Hãy bắt đầu bằng những trả lời chính thức của ông Vũ Huy Hoàng về việc con trai là Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) năm 25 tuổi và làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rượu rượu, bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm 28 tuổi.
Vị cựu Bộ trưởng khẳng định, việc bổ nhiệm con trai làm Phó Tổng Giám đốc và thư ký riêng là ông Võ Thanh Hà làm Chủ tịch HĐQT không phải do ông đề xuất mà là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình.
Ông Hoàng cũng cho biết, vào thời điểm cuối năm 2014, HĐQT của Sabeco mà trực tiếp là Chủ tịch HĐQT (lúc đó là ông Phan Đăng Tuất) có công văn gửi lãnh đạo và ban cán sự Bộ Công thương nói rằng, tình hình kinh doanh của đơn vị hoạt động bình thường nhưng bộ máy chưa được kiện toàn.
"Ông Trịnh Xuân Thanh nên từ chức, rút khỏi danh sách Đại biểu Quốc hội" |
Trong khi nguồn tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu nên tổng công ty đề nghị Bộ cho phép xin đích danh Vũ Quang Hải cùng với một người tại chỗ nữa để kiện toàn bộ máy.
Thẩm quyền bổ nhiệm và đề bạt là của tổng công ty. Căn cứ đề nghị của Sabeco và tính đến các tiêu chuẩn, Bộ đồng ý cho Hải vào trong đó để Sabeco làm quy trình bổ nhiệm.
Một câu hỏi khác được đặt ra: Nhiều ý kiến cho rằng, vì anh Vũ Quang Hải có bố đang là lãnh đạo Bộ Công Thương nên mới được ưu ái bổ nhiệm làm lãnh đạo PVFI khi mới chỉ 25 tuổi và sau đó là lãnh đạo tại Sabeco?
Ông Hoàng trả lời rằng: "Cái đó thì người ta có quyền bình luận và là khía cạnh mình cũng phải rút kinh nghiệm. Nhưng ở đây có câu chuyện cụ thể. Lúc Hải làm ở dầu khí là do PVN quyết định, tôi không có ý kiến gì. Người ta cũng không hỏi tôi".
Trên Báo Tuổi trẻ, ông Vũ Quang Hải cũng đã giải thích về quá trình vì sao được đặt vào vị trí Giám đốc PVFI, sau này là Phó Tổng Giám đốc Sabeco.
Có điều quy trình chuẩn mà cả ông cựu Bộ trưởng và con trai của ông nói thì vẫn còn có điều gì đó khiến dư luận hoài nghi. Đấy là chuyện ông Vũ Quang Hải về Sabeco vào cuối năm 2014, mà tới tháng 1/2015 Sabeco mới có văn bản đề nghị bổ sung thêm cán bộ lãnh đạo cho tổng công ty vào tháng 1/2015.
Đến ngày 4/2/2015, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mới ký quyết định điều động ông về Sabeco, đề cử tham gia HĐQT. Một ngày sau (5/2), ông Tuất mới có tờ trình đại hội đồng cổ đông Sabeco xem xét lấy ý kiến.
Đó có phải là “quy trình chuẩn”, để người ta ngầm hiểu với nhau rằng, lãnh đạo bộ chủ quản đã ấn cháp xuống thì Sabeco cứ thế mà thực hiện?
Dù trả lời rành rọt rất nhiều chi tiết liên quan tới chuyện được bổ nhiệm tại PVFI và Sabeco, ông Hải lại không nhớ tình tiết này: “Tôi cũng không nhớ rõ ngày giờ…”!
Ông Hải còn nói: "Tôi hiểu là dư luận có ý rằng con quan thì lại làm quan, nhưng quan điểm của tôi là trong một đất nước do Đảng lãnh đạo, mọi thứ bình đẳng hết, cơ hội của mọi người là như nhau. Thật sự tôi không nghĩ đây là sự ưu ái, vì tất cả chúng ta đều bình đẳng hết".
