Bloomberg ngày 15/6 cho biết, Morgan Stanley Capital International (MSCI) – định chế xây dựng chỉ số chứng khoán cho thị trường quốc gia và quốc tế đã hoãn đưa các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đại lục vào hệ thống chỉ số chứng khoán mới nổi của MSCI quốc tế, khiến cho Bắc Kinh cực kỳ thất vọng.
Bởi lẽ điều này giáng mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh thống trị kinh tế thế giới qua “ngả” quốc tế hoá đồng nhân dân tệ.
“Lãnh đạo Trung Quốc có vẻ giống như một người bị bạn gái bỏ rơi sau khi MSCI một lần nữa không đưa cổ phiếu nội địa Trung Quốc vào rổ chỉ số chứng khoán của thị trường mới nổi. Một cơ quan quản lý phàn nàn rằng chỉ số MSCI là không đầy đủ nều không cần tới thị trường chứng khoán Trung Quốc.” Bloomberg bình luận.
Còn Tân Hoa Xã ngày 15/6 thì khuyến cáo: "Các nhà đầu tư quốc tế không nên cố gắng cho ra một kịch bản hoàn hảo".
Các chỉ số của MSCI được xây dựng cho các thị trường chứng khoán quốc tế và quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển, các nước đang phát triển và chỉ số cho các khu vực.
MSCI xây dựng các chỉ số theo các tiêu chí thống nhất, giúp cho giới phân tích và những người quan tâm có cơ sở đáng tin để nhận diện thực trạng của các thị trường chứng khoán trên thế giới là tiêu cực hay tích cực, ảm đạm hay triển vọng, từ đó quyết định việc đầu tư của mình.
Như vậy là có chỉ số MSCI quốc tế, có MSCI châu Á…Và vụ việc đối với Trung Quốc vừa rồi là liên quan đến MSCI quốc tế - nghĩa là những giao dịch trên thị trường chứng khoán nội địa thanh toán bằng đồng nhân dân tệ không được sử dụng làm cơ sở để xem xét khi xây dựng MSCI quốc tế.
Hiểu nôm na việc mua bán những loại cổ phiếu xác định giá trị bằng nhân dân tệ tại thị trường chứng khoán Trung Quốc là của riêng nước này.
Dù kinh tế Trung quốc có quy mô lớn thứ hai thế giới, nhưng đồng tiền của Trung Quốc thì lại không có nhiều người muốn sử dụng. Ảnh: Internet. |
Điều đó đồng nghĩa với việc đồng tiền của Trung Quốc hầu như chỉ có giá trị thanh toán tại Trung Hoa lục địa, cho dù đã được IMF xếp vào 5 loại tiền tệ phổ biến trong thanh toán quốc tế.
Nó gây nguy hại rất lớn cho nền tài chính Trung Quốc nếu như có hỗn loạn trên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ lúc đó chỉ có đồng nhân dân tệ mới cứu được thị trường này và hiện tượng bốc hơi tài sản qua việc mất giá của đồng nhân dân tệ là cực kỳ tệ hại.
Mức độ quốc tế hoá chỉ số chứng khoán bị kiềm chế, khả năng quốc tế hoá đồng nội tệ bị hạn chế khiến cho kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ trở thành bong bóng xì hơi rất nhanh mà không thể nào cứu vãn được.
Có thể hình dung việc ấy qua thực tế đồng Bolivar của Venezuela hiện nay, khi giá trị của nó theo tỷ giá hối đoái của nhà nước là 13 bolivar = 1 USD, nhưng giá trị thực trên thị trường tự do chỉ là 900 bolivar = 1 USD.
Khi có tiền nhưng không thể tiêu
Có thế thấy rằng, trong số những việc làm “chướng tai gai mắt” của Bắc Kinh thì việc chính phủ Trung Quốc thực hiện việc điều tiết biên độ trong tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ được xem là “gai mắt” nhất với giới đầu tư quốc tế.
Việc Bắc kinh kiểm soát và điều tiết đồng nội tệ theo ý muốn đã làm hại cho rất nhiều thực thể kinh tế - chính trị thế giới, bở lẽ nó tạo ra vị thế bất bình đẳng trục lợi cho kinh tế Trung Quốc trong một sân chơi bình đẳng của kinh tế toàn cầu.
Việc điều tiết đồng nhân dân tệ không theo cơ chế của thị trường tự do đã mang lại lợi đơn, lợi kép cho kinh tế Trung Quốc.
