Làm sao ngành gỗ Việt Nam tránh được thiệt hại bởi Trung Quốc?

23/07/2016 14:51
Ngọc Việt
(GDVN) - Để tránh được nguy cơ từ Trung Quốc thì trước hết và quan trọng nhất phải tránh được nghịch lý làm hại chính mình, sau đó mới tới các biện pháp phòng vệ.

Theo tài liệu của Tổ chức Bảo tồn và quản lý rừng bền vững Hoa Kỳ (Forest Trend), từ năm 2011, Việt Nam đã vượt qua Úc để trở thành nước cung cấp dăm gỗ lớn nhất thế giới.

Ngành công nghiệp dăm gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, với khối lượng xuất khẩu tăng từ 400.000 tấn trong năm 2001 lên đến 6.200.000 tấn trong năm 2012.

Điều này khiến cho giá trị xuất khẩu gỗ dăm của Việt Nam chiếm tỷ trọng 20% tổng giá trị xuất khẩu dăm gỗ toàn cầu, đạt khoảng 800 triệu USD. 

Theo Forest Trend, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp dăm gỗ Việt Nam bởi một số nguyên nhân như chính sách khuyến khích của chính phủ, việc thành lập một nhà máy dăm gỗ dễ dàng vì cần vốn ít, tính chất công nghệ và trình độ lao động không đời hỏi cao.

Bên cạnh đó là nhu của thế giới đối với dăm gỗ tăng cao, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phát triển các chính sách toàn diện để điều tiết ngành công nghiệp dăm gỗ, đảm bảo cho nó phát triển bền vững.

Phát triển độc lập ngành sản xuất dăm gỗ xuất khẩu là luôn đối mặt với quy trình kinh tế: dùng chính phẩm →chế biến thành thứ phẩm → bán giá phế phẩm. Ảnh minh họa: Vneconomy.
Phát triển độc lập ngành sản xuất dăm gỗ xuất khẩu là luôn đối mặt với quy trình kinh tế: dùng chính phẩm →chế biến thành thứ phẩm → bán giá phế phẩm. Ảnh minh họa: Vneconomy.

Và hậu quả là ngành công nghiệp dăm gỗ Việt Nam đã “sớm nở tối tàn”, khi ngày 19/7 thesaigontimes.vn đưa tin về việc các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu đang điêu đứng vì lệ thuộc thị trường Trung Quốc. [1]

"Hiện mỗi tấn dăm gỗ xuất sang Trung Quốc giá 128 USD, thấp hơn 7 USD so với năm 2015. Chi phí vận chuyển, sản xuất, nhân công ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu tuột dốc khiến nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khốn khó", Ông Vi Nhất Trường - Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu, Quảng Ngãi cho biết [2].

Như vậy là chỉ sau 5 năm chiếm lĩnh và thống lĩnh thị trường dăm gỗ thế giới, ngành công nghiệp dăm gỗ Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào cảnh khốn khó và nguyên nhân chính được cho là do vấn đề quy hoạch không hợp lý và lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Tại sao đã nhận diện được nguy cơ mà Việt Nam không có giải pháp hoá giải và biện pháp phòng vệ?

Tự hại mình qua quy trình kinh tế: Dùng chính phẩm →chế biến thành thứ phẩm → bán giá phế phẩm

Ai cũng biết rằng, gỗ dăm là gỗ vụn, là những thải loại cuối cùng của dây chuyền chế biến sản phẩm gố.

Có thể hiểu nôm na là gỗ dăm không thể sản xuất ra những sản phẩm gọi là đồ gỗ mà chỉ có thể sử dụng làm nguyên liệu cho những ngành công nghiệp khác, trong đó có cả việc chế biến những sản phẩm giả gỗ như MDF hay Okal.

Như vậy, dăm gỗ là sản phẩm có thể tận dụng từ những loại gỗ không còn đáp ứng quy cách và chất lượng cho công nghiệp chế biến gỗ.

Việc tận dụng gỗ dăm và tạo ra thương phẩm là một trong những nghiệp vụ kinh tế phát sinh khai thác được tối đa lợi ích, kiểu như giá trị gia tăng, trong ngành chế biến gỗ.

Do vậy, giá trị của gỗ dăm luôn thấp hơn những sản phẩm được tạo ra từ những nguyên liệu chính phẩm cùng loại trong ngành gỗ.

