Thông tấn xã Đài Loan ngày 22/7 đưa tin, nhà lãnh đạo đảo này Tiến sĩ Thái Anh Văn hôm 18/7 trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post cho biết 3 lý do Đài Loan không chấp nhận phán quyết vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Biển Đông và lập trường 4 điểm của Đài Loan trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Tiến sĩ Thái Anh Văn, ảnh: AP. |
CNA dẫn lời Tiến sĩ Thái Anh Văn cho biết:
"Phán quyết trọng tài làm tổn hại lợi ích của Đài Loan, do đó chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi cũng cho rằng phán quyết không có tính ràng buộc đối với Đài Loan.
Nguyên nhân chủ yếu gồm:
Thứ nhất, chúng tôi là một bên có lợi ích quan trọng nhưng lại không được mời tham gia tiến trình tố tụng của vụ kiện;
Thứ hai, chúng tôi không thể chấp nhận cách gọi "nhà đương cục Đài Loan thuộc Trung Quốc";
Thứ ba, trong khu vực này chúng tôi có chủ quyền đối với đảo Ba Bình, nhưng phán quyết lại cho rằng đây là một đá, không phải một đảo. Điều này ngược lại lập trường lâu nay của chúng tôi, chúng tôi cũng cho rằng rõ ràng Ba Bình là một đảo.
Lập trường của Đài Loan đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông:
Một là các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982;
Hai là Đài Loan cần được tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương;
Ba là các quốc gia liên quan trong khu vực cùng có nghĩa vụ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông;
Bốn là, Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của chính quyền Đài Loan) chủ trương lấy "gác tranh chấp, cùng khai thác" để xử lý vấn đề Biển Đông."
Thấy gì qua tuyên bố của Tiến sĩ Thái Anh Văn?
3 lý do bà Văn đưa ra để "không chấp nhận phán quyết trọng tài", lý do thứ nhất phải hỏi Trung Quốc vì Đài Loan không phải một thành viên của UNCLOS 1982.
Bà Thái Anh Văn phái chiến hạm ra Ba Bình và "sai lầm lớn" |
Về mặt đối ngoại, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong Hội đồng Bảo an lẫn Liên Hợp Quốc từ lâu. Do đó cái này không thể trách Hội đồng Trọng tài, càng không nên lấy đó làm lý do từ chối phán quyết trọng tài.
Mặt khác, mặc dù không chính thức được mời tham gia tiến trình tố tụng, nhưng ý kiến chính thức của Đài Loan về vấn đề hiệu lực pháp lý của Ba Bình vẫn được Hội đồng Trọng tài lắng nghe, xem xét.
Lý do thứ 2 cũng chung vấn đề với lý do thứ nhất. Duy chỉ có lý do thứ 3 là liên quan đến vấn đề pháp lý, cách hiểu Điều 121: "Chế độ đảo" trong UNCLOS 1982.
Tiến sĩ Thái Anh Văn cho rằng, phán quyết trọng tài xác định Ba Bình là một "đá" chứ không phải "đảo", còn Đài Loan tin rằng Ba Bình là một "đảo".
Cá nhân người viết cũng cho rằng, Ba Bình là một đảo, giống như Thị Tứ, Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn...theo đúng định nghĩa trong Khoản 1, Điều 121: Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.
Tiến sĩ Trần Công Trục cũng đã phân tích:
Theo quy định của UNCLOS 1982 thì chỉ có 2 khái niệm: một là “đảo”, cấu thành một cách tự nhiên bởi đất, đá, rạn san hô, cát, sỏi…phải luôn luôn nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất.
Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo, bất kể là đất, đá, san hô, cát sỏi …, nếu chúng lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn theo mực nước thủy triều.
Về quy chế pháp lý, Khoản 3, Điều 121, UNCLOS 1982 đã quy định rất rõ hiệu lực khi xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng:
Đảo nào thích hợp cho đời sống của con người và có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Còn đảo nào không thích hợp cho người sinh sống và không có đời sông kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Như vậy Ba Bình vẫn là một đảo theo đúng định nghĩa, chỉ có điều vùng biển pháp lý mà đảo Ba Bình có thể tạo ra chỉ là một lãnh hải tối đa 12 hải lý, không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa do nó không thích hợp cho con người sinh sống, không có đời sống kinh tế riêng mà phán quyết trọng tài đã mổ xẻ, phân tích chi tiết.
Đài Loan sẽ không nhắc đến đường lưỡi bò sau phán quyết của PCA? |
Băn khoăn của Tiến sĩ Thái Anh Văn, một người học luật, rõ ràng chỉ là vấn đề câu từ chứ không phải bản chất pháp lý của câu chuyện. Bản thân tên Điều 121 là "Chế độ đảo" đã nói lên điều đó, những nội dung quy định trong Điều 121 là quy chế pháp lý của một đảo.
Còn 4 lập trường của Đài Loan người viết cho rằng rất đáng chú ý.
Thứ nhất, cần bổ sung thêm ý Tiến sĩ Thái Anh Văn rằng, Biển Đông có nhiều tranh chấp phức tạp, mỗi loại có một cơ chế riêng.
Tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ với các cấu trúc ở Trường Sa cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp, thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, không phải UNCLOS 1982.
Thứ hai, rất hoan nghênh Tiến sĩ Thái Anh Văn kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông cần đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Thứ ba, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" được Tiến sĩ Thái Anh Văn đưa ra khác hoàn toàn với một số quan chức Đài Loan trước đây cũng như Trung Quốc, đó là điều kiện tiên quyết buộc các bên chấp nhận trước khi "gác tranh chấp, cùng khai thác" là phải thừa nhận "chủ quyền thuộc Trung Quốc".
Tuy nhiên, để chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" có thể biến thành hiện thực, nên chăng Đài Loan cần nói rõ phạm vi áp dụng điều này đến đâu. Nếu trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn với Trung Quốc hay đường 11 đoạn với Đài Loan là điều không thể chấp nhận.
Cá nhân người viết đánh giá rất cao Tiến sĩ Thái Anh Văn, mặc dù phản đối phán quyết trọng tài Biển Đông hôm 12/7 nhưng 3 lý do bà đưa ra không có lý do nào liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn / đường 11 đoạn, còn gọi là đường "lưỡi bò" hay đường chữ U.
Trong khi đường lưỡi bò là nội dung phán quyết đầu tiên của Tòa và được dư luận mong đợi nhất.
Không nhắc đến vì rõ ràng nó không có căn cứ đã là một sự tiến bộ vượt bậc về nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của nhà lãnh đạo Đài Loan. Tiến sĩ Thái Anh Văn là người học luật, nên dường như nhận thức của bà về các vấn đề pháp lý cũng khác với những nhà chính trị khác.
Nếu Tiến sĩ Thái Anh Văn làm thêm được một bước hủy bỏ đường 11 đoạn thì càng có ý nghĩa, đặc biệt là giải pháp "gác tranh chấp, cùng khai thác" bà đưa ra sẽ hoàn toàn khả thi, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của dư luận.
Bởi hơn ai hết, Đài Loan hiểu rõ đường 11 đoạn / đường 9 đoạn không có căn cứ nào trong luật pháp quốc tế, do chính Trung Hoa Dân Quốc tự vẽ ra. Nó đã gây ra rất nhiều tranh cãi và rắc rối, mặc dù không ai thừa nhận.
Nhân dịp này, nên chăng Tiến sĩ Thái Anh Văn tuyên bố hủy bỏ đường 11 đoạn, Đài Loan sẽ trở thành tấm gương thượng tôn pháp luật và công lý ở Biển Đông.