Bình luận thắc mắc của Tiến sĩ Mã Anh Cửu về hiệu lực của đảo Ba Bình

12/08/2016 09:09
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Xin chia sẻ với Tiến sĩ Mã Anh Cửu, trước thời điểm Hội đồng Trọng tài ra phán quyết, thì ngay trong giới luật gia quốc tế cũng có nhiều tranh cãi khác nhau.

LTS: Sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7/2016, vẫn còn những băn khoăn xung quanh việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 từ các bên liên quan, trong đó có Đài Loan. 

Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Theo dõi phản ứng và bình luận của các nhà nghiên cứu, truyền thông quốc tế cũng như Việt Nam về Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/72016 nhìn từ góc độ pháp lý vẫn còn những nhận thức và tranh cãi khác nhau liên quan đến yêu sách và quyền lợi của mỗi bên. 

Phản ứng gay gắt nhất là từ Đài Loan về nội dung phán quyết áp dụng Điều 121: “Quy chế đảo” cho các thực thể ở Trường Sa, trong đó Hội đồng Trọng tài kết luận không một cấu trúc nào ở Trường Sa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.

Phản ứng của Đài Loan là khá kiềm chế và chừng mực do hai nhà lãnh đạo vừa chuyển giao quyền lực cho nhau, Tiến sĩ Mã Anh Cửu và Tiến sĩ Thái Anh Văn đều là những luật gia, được đào tạo từ những trường luật.

Cả hai vị đã không nhắc gì đến yêu sách đường 9 đoạn bị Phán quyết Trọng tài bác bỏ, nhưng cả hai vị này đều không tâm phục khẩu phục về việc Tòa Trọng tài đã bác bỏ hiệu lực của đảo Ba Bình (Itu-Aba) trong việc xác lập vùng đặc quyền kinh tế cho hòn đảo này.

Tiến sĩ Mã Anh Cửu, ảnh: SCMP.
Tiến sĩ Mã Anh Cửu, ảnh: SCMP.

Mọi người đều biết rằng, Đài Loan không phải là thành viên của UNCLOS 1982 và “Trung Hoa Dân quốc” - tên gọi chính thức của Đài Loan- cũng không còn là thành viên Liên Hợp Quốc.

Cho nên dù là một bên yêu sách và đang kiểm soát đảo Ba Bình từ những năm 1950 đến nay, Đài Loan không được tham gia phiên tòa kể cả với tư cách quan sát viên.

Mặc dù vây, Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán vẫn xem xét các lập luận của Đài Loan thông qua bản kiến nghị hơn 400 trang do Hội Luật quốc tế Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đệ trình.

Điều này cho thấy 5 thẩm phán của Hội đồng Trọng tài đã làm việc rất nghiêm túc, thận trọng, công tâm, khách quan. 

Tuy nhiên, cho đến nay, phía Đài Loan vẫn lên tiếng phản đối Phán quyết Trọng tài hôm 12/7/2016 tập trung vào việc áp dụng Điều 121: “Quy chế đảo”, cho trường hợp đảo Ba Bình.

Vấn đề này được Tiến sĩ Mã Anh Cửu trình bày dưới góc độ nhận định của ông về pháp lý trong bài viết đăng trên The Wall Street Journal ngày 26/7. [1]

Tôi xin được phân tích và bình luận dưới góc độ pháp lý về một số nội dung của bài viết này:

1. Tại sao Philippines chỉ đề nghị Hội đồng Trọng tài phán quyết về hiệu lực của 8 cấu trúc, nhưng Trọng tài lại tuyên cho toàn bộ các cấu trúc ở Trường Sa?

Trước hết xin được làm rõ thắc mắc của người phát ngôn “Bộ Ngoại giao” Đài Loan và một số ý kiến trong dư luận các bên liên quan, rằng: Tại sao Philippines chỉ khởi kiện về hiệu lực của 8 thực thể, mà Hội đồng Trọng tài lại ra phán quyết đối với tất cả các thực thể ở Trường Sa?

Tiến sĩ Trần Công Trục trong cuộc sống đời thường, nguồn ảnh: Facebook Truc Trancong.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong cuộc sống đời thường, nguồn ảnh: Facebook Truc Trancong.

8 thực thể này bao gồm: 6 thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa là Gạc Ma, Chữ Thập, Xu Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên, Vành Khăn, cùng với bãi Cỏ Mây và Scarborough.