Điều đó cho thấy việc phát triển ngành gỗ dăm phải đi sau, luôn đi kèm với công nghiệp chế biến gỗ chính phẩm. Nếu phát triển đơn lẻ công nghiệp gỗ dăm thì đó là hướng phát triển mạo hiểm.

Bởi lẽ, khi phát triển một ngành sản xuất mà sản phẩm tạo ra là thứ phẩm thì điều đó sẽ khiến cho ngành sản xuất này luôn đối mặt với nguy cơ phải bán sản phẩm với giá phế phẩm, khi quy luật cung cầu bất lợi cho nhà sản xuất.

Khi phát triển độc đạo công nghiệp dăm gỗ thì đầu vào luôn là chính phẩm vì không thể có thứ phẩm thải loại để dùng làm nguyên liệu cho sản xuất.

Thế là quy trình kinh tế: dùng chính phẩm → chế biến thành thứ phẩm → bán giá phế phẩm (quy trình kinh tế: D → C → B) có thể được lập bất cứ lúc nào.

Do vậy, việc Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia cung cấp dăm gỗ lớn nhất thế giới không phải là thành quả đáng tự hào.

Làm sao ngành gỗ Việt Nam tránh được thiệt hại bởi Trung Quốc? ảnh 2

Cần cảnh giác với ma trận phá hoại kinh tế Việt Nam từ Trung Quốc

(GDVN) - Trung Quốc dựa hơi người Thái, mượn tay người Nhật phân phối hàng hoá Trung Quốc đang bị tẩy chay dưới danh nghĩa hàng hoá đang được ưa chuộng.

Tại các nhà máy chế biến gỗ dăm thì hàng loạt những chính phẩm từ các loại gỗ tràm bông vàng, keo lá tràm hay bạch đàn…đều trở thành thứ phẩm mang tên dăm gỗ sau khi kết thúc một chu trình sản xuất.

Trong khi những chính phẩm ấy có thể sử dụng cho công nghiệp chế biễn gỗ, cung cấp cho thị trường những sản phẩm là nội thất hay hàng gia dụng với giá trị kinh tế cao.  

Từ đó có thể gây ra tình trạng là khu vực nào, vùng nào phát triển mạnh công nghiệp gỗ dăm thì nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ có thể bị cạnh tranh về giá cả và thậm chí thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Như vậy, chỉ vì phát triển ngành công nghiệp gỗ dăm với đầu ra là thứ phẩm mà có thể gây thiệt hại cho ngành chế biến gỗ với đầu ra là thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn thì chứng tỏ ngành gỗ Việt Nam đang tự hại mình, đâu cần tới nguy hại từ “yếu tố” Trung Quốc. 

Có thể thấy rằng, việc công nghiệp gỗ dăm Việt Nam gặp khó khăn, mà đặc biệt là cung vượt cầu khiến giá giảm và thua lỗ, đã đặt ra yêu cầu phải quy hoạch ngành triệt để công nghiệp dăm gỗ.

Và việc quy hoạch ngành công nghiệp dăm gỗ phải đặt trong quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp chế biến gỗ, bởi quy trình kinh tế D → C → B rất nguy hại nếu phát triển độc lập ngành công nghiệp này.

Những “kẽ hở” của luật pháp  

Như vậy là chỉ riêng việc phát triển độc lập đã khiến cho ngành công nghiệp dăm gỗ luôn đối mặt với nguy hiểm. Vậy nhưng ở Việt Nam còn xảy ra tình trạng phát triển "nóng" nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu thì sự thể sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn như thế nào.

“Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 4/2016, toàn tỉnh có 39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại 10 huyện”. [3]

Còn tại Quảng Ngãi, tình hình phát triển "nóng" nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, khiến tỉnh nhiều lần yêu cầu các địa phương, sở ngành cần cân nhắc và hạn chế cấp phép mới cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ nhưng đến nay vẫn chưa thể "giải nhiệt".

Hậu quả là thiếu nguyên liệu sản xuất và một số nhà máy tranh mua keo non hoặc cây gỗ tạp, xay cả vỏ cây nên gỗ dăm xuất khẩu kém chất lượng. Điều đó khiến cho đối tác Trung Quốc lấy cớ ép giá gây ảnh hưởng đến ngành chế biến dăm gỗ tại các tỉnh miền Trung. [4]

Việc quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ thuộc trách nhiệm của chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng theo cá nhân người viết thì điều đó là không thể.

