Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) phát biểu tại hội nghị thường niên của VPA tổ chức ngày 8/5/2015 ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2014 hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với kim ngạch 1,2 tỉ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được 57.000 tấn hạt tiêu, trị giá 521 triệu USD. Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới nên không bị phụ thuộc thị trường nào.
Ngay cả với Trung Quốc chiếm 20% thị phần, khi họ ngưng mua hàng, Việt Nam vẫn dễ dàng hồ tiêu bán sang các nước khác. Điều này buộc Trung Quốc phải quay lại mua với giá cao hơn, theo cafef.vn ngày 9/5/2015.
Vậy nhưng, theo báo Người Lao Động (nld.com.vn) ngày 23/6/2016, giá tiêu năm nay không được như trước, bởi giá tiêu xô hồi đầu mùa có giảm nhưng còn trên 160.000 VN/kg, song những tháng tiếp theo, giá liên tục giảm còn 155.000 VND, rồi 145.000 VND.
Người trồng hồ tiêu Việt Nam có thể thiệt hại rất lớn bởi đối thủ “trực tiếp không trực diện” mang tên Trung Quốc. Ảnh: tintucnongnghiep.com. |
Đến tháng 3 năm nay, giá tiêu giảm tiếp còn 135.000 VND/kg. Hiện nay, tuy đã hết mùa thu hoạch nhưng giá tiêu vẫn loay hoay ở mức 150.000 VND/kg, không thể tăng trở lại như thời kỳ hoàng kim hồi năm 2014 và đầu năm 2015.
Trong khi đó, năm 2016 không thể xem là hồ tiêu được mùa bởi ảnh hưởng từ nạn hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt tại vùng Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ, nơi có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước.
Như vậy là điệp khúc “được mùa mất giá” không lặp lại trong trường hợp này, thậm chí còn ngược lại là, mất cả mùa lẫn giá. Điều gì khiến cho “thời hoàng kim” của hồ tiêu Việt Nam trôi qua quá nhanh như vậy?
Từ chủ quan đến nghịch lý
Có thể thấy rằng, hồ tiêu Việt Nam bước vào thị trường thế giới và từng bước chiếm lĩnh thị trường loại gia vị này. Hiện tại Việt Nam cung cấp khoảng trên 30% lượng tiêu thế giới, theo VPA.
Điều đó đã khiến cho người trồng tiêu, nhất là những nhà quản lý hay đứng đầu hiệp hội cây trồng này quá tự tin, dẫn đến chủ quan về triển vọng của cây hồ tiêu. Trong lời phát biểu của ông Đỗ Hà Nam cũng có thể nhận thấy rõ điều ấy.
Là người đã tìm hiểu về cây hồ tiêu, về thị hiếu, thị trường hồ tiêu từ những năm 1980 của thế kỷ trước, người viết đã từng chứng kiến nhiều “thăng trầm” của cây hồ tiêu, của người trồng hồ tiêu Việt Nam.
Hơn 30 năm qua, với bao sóng gió, cây hồ tiêu dần đã trở thành một trong những cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng có hiểu quả kinh tế cao trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Tiếc rằng việc quản lý, định hướng cho hồ tiêu Việt Nam thì có lẽ đã không theo kịp.
Thị trường luôn là nơi quyết định đối với sản xuất. Nhưng có lẽ do chỉ nhìn vào số lượng 97 khách hàng nên dường như những người định hướng cho hồ tiêu Việt Nam không quan tâm tới "chất lượng" khách hàng.
Bởi lẽ như thị trường Trung Quốc chiếm tới 20% lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam mà cũng có thể phải chấp nhận mua giá cao, tức là chịu thiệt, nếu như hồ tiêu Việt Nam “không muốn vào” thị trường này, hiểu theo lời ông Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.
Thậm chí ông Đỗ Hà Nam còn nhấn mạnh: “Chính người trồng tiêu Việt Nam làm được điều này khi chủ động trữ hàng, buộc người mua muốn có hàng phải tăng giá và khi giá lên thì không hạ, nông dân thu lợi.
Từ đó, ngành hồ tiêu sinh ra đặc thù là lợi nhuận phần lớn vào túi người trồng còn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chủ yếu hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng…) chứ không đóng vai trò nhà buôn như các ngành hàng khác.”
Chiến lược "mình ong xác ve" nguy hiểm của Trung Nam Hải |
Theo cá nhân người viết thì đây là một cách hiểu không chuẩn xác, từ đó tạo nên nghịch lý cho ngành hồ tiêu Việt Nam trong cơ chế thị trường.
Đúng là hồ tiêu là cây trồng đặc biệt, nhưng bản thân nó không tạo ra nét đặc thù cho ngành hồ tiêu là “người trồng tiêu quyết định thị trường tiêu”.
Vì vậy, khi xem nông dân là người điều tiết thị trường và doanh nghiệp chỉ là thành phần phái sinh, sống “tầm gửi” thì những người có trách nhiệm cảnh báo và định hướng cho ngành hồ tiêu Việt Nam đã đưa hồ tiêu Việt nam và người trồng hồ tiêu Việt Nam vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi ba lẽ sau đây.