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rằng, con trai ông là Vũ Quang Hải luân chuyển công tác về Sabeco là do đơn vị này có đơn tha thiết. ảnh: Tiền phong. |
Nếu như quy trình là chuẩn thì tại sao lại lòi ra các mốc thời gian lạ lùng như vậy?
Vì những điều lạ lùng ấy, dư luận hoàn toàn có lý khi đặt ra câu hỏi: Nếu ông Hải không phải con trai của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đương nhiệm lúc đó thì liệu có được "tạo điều kiện" để làm sếp ở PVFI, rồi sau này là Sabeco?
Nhìn ra thế giới, chuyện bố giữ chức vụ lớn, rồi sau này đến con cũng giữ một chức vụ lớn không hiếm. Có thể kể tới ông George H.W.Bush là Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Sau này, con trai của ông là George Walker Bush trở thành Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Hay ở Canada, ông Justin Trudeau sinh năm 1971, trở thành Thủ tướng thứ 23 của Canada vào năm 2015. Tức là chỉ mới 44 tuổi. Trước đó nhiều năm, bố của ông Justin là Pierre Trudeau cũng từng là Thủ tướng thứ 15 của Canada.
Ở Singapore, ông Lý Hiển Long là Thủ tướng, và trước đó thì bố đẻ là ông Lý Quang Diệu cũng từng làm Thủ tướng trong nhiều năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không đủ tiêu chuẩn mà ép đưa lên thì hỏng |
Họ trở thành những nhà lãnh đạo được cả thế giới ngưỡng mộ và điều duy nhất là họ được thừa hưởng ở cha mình đó là được nuôi dạy bài bản mà chúng ta quen gọi là “con nhà nòi”.
Những ông bố đóng vai trò trở thành “huấn luyện viên” cho cuộc đời của họ, chứ không có chuyện dùng quyền lực để sắp đặt vị trí cho con.
Trên thế giới cũng không thiếu những doanh nhân trẻ tuổi nổi đình nổi đám, trở thành tỷ phú khi tuổi đời chưa tới 30.
Đó là Evan Spiegel và Bobby Murphy – hai nhà sáng lập Snapchat; đó là Mark Zuckerberg - nhà sáng lập Facebook; đó là Julio Mario Santo Domingo III sở hữu cổ phần cổ phần tại SABMiller – hãng bia lớn thứ nhì thế giới; đó là Kevin Systrom - sáng lập Instagram; đó là Brain Chesk - sáng lập Airbnb...
Nếu Vũ Quang Hải đầy tài năng như vậy, làm sếp ở một doanh nghiệp không dính dáng gì đến vốn nhà nước thì sẽ chẳng có gì đáng bàn. Và khi chứng minh được năng lực thực sự như nhiều doanh nhân trẻ khác của Việt Nam thì hẳn việc các doanh nghiệp nhà nước mời ông Hải về làm quản lý cũng là chuyện bình thường.
Cái sự bình thường ở đây chính là năng lực của ông Hải được xã hội công nhận. Nó hoàn toàn khác với cái “bình thường” trong quy trình đề bạt bổ nhiệm ông Hải làm sếp ở PVFI hay Sabeco - là những doanh nghiệp có vốn nhà nước - Bộ Công thương là cơ quan quản lý cấp cao đối với những doanh nghiệp này.
Thế nên đã có người nói rằng, ông Vũ Huy Hoàng đã vẽ đường làm sếp cho con, bởi vì thông thường để ngồi vào vị trí Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (hàm Vụ Phó) thì phải thi công chức, rồi phải mất nhiều năm phấn đấu, chứng minh năng lực.
Nhưng khi đã được làm sếp ở PVFI rồi chuyển ngang sang “hàm Vụ Phó” tại Bộ Công thương thì dễ dàng hơn.
