Thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm 2013 Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ về bí quyết giúp thí sinh tự tin, phân bố thời gian khi thi môn Toán.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 diễn ra, các sĩ tử đang bước vào giai đoạn nước rút và quyết định. Làm thế nào ôn tập thật tốt trong khoảng thời gian ngắn cũng như khi làm bài thi cần lưu ý những điểm gì là câu hỏi được nhiều sĩ tử quan tâm.
Muốn điểm cao phải tận dụng từng câu
Nguyễn Hữu Tiến (1995), thủ khoa Trường đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm (Toán 10, Hóa 9,75, Sinh 9,75) chia sẻ về kinh nghiệm ôn tập các môn khối B. Trong đó Tiến đặc biệt nhấn mạnh vào bí quyết đạt điểm cao môn Toán.
Tiến cho biết, đối với khối B, môn khó nhất có lẽ là môn Toán. Đây là một môn tự luận, bài tập đều theo chuyên đề và khung chuyên đề thi đại học đã có sẵn. Các thí sinh cần dựa vào đó để ôn tập.
Thủ khoa Đại học Y 2013 Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi |
Theo chi sẻ của Tiến, thời gian này đã là lúc gấp rút, vì vậy mỗi thí sinh đã có những kế hoạch, mục tiêu riêng cho mình. Từ đó sẽ dựa vào mục tiêu, tiêu chí đó để chọn những chuyên đề mà mình sẽ làm trong thi đại học.
“Thông thường, trong đề thi đại học, bài phương trình, hệ phương trình, bất phương trình, giải tích phẳng, và bất đẳng thức là các chuyên đề khó. Một số bạn, còn gặp vướng mắc trong hình không gian. Muốn được 6,7 điểm các bạn có thể bỏ mấy chuyên đề này, còn nếu muốn được 8,9 thì nên tập trung vào phương trình, bất phương trình, và hình không gian. Đặc biệt với những bạn nào muốn được điểm cao, thì phải tập trung vào bài bất đẳng thức” Tiến đưa ra lời khuyên.
Nguyễn Hữu Tiến còn cho biết, sau thời gian ôn luyện các bạn nên tiến hành vào làm đề thi thử đại học. Riêng với môn Toán, Tiến khuyên nên suy nghĩ hướng làm, còn việc trình bày nên chỉ đưa ra trong một số đề nhất định, vì trình bày mất nhiều thời gian.
“Các bạn cũng phải tìm cách khắc phục những lỗi tính toán trong khi làm bài, mắc những lỗi này sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng” Tiến lưu ý.
Chàng thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm trước cũng chia sẻ thêm, đối với môn Hóa, Sinh, sau khi đã học cách làm bài, bắt đầu tiến hành làm bài nên đặt thời gian, dễ làm trước, khó làm sau, không làm được thì bỏ qua. Sau đó, so đáp án, tìm ra những câu sai, hỏi tại sao sai và tìm cách khắc phục.
“Nếu sai câu hỏi lý thuyết, thì nên bỏ sách ra xem lại luôn rồi ghi lại những lỗi nào thường gặp để tránh. Đồng thời, cũng xem luôn điểm mà mình có khả năng đạt được” – Tiến cho biết thêm.
Về việc phân bổ thời gian như thế nào trong quá trình làm bài, Tiến chia sẻ, đối với môn Toán, phải làm những chuyên đề mà mình xác định trước để đạt được mục tiêu mong muốn. Sau đó, nếu còn thời gian mới làm những bài còn lại để tăng điểm.
Đặc biệt lưu ý đến trình bày, viết thưa rõ, dễ nhìn và tuyệt đối không được sai sót như thiếu điều kiện, hay tính toán nhầm, làm được bài nào, nên kiểm tra luôn đáp án bài đó bằng máy tính. Việc phân bổ thời gian phụ thuộc vào khả năng, và mục tiêu của từng bạn, nhưng tốt nhất, một bài toán, không nên bỏ quá 15 phút để suy nghĩ, nếu khó quá thì nên bỏ qua làm bài khác trước.
Với môn trắc nghiệm, Tiến khuyên các sĩ tử nên làm những bài dễ trước, khó lượt sau. Theo Nguyễn Hữu Tiến, đọc đề mà chưa có ý tưởng làm bài thì nên bỏ qua và chuyển làm câu khác để tiết kiệm thời gian.
Đặc biệt, nên chú ý hơn vào những câu hỏi đơn giản mà dễ bị lừa, vì nó gây ra mất điểm rất đáng tiếc. Đối với những bài nào không làm được, đến cuối giờ chọn ngẫu nhiên, cần tránh việc tô nhầm đáp án trong bài trả lời, đây là lỗi đơn giản, nhưng không được nhầm. Quan trọng là phải thật tự tin trong khi làm bài thi, tự tin có được trong quá trình luyện tập, đánh giá đúng khả năng của mình.
Cũng theo Tiến, các sĩ tử không nên sa đà vào những bài chưa trả lời được, vừa gây mất thời gian, vừa gây tâm lý thi cử mà nên làm những bài dễ trước, để có được tâm lý thật thoải mái.
Trình bày một bài tự luận như thế nào?
Còn chưa đầy một tháng nữa, thời gian không còn nhiều, các bạn nên tập trung ôn luyện, hoàn thiện kiến thức cũng như khả năng làm bài của mình. Tuy nhiên, cần ăn ngủ điều độ, giữ tâm thế thoải mái và đạt được sự tự tin cần thiết. Nó giúp bạn tập trung hơn vào việc ôn luyện, để có kết quả cao hơn.
Với thủ khoa kép Trường Đại học Thủy lợi và Đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm (Toán 10, Hóa 10, Sinh 9,5), Lê Xuân Hoàng lại dành cho các sĩ tử lưu ý về cách trình bày bài tự luận khoa học, sạch sẽ.
Hoàng cho biết: “Với môn Toán là bài thi tự luận, bạn nên dành 15 phút đọc hết đề, nháp sơ hết đề, đánh dấu bài mình làm được. Sau đó bạn trình bày vào trong giấy thi những câu mình làm nháp được, trình bày rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, sai thì gạch chéo”.
Với bài trắc nghiệm, Hoàng có lời khuyên các thí sinh nên làm hết lý thuyết trước, bài tập làm sau. Đặc biệt, Hoàng nhấn mạnh các sĩ tử yếu tố cẩn thận là không thể thiếu khi làm bài.
Cũng theo Hoàng, trong quá trình ôn tập, các sĩ tử cần phải nắm rõ kiến thức sách giáo khoa đối với từng môn thi, nếu thấy thiếu chỗ nào, môn nào có thể bổ sung bằng sách tham khảo hoặc học thêm thầy cô. Mỗi người cần lựa chọn cho mình cách học riêng, phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của bản thân để có thể tiếp thu hiệu quả nhất trong khoảng thời gian nước rút này.
Song song với việc ôn tập kiến thức, thủ khoa Đại học Dược Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng (29,5 trong đó Toán 10, Vật lý 9,5, Hóa 9,75) nhắn nhủ các sĩ tử nên dành thời gian thư giãn sau giờ học tập căng thẳng.
Theo Tùng, nên dành 5- 6 tiếng một ngày để học tập, khi học nên tập trung hết mức có thể. Sau đó, các sĩ tử có thể thư giãn bằng một số môn thể thao như bóng đá, bơi lội hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Điều này sẽ giúp các bạn đầu óc minh mẫn giúp tăng khả năng tiếp thu bài học cũng như một cơ thể khỏe mạnh để bước vào kì thi đạt kết quả thật cao.