Thứ nhất, gây ra ảo tưởng cho người trồng tiêu là họ có thể trồng bao nhiêu là tuỳ ý và quả thực diện tích trồng hồ tiêu đã tăng lên nhanh chóng. Qua đó cũng lý giải được tình trạng năng suất giảm nhưng tổng sản lượng tiêu của Việt Nam niên vụ 2016 không giảm.
Điều này khiến cho việc quy hoạch cho hồ tiêu Việt Nam không thể xây dựng và triển khai được, đơn giản là nông dân trồng hồ tiêu không lắng nghe vì họ là người quyết định.
“Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, trong đó có nhiều vùng không phù hợp với quy hoạch như thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước đang ảnh hưởng làm cho ngành hồ tiêu thiếu bền vững”, theo báo Người Lao Động.
Còn theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai: “Năm 2015, hạt tiêu có giá cao nhờ mất mùa nhưng khoảng 4 năm nữa sản lượng có thể lên tới 200.000 tấn, do diện tích trồng tăng quá nhanh thì chuyện bán không được, giá xuống là không tránh khỏi.”
Thứ hai, chất lượng hồ tiêu bị bỏ ngỏ, thiếu kiểm soát, đặc biệt là không chú trọng đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch – khâu yếu nhất của kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam.
Có thể thấy rằng, những thói quen hình thành nên tập quán trong sản xuất nông nghiệp là hướng tạo ra sản phẩm với chất lượng kiểu như “thơm và ngon”.
Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại thì việc tạo ra 2 yếu tố “chất lượng truyền thống” đó không quá khó. Hệ lụy của nó chính “thơm ngon nhờ hóa chất", độc hại với sức khỏe người tiêu dùng và chính điều đó có thể làm hại người trồng tiêu, vì tình trạng thiếu kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Chính ông Đỗ Hà Nam đã thừa nhận: “Tiêu Việt Nam cũng đang gặp thách thức lớn khi châu Âu và nhiều nước bắt đầu thực thi các hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quý I/2015, xuất khẩu sang châu Âu đã giảm, riêng thị trường Đức giảm trên 50%, đó là trở ngại lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam. Do đó, nếu không đồng lòng sản xuất hồ tiêu sạch, vệ sinh an toàn từ người sản xuất đến chế biến, xuất khẩu thì chắc chắn mặt hàng này sẽ gặp khó.”
Thứ ba, hồ tiêu Việt Nam, người trồng hồ tiêu Việt Nam có thể bị chi phối, thậm chí bị điều tiết và phải chịu thiệt hại bởi những đối thủ cạnh tranh “trực tiếp nhưng không trực diện”.
Nhận diện nguy cơ Trung Quốc khống chế ngành chăn nuôi heo của Việt Nam |
Đó là những đối thủ vừa đóng vai người mua, vừa đóng vai người bán nhưng lại không phải là người trồng hồ tiêu, sản xuất ra hồ tiêu.
Những đối thủ này cực kỳ nguy hiểm khi họ “không có gì để mất” do không trồng, không chế biến hồ tiêu nên thủ đoạn triệt hạ đối phương của họ rất tàn độc, bởi họ không sợ bị trả đũa.
Có thể nhận diện Trung Quốc là một trong số những đối thủ nguy hại đó.
Như vậy, thời hoàng kim của hồ tiêu Việt Nam qua nhanh có nguyên nhân từ sự chủ quan của những người có trách nhiệm quả lý và định hướng cho ngành hồ tiêu Việt Nam, mà trực tiếp là các bộ, sở ngành nông nghiệp và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.
Điều này khiến cho người trồng tiêu Việt Nam luôn trong tình trạng di trên dây với điệp khúc “mất mùa được giá” cộng hưởng thêm tác hại “không được mùa cũng không được giá” như hiện nay.
Hồ tiêu Việt Nam đối mặt với hậu quả bởi “nhân tai” Trung Quốc
Như người viết đã từng phân tích, thương nhân Trung Quốc thường tạo ra “những cơn sốt mơ hồ” tại thị trường nước ngoài về một loại hàng hoá nào đó.
Khi hàng hoá không thông dụng thì sức hút lớn nhưng thời gian qua nhanh và thiệt hại cho đối tác ít hơn so với những hàng hoá thông dụng.
Và khi sản lượng mà người Trung Quốc tiêu thụ một mặt hàng nào đó càng lớn thì khả năng tạo những cơn sốt mơ hồ càng dễ dàng và dễ dàng lặp lại. Người trồng hồ tiêu Việt Nam cũng từng ngấm đòn hiểm này của thương nhân Trung Quốc.
Tháng 5/2015, Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi đến công an các huyện, thị xã, thành phố, đề nghị kịp thời phát hiện hành vi, thủ đoạn của một số thương lái Trung Quốc và báo cáo bằng văn bản cho công an tỉnh.