Người ta cũng đặt ra câu hỏi: Vũ Quang Hài tài cán cỡ nào mà được Sabeco tha thiết xin Bộ Công thương cho phép ngồi vào chiếc ghế Phó Tổng Giám đốc?
Dư luận rất có lý khi nêu ra những băn khoăn ấy khi mà một nhân vật khác là ông Võ Thanh Hà (sinh năm 1974), có một sự nghiệp gắn với Văn phòng Bộ Công thương, làm đến Chánh văn phòng kiêm Thư ký Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Sabeco (thay ông Phan Đăng Tuất).
Đáng nói ở đây là ông Hà được bổ nhiệm làm người đứng đầu Sabeco vào 28/9/2015, tức là chỉ sau 8 tháng làm Chánh văn phòng Bộ Công thương.
Một "ông chánh" đang làm những công việc thuần túy về quản lý hành chính, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh có số vốn hàng nghìn tỷ đồng, liệu có bình thường?
Từ những cuộc đề bạt, bổ nhiệm của ông Hà, ông Hải, và trước đó là ông Trịnh Xuân Thanh, người ta thấy đó đều là những việc được giải thích rất... đúng quy trình! Nhưng lại khiến cho dư luận thấy... không bình thường!
Đó mới là điều đáng lo ngại cho uy tín của Đảng, cho vận mệnh của dân tộc. Thế nên, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng nói thẳng “phải dẹp bỏ tư tưởng con quan rồi lại làm quan”.
Đó là một loại bệnh nguy hiểm chẳng kém gì ung thư giai đoạn cuối. Khi đã di căn, làm hỏng cả hệ thống miễn dịch thì hẳn nhiên những kẻ ghế cao tài mỏng sẽ hủy hoại di sản mà nhiều thế hệ cha ông đã đổ máu để gìn giữ.
Lo xa như vậy, hẳn cũng chẳng thừa, vì như lời Tổng Bí thư thì vẫn có những “vua con”, có những cán bộ (trong đó có cán bộ cấp cao) bị những ham muốn vật chất cám dỗ, sống ích kỷ.
Và để lập lại trật tự kỷ cương, Đảng sẽ phải nghiêm khắc hơn nữa với những cán bộ mà dư luận cho là “bất thường”, kiên quyết loại bỏ những phần tử biến chất ra khỏi bộ máy nhà nước.
Quan trọng hơn nữa, phải giáo dục để cán bộ giữ gìn phẩm chất trong sạch, không làm nguy hại đến uy tín của Đảng, phải đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân mình.
Nói như ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì được sống trong lòng dân, được dân tin yêu là điều quý giá nhất trong cuộc đời của người lãnh đạo. Điều đó còn quan trọng hơn cả chức tước, quyền lực, bổng lộc.
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, tổng quỹ tiền lương và thù lao năm 2015 của HĐQT và Ban kiểm soát Sabeco là 4,678 tỷ đồng. Với 9 thành viên thuộc HĐQT và Ban kiểm soát, trung bình mỗi người sẽ nhận được mức lương khoảng 520 triệu đồng/năm. Với vị trí thành viên HĐQT Sabeco, ông Vũ Quang Hải sẽ nhận được mức lương khoảng 520 triệu đồng trong năm 2015. Còn theo kế hoạch năm 2016, với 10 người quản lý, Sabeco sẽ dành 9,99 tỷ đồng để chi trả tiền lương, tương đương mỗi người sẽ nhận được bình quân 999 triệu đồng/năm. Với 4 người quản lý kiêm nhiệm, Sabeco cũng quyết định sẽ chi trả thêm 783 triệu đồng thù lao kiêm nhiệm/4 người trong năm 2016, tương đương mỗi người sẽ nhận được gần 196 triệu đồng/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ trích ra 2,498 tỷ đồng để khen thưởng người quản lý tổng công ty (gồm 10 người), tương đương mỗi người sẽ nhận được gần 250 triệu đồng trong năm 2016. |