Những chiêu lách luật để tổ chức dạy thêm, học thêm ở Phú Thọ

24/07/2016 08:24
Trần Đăng Anh
(GDVN) - Sau cuộc họp Hội đồng Nhân dân chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Phú Thọ ngày 14/7 vừa qua, vấn đề dạy thêm, học thêm đã được chú trọng giải quyết hiệu quả.

Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ sáng ngày 14/7 (được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên đài địa phương) dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn đề nóng trên nghị trường

Ngày 3/6/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 1893/QĐ-BGDĐT ban hành khung thời gian năm học 2016-2017 dành cho bậc giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông và giáo dục Thường xuyên trong đó có quy định ngày tựu trường sớm nhất là 1/8/2016.

Tuy vậy, ngày 1/7, không ít trường học thuộc bậc học Phổ thông (có cả một số trường Tiểu học) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tập trung học sinh, cho các em đăng ký học thêm. 

Đến ngày 4/7 thì nhiều trường ở Phú Thọ đã tổ chức dạy thêm, học thêm.

Theo Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành quy định một số điểm cụ thể về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh thì các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông không được dạy thêm, học thêm quá 3 buổi/tuần. 

Tuy nhiên, vẫn có trường còn thực hiện dạy thêm cả năm buổi trong tuần (chỉ nghỉ thứ bảy, chủ nhật) nên nhiều người, khi đi qua cổng trường, cứ tưởng thầy và trò nhà trường đã bước nào năm học mới!

Đối với các trường Tiểu học đã tổ chức dạy học hai buổi/ngày, theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm và Quyết định số 34 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm.

Nhưng một số trường thuộc dạng này vẫn “lách quy định” tổ chức dạy thêm, học thêm núp dưới hình thức “Câu lạc bộ môn học”, “Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao” hoặc “Rèn luyện kĩ năng sống”. 

Các trường này có “cài cắm” một vài tiết Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Giáo dục kĩ năng sống vào chương trình dạy học nhưng chủ yếu vẫn là 3 môn học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Thực chất,  đây vẫn là  dạy thêm, học thêm.

Ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nêu vấn đề về dạy thêm tại cuộc họp (ảnh: tác giả).
Ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nêu vấn đề về dạy thêm tại cuộc họp (ảnh: tác giả).

Việc dạy thêm trong nhà trường đã vậy, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cũng diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là ở địa bàn thành phố và thị xã.

Từ ngày 1/7 nhiều giáo viên đã tự động mở lớp để “tác nghiệp” ngay tại nhà riêng (hoặc nhờ nhà người thân), thậm chí có giáo viên còn dạy trước thời điểm này.

Tôi có anh bạn dạy ở một trường Tiểu học thuộc một thị xã, anh cho biết mình đã dạy thêm tại nhà từ tuần cuối của tháng 6 vì “phụ huynh yêu cầu nhiều quá”, trong khi đó mỗi tuần 3 buổi anh vẫn dạy thêm ở trường.

Đứa cháu con chú em tôi năm nay mới vào lớp hai thuộc một trường Tiểu học ở quê cũng được bố mẹ cháu cho đi học tại nhà cô cách hai cây số, mỗi tuần ba buổi nên ông nội phải đưa đi đón về rất mệt.
              
Một đứa cháu khác năm nay sắp vào học lớp 8 một trường Trung học Cơ sở ngoại thị cho biết: “Trường của cháu học thêm từ 1/7, khối lớp 6 đến khối lớp 9, mỗi tuần học 5 buổi (2 buổi Toán, 2 buổi Ngữ văn, 1 buổi Tiếng Anh)”.

Ông anh quê ngoại tôi ở một huyện miền núi của tỉnh kể rằng, anh có thằng con năm nay mới sắp bước vào lớp 1 nhưng phải cho học thêm tại nhà cô giáo dạy ở trường Tiểu học cùng xã với một số cháu khác, mỗi buổi 20 nghìn đồng, với mục đích, mà theo anh là “để cháu cứng cáp hơn khi vào học lớp 1”.

Sở dĩ tôi phải kể dài dòng như vậy là để thấy rằng trước ngày 15/7, chuyện dạy thêm, học thêm ở Phú Thọ diễn ra khá nhiều và phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. 

Chính vì vậy mà trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ sáng ngày 14/7 (được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên đài địa phương) dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn đề nóng trên nghị trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Tường đã phải trả lời chất vấn “khá căng” về vấn đề này. 

