Tri thức không hình thành từ hoàn cảnh gia đình và nguồn gốc xuất thân!

20/07/2016 07:29
Khánh Văn
(GDVN) - Sự lĩnh hội tri thức là sự chủ động của con người, từ các em học sinh và không có một ranh giới của hoàn cảnh gia đình nào có thể ngăn cản các em thành công.

LTS: Đã có rất nhiều thủ khoa Đại học là con cái trong các gia đình “lấm lem” bùn đất, họ được nuôi dưỡng từ những người bố, người mẹ là thợ xây, phụ hồ… 

Với những đúc rút từ nhiều năm làm nghề giảng dạy, thầy giáo Văn Khánh đã khẳng định: Chính sự nghèo khó là môi trường rèn giũa các em nên người!

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

  
Phàm đã là con người thì khi làm bất kì việc gì cũng cần có nghị lực của bản thân, sự cộng hưởng của nhiều yếu tố xung quanh mới đạt được sự thành công trong công việc.

Nhất là với các em học sinh, lứa tuổi mới lớn có rất nhiều cám dỗ trong thời hiện đại, nếu không có một nghị lực lớn, sự giáo dục của gia đình, nhà trường tốt thì rất dễ dẫn các em trượt dài trên những nấc thang đầu đời.

Không phải học sinh nào có điều kiện tốt đều học giỏi!

Là một giáo viên đã nhiều năm đứng lớp, điều dễ nhận thấy là không phải học sinh nào có điều kiện tốt là học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn là học kém. 

Bởi, rất nhiều học sinh khó khăn về kinh tế, thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng đã vượt khó và đạt thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi các cấp, cuối năm các em luôn đạt được thành tích tốt trong học tập. 

Ngược lại có nhiều em có điều kiện kinh tế tốt, gia đình cơ bản lại hư hỏng, đua đòi, có học lực và hạnh kiểm thấp. 

Mỗi kì thi Đại học đi qua, chúng ta lại thấy nhiều em thủ khoa của các trường Đại học lớn, danh tiếng đến từ những đất miền Trung hay những vùng quê cách xa trung tâm tỉnh lỵ, thiếu thốn đủ thứ. 

Và, trong những thủ khoa ấy có nhiều em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhiều em không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn về tinh thần như bố hoặc mẹ mất sớm, các em không nhận được sự chăm sóc trọn vẹn từ những người thân trong gia đình.

Vậy cái gì đã thôi thúc các em vượt qua khó khăn ấy để gặt hái được những thành quả học tập cao như vậy? 

Nhờ một nghị lực lớn, ý chí vượt khó, hoài bão và ý thức được trách nhiệm gia đình, một công dân tốt cho xã hội tương lai mới cải biến những viên ngọc thô để các em đang tỏa sáng lung linh trong nền giáo dục nước nhà.

Mấy ngày nay, báo chí đồng loạt đưa tin em Vũ Xuân Trung, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Thái Bình đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế lần lần thứ hai. Điều đặc biệt là Trung sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố làm nghề bán kính và chữa khóa. 

Và, năm ngoái báo chí cũng từng ca ngợi nam sinh hai lần giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (năm 2014, 2015) – Nguyễn Thế Hoàn.  

Cậu học trò nghèo Nguyễn Thế Hoàn từng hai lần đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế! (Ảnh: Tienphong.vn).
Cậu học trò nghèo Nguyễn Thế Hoàn từng hai lần đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế! (Ảnh: Tienphong.vn).

Với gia cảnh nghèo khó, bố làm thợ xây, mẹ phụ hồ nhưng em đã biết chắt chiu từng đồng tiền từ mồ hôi, công sức của cha mẹ mà vươn lên. Trước khi sang Thái Lan dự kì thi Olympic ngoài những thứ vật dụng cần thiết gia đình chuẩn bị như mỳ tôm, khăn, … Hoàn cũng chỉ mang theo chiếc vali năm ngoái cậu mang đi thi, nay đã hỏng khóa!

Ngược thời gian, chúng ta từng chứng kiến chàng thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội (năm 2013), Nguyễn Hữu Tiến (đạt 29,5 điểm) cũng gây xôn xao dư luận. 

Tiến sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), vì gia cảnh khó khăn nên người cha phải mưu sinh khắp nơi, chấp nhận sống trong ống cống gần 10 năm để kiếm tiền nuôi bốn người con trưởng thành (trong số đó có ba người đậu  Đại học, một người Cao đẳng).

Rồi, có nhiều em là thủ khoa có hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, vất vả từ nhỏ như em Trần Anh Tuấn, thủ khoa khối B Học viện Quân y, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Thanh Hóa có cha mẹ làm nghề  phụ hồ, bốc vác, gia đình em thuộc diện hộ nghèo của xã. 

Thủ khoa Trường Đại học Qui Nhơn (28,5 điểm) là Võ Văn Nam cũng thuộc gia đình nông dân cận nghèo ở Bình Định; thủ khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh - Phạm Thị Ngọc Biển (Đắk Lắk) cũng xuất thân từ một gia đình khó khăn khi cha mất sớm, ba anh em ăn học dựa vào gánh hàng đậu hũ của mẹ hàng ngày ở chợ lẻ…

Tri thức không hình thành từ nguồn gốc xuất thân!

Những minh chứng ở trên cho chúng ta thấy rằng, tri thức không có gianh giới cho điều kiện gia đình, hoàn cảnh xuất thân. 

Và chỉ khi nào các em ý thức được sự “mặn chát” của đồng tiền từ mồ hôi, công sức của cha mẹ nuôi mình ăn học; thấy được sự nghèo khổ từ gia đình, quê hương thì khi đó các em mới có những bứt phá, hy sinh để đạt được thành tích cao trong học tập.

Sống trên đời, không ai muốn gia đình mình nghèo khổ, bất hạnh nhưng khi đã sinh ra trong gia đình nghèo khổ mà thối chí, mặc cảm thì tương lai lại càng mờ mịt, tăm tối. Vậy nên, hãy biết đứng lên từ những đói nghèo, lam lũ để thực hiện những gì mà các em đã chọn, đã ước mơ cho tương lai của chính mình!

Đúng theo tinh thần bài thơ “Giã gạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Khánh Văn