"Chiều 11/7/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo kết luận một số nội dung kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của Ủy ban.
Kết luận liên quan đến một cá nhân - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và một tập thể - Ban Cán sự đảng UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2010-2015 (và một số cá nhân).
Nội dung thứ tư trong bốn nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh nêu rõ:
“Ủy ban Kiểm tra TW kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
- Chỉ đạo Ban Tổ chức TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ.
- Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu QH khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh”.
Kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra TW ngoài việc đề nghị Bộ chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo một số tổ chức Đảng từ Trung ương xuống địa phương còn có những vấn đề liên quan đến Quốc hội và các “cơ quan chức năng” khác.
Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra TW, với cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, mọi việc đã rõ ràng không thể biện minh gì thêm nữa. Vấn đề còn lại là cần làm rõ ba điều sau:
Thứ nhất: công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Thứ hai: Công tác quản lý Nhà nước trong các hoạt động kinh tế;
Thứ ba: công tác tổ chức cán bộ;
“Các cơ quan chức năng” mà Ủy ban Kiểm tra TW đề cập không chỉ là cơ quan hành pháp mà còn là các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… bởi đó chính là thành phần tham gia hiệp thương giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh làm ứng viên trong cuộc bầu cử ĐBQH vừa qua.Công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH đã được đề cập trong bài: “Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người?” [1] bài viết này chỉ thêm vài ý kiến.
PVC lỗ 3.200 tỉ thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn) |
Việc để lọt một cá nhân như Trịnh Xuân Thanh vào danh sách đề cử Đại biểu Quốc hội dẫn tới người này trúng cử với số phiếu khá cao cho thấy quy trình hiệp thương trước bầu cử cần phải được xem xét, hoàn thiện.
Người dân dường như đã quen với quy trình “Đảng cử, dân bầu” nên sẵn sàng tin vào danh sách những người đã qua hiệp thương đề cử bởi mọi cuộc hiệp thương đều dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng cơ sở.
Sự kiện ông Thái Văn Thu – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cù Lao Dung phân tích về trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, chuyên môn, nghiệp vụ của 5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội trong hội nghị do Huyện ủy tổ chức và nhấn mạnh (theo ý kiến cá nhân), rằng hai ứng viên “H.T.C.Đ và P.T.N có điều kiện hoạt động tốt hơn khi trúng cử” tuy chỉ là cá biệt song liệu có thể kết luận ý kiến của vị lãnh đạo Huyện ủy này không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử?
Quốc hội khóa 13 đã phải bãi miễn tư cách một vài ĐBQH, có đại biểu Quốc hội phát ngôn tùy tiện, thiếu chuẩn mực hay phát ngôn gây cười cho các đại biểu khác cho thấy công tác lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.
Ngoài ông Trịnh Xuân Thanh, liệu Quốc hội khóa 14 sẽ còn phải xử lý ai nữa là nỗi băn khoăn không chỉ của người viết mà của nhiều cử tri khác.
Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh(GDVN) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh. |
Công tác quản lý Nhà nước trong các hoạt động kinh tế được nhiều chuyên gia đánh giá là bị buông lỏng, yếu kém cả về pháp chế lẫn thực hiện.
Làm thất thoát của nhà nước gần 370 tỷ trong vụ án “ụ nổi”, Dương Chí Dũng bị kết án tử hình. Vụ gây thất thoát của Nhà nước gần 2.500 tỷ tại Ngân hàng Nông nghiệp Nam Hà Nội, bị cáo chủ mưu bị 30 năm tù. Số tiền liên quan đến vụ Huỳnh Thị Huyền Như là khoảng 4.000 tỷ, Huyền Như lĩnh án chung thân.
Có thể thấy mức án dành cho các bị cáo hình như không liên quan đến số tiền mà Nhà nước (thực chất là nhân dân) bị mất mát?
Trịnh Xuân Thanh liên quan đến số tiền thua lỗ hơn 3.000 tỷ, liệu sẽ có bản án nghiêm khắc như bản án dành cho Dương Chí Dũng trong tương lai hay sẽ có nhiều “tình tiết giảm nhẹ” khiến không cần phải lập phiên tòa?
Đại thi hào Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều:
“Hại một người cứu muôn người; Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng”.
Vậy có nên “cứu” một người mà “hại muôn người”, có nên bỏ ngoài tai những “lời phải chăng” cũng chẳng cần quan tâm đến “khinh” hay “trọng”?
Những sai phạm trong vụ Trịnh Xuân Thanh mà Ủy ban Kiểm tra TW nêu lên khiến vấn đề nổi cộm lâu nay là “Quy trình bổ nhiệm cán bộ” đang dần hé lộ những mảng tối sáng khác thường.
Người dân hiểu quá rõ “quy trình” bất thành văn: “hậu duệ – quan hệ – tiền tệ – trí tuệ” và truyền thông đã phanh phui nhiều vụ việc. Sau nhiều năm tháng chờ đợi, phải có ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì người dân mới tiếp cận được với một phần sự thật.