Trong báo cáo gửi đại biểu và phần giải trình trước hội nghị, Giám đốc Sở cho biết, trong năm học 2015 - 2016, Sở đã tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề về dạy thêm học thêm đối với 34 trường, giáo viên Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. 

Những  sai phạm bị phát hiện trong công tác dạy thêm học thêm đều được xử lý kỷ luật kịp thời, Sở đã giáng chức và điều chuyển công tác 1 Hiệu trưởng, khiển trách 1 Phó hiệu trưởng, khiển trách và rút giấy phép dạy thêm của 1 giáo viên... Đối với cấp huyện, đã xử lý 1 giáo viên Tiểu học vi phạm dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Phú Thọ cũng thẳng thắn thừa nhận việc cấp phép dạy thêm chưa chặt chẽ nên để giáo viên các trường Trung học Cơ sở được dạy thêm rất nhiều, còn một số giáo viên được cấp phép dạy thêm ở thành phố Việt Trì không gương mẫu, nên vẫn có gợi ý, thậm chí còn ép học thêm. 

Nghe xong, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nêu vấn đề rằng, ông đã nhận được đơn kiến nghị của một số cử tri, trong đó họ rất bức xúc vì việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.  

Do học sinh đông, không đủ các điều kiện về cơ sở vật chất nên có những em phải ngồi cả trong khu vệ sinh để học.

Sau đó, ông “truy” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Tới đây xóa bỏ giấy phép này đi, chỉ học trong nhà trường thôi, không cần phép tắc gì học thêm cả, được không?

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã phải trả lời chất vấn “khá căng” (ảnh do tác giả cung cấp)
 Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã phải trả lời chất vấn “khá căng” (ảnh do tác giả cung cấp)

Ông Giám đốc Sở nói rằng theo quan điểm của ông thì nếu giáo viên cấp Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư 17 của Bộ Giáo dục về dạy thêm, học thêm thì vẫn được cấp phép, nhưng quan điểm mà ông chỉ đạo Sở Giáo dục Phú Thọ là đã dạy thêm, học thêm ở nhà trường thì việc dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường là không cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh “truy” tiếp: “Nếu đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói là không nhất thiết, cần thiết phải cấp phép cho giáo viên dạy thêm này thì tôi đề nghị Sở Giáo dục báo báo Ủy ban Nhân dân tỉnh không chấp nhận chuyện cho phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh”.

Giám đốc Sở đã hứa trước Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và toàn thể hội nghị: “Chúng tôi sẽ về nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống văn bản quy định của Bộ và có đề xuất cụ thể với Uỷ ban Nhân dân tỉnh”.

Sau đó, với sự chỉ đạo cương quyết của Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của Sở bằng các văn bản chỉ đạo và các cuộc thanh tra việc thực hiện tựu trường; dạy thêm, học thêm theo quy định đối với các Phòng Giáo dục và các trường đã khiến đến thời điểm này vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được giải quyết hiệu quả.

Nhiều trường và giáo viên sau đó đã ngừng việc dạy thêm sai quy định từ ngày 14/7.

Một vài trường còn lại cũng đã kết thúc việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong ngày 20/7.

“Vì có đoàn kiểm tra đã đến tận nhà riêng một số thầy cô dạy thêm để kiểm tra nên việc dạy thêm ở nhà của tôi đã nghỉ 20/7 rồi”, một thầy giáo mở lớp học thêm cho biết.

Ngày 22/7, khi hỏi một học sinh trường Trung học Cơ sở ngoại thị, em cho biết: “Trường cháu phải nghỉ học để các thầy cô giáo đi tập huấn. Cô bảo bao giờ đi học lại thì cô thông báo sau!”.

Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm ở Phú Thọ một cách triệt để không phải là quá khó nếu các cấp chính quyền và ngành giáo dục quyết tâm làm và làm quyết liệt, triệt để.

Muốn làm được điều này cần phải có sự chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của các cấp chính quyền và ngành giáo dục, đặc biệt là sự nhận thức và việc thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của nhà trường cũng như các giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, hơn tất cả là ý thức của thày cô, nhà trường về việc dạy thêm học thêm chứ không phải đợi có giám sát, có nhắc nhở thì mới nghiêm túc thực hiện.

Trần Đăng Anh