Bởi lẽ, cơ sở pháp lý nền tảng cho việc quy hoạch ngành công nghiệp chế biến gỗ có những “sở hở chết người”. Xin lấy ngay Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2375, ngày 30/12/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về việc xét duyệt quy hoạch mạng lưới và cấp giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, làm một ví dụ.

Tại Khoản II, Mục 1 quy định về căn cứ cấp giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác cho các doanh nghiệp thì những căn cứ quan trong nhất là:

- Nguyên liệu cho chế biến gỗ chủ yếu từ gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu;

- Đối với các tỉnh có rừng được phép khai thác: Căn cứ sản lượng gỗ, lâm sản theo thiết kế khai thác được duyệt và lượng gỗ, lâm sản nhập khẩu hàng năm.

Dựa theo các căn cứ trên, để xác định số lượng các doanh nghiệp, quy mô và cơ cấu mặt hàng chế biến của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Mục 2 quy định về điều kiện cấp giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác cho các doanh nghiệp thì những điêu kiện quan trọng nhất là:

- Có nguồn nguyên liệu ổn định;

- Áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, chế biến ra các sản phẩm tinh chế, giá trị cao, tiêu hao ít nguyên liệu, an toàn lao động, không tổn hại đến môi trường;

- Có đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật thành thạo. [5]

Rõ ràng, với căn cứ và điều kiện như vậy thì việc thành lập doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khác không có gì khó khăn, nhất là chế biến dăm gỗ.

Bởi lẽ nguyên liệu gỗ, cả từ rừng trồng, khai thác và nhập khẩu chỉ được xác định trên hồ sơ của người xin thành lập doanh nghiệp chứ không hề có cơ sở để cơ quan chức năng xác định.

Không lẽ nhà máy chế biến gỗ tại Thanh Hoá chỉ được sử dụng gỗ tại Thanh Hoá? Nếu không phải như vậy thì chẳng lẽ cơ quan chức năng dựa trên lượng nguyên liệu gỗ của cả nước để quyết định cấp phép?

Và điều đó dẫn đến yêu cầu có nguồn nguyên liệu ổn định không còn là một điều kiện nữa, bởi lẽ với một hay một vài doanh nghiệp thì nguồn nguyên liệu của cả nước đương nhiên là ổn định. Thế là doanh nghiệp chế biến gố, nhất là chế biến dăm gỗ ào ạt ra đời không có gì lạ. 

Khi không thể quy hoạch được ngành công nghiệp chế biến gỗ, trong đó có công nghiệp gỗ dăm, khiến cho đối thủ của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có lợi thế, trong đó có đối thủ là khách hàng đến từ Trung Quốc.

Do vậy, việc Trung Quốc ép giá sản phẩm gỗ và từ gỗ của Việt Nam, trong đó có dăm gỗ, là điều đương nhiên, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân, cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế. 

Những thủ đoạn lợi dụng kẽ hở để gây hại của người Trung Quốc

Thương nhân Trung Quốc vừa lợi dụng những kẽ hở trong quy định của pháp luật, vừa tận dụng cơ hội từ những nghịch lý trong việc “ta làm hại mình”, để thực hiện những thủ đoạn đầy nguy hại cho kinh tế Việt Nam, trong đó có công nghiệp chế biến gỗ.

Làm sao ngành gỗ Việt Nam tránh được thiệt hại bởi Trung Quốc? ảnh 3

Đừng chủ quan, xem thường Trung Quốc

(GDVN) - Việc xem nhẹ “nhân tai” Trung Quốc cũng có thể nhận diện là nguy cơ rất tai hại cho hồ tiêu Việt Nam.

Qua hàng chục năm tìm hiểu triết lý kinh doanh của người Trung Quốc, người viết đã được biết, được nghe nhiều câu chuyện về những chiêu trò của người Trung Quốc gây hại cho kinh tế Việt Nam, mà lúc đầu ai cũng nghĩ là họ giải nguy cho người sản xuất, nền sản xuất Việt Nam.