Như kết luận của Ủy ban Kiểm tra TW, ông Trịnh Xuân Thanh “không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khóa 11”.
Vụ án Phạm Công Danh: Quyết tâm làm trong sạch môi trường ngân hàng(GDVN) - Gần tròn hai năm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) được cơ quan chức năng phanh phui. |
Để có thể làm trái Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị, những cá nhân, tổ chức liên quan phải có sức mạnh ghê gớm, vừa lấn át chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa che mắt truyền thông và dư luận xã hội.
Nói thế vì chỉ sau khi vụ “biển xanh - biển trắng” được công khai người ta mới lần giở đến quá trình công tác và bước thăng tiến trên con đường quan lộ của nhân vật này.
Xử lý vụ việc Trịnh Xuân Thanh không thể chỉ dừng ở việc xử lý cá nhân đương sự.
Người dân mong và ủng hộ Tổng Bí thư sẽ đi đến cùng vụ việc này. Cần làm rõ mấy vấn đề sau:
Thứ nhất: tổ chức, cá nhân nào đã ỉm đi vụ việc thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)? Vì sao nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự, riêng ông Trịnh Xuân Thanh lại không hề hấn gì?
Thứ hai: Bằng cách nào ông Trịnh Xuân Thanh trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang?
Ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết việc luân chuyển của ông Trịnh Xuân Thanh là do tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ Công Thương. Nguyên văn lời ông Trần Lưu Hải như sau: “Cái này do thỏa thuận giữa Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang”. [2]
Có thể ông Trần Lưu Hải ngại không nêu đích danh bởi lẽ Bộ Công Thương không thể cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh, đó là quyền của Thủ tướng.
Sự thỏa thuận - theo lời ông Hải - giữa Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang liệu có cho thấy những “nhóm lợi ích”, những thế lực ngầm đang chi phối công tác cán bộ, lĩnh vực quyết định sự thành bại các chủ trương, đường lối của Đảng?
Trong trường hợp này, tổ chức Đảng và chính quyền tỉnh Hậu Giang không thể vô can, không phải ngẫu nhiên mà họ “thỏa thuận” nhận ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch tỉnh.
Không có sự bật đèn xanh, nói thẳng là sự can thiệp ở những cấp có thẩm quyền, liệu Hậu Giang có “vô tư” bổ nhiệm một Phó Chủ tịch tỉnh mà Bộ Công Thương “gửi” từ Hà Nội vào?
Nếu tổ chức Đảng và Chính quyền Hậu Giang thực sự là “trong sạch, vững mạnh” liệu họ có phải nhún nhường trong việc tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh về tỉnh mình công tác?
Tiếng trống dân oan Quảng Văn Đình, tiếng trống Tổng Bí thư ở Ba Đình(GDVN) - Ngày xưa, Dân đánh trống, Quan giải quyết, đó là phép nước, đó là đạo trị quốc. |
Thứ ba: vai trò của cá nhân và các cơ quan Tổ chức, Nội vụ, Kiểm tra, Thanh tra nhiệm kỳ cũ đến đâu trong vụ việc này? Có phải đó chỉ là sự buông lỏng quản lý, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ hay còn là sự “thông cảm, tiếp tay”, thậm chí là che mắt “cấp có thẩm quyền” phê duyệt chức danh Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang cho ông Trịnh Xuân Thanh?
Người dân hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai vụ việc liên quan đến các cá nhân Trịnh Xuân Thanh và Phạm Công Danh.
Hai vụ này liên quan đến công tác cán bộ và hoạt động kinh tế, hy vọng trong tương lai Tổng Bí thư sẽ quan tâm đến những vấn đề mà báo chí đề cập rất nhiều trong các lĩnh khác như Tư pháp, Hành pháp…
Liệu người dân có thể gửi niềm tin vào các cơ quan này khi trùm xã hội đen chỉ bị kết án hai năm tù còn hai thanh niên bị đói cướp ổ bành mì thì có thể bị kết án từ 3-10 năm tù?
Lấy lại niềm tin của dân với Đảng không gì tốt hơn là nghiêm trị những kẻ chui vào Đảng nhằm đục khoét kiếm lợi cho bản thân, gia đình, dòng tộc, đó chính là những kẻ đang bán rẻ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nương nhẹ với họ cũng chính là hạ thấp uy tín của Đảng, chính là sự phá hoại Đảng từ bên trong!
Những hình thức xử lý, kỷ luật áp dụng lâu nay không có tác dụng răn đe, không làm cho bọn tội phạm khiếp sợ.
Chỉ bằng cách tiêu diệt những “bầy sâu” đang làm mục ruỗng xã hội, cuộc chiến chống giặc nội xâm mới có thể thắng lợi.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Xem-xet-tu-cach-Dai-bieu-Quoc-hoi--lieu-chi-co-mot-nguoi-post168628.gd
[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-trinh-xuan-thanh-khong-nam-trong-quy-hoach-luan-chuyen-1015676.tpo