Với những phân tích về cơ chế điều tiết tỷ giá của Bắc Kinh qua những bài viết “Thế lực thống trị mới đang bắt đầu”, “Cốc mò cò xơi” hay “Tại sao Mỹ lo nền kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ”, người viết đã làm rõ những phi lý của sự bất bình đẳng mà Bắc Kinh dựa vào vị thế của kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu, để tác oai tác quái.
Trong vai người bán hay người mua, nhập khẩu hay xuất khẩu, kinh tế Trung Quốc đều hưởng lợi từ cơ chế điều tiết tỷ giá đồng nội tệ của chính phủ trung ương.
Thậm chí Bắc Kinh còn khai thác được lợi ích từ cả những biến động trên thị trường tự do vì sự tham gia quá sâu vào cơ chế tỷ giá, không để đồng nội tệ tự điều chính theo quy luật của thị trường tự do. Có thể thấy rằng, Bắc Kinh luôn làm lợi “trên đầu trên cổ” người khác qua tỷ giá phi lí của đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, khi tham gia vào sân chơi bình đẳng mà lại không tuân thủ luật chơi chung thì kinh tế Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi những điều lợi bất cập hại vì vi phạm luật chơi.
Có thể thấy rằng, kinh tế Trung Quốc không ngừng lớn mạnh trong một phần tư thế kỷ qua với phát triển nóng và đến nay kinh tế Trung Quốc đã có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, từ đó hình thành bộ ba “10.000 tỷ USD” trong nền kinh tế toàn cầu.
Từ những định chế tài chính được Trung Quốc thành lập hay khuyếch trương hoạt động, đến những công cụ tài chính được được Bắc Kinh sử dụng đều nhằm đưa đồng tiền của họ nhanh chóng có sức mạnh tương xứng với sức mạnh của nền kinh tế.
Song khả năng quốc tế hoá của đồng nhân dân tệ luôn rất hạn chế. Hơn 25 năm phát triển “rực rỡ” nhưng đồng tiền của Trung Quốc luôn nằm ngoài rổ tiền tệ phổ biến của hệ thống thanh toán quốc tế.
Sau bao nhiêu năm vật vã, thai nghén cùng biết bao sự can thiệp từ chính phủ Trung Quốc, mãi đến năm 2015 đồng nhân dân tệ mới được Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF công nhận là 1 trong 5 đồng tiền phổ biến nhất trong rổ tiền tệ của hệ thống thanh toán quốc tế, bên cạnh đồng đô la Mỹ, đồng euro, đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.
Mặc dù vậy, việc các thực thể kinh tế, các định chế tài chính – thương mại quốc tế sử dụng đồng nhân tệ vẫn rất hạn chế, thậm chí còn giảm đi.
Theo quyết định của Hội đồng Giám đốc IMF ngày 30/11/2015 và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2016, thì nhân dân tệ chiếm tỷ trọng 10,92% trong rổ tiền tệ của hệ thống thanh toán quốc tế.
Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc? |
Tỷ trọng của đô la Mỹ là 41,73%, euro là 30,98%, yên Nhật là 8,33% và bảng Anh là 8,09%. Trước đó, tỷ trọng của 4 đồng tiền cũ là USD, euro, bảng Anh và yên Nhật lần lượt là 41,9%, 37,4%, 11,3% và 9,4%.
Vậy nhưng theo Bloomberg ngày 16/6, nếu trong tháng 8.2015, đồng CNY chiếm 2,79% thanh toán toàn cầu và đồng USD chiếm 44,8%, thì trong tháng 4/2016 tỷ lệ thanh toán quốc tế bằng CNY chì cỏn ở mức 1,82%.
Hiểu nôm na là trên thế giới, trước quyết định của IMF, cứ 200 người thì khoảng 90 người dùng USD và chỉ khoảng 5 người dùng CNY, sau quyết định của IMF thì chỉ còn khoảng 4 người dùng CNY làm phương tiện thanh toán.
Tuy nhiên, có tới 3/4 các khoản thanh toán sử dụng CNY là giữa các doanh nghiệp tại Trung Quốc với nhau, và chỉ 1/4 các khoản thanh toán dùng CNY trong các giao dịch có một đối tác đến từ ngoài Trung Hoa đại lục hay Hồng Kông.
Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có 0,5% thanh toán bằng CNY thực sự được thực hiện ở phạm vi quốc tế, tức là chỉ có 1 trong số 200 người nước ngoài dùng CNY làm phương tiện thanh toán.
Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, nhưng Bảng tỷ giá ngoại tệ của Vietcombank, ngày 25/6/2 chỉ có: AUD (Đô la Úc), CAD (Đô la Canada), CHF (France Thuỵ Sĩ), DKK (Krone Đan Mạch), EUR (Euro), GBP (Bảng Anh), HKD (Đô la Hồng Kông), INR (Rupee Ấn Độ), JPY (Yên Nhật), RW (Won hàn Quốc), KWD (Dinar Kuwait), MYR (Ringgit Malaysia), NOK (Kroner Na Uy), RUB (Rúp Nga), SAR (Rial Ả-rập Xê Út), SEK ( Krone Thụy Điển), SGD (Đô la Singapore), THB (Bạt Thái Lan), USD (Đô la Mỹ). Không có CNY.
Ngay cả giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng không muốn dùng CNY khi kinh doanh ở nước ngoài. Biên lai ghi CNY tại các ngân hàng Trung Quốc giảm 60% từ tháng 8.2015.
Giới đầu tư nắm giữ tài sản Trung Quốc giảm đã 38%, FDI giảm 15%, khối ngoại đầu tư vào chứng khoán Đại lục lao dốc đến 61%. Từ tháng 3.2015, tiền gửi bằng CNY tại ba trung tâm lớn nhất ngoài Đại lục là Hồng Kông, Đài Loan và Singapore giảm 16%, tức 1.240 tỉ CNY (188 tỉ USD).
Như vậy là, dù kinh tế Trung Quốc có lớn mạnh như thế nào đi chăng nữa thì việc mua bán của họ với người nước ngoài luôn phải dùng đồng tiến khác để làm phương tiện thanh toán.
Điều này giống như kiểu mua nhà đất ở Việt Nam một thời trước đây, khi cầm tiền trong tay nhưng không thể hoàn tất việc mua bán nếu như không có vàng,mà phải là vàng SJC để thanh toán.
Trung Quốc có tiền mà gần như không thể giao dịch bên ngoài biên giới khiến cho giá trị của đồng CNY không thể thẩm định và sức mạnh của kinh tế Trung Quốc không thể khẳng định.
Tham thì thâm
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ra đời sau Đệ nhị Thế chiến và hầu như chỉ được sử dụng trong thị trường nội địa.
Vì vậy, quyết định công nhận đồng nhân dân tệ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một đồng tiền tự do sử dụng, và thêm nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của hệ thống thanh toán quốc tế cho thấy, IMF đã trợ giúp rất nhiều cho khả năng quốc tế hoá đồng tiền của Trung Quốc. IMF hy vọng Bắc Kinh tiếp tục triển khai nhiều biện pháp cải cách, theo nhận định của Bloomberg ngày 30/11/2015.
Có thể thấy rằng, quyết định của IMF là một động thái giúp Trung Quốc hội nhập sâu hơn với hệ thống kinh tế toàn cầu, vốn được thống trị bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.
Đây là lần đầu tiên các thành phần của rổ tiền tệ thanh toán quốc tế thay đổi kể từ năm 1999, khi euro thay thế mark Đức và franc Pháp trong rổ này. Đây cũng là một bước ngoặt lớn đối với vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính quốc tế.
Vậy nhưng, thực tế thì vị thế của CNY luôn bị thách thức từ khi IMF có quyết định lịch sử của mình qua sự sụt giảm liên tục tỷ lệ sử dụng trên thị trường thế giới.
Điều đó khiến cho quyết định của MSCI như một sự cộng hưởng ảm đạm cho khả năng quốc tế hoá của đồng nhân dân tệ trước khi quyết định của IMF có hiệu lực vào ngày 1/10/2016. Vì vậy, Bắc Kinh không thể không thất vọng trước quyết định này từ MSCI.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ là sân chơi tại Trung Quốc khi các chỉ số của nó chưa thể quốc tế hoá theo quyết định của MSCI. Ảnh: CNN. |
Và không chỉ thất vọng, Bắc Kinh còn chịu thiệt đơn thiệt kép khi tiền tệ không thể quốc tế hoá. Xin lấy một ví dụ để chứng minh.
