Ai cho phép chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì độc quyền để gây sức ép?

11/08/2016 07:32
Mai Anh
(GDVN) - PGS.TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi trước việc chủ đầu tư dự an BOT cầu Hạc Trì "dọa" đóng cầu Hạc Trì do thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu.

Dư luận bức xúc

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì – chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị có phương án cấm triệt để phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, đồng thời trả nguyên trạng ụ nổi, rào chắn phân luồng giao thông qua cầu Việt Trì cũ.

Nói cách khác, chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì muốn cơ quan chức năng ngăn phương tiện ô tô qua cầu Việt Trì nhằm buộc các phương tiện phải qua cầu Hạc Trì để thu phí.

Doanh nghiệp cũng đưa ra thời hạn trong 15 ngày, cơ quan có thẩm quyền không giải quyết sẽ đóng cầu.

Chủ đầu tư BOT cầu Hạc Trì ra “tối hậu thư” gửi các cơ quan chức năng nếu không được giải quyết trong 15 ngày sẽ dừng hoạt động cầu - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải.
Chủ đầu tư BOT cầu Hạc Trì ra “tối hậu thư” gửi các cơ quan chức năng nếu không được giải quyết trong 15 ngày sẽ dừng hoạt động cầu - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải.

Ngay sau khi đồng loạt cơ quan báo chí đăng tải “tối hậu thư” của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì, độc giả cả nước theo dõi thông tin đã bức xúc trước hành vi “dọa” đóng cầu của chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì. Bức xúc của dư luận được thể hiện qua những comment, bình luận dưới các bài viết.

Theo đó nhiều ý kiến độc giả cho rằng, nhà đầu tư BOT không làm đường miễn phí cho người dân đi mà làm đường để kinh doanh. Sau khi làm đường, tính chi phí để đưa ra thời gian thu phí, mức thu phí.

Nhiều độc giả cho rằng, trong kinh doanh có lãi có lỗ, buộc doanh nghiệp phải tính toán và cẩn trọng.

Độc giả tên Thúy viết: Nếu Chính phủ vào cuộc thì có thể thấy nhóm lợi ích ở đây. Ai đã thỏa thuận là cấm cầu Việt Trì trong phương án tài chính của BOT khi phê duyệt. Ai taok điều kiện để doanh nghiệp độc quyền? Nhà đầu tư BOT cũng là một doanh nghiệp, lỗ cũng phải chấp nhận vì không lường hết các vấn đề sẽ xảy ra...

Ai cho phép chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì độc quyền để gây sức ép? ảnh 2

Chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì: Anh đóng cũng được, chứ đừng thách đố

Ai cho phép chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì độc quyền để gây sức ép? ảnh 3

Kết luận của Phó Thủ tướng về kiểm tra cầu Việt Trì, Hạc Trì

Ai cho phép chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì độc quyền để gây sức ép? ảnh 4

Từ vụ cấm ô tô qua cầu Việt Trì, Chính phủ yêu cầu rà soát BOT cầu Hạc Trì

Độc giả Ngô Văn Chấn cũng bày tỏ: Đã là kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu. Khi lãi to doanh nghiệp bỏ túi, dân có được hưởng đâu, giải pháp gì thì giải pháp, dồn ép dân là không ổn.

Chung quan điểm, độc giả Nguyễn Văn viết: Cứ cho họ đóng cầu xem dân có bị sao không. Họ đầu tư kinh doanh lãi lỗ phải tự chịu. Nếu thu nhiều quá có kêu không? BOT phải có đường khác cho dân tự chọn chứ bắt ép dân thế nào được.

Đứng trên quan điểm để thị trường quyết định, độc giả Lê Thanh chia sẻ: Người dân chỉ qua cầu mới khi thấy cầu mới mang lại cho người ta một giá trị bằng hoặc cao hơn số tiền mà họ bỏ ra. Không thể bắt người dân trả tiền cho dịch vụ mà họ không mong muốn, không mang lại cho họ nhiều giá trị. Cứ để cho doanh nghiệp đóng cầu xem...

Nếu cần có thể xử lý hình sự

Ngoài những quan điểm trên, độc giả cũng gửi bình luận, đặt ra các vấn đề lợi ích nhóm xung quanh dự án BOT cầu Hạc Trì.

Cụ thể, độc giả Đinh Hoàng Long đặt câu hỏi: Phải làm rõ cầu Việt Trì cũ xây khi nào? Tuổi thọ thiết kế bao nhiêu năm? Chất lượng hiện nay thế nào?

“Chẳng qua doanh nghiệp xây cầu vì lợi ích nhóm. Theo tôi biết, cầu Việt Trì có thiết kế tuổi thọ 50 năm, nếu anh đợi 49 năm làm cầu mới, thu phí dân ai kêu. Đằng này cây cầu mới được 25 năm, còn 25 năm sử dụng nữa chứ. Nói tóm lại, các anh đừng vì lợi ích nhóm móc túi người dân”, độc giả Long viết.

Cùng quan điểm, độc giả Ngô Anh cho rằng: Công ty BOT thấy luợng xe lưu thông nhiều nghĩa là thấy tiền chạy qua cầu Việt Trì nhiều nên “bày trò” xây cầu mới, chứ cầu cũ còn niên hạn vài chục năm nữa. Xuống cấp gì mà cả đoàn tàu chở quặng chạy ầm ầm thì không sao. Cái xe 5 chỗ chưa đuợc 2 tấn thì quá tải?

Khẳng định có nhóm lợi ích sau dự án BOT cầu Hạc Trì, độc giả Trần Văn Thành chia sẻ: BOT giao thông ai mà chẳng lạ, lập luận chứng kinh tế thật hoành tráng, tận dụng triệt để mọi quy định còn kẻ hở để nâng đội chi phí đầu tư lên. 

Chung góc nhìn với dư luận xã hội, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long: “Nếu đóng cầu là vi phạm pháp luật”.

PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, giao thông là mạch máu kinh tế đất nước, do đó dù muốn hay không muốn, thu hay không thu phí vẫn phải đảm bảo giao thông cho dân sinh, đảm bảo lưu thông cho sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng. Anh đòi đóng cầu là trái với quy tắc.

“Ngay trong quá trình nhượng quyền nhà nước cũng có quy định anh không được dựa vào đó để đưa ra chính sách độc quyền nhằm ép giá. Như vậy việc dọa đóng cầu gây sức ép là vi phạm. Mặt khác, ngay dự án cầu Hạc Trì cũng đang đặt vấn đề có nhóm lợi ích phía sau hay không bởi chỉ sau khi cầu Hạc Trì hoàn thành thì cầu Việt Trì bỗng xuống cấp”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Theo PGS Ngô Trí Long, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, lợi ích doanh nghiệp phải dưới lợi ích quốc gia. Trong khi đòi hỏi của doanh nghiệp không hợp lý khi bắt cơ quan quản lý đóng cầu Việt Trì nhằm ép phương tiện ô tô qua cầu Hạc Trì là vô lý.

PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, trách nhiệm ở đây thuộc cơ quan quản lý nhà nước khi cho doanh nghiệp thế độc quyền để gây sức ép.

“Bằng mọi giá không được để đóng cầu, cơ quan quản lý nhà nước phải làm hài hòa lợi ích của người dân với doanh nghiệp. Đòi hỏi của chủ đầu tư theo kiểu không đáp ứng thì đóng cầu là vô lý. Nếu cần có thể xem xét về mặt hình sự”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết. 

Mai Anh