, thiệt hại quá lớn cho một phi vụ bán hàng “quá Date” cho người Trung Quốc. 

Tóm lại, việc thương nhân Trung Quốc mua cá tra quá lứa giá cao có thể như một mũi tên hướng vào nhiều đích mà hiệu ứng của nó thì chưa thể đó lường.

Ngọc Việt