“Với tôi, con không phải thần đồng”
Đối với chị Điệp, những vật dụng đơn giản như ống sữa, gạo, các hạt đậu đỗ cũng có thể “hô biến” thành đồ chơi khơi gợi đam mê khoa học cho con.
Bằng kinh nghiệm của mình, chị chia sẻ luôn dạy con rằng vạn vật đều có hồn.
Để đánh thức các giác quan của con không còn cách nào khác là phải cho con được trải nghiệm, đừng sợ con đau, đừng sợ con thua cuộc, bởi đó là nguyên tố giúp con thành công sau này.
Tọa đàm “Khơi dậy đam mê khoa học ở trẻ”, tổ chức ngày 7/8 vừa qua ở Hà Nội (Ảnh: tác giả). |
Chị bày tỏ quan điểm:
“Với tôi, con không phải thần đồng. Thực sự, ở nhiều lĩnh vực, con không bằng những bạn khác. Trong học tập, cũng có môn con rất yếu như toán. Nhưng điều tôi quan tâm nhất chính là con sống chan hòa với thiên nhiên, sống thiện, yêu mọi người, yêu con vật”.
Từ đó, chị khẳng định rằng dù con có đi theo con đường khoa học hay không, có thế mạnh gì cũng không quan trọng. Chúng ta nên hướng con đến cái đích vui vẻ, hạnh phúc và được là chính mình.
Để nuôi dưỡng tâm hồn con, mẹ của “thần đồng” cũng chia sẻ từ thực tế câu chuyện khi Nam còn nhỏ.
"Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không có tố chất nổi bật khác thường" |
Từ đó, chị đúc rút ra rằng thông thường đứa trẻ còn nhỏ nói nhiều lời yêu thương, ôm cổ mẹ. Nhưng càng lớn hình như đứa trẻ càng rụt rè, ngại thể hiện tình cảm hơn.
Vì vậy, chị đã dạy cho Nam rằng:
“Nếu như em ko thể hiện tình cảm bằng cách này thì hãy thể hiện bằng cách khác như viết vào giấy chẳng hạn”.
Với chị, đó là cách kết nối tình yêu thương đối với con hữu hiệu nhất.
Đừng quan tâm nhiều đến điểm số của con
Trong sự thành công khi nuôi dạy con, chị Điệp đã tâm sự:
“Thường nhiều bậc cha mẹ hay nói con làm sai mỗi khi con mắc lỗi”.
Với chị, đó là một hình thức ngăn chặn sự sáng tạo của con nhanh nhất, gần nhất.
Bằng sự chân thành của mình, chị khuyên mọi người hãy đo thời gian chơi với con bằng chất lượng, ở đó không có điện thoại, không có ti vi, cùng đọc sách, cùng trò chuyện với nhau, chứ không phải cả ngày “sát cánh” bên con nhưng ai làm việc nấy.
Với câu hỏi của phụ huynh về việc làm gì với đứa con hướng nội, ít nói, chị Điệp đã phản ánh thực trạng của không ít gia đình thời nay là tâm lý so sánh “con nhà người ta”.
Chị khuyên các bậc phụ huynh đừng bận tâm đến việc con nhà khác học giỏi hơn, chơi đàn hay hơn, giỏi ngoại ngữ hơn con mình mà hãy bằng lòng với những gì con có.
Nếu con trầm lặng, ít hướng ngoại thì đừng cố ép con phải là người khác.
Quan điểm của chị rất đơn giản, hãy để những đứa trẻ được lớn lên và phát triển một cách tự nhiên, đừng “bẻ gãy” hướng đi của con bằng chính kỳ vọng của bố mẹ.
Bởi vì: “Bất kỳ người nào trên thế giới này cũng không hoàn hảo. Tuy nhiên tất cả mọi người đều được chấp nhận bởi sự khác biệt”.
Qua đó, chị nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh đừng muốn con rập khuôn giống một hình mẫu khác. Có thể con không thuyết trình hay như người khác, không nói năng lưu loát trước đám đông nhưng con được là chính mình.
Bài học làm cha mẹ tuyệt vời qua chuyện Đỗ Nhật Nam |
Thay vì chú trọng vào điểm số của con, cha mẹ hãy nhìn vào sự quan tâm của con như hỏi han mẹ khi mẹ ốm hay giúp mẹ nhặt rau, rửa trái cây, rửa bát.
“Hãy sống cuộc đời của bạn và trao cho con cơ hội được sống cuộc đời của chính nó”.
Nuôi con chẳng có quan điểm nào là đúng nhất, quan trọng là sự thành công của đứa trẻ không được đo bằng điểm số, bằng danh hiệu. Bởi sự bon chen, đố kỵ mà con phải đối mặt mỗi ngày có thể khiến con đánh mất mình.
Hãy để con được bước vào giờ học bằng tư thế khám phá, tìm hiểu chứ không phải đua tranh.
“Khi bạn nghĩ rằng việc học của con là giải được toán, viết được văn nghĩa là không chỉ con nặng nề mà ngay cả chính bản thân mình cũng bị đối mặt với không ít muộn phiền. Hãy tự “tháo cũi xổ lồng” cho con và cho chính mình” – Chị Phan Hồ Điệp bộc bạch.