Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng "ép" chống phán quyết trọng tài Biển Đông?

01/08/2016 15:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cần xem lại công tác tham mưu, đội ngũ tham mưu của mình về chính sách đối ngoại, cụ thể là Biển Đông.

Reuters ngày 31/7 đưa tin, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải chống lại các áp lực từ bên trong quân đội đòi Trung Nam Hải phải "phản ứng mạnh mẽ hơn" với phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với nước này hôm 12/7.

Lãnh đạo Trung Quốc đang cảnh giác trước những thái độ kích động một cuộc đụng độ với Hoa Kỳ.

Về mặt ngoại giao và truyền thông, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách "3 Không" với phán quyết trọng tài. Thậm chí tuyên truyền chụp mũ cho phán quyết trọng tài là "trò hề chính trị", "âm mưu chống Trung Quốc từ Washington".

Hậu phán quyết trọng tài hôm 12/7, những làn sóng của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc đã bùng lên với những bài xã luận sử dụng ngôn từ đao to búa lớn trên một số tờ báo nhà nước và các cuộc biểu tình lẻ tẻ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc đã không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của một hành động mạnh tay hơn. Thay vào đó, Bắc Kinh đã kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán, đồng thời vẫn nhắc lại cam kết với dư luận trong nước rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".

Áp lực đối với ông Tập Cận Bình?

Một số luồng dư luận trong quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh áp lực đòi hỏi một phản ứng mạnh hơn, có cả khả năng dùng vũ lực nhằm vào Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, 4 nguồn tin riêng biệt nói với Reuters.

Một nguồn tin nói: "Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) đã sẵn sàng. Chúng ta nên cho chúng một bài học như Đặng Tiểu Bình đã làm với Việt Nam năm 1979".

(Nguồn tin này muốn nói đến cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam do Trung Quốc gây ra năm 1979 và những cuộc đụng độ kéo dài tới mãi năm 1989).

Reuters cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngừng tìm cách lấy lòng giới tướng lĩnh quân đội và củng cố triệt để vai trò lãnh đạo của mình trong PLA. Ông cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về vai trò Tổng chỉ huy của mình trong quân đội.

Trong khi đang giám sát cuộc cải cách sâu rộng trong quân đội để cải thiện khả năng tác chiến và giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại của PLA, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng, nước ông cần một môi trường bên ngoài ổn định, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Trung Quốc, trong khi nền kinh tế đang phát triển chậm lại.

Ít người mong đợi bất kỳ một động thái nào mạnh (leo thang trên thực địa Biển Đông) trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Chiết Giang tháng Chín này.

Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng "ép" chống phán quyết trọng tài Biển Đông? ảnh 2

"Ngoại giao thầm lặng" của Nhà Trắng ở Biển Đông bước đầu phát huy tác dụng

(GDVN) - Rất ít khả năng Trung Quốc phiêu lưu, manh động thực hiện những động thái leo thang như tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, xây đảo nhân tạo ở Scarborough.

Một nguồn tin khác có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc mô tả tâm trạng của một bộ phận có quan điểm "diều hâu" trong quân đội Trung Quốc:

"Hoa Kỳ sẽ làm những gì họ đã làm. Chúng ta cũng sẽ làm những gì chúng ta phải làm. Phía quân đội rất kiên định. Đó là một sự mất mát thể diện rất lớn", nguồn tin nói.

Theo cá nhân người viết, cái gọi là "sự mất mát thể diện rất lớn" ở đây có thể là phán quyết trọng tài hôm 12/7.

Liang Fang, một Giáo sư từ Học viện Quốc phòng Trung Quốc viết trên trang weibo cá nhân: "Quân đội Trung Quốc sẽ tiến lên và chiến đấu hết mình, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ bất kỳ quốc gia nào về chủ quyền."

"Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và coi đây là một bước ngoặt trong chiến lược quân sự của chúng ta trên Biển Đông", Li Jinming từ Viện Biển Đông, Đại học Hạ Môn viết trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á.

Trung Nam Hải ý thức được sự nguy hiểm của đụng độ quân sự ở Biển Đông

Mặc dù phản ứng với phán quyết trọng tài bằng những lời lẽ đao to búa lớn, nhưng trên thực tế Trung Quốc chưa có hành động nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Một nhà ngoại giao cấp cao từ Bắc Kinh cho Reuters biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ sự nguy hiểm của một cuộc đụng độ:

"Họ đang ở thế việt vị. Họ đang rất lo lắng bởi các phản ứng quốc tế. Họ thực sự mong muốn quay trở lại bàn đàm phán. Nhà lãnh đạo (Trung Quốc) sẽ phải suy nghĩ một cách dài hạn và nghiêm túc về những bước đi tiếp theo."

