Tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 4/8 đăng bài: "Tập Cận Bình kiên trì trạng thái hiện diện ở Biển Đông: Không động thủ, sau này nói gì cũng vô dụng" dẫn một số thông tin đáng chú ý được cho là từ cuộc họp Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc được tạp chí Minh Kính, Hồng Kông xuất bản cùng ngày tiết lộ. [1]
Tập Cận Bình chỉ đạo "động thủ" ở Biển Đông
Bản tin trên China Times viết:
"Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói, phải xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển, phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, không thể buông bỏ lợi ích chính đáng, càng không thể hi sinh lợi ích quốc gia cốt lõi.
Bất luận là trước hay sau phán quyết trọng tài 12/7, Bắc Kinh đều truyền thông điệp ngoại giao thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn. Thông điệp đó là: Quyết không hy sinh (cái gọi là) chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Đó là lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc.
Ngày 3/8, Trung Quốc chính thức vận hành trang web về Biển Đông, công bố các tư liệu lịch sử, bản đồ và lập luận cho yêu sách "chủ quyền" của họ ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Reuters. |
Theo tạp chí Minh Kính, trước đó Tập Cận Bình đã phát biểu trong một cuộc họp nội bộ: "Vấn đề Biển Đông nếu hiện tại chúng ta không ra tay, thì sau này chỉ còn lại đống tư liệu lịch sử, nói gì cũng vô dụng! Chúng ta phải hành động mới có thể duy trì được sự hiện diện và trạng thái tranh chấp."
Nguyên tắc "3 Không" đối với vụ kiện và phán quyết trọng tài về Biển Đông theo Minh Kính, cũng là do ông Tập Cận Bình "đập bàn quyết định".
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc sau hội nghị nghiên cứu đã cho rằng: Nước lớn thực sự thì không sợ có vấn đề, ngược lại có thể tìm kiếm lợi ích từ vấn đề.
Nguồn tin của Minh Kính nói rằng, những động thái trên cho thấy sách lược ngoại giao của Trung Quốc đã có một số điều chỉnh, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân chủ yếu của thái độ cứng rắn, một ly không nhượng bộ với phán quyết trọng tài."
Cá nhân người viết cho rằng, nguồn tin trong một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiệm mà có thể lọt ra ngoài là điều rất khó, trừ phi Trung Nam Hải muốn "xì tin, mớm tin" cho truyền thông hải ngoại để chuyển thông điệp nào đó tới các bên liên quan.
Ông Tập Cận Bình có "đập bàn chỉ đạo" phải động thủ ở Biển Đông hay không khó có thể kiểm chứng, nhưng phát ngôn hung hăng và hành động của Trung Quốc trên thực địa ngoài Biển Đông thì chưa có gì thay đổi.
Thông tin đáng chú ý nhất trong thông điệp được cho là phát biểu của Tập Cận Bình đó là phải ra tay duy trì sự hiện diện, hiện trạng tranh chấp ở Trường Sa.
Điều này tương đối phù hợp với diễn biến trên thực tế và phát biểu của các thuộc cấp như Ngô Thắng Lợi - Tư lệnh Hải quân, Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng khi Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ sang thăm sau phán quyết trọng tài 12/7.
Thứ hai, "nước lớn thì không sợ có vấn đề, ngược lại phải kiếm lợi ích từ vấn đề", phải chăng là một thông điệp cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp danh dự và uy tín để tiếp tục "kiếm lợi từ vấn đề"?
Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng đến Biển Đông sau phán quyết trọng tài mà các bên liên quan cần tính đến để dự kiến tình huống và giải pháp.
Khả năng đàm phán duy nhất giữa Trung Quốc - Philippines cho đến nay có lẽ là để ngư dân Philippines được quyền quay lại Scarborough đánh bắt.
Tập Cận Bình thổi bùng khủng hoảng Biển Đông để thâu tóm quyền lực trong quân đội?
Đó là nhận định của Nikkei Asian Review ngày 5/8: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp tục thổi bùng tranh chấp Biển Đông để tiến hành cải tổ quân đội vốn kịch liệt phản đối sự thay đổi." [2]
Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng "ép" chống phán quyết trọng tài Biển Đông? |
Một cựu quan chức của đảng Cộng sản Trung Quốc tiêt lộ, chiến dịch cải tổ quân đội Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến lập trường cứng rắn của Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông.
Bằng cuộc cải tổ này, Tập Cận Bình muốn ngăn chặn tình trạng các nhóm lợi ích lũng đoạn quân đội và 7 đại quân khu cát cứ các địa phương. Nikkei Asian Review viết:
"Trong vài năm qua Trung Quốc đã có những hành vi khiêu khích nguy hiểm ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với một số nước láng giềng.
Mùa hè năm 2014 Trung Quốc cắm (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã dẫn đến một cuộc đối đầu giữa các tàu hai nước.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây đảo nhân tạo trên các rặng san hô, bãi đá mà nước này kiểm soát (sau khi xâm lược Trường Sa năm 1988) làm căng thẳng leo thang trong khu vực.
Cần lưu ý là một loạt các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông đã vấp phải sự kháng cự rất lớn từ các tướng lĩnh quân đội bảo vệ lợi ích của họ.
Do đó đối với Tập Cận Bình, dàn dựng một cuộc khủng hoảng quân sự là cách hiệu quả nhất để thoát khỏi vũng lầy. Khủng hoảng ở Biển Đông đã được Tập Cận Bình xác định là cái cớ lý tưởng để đẩy mạnh cải tổ quân sự.