Theo tôi, sở dĩ Hội đồng Trọng tài phải xem xét và ra phán quyết về hiệu lực cho tất cả các thực thể ở Trường Sa, bao gồm đảo Ba Bình, là vì nội dung thứ 5 trong số 15 nội dung mà Philippines đề nghị Tòa làm rõ có liên quan đến quy chế của bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Để xem xét nội dung này, bắt buộc Hội đồng Trọng tài phải xem xét liệu trong tất cả các cấu trúc ở Trường Sa, có cấu trúc nào đủ điều kiện để xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay không. 

Nếu có, thì rất có thể Vành Khăn và Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thực thể đó và do đó sẽ tạo ra "vùng chồng lấn" với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines. 

Điều này sẽ loại trừ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Bởi vì, nếu như vậy lại liên quan đến việc phân định biển, một nội dung không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Trung Quốc đã viện dẫn điều này để từ chối vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài và không thừa nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài. Đây chính là lý do và cũng là ý nghĩa tại sao Phán quyết Trọng tài khẳng định rằng: 

"Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có quyền xác lập."

2. Lập luận của Đài Loan về việc áp dụng Điều 121: “Quy chế đảo” đối với Ba Bình

Bài phân tích của Tiến sĩ Mã Anh Cửu trên The Wall Street Journal hôm 26/7/2016 chỉ xoay quanh việc áp dụng Điều 121: “ Quy chế đảo” đối với Ba Bình. Bài viết của Tiến sỹ Mã Anh Cửu có một số nội dung đáng chú ý và tôi cũng xin được bình luận như sau:

Một là: Phải chăng Phán quyết Trọng tài đã “hạ thấp”, biến đảo Ba Bình, với tư cách là một “đảo” (Island) thành một “đá” (Rock), bất chấp sự thật đảo Ba Bình là một đảo, hình hành tự nhiên, lớn nhất ở Trường Sa, đồng thời là đảo duy nhất có nước ngọt?

Tôi đã từng phân tích, theo các quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt là Điều 121: “Quy chế đảo” thì các cấu trúc ngoài biển và đại dương chỉ có 2 loại: đảo và không phải đảo. [2]

Bình luận thắc mắc của Tiến sĩ Mã Anh Cửu về hiệu lực của đảo Ba Bình ảnh 3

Tiến sĩ Thái Anh Văn: 3 lý do từ chối phán quyết, lập trường 4 điểm về Biển Đông

(GDVN) - Tiến sĩ Thái Anh Văn là người học luật, nên dường như nhận thức của bà về các vấn đề pháp lý cũng khác với những nhà chính trị khác.

Xét về cấu tạo tự nhiên và theo đúng định nghĩa tại Khoản 1, Điều 121: “Quy chế đảo” của UNCLOS 1982, đảo Ba Bình luôn luôn và hoàn toàn là một đảo (island).

Ba Bình là một thực thể địa lý, dù được cấu thành bởi cát, san hô, đá hay đất…, luôn luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất. Chỉ có điều Ba Bình không có hiệu lực pháp lý trong việc xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa cho nó. 

Bởi vì, xét từ nguồn gốc tự nhiên vốn có, Ba Bình là một đảo, mặc dù lớn nhất so với các đảo khác trong quần đảo Trường Sa và mặc dù có cả nguồn nước ngọt, nhưng quá nhỏ bé, với diện tích khoảng 0,4 km2.

Nó không thích hợp cho con người đến sinh sông thường xuyên, nếu không có sự tiếp viện từ đất liền và đương nhiên, không thể có đời sống kinh tế riêng theo đúng nghĩa của nó.

Hai là: Theo Tiến sĩ Mã Anh Cửu thì Hội đồng Trọng tài ra phán quyết dựa trên các thông tin mà ông cho rằng "không đầy đủ, lỗi thời và không chính xác". 

Vì vậy, Đài Loan đã mời Hội đồng Trọng tài cũng như bên nguyên là Philippines, đi khảo sát thực tế đảo Ba Bình để kiểm tra, đánh giá trước khi ra phán quyết, nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. 

Cá nhân tôi cho rằng, cơ quan tài phán quốc tế khi thụ lý bất kỳ hô sơ nào cũng có thể cần phải đi xác minh các chứng cứ của vụ án. Đây cũng là việc làm thông thường và cần thiết. 

Nhưng nó không phải là điều kiện tiên quyết, bắt buộc phải làm. Nếu Tòa xét thấy đã có đủ các thông tin, tư liệu, khoa học, lịch sử… liên quan đủ để làm sáng tỏ vấn đề thì không nhất thiết phải tiến hành đi xác minh, điều tra thực tế.

