Giao địa phương quản lý tình trạng các giáo viên dạy thêm ở nhà

06/08/2016 07:45
Phương Linh
(GDVN) - Theo đúng thông tư 17 quy định, chính quyền địa phương nơi cư trú sẽ quản lý chặt chẽ tình trạng các giáo viên dạy thêm ở nhà.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề dạy thêm học thêm vào sáng ngày 5/8.

Theo ông Hoàng cho biết, bắt đầu từ đầu năm học 2016 – 2017 sắp bắt đầu từ tháng 9 tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ chính thức áp dụng việc cấm dạy thêm và học thêm tại trường.

Đồng thời với việc này, thành phố cũng sẽ không cấp phép cho bất cứ giáo viên nào tổ chức hoạt động dạy thêm ở nhà.

Đề cập đến việc ai, đơn vị nào sẽ kiểm soát việc giáo viên dạy thêm tại nhà, ông Đỗ Minh Hoàng chia sẻ: Chính quyền địa phương sở tại, cụ thể là tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, phường rồi quận, cùng với Hiệu trưởng các trường sẽ chịu trách nhiệm quản lý.

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh – ông Đỗ Minh Hoàng giải thích: Như đã nói ở trên, thành phố sẽ không cấp phép cho bất cứ giáo viên nào dạy thêm ở nhà, có nghĩa rằng nếu phát hiện có giáo viên dạy thêm ở nhà là không có phép.

Là người quản lý ở địa phương, sâu sát với dân nhất, tổ trưởng tổ dân phố có quyền đến tận nơi, hỏi thăm khéo léo về tờ giấy phép dạy thêm học thêm này. Nếu không thể xuất trình được, có thể báo cho phường, quận xuống kiểm tra, có thể xử phạt nếu phát hiện sai phạm.

Một lớp dạy thêm tại nhà của giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)
Một lớp dạy thêm tại nhà của giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)

Tất nhiên, tất cả những việc kiểm tra này cần phải được thực hiện sao cho khéo léo nhất, để nhằm cho dư luận không coi thường ngành giáo dục, làm mất đi hình ảnh “tôn sư trọng đạo” trong mắt mọi người của nghề giáo viên.

  • Giao địa phương quản lý tình trạng các giáo viên dạy thêm ở nhà ảnh 2

Cấm dạy thêm ở trường, giáo viên cũng không được phép dạy thêm tại nhà

Tất cả các hoạt động dạy thêm, học thêm đều phải được thực hiện ở trung tâm, với sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhất của các cơ quan quản lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh hay phòng Giáo dục, UBND các quận huyện chỉ có thể cấp phép cả tổ chức, hoạt động cho các trung tâm, nếu nó đáp ứng một số yêu cầu nhất định.

Như vậy, việc thông tin “không cho giáo viên được đi làm thêm” mà người dân đang hiểu, sau khi chính sách cấm dạy thêm học thêm ở trường được ban hành, là không đúng, vì giáo viên vẫn có thể dạy được ở trung tâm.

Về thông tin Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tây Thạnh có hẳn 1 địa điểm dạy thêm 4 môn ở đường Tân Hòa Đông, quận 6, mở đã lâu mà không có phép, ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định, sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, vụ việc sang phòng Thanh tra, pháp chế xem xét, tiến hành xử lý sớm nếu đủ yếu tố, chứ không phải dừng dạy, trả lại tiền là xong.

Còn đối với hàng loạt trường dạy ôn tập hè cho lớp 10 mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu, ông Đỗ Minh Hoàng nhấn mạnh: Có một điều chắc chắn rằng, việc dạy hè cho học sinh đầu cấp, nhất là đối với lớp 10 là sai, không chấp nhận được.

Một lớp học ôn tập hè của Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp (ảnh: P.L)
Một lớp học ôn tập hè của Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp (ảnh: P.L)

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh giải thích tiếp: Hè dạy cái gì, ôn tập cái gì khi mà học sinh lớp 10 chỉ mới trúng tuyển vào trường, vừa hoàn thành xong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 rất mệt mỏi.

“Học sinh cũng cần phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chứ có 2 hay 3 tuần hay chỉ 1 tháng thì ôn tập được cái gì?” – ông Đỗ Minh Hoàng đặt vấn đề.

Giao địa phương quản lý tình trạng các giáo viên dạy thêm ở nhà ảnh 4

Thầy giáo tố thêm "độc chiêu" giáo viên ép học trò đến nhà để dạy thêm

(GDVN) - Để thực hiện dạy thêm ở nhà, các thầy cô giáo ở bậc học Phổ thông cũng phải có những “chiêu” đặc biệt của mình.

“Văn bản số 2246 thì Sở Giáo dục chỉ yêu cầu hè không được dạy trước chương trình, nhưng tới văn bản 2341 thì Sở lại yêu cầu không được dạy học sinh đầu cấp, như vậy là Sở phải chăng đặt các trường vào tình thế bị động?” – phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề.

Theo người phát ngôn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh – ông Đỗ Minh Hoàng, nói các trường bị động là không đúng, vì việc không được dạy cho các lớp đầu cấp là bình thường. Còn trường nào vẫn dạy là cố tình vi phạm.

Trong quá trình hoạt động ở cơ sở, nếu có gì vướng mắc, khó khăn phát sinh, các trường cần báo cáo về cấp quản lý. Quyết định là của tập thể Hội đồng sư phạm, nhưng Hiệu trưởng là người đứng đầu.

Chính vì vậy, sau văn bản đầu tiên và nhắm thấy các trường có thể xảy ra chuyện dạy ôn tập hè cho học sinh đầu cấp, nên Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản điều chỉnh, đề nghị các trường phải thực hiện nghiêm văn bản này, với tình thần ‘thượng tôn pháp luật’, còn nơi nào vi phạm thì sẽ xử lý Hiệu trưởng.

Phương Linh