Lý do Tập Cận Bình đưa ra là gì? Quân đội Trung Quốc phải nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng." [2]
Người viết cho rằng, phát hiện của Nikkei Asian Review là rất đáng nghiền ngẫm, nghiên cứu.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mới đây ông Thường Vạn Toàn - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lại đặc biệt nhấn mạnh cái gọi là mối uy hiếp an ninh quốc gia Trung Quốc đến từ trên biển, kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng bằng chiến tranh nhân dân trên biển. [3]
Tuy nhiên người viết cho rằng, thổi bùng khủng hoảng trên Biển Đông là kế "nhất tiễn hạ song điêu" của Tập Cận Bình, vừa tái cấu trúc - cải tổ quân đội mà có người tin là thâu tóm quyền lực, vừa thực hiện giấc mơ bành trướng Biển Đông.
Bởi lẽ giấc mơ bành trướng "cấp nhà nước" ấy được hiện thực hóa bằng yêu sách đường lưỡi bò từ năm 1949 khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập.
Trung Quốc cứ nằm chờ thời cơ, mai phục khi láng giềng có chuyện là chiếm dần các đảo, các thực thể ở Biển Đông. Cuộc xâm lược Hoàng Sa năm 1956, 1974, Gạc Ma va 5 đảo, đá năm 1988, Vành Khăn năm 1995 là ví dụ điển hình.
Tập Cận Bình cũng bị sức ép ngược lại từ các tướng?
Ngày 12/7 Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra phán quyết trọng tài vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982. Tập Cận Bình đã bỏ qua phán quyết.
Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Aboluowang.com. |
Nikkei Asian Review bình luận:
"Nếu ông cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự nhượng bộ, có thể Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với cuộc nổi dậy từ bên trong quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân. Không cẩn thận, điều đó có thể trở thành cái đinh đóng nắp quan tài, kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.
Khi sang thăm Hoa Kỳ tháng 9 năm 2015, Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Obama. Nhưng sau khi có phán quyết trọng tài hôm 12/7, Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo ở Biển Đông như kế hoạch.
Ngô Thắng Lợi nói điều này với Đô đốc John Richardson Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hôm 18/7. Ngô Thắng Lợi sẽ không thể tuyên bố như vậy nếu Tập Cận Bình không gật đầu.
Tuyên bố của ông Lợi dường như phản ánh một điều gì đó đã không được nói công khai: Hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông là ý tưởng của hải quân."
Người viết cho rằng Tập Cận Bình có bị sức ép hay không, những ai có thể ép Tập Cận Bình còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên chắc chắn một điều, chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi đã được nhen nhóm, thổi bùng lên để lợi dụng nó thực hiện các mục tiêu chính trị, thì chơi dao sắc có ngày đứt tay.
Những quan điểm hung hăng, hiếu chiến từ một số tướng tá và một bộ phận truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu cho thấy rất rõ điều này.
Nó cũng cho thấy những quan điểm "diều hâu" hiếu chiến đang chiếm thế thượng phong trong đội ngũ tham mưu, hoạch định chính sách của Trung Nam Hải. Trung Quốc không thiếu nhân tài, không thiếu những người chính trực, hiểu biết luật pháp quốc tế, nhưng tiếng nói của họ đã không được lắng nghe.
Không xem quảng cáo… đừng đọc báo |
Nó đang làm xấu hình ảnh Trung Quốc một cách tệ hại trong con mắt dư luận khu vực và quốc tế. Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chia sẻ với người viết, chỉ có khủng bố với kẻ điên mới đi dọa tấn công nước khác trong thế giới văn minh ngày nay.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay, thực sự không thể hiểu nổi khi Thời báo Hoàn Cầu lại hô hào bắn chìm tàu của Australia ở Biển Đông chỉ vì nước này ủng hộ việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông thể hiện qua phán quyết trọng tài. [4]
Trong nhân loại văn minh ngày nay, chỉ có tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS là đe dọa tấn công nước khác, CHDCND Triều Tiên thỉnh thoảng lại đe dọa hủy diệt Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trung Quốc là đối tượng thứ 3 có những phát biểu mang tính côn đồ như vậy.
Người viết cho rằng, những phát ngôn và hành động thiếu kiểm soát của một số quan chức, tướng tá và truyền thông nhà nước Trung Quốc về Biển Đông thời gian qua chỉ làm các nước trong khu vực phải đề cao cảnh giác, đoàn kết lại và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các hành động bành trướng, leo thang.
Còn việc ngày 3/8, Trung Quốc chính thức vận hành một trang web về Biển Đông (southchinasea.org), trong đó đưa ra "tư liệu lịch sử", bản đồ và lập luận về "chủ quyền, quyền lợi biển" của Trung Quốc ở Biển Đông, cái cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất thì Bắc Kinh đã giấu nhẹm hoặc lờ tít.
Đó chính là các căn cứ pháp lý, cơ sở pháp lý quốc tế xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ vô chủ hoặc đã bị từ bỏ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ.
Nói cách khác, Trung Quốc không đưa ra một hệ quy chiếu pháp lý, một hệ tọa độ pháp lý mà chỉ tung ra một đống tư liệu lịch sử là cách tung hỏa mù, cả vú lấp miệng em.
Đó là điều rất đáng tiếc đối với dân tộc Trung Hoa, bởi rất nhiều nhân tài ưu tú của dân tộc này đã không được lên tiếng, để một bộ phận những kẻ cơ hội chính trị, đục nước béo cò thao túng và làm những việc xằng bậy nhân danh quốc gia, dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.chinatimes.com/realtimenews/20160804003537-260417