Hơn nữa, ai cũng thừa biết tình hình môi trường, địa hình, địa mạo ở đảo Ba Bình hiện tại đã bị biến đổi rất nhiều do tác động của bàn tay con người, nên không thể nói là sẽ "khách quan hơn" nếu đi thị sát.

Ba là: Tranh cãi việc giải thích, áp dụng Khoản 3, Điều 121: “ Quy chế đảo”, Tiến sĩ Mã Anh Cửu đã nhắc lại rằng, Khoản 3, Điều 121 chỉ nói: Các đá không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng thì không được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. 

Từ đó ông kết luận rằng, phán quyết Trọng tài đã "thay đổi tiêu chuẩn", vì đã đưa thêm nội dung "các cấu trúc phải có năng lực khách quan để duy trì một cộng đồng dân cư sinh sống ổn định".

Tiến sĩ Mã Anh Cửu cho rằng nội dung này không có trong câu chữ bản gốc của UNCLOS1982. 

Ngoài ra ông cũng không đồng tình với nội dung của Phán quyết có liên quan đến "cộng đồng dân cư sinh sống ổn định” trên các thực thể địa lý ở Trường Sa. Vì vậy, Tiến sĩ Mã Anh Cửu đặt câu hỏi: Nhân viên công vụ không phải là người hay sao?

Bình luận thắc mắc của Tiến sĩ Mã Anh Cửu về hiệu lực của đảo Ba Bình ảnh 4

Có phải Việt Nam "thiệt thòi" vì phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông?

(GDVN) - Những lập luận của Tòa đã khiến chúng ta phải soi lại mình để có những hiệu chỉnh cho phù hợp ngay từ trong nhận thức về những khái niệm cơ bản.

Xin chia sẻ với Tiến sĩ Mã Anh Cửu, trước thời điểm Hội đồng Trọng tài ra phán quyết, thì ngay trong giới luật gia quốc tế cũng có nhiều tranh cãi khác nhau về các điều khoản của UNCLOS 1982. 

Công ước không quy định rõ, thế nào là thích hợp cho con người sinh sống? Thế nào là đời sống kinh tế riêng?

Đây là một khó khăn không nhỏ mà 5 vị thẩm phán của Hội đồng Trọng tài phải vượt qua để có thể đưa ra được những kết luận khách quan, khoa học, công minh nhất.

Chính 5 thẩm phán phải lãnh trách nhiệm làm rõ các khái niệm pháp lý này để tránh những tranh cãi về sau. Cá nhân tôi cho rằng giải thích của Hội đồng Trọng tài thực sự rất công tâm, khách quan và thuyết phục: 

"Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác…

Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc.

Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. 

Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác.

Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất."

Như vậy có thể thấy Hội đồng Trọng tài đã phân tích rất rõ ràng, khách quan, công tâm và thuyết phục về điều kiện của một "đời sống kinh tế riêng" hay hoàn cảnh "thích hợp cho sự sống của con người"

Việc giải thích này đương nhiên không thể có trong lời văn của UNCLOS 1982, bởi nếu Công ước quy định chi tiết cho từng trường hợp cụ thể như thế thì có lẽ người ta cũng không cần nhờ đến sự phán xét công minh, chính trực của các cơ quan tài phán quốc  tế. 

Để bảo vệ cho lập luận của mình, Tiến sĩ Mã Anh Cửu đã dẫn chứng về quốc đảo Singapore, một quốc gia đã phải nhập khẩu nhiều thứ để đảm bảo cho đời sống của dân cư, từ nước ngọt cho đến thực phẩm và năng lượng. Vậy, tại sao quốc đảo này vẫn có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa? 

Không biết có nên bình luận gì về “thắc mắc” này hay không? Bởi vì, cả thế giới này có ai mà không biết đất nước Singapore hiện đại và văn minh, một quốc đảo hùng mạnh, một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và quốc tế.

Hơn nữa, đảo quốc này không phải chỉ là một hòn đảo duy nhất mà có đến khoảng 60 đảo nhỏ. [3]

Lịch sử hình thành và lớn mạnh của quốc gia này đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều quốc gia, dân tộc khác…Vì vậy, không nên và không thể đem Singapore ra so sánh với đảo Ba Bình.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.wsj.com/articles/a-flawed-verdict-in-the-south-china-sea-1469553283

[2]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Co-phai-Viet-Nam-thiet-thoi-vi-phan-quyet-vu-kien-trong-tai-Bien-Dong-post169461.gd

[3https://vi.wikipedia.org/wiki/Singapore

Ts Trần Công Trục