Ngay trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc vẫn đang có một sự thừa nhận rằng, Trung Quốc sẽ rất bất lợi nếu đối đầu với Hoa Kỳ:

"Hải quân của chúng tôi không thể thắng người Mỹ. Chúng tôi không có trình độ công nghệ được như họ. Chỉ có những người dân thường Trung Quốc vô tội là bị ảnh hưởng và chịu đau khổ (nếu xảy ra chiến tranh)."

Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết, tiếng nói từ những người có quyền lực và ảnh hưởng cho đến nay chỉ ra rằng, nhận thức của họ về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Việt Nam không tốt đẹp với Trung Quốc như những gì bộ máy tuyên truyền nước này muốn người dân của họ tin theo.

Ngoài ra, Washington đang sử dụng các kênh "ngoại giao thầm lặng" để thuyết phục các bên yêu sách khác ở Biển Đông không có những hành động mạnh để tận dụng phán quyết trọng tài hôm 12/7. [1]

Ông Tập Cận Bình cần một bộ máy tham mưu trung thực

Cá nhân người viết cho rằng, việc ông Tập Cận Bình có bị một nhóm tướng lĩnh quân đội hiếu chiến gây áp lực phải phản ứng "cứng rắn" với phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông hôm 12/7 hay không, hiện tại khó có điều kiện kiểm chứng.

Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng "ép" chống phán quyết trọng tài Biển Đông? ảnh 3

4 bài học cho Trung Quốc sau phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông

(GDVN) - Trung Quốc biết lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia chân chính, thay đổi nhận thức, lấy luật pháp quốc tế làm thước đo thì mọi hệ lụy ấy sẽ được hóa giải.

Nhưng sự tồn tại của một bộ phận quan điểm hiếu chiến, diều hâu trong bộ máy lãnh đạo quân đội, nhà nước và truyền thông Trung Quốc là điều có thật. Nó thể hiện qua những phát biểu công khai của một số học giả quân sự, một số bài xã luận mang tính hăm dọa của truyền thông nhà nước.

Bên cạnh đó cũng vẫn có những tiếng nói yêu chuộng hòa bình, thượng tôn pháp luật và công lý từ chính giới nghiên cứu, học giả và không ít quan chức Trung Quốc.

Tiếc rằng xu thế "diều hâu" dường như đang chiếm thế thượng phong trong các cơ quan tham mưu cho Trung Nam Hải. Chính những quan điểm hung hăng này trong giới tham mưu và hoạch định chính sách nhà nước đã đẩy Trung Quốc vào tình thế tự cô lập như hiện nay.

Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Reuters cho biết nhiều người Trung Quốc có hiểu biết không còn tin vào những gì bộ máy tuyên truyền nước này nói về cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và các hoạt động phá hoại biên giới kéo dài đến năm 1989.

Ông Từ Khánh Toàn, Phó Tổng biên tập Tạp chí "Viêm Hoàng xuân thu" trong bài viết đăng trên trang 21ccom.net (Mạng Tri thức Cộng đồng) ngày 7/12/2015 tường thuật quá trình đi lên từ binh nhì đến vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, lon Thượng tướng của ông Trương Vạn Niên khi ông này qua đời tháng 12/2015 đã cho thấy rõ:

Về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 giới quân sự và nghiên cứu Trung Quốc ngày nay khá kín tiếng vì có nhiều thứ "không thể nói ra". Ngay từ đầu đã có nhiều thành viên Quân ủy trung ương phản đối cuộc chiến (xâm lược, phi nghĩa) này.

Đại tướng Túc Dụ năm 1958 vì chống chủ nghĩa giáo điều trong quân đội đã bị "phê phán", năm 1979 đến hạn được "bình phản". Nhưng vì ông kiên quyết không tham gia cuộc chiến tranh (xâm lược Việt Nam) nên đến lúc chết vẫn không được nhìn thấy văn kiện "bình phản" trường hợp của mình.

Cũng trong bài viết này, ông Từ Khánh Toàn cho hay, thời Đặng Tiểu Bình trong đề bạt cán bộ, bất kỳ quân nhân nào tham gia cuộc chiến (xâm lược) Biên giới 1979 đều được cộng điểm. Trương Vạn Niên được trọng dụng cũng là nhờ "điểm cộng" này. [2]

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng có những sai lầm chiến lược không thể sửa chữa, bởi cái giá phải trả không chỉ là xương máu của hàng vạn thanh niên và người dân vô tội từ cả phía xâm lược lẫn phía bị xâm lược.