Giả thiết, doanh nghiệp Trung Quốc nhập hàng của Việt Nam với trị giá D = 1 tỷ USD, nhưng trả bằng CNY, nghĩa là doanh nghiệp này phải bán CNY và mua USD tại ngân hàng Việt Nam để thanh toán cho chủ hàng.
Theo tỷ giá mua vào CNY của Techcombank ngày 25/6 là: 1CNY = 3.357VND và tỷ giá bán ra USD là: 1USD = 22.370 VND.
Như vậy D1 = 1 tỷ USD x 22.370 VND = 22.370 tỷ VNĐ.
Hay D1= 22.370 tỷ / 3.357 = 6,6637 tỷ CNY.
Trong khi đó tỷ giá trên thị trường tự do là 1USD = 6,6214 CNY.
Do vậy D2 = 1 tỷ USD x 6.6214 CNY = 6,6214 tỷ CNY.
Vì D1>D2 nên khách hàng Trung Quốc bị thiệt do tỷ giá và khoản thiệt hại là: L = D1 – D2 = 6.6637 tỷ CNY – 6,6214 tỷ CNY = 0,0423 tỷ CNY = 42,3 triệu CNY.
Hay L = 42,3 triệu CNY x 3.357 VND = 142 tỷ VND
Như vậy là cứ nhập khẩu 1 tỷ USD thì Trung Quốc thiệt hại 42,3 triệu CNY, trong khi năm 2015 nước này nhập khẩu gần 1.817,8 tỷ USD thì có thể thấy khoản tiền mà Trung Quốc phải “ói ra” khủng khiếp đến mức nào.
Đó là chưa tính tới trường hợp chênh lệch giữa tỷ giá điều tiết của Bắc Kinh và thị trường tự do tăng biên độ khi đồng CNY yếu hay mất giá do kinh tế suy giảm và thị trường ảm đạm.
Bắc Kinh hy vọng vớt vát được qua việc quốc tế hoá chỉ số chứng khoán của mình, nhưng MSCI đã lại một lần nữa ngăn chặn điều ấy.
Khi MSCI hoãn đưa cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đại lục vào hệ thống chỉ số MSCI quốc tế khiến cho việc vốn hoá giá trị cổ phiếu của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán quốc tế bị hạn chế rất nhiều. Cùng với đó là những khoản thiệt hại vẫn tiếp tục bị móc ra khỏi túi người Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc điều hành một hệ thống bán lẻ hàng giá rẻ, từng gây thiệt hại cho nhiều thương hiệu của Hoa Kỳ.
Nhưng thay vì buộc Alibaba phải đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý Hoa Kỳ đã cho phép công ty Alibaba được niêm yết trên sàn New York như những công ty của Hoa Kỳ.
Và đó cũng là mong muốn của Bắc Kinh đối với các công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán nội địa.
Tuy nhiên, khi hệ thống cổ phiếu nội địa của Trung Quốc nằm ngoài MSCI quốc tế thì điều đó là không thể. Do vậy, việc giao dịch chỉ diễn ra tại những sàn giao dịch chứng khoán đại lục và phương tiện thanh toán chỉ là CNY.
Trong khi khối ngoại đầu tư lao dốc, nghĩa là người nước ngoài mang USD vào thị trường Trung Quốc giảm đi, dẫn đến khan hiếm USD và Bắc Kinh phải dùng CNY mua USD để phục vụ cho các hoạt động kinh tế của mình.
Như vậy là từ thị trường hàng tiêu dùng đến thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, Trung Quốc luôn chịu thiệt thòi vì khả năng quốc tế hoá của CNY yếu kém, việc quốc tế hoá các chỉ số chứng khoán để giảm thiệt hại cho nền kinh tế thì MSCI liên tục chặn lại.
Điều đó khiến cho những khoản lợi bất chính mà Trung Quốc có được do vi phạm luật chơi, bị “ói ra” lại và chẳng khác gì “gậy ông đập lưng ông” đối với Bắc Kinh.
Đặc biệt nguy hại là với tỷ lệ “nội địa hoá” quá cao của CNY và các chỉ số chứng khoán, khiến cho kinh tế Trung Quốc như một mình một ngựa và khi “ngã ngựa” là không thể gượng dậy được.
Vì vậy, khi kinh tế Trung Quốc đã tham gia vào sân chơi của kinh tế thế giới thì phải tuân thủ luật chơi, nếu không sẽ lợi bất cập hại và có thể đến lúc mất cả chì lẫn chài, thậm chí khủng hoảng, sụp đổ.