Xin lấy một ví dụ. Đó là theo Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông - Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao – Toà án Nhân tối cao, ngày 8/3/2007, hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, tại Khoản II, Mục 3 có ghi rõ: Gỗ trong Thông tư này bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo. [6]

Đọc qua ai cũng nghĩ quy định như vậy là rất đầy đủ và chặt chẽ, nhưng thực ra đã có chỗ cho người Trung Quốc khai thác.

Đó là người Trung Quốc đặt mua chân bàn, mặt bàn, chân ghế, tay ghế đã qua các công đoạn hoàn tất như bào nhẵn, chà nhám và quét phủ sơn PU, đôi khi cả phủ màu nữa.

Thậm chí họ mua những sản phẩm hoàn thiện sơ sài nhưng luôn được xem là thành phẩm. Vậy là họ hoặc người cung cấp hàng cho họ có thể tránh bị quy là buôn lậu gỗ.

Luật pháp Việt Nam quy định rất khắt khe về nguồn gốc gỗ khi mua bán, vận chuyển, sản xuất, nhưng thành phầm hay bán thành phẩm thì lại không truy nguyên nguồn gốc.

Điều đó khiến cho người sản xuất chỉ cần chuyển gỗ sang tồn tại ở dạng thành phẩm nào đó là có thể thực hiện việc mua bán thông thường qua hoá đơn bán lẻ hay những loại chứng từ khác chứng minh hàng hoá có xuất xứ.

Đây là những chiêu thức khiến cho việc buôn lậu gỗ luôn khó kiểm soát.

Thậm chí người Trung Quốc còn nghĩ ra chiêu trò mua sản phẩm gia đình để tránh khả năng bị cơ quan chức năng truy nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm được làm ra từ gỗ lậu.

Họ hoặc chủ hàng của họ tại Việt Nam mang sản phẩm tới kê tại một số gia đình mà họ nhắm tới, nhờ sử dụng giúp và được trả tiền, nhất là những sản phẩm đắt tiền.

Đương nhiên ít ai từ chối vì không có bất cứ dấu hiệu gì phạm pháp. Sau một thời gian ngắn thì chủ hàng đến lấy lại và chỉ nhờ người làm chứng chủ hàng mua lại của chủ nhà.

Một quy trình “làm sạch” hàng gỗ lậu hoàn tất và hàng lậu có thể giao đi bất cứ đâu, bằng phương tiện gì cũng là hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Điều đó khiến cho những doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính bị thiệt hại rất lớn bởi khách hàng Trung Quốc và chủ hàng của họ tại Việt Nam. Bởi lẽ, giá thành hàng hoá sản xuất từ gỗ lậu luôn rẻ hơn rất rất nhiều so với hàng hoá sản xuất từ gỗ có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Với sản phẩm gỗ lậu mà “yếu tố” Trung Quốc còn có thể gây hại như vậy thì dăm gỗ là thứ phẩm của gỗ rừng trồng nên người Trung Quốc có thể dùng các chiêu trò gây hại cho doanh nghiệp Việt Nam không có gì khó.

Vì mọi việc đều hợp pháp nên họ chỉ cần tạo ra các yếu tố “lợi bất cập hại” để các doanh nghiệp Việt Nam tự làm hại nhau là họ được hưởng lợi. 

Có thể thấy rằng những cú đánh "thọc mạng sườn” của người Trung Quốc kết hợp với những nghịch lý từ việc “ta làm hại mình” của người Việt Nam luôn gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam mà bao năm qua mà không dễ tìm ra biện pháp đối phó hiệu quả.  

Để tránh thiệt hại bởi Trung Quốc phải bắt đầu từ cơ chế và phải bằng cơ chế

Người viết cho rằng, để ngành chế biến gỗ, trong đó có dăm gỗ xuất khẩu Việt Nam, tránh được thiệt bởi “yếu tố” Trung Quốc thì cần có biện pháp giúp cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam đủ sức đề kháng với "vi rút" từ Trung Quốc và các biện pháp phòng vệ trước nguy cơ Trung Quốc.

Để đạt được mục đích và yêu cầu đó thì phải bắt đầu từ cơ chế và phải bằng cơ chế, trong đó luật pháp luôn được xem là yếu tố đóng vai trò then chốt, quyết định hiệu quả của các giải pháp, biện pháp.