Chiến tranh không chỉ gây ra sự hủy diệt, để lại những vết thương khó lành, mà còn hủy hoại lòng tin của các nước láng giềng bị Trung Quốc tấn công. "Đại cục" hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc sẽ bị đe dọa nếu những quan điểm hiếu chiến vẫn hiện hữu và thắng thế.

Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng "ép" chống phán quyết trọng tài Biển Đông? ảnh 4

Không xem quảng cáo… đừng đọc báo

(GDVN) - Trước thực trạng độc giả báo mạng chặn các quảng cáo, một số tờ báo lớn trên thế giới đã phản pháo bằng thông điệp: “Không xem quảng cáo thì đừng đọc báo".

Tất cả những điều này xảy ra là vì pháp luật và công lý đã bị xem thường, thậm chí còn bị bẻ cong để phục vụ những âm mưu, ý đồ chính trị của một vài cá nhân hay thế lực nào đó.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ngoài Biển Đông, những bài học hôm qua vẫn còn nóng hổi.

Con đường "phục hưng dân tộc Trung Hoa" mà ông Tập Cận Bình đề xướng sẽ là một cuộc trỗi dậy hòa bình được thế giới chào đón, hay lại lặp lại bánh xe đổ của một số lãnh đạo đi trước phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, đạo đức của đội ngũ tham mưu của Trung Nam Hải.

Quay trở lại câu chuyện Biển Đông, cá nhân người viết đánh giá cao ông Tập Cận Bình ở một điểm là chưa bao giờ ông nhắc đến đường 9 đoạn, dù ông đã 3 lần tuyên bố "Trung Quốc có chủ quyền từ thời cổ đại với các đảo ở Biển Đông". [3]

Có lẽ ông cũng đã nhận thấy sự bành trướng đến phi lý của đường 9 đoạn, nên trong "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" đưa ra hôm 12/7 sau khi có phán quyết trọng tài, đường 9 đoạn đã không xuất hiện trong 4 yêu sách "chủ quyền lãnh thổ" hay "quyền lợi biển" của Trung Quốc. [4]

Ít nhất điều này cũng cho thấy sự thay đổi về nhận thức của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Hy vọng rằng phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông nên trở thành cơ hội để Trung Quốc bình tĩnh xem xét lại các yêu sách của mình, mở cánh cửa đàm phán, giải quyết các tranh chấp trong tương lai.

Chống lại phán quyết trọng tài là chống lại UNCLOS 1982 mà chính Trung Quốc đã góp phần rất tích cực tham gia xây dựng [5], chống lại luật pháp và công luận quốc tế.

Điều này càng đẩy Trung Quốc ra xa phần còn lại của nhân loại, cho dù có đổ bao nhiêu tiền của công sức để tuyên truyền, thì cũng không thay đổi được sự thật trong một thế giới phẳng.

Cá nhân người viết đánh giá rất cao chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhờ chiến dịch này mà những "con hổ" như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng mới bị trừng trị thích đáng.

Nhưng nếu không có cơ chế kiểm soát tốt, thì sẽ lại xuất hiện những "con hổ" khác. Vì khi có thông tin một nhóm tướng lĩnh ép Chủ tịch Tập Cận Bình phải phản ứng cứng rắn chống lại phán quyết trọng tài, có nghĩa là không loại trừ khả năng lại mọc ra một nhóm thao túng, lũng đoạn chính sách quốc phòng mới.

Bởi vậy thiết nghĩ đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cần xem lại công tác tham mưu, đội ngũ tham mưu của mình về chính sách đối ngoại, cụ thể là Biển Đông.

Về đối nội đề cao pháp trị, thì về đối ngoại Trung Quốc cũng nên thể hiện thái độ gương mẫu thượng tôn pháp luật. Quyền lực có thể đi ra từ nòng súng, nhưng uy tín, thương hiệu và sự tôn trọng của cộng đồng thì không.

Tài liệu tham khảo: (Xin lưu ý, bài viết của Từ Khánh Toàn [2] có những nội dung tuyên truyền xuyên tạc về cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, do đó cần tiếp cận với thái độ thận trọng)

[1] http://www.reuters.com/article/us-southchinasea-ruling-china-insight-idUSKCN10B10G

[2] http://www.21ccom.net/plus/wapview.php?aid=131180

[3] http://www.wsj.com/articles/full-transcript-interview-with-chinese-president-xi-jinping-1442894700

[4] http://news.xinhuanet.com/world/2016-07/12/c_1119207706.htm

[5] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/4-bai-hoc-cho-Trung-Quoc-sau-phan-quyet-trong-tai-vu-kien-Bien-Dong-post169733.gd

Hồng Thủy