Đồng thời, công an tỉnh này cũng tuyên truyền vận động các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu cảnh giác trước thủ đoạn của các thương lái Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc có thể làm hại người dân Việt Nam dễ dàng nhất ở những lĩnh vực, trong những thời điểm thuận lợi nhất. Ảnh minh hoạ: News.zing.vn.
Theo đó, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5/2015, nguồn tin cung cấp cho An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk là phát hiện một số thương lái Trung Quốc đã đến địa bàn tỉnh này thu gom hồ tiêu, tiêu lép, các tạp chất của hồ tiêu từ các hộ nông dân trồng hồ tiêu với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường từ 3.000 VND đến 10.000 VND/kg, theo cafef.vn ngày 26/5/2015.
Sau khi thu gom, thương lái Trung Quốc tiếp tục đặt cọc tiền, ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nông sản với giá rất cao, mục đích tạo sự khan hiếm nguồn hàng trên thị trường.
Khi nguồn hàng trong dân không còn, các doanh nghiệp và đại lý không còn hàng để giao thì các thương lái Trung Quốc thông qua thương lái người Việt dùng lượng hàng đã thu gom trước đó bán lại cho các doanh nghiệp, đại lý và cuối cùng hủy hợp đồng đã ký.
Các doanh nghiệp, đại lý ôm hàng trăm tấn hạt tiêu đã mua với giá cao từ thương lái Trung Quốc hoặc thu gom từ các nguồn khác nhưng không thể bán được theo hợp đồng đã ký với người Trung Quốc.
"Thủ đoạn của thương lái Trung Quốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho người dân, đại lý và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh", công văn của Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk nêu rõ.
Rễ, gốc tiêu được ông Mai Xuân Dũng (trú thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) thu mua của người dân để bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: L.Đ.Dũng / Báo Lao Động. |
Thực ra bản chất vụ việc này đã được người viết phân tích chi tiết qua bài “Những cơn sốt mơ hồ” là thương lái Trung Quốc nhờ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam làm hại người Việt Nam và mang lợi về cho người Trung Quốc.
Khi thương lái Trung Quốc chỉ là những người “núp trong bóng tối” bởi nguyên tắc của những cơn sốt mơ hồ đã khiến cho người dân Việt Nam thiệt hại như vậy, khi Trung Quốc được nhận diện là đối thủ “trực tiếp không trực diện” thì họ có thể gây thiệt hại cho hồ tiêu Việt Nam lớn tới mức nào.
Lúc đó Trung Quốc có thể gây hại cho ngành hồ tiêu Việt Nam cả từ những cơn sốt mơ hồ và những cơn sốt không còn mơ hồ nữa.
Thị trường Trung Quốc chiếm 1/5 tổng lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam thì doanh nghiệp Trung Quốc có thể khiến cho giá tiêu của Việt Nam lên xuống theo ý muốn của họ, chứ không như lời ông Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, là khi Việt Nam không xuất sang Trung Quốc thì họ phải quay lại Việt Nam mua tiêu với giá cao.
Bởi lẽ, ngoài Trung Quốc ra thì 96 thị trường còn lại chiếm 80% lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam, nghĩa là trung bình 1 thị trường chiếm chưa tới 1% lượng tiêu hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam.
Như vậy, nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu thì có thể phải cần tới 20 thị trường tăng 100% lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam thì mới tiêu thụ hết lượng hồ tiêu vốn dành cho thị trường Trung Quốc.
Có lẽ đó chỉ là “giấc mơ giữa ban ngày” cho hồ tiêu Việt Nam.
Chỉ cần một chi tiết nhỏ đó cũng cho thấy sự nguy hại của “nhân tai” Trung Quốc đối với hồ tiêu Việt Nam lớn tới mức nào.
Dường như Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chỉ xem Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Sri Lanka mới là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình, vì đó là những nước trồng hồ tiêu, xuất khẩu hồ tiêu lớn trên thế giới.
Người viết cho rằng, đối thủ nguy hiểm nhất cho hồ tiêu Việt Nam có thể nhận diện chính là Trung Quốc. Và điều nguy hại đó có thể còn không phụ thuộc vào sản lượng hồ tiêu mà Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc nhiều hay ít.
Tóm lại, thời hoàng kim của hồ tiêu Việt Nam qua nhanh có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự phát triển thiếu bền vững của ngành hồ tiêu vì Việt Nam chưa quy hoạch tổng thể được loại cây trồng gia vị đặc biệt này.
Tuy nhiên, việc xem nhẹ “nhân tai” Trung Quốc cũng có thể nhận diện là nguy cơ rất tai hại cho hồ tiêu Việt Nam.
Bởi lẽ, triết lý kinh doanh “lợi mình hại người” của người Trung Quốc luôn phát huy tác hại lớn nhất, nhanh nhất ở những lĩnh vực, trong những thời điểm mà đối phương đang thuận lợi nhất vì sự lơ là luôn tạo ra sơ hở “chết người”.