Vô địch về xuất khẩu dăm gỗ không phải thành quả đáng tự hào của Việt Nam. Ảnh: sgtiepthi.vn.
Vô địch về xuất khẩu dăm gỗ không phải thành quả đáng tự hào của Việt Nam. Ảnh: sgtiepthi.vn.

Việc làm sao để ngành gỗ, chế biến gỗ, trong đó có gỗ dăm, đã được nhiều người, nhiều cơ quan đề xuất giải pháp, biện pháp trong thời gian qua nên người viết xin không đi sâu vào khía cạnh kỹ thuật của các cơ chế và chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì cơ chế và nền tảng pháp lý để làm sao tránh được nguy hại từ các đối thủ nói chung, trong đó đặc biệt là nguy hại từ Trung Quốc, thì phải đáp ứng được 2 yêu cầu sau đây.

Thứ nhất, hạn chế được việc phát triển độc lập những ngành kinh tế sản xuất mà luôn nằm trong tình trạng phải đối diện với nguy cơ thiệt hại bởi quy trình kinh tế D → C → B.

Đây có thể nhận diện là con đường đưa doanh nghiệp tới phá sản nhanh nhất, gây thiệt hại cho kinh tế đất nước nhanh nhất và lớn nhất.

Tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đảo ngược quy trình kinh tế nguy hại D → C → B thành B → C → D (Biến phế phẩm thành thứ phẩm bán giá chính phẩm). Xin lấy ví dụ chứng minh.

Trong ngành gỗ, ai cũng biết gỗ nu gõ đỏ (nhiều vân xoắn như hoa, gấm) có giá đắt nhất, khoảng trên dưới 2 tỷ VND/m3. Vì vậy để trang trí cho sản phẩm người ta chỉ xẻ mỏng và dán lên bề mặt những chi tiết cần làm đẹp cho sản phẩm.

Mỗi đường lưỡi cưa là 2mm nên để có một miếng gỗ dày 3mm thì thực ra đã mất 5mm, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn.

Người Trung Quốc đã chế tạo ra loại máy móc có thể bóc gỗ mỏng như giấy và thậm chí còn may lại được để tạo ra khổ lớn tuỳ ý nên tận dụng được những mảnh gỗ vụn. Điều đó khiến cho giá trị sản phẩm tăng lên đến vài chục tỳ VND/m3.   

Thứ hai, đảm bảo sự tồn tại thực tế “nông dân làm luật”. Hiểu nôm na là luật pháp hay chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất – kinh doanh, phải có ý kiến và cả kiến thức của người trực tiếp sản xuất, trong cả trồng trọt lẫn chế biến.

Đây là lực lượng nắm rất rõ chiêu trò của đối thủ và có thể ngả theo đối thủ làm hại đất nước hoặc bản thân họ phải chịu thiệt. Đây là lực lượng quan trọng nhất đảm bảo cơ chế có thể vận hành, luật pháp có thể điều tiết nền kinh tế. 

Tóm lại, việc quy hoạch lại ngành chế biến gỗ tại Việt Nam là một yêu cầu cấp bách, chứ không chỉ là công nghiệp gỗ dăm xuất khẩu.

Những thiệt hại từ “yếu tố” Trung Quốc luôn là rất lớn, vì vậy để tránh được nguy cơ từ Trung Quốc thì trước hết và quan trọng nhất phải tránh được nghịch lý làm hại chính mình, sau đó mới tới các biện pháp phòng vệ những nguy hại đến từ Trung Hoa đại lục. 

[1]http://english.thesaigontimes.vn/48656/Wood-chip-exports-tumble-on-weak-demand.html

[2]http://news.zing.vn/doanh-nghiep-gap-kho-vi-le-thuoc-thi-truong-trung-quoc-post667157.html

[3]http://news.zing.vn/gan-30-nha-may-go-dam-xay-dung-trai-phep-o-thanh-hoa-post647286.html

[4]www.google.com.vn/webhp?sourceid=chrome-instant&ion=1&espv=2&ie=UTF-8#q=Forest+trend+:+exporting+wood+chips+causes+of+Vietnam+decreased+in+2016%3F

[5]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=14001

[6]

http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Quyet-dinh-2375-NN-CBNLS-QD-quy-che-xet-duyet-quy-hoach-mang-luoi-cap-giay-phep-che-bien-go-lam-san-khac-cac-doanh-nghiep-40321.aspx

Ngọc Việt