Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông đặt tại Hải Nam, Trung Quốc và là một trong những cố vấn hàng đầu của Trung Nam Hải ngày 12/7 được South China Morning Post dẫn lời nói rằng, Bắc Kinh và Manila có thể khám phá cách mở cửa Scarborough cho ngư dân hai nước cùng phát triển các trang trại nuôi cá trong vùng biển tranh chấp. [1]
Ông Tồn cùng với bà Phó Oánh - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc và là một cựu Đại sứ tại Philippines đã có cuộc tiếp xúc, trao đổi với cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos tại Hồng Kông trong tuần này, để tìm cách phá băng quan hệ song phương hậu vụ kiện trọng tài Biển Đông do Manila khởi xướng.
Sau chuyến đi Hồng Kông, ông Fidel Ramos sẽ phải công du Bắc Kinh chuyến nữa để hội đàm với các quan chức Trung Quốc nhằm mở đường cho Tổng thống Rodrigo Duterte thăm chính thức nước này. Cơ hội đang mở ra cho Philippines, nhưng vẫn còn không ít thách thức.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos được đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte ủy thác, "trao ấn tiên phong" phá băng quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Manila và Bắc Kinh phục hồi liên lạc, cơ hội cho Philippines không nằm ở Biển Đông
Sở dĩ người viết cho rằng, cơ hội của Philippines khi mở lại đối thoại, đàm phán trực tiếp với Trung Quốc sẽ không nằm ở Biển Đông bởi hai lẽ. Thứ nhất, Bắc Kinh tiếp tục chính sách "3 Không" với phán quyết trọng tài hôm 12/7, vẫn tiếp tục giấc mộng bành trướng Biển Đông.
Thứ hai, ngay cả khi Manila giữ thể diện cho Bắc Kinh bằng lựa chọn "khe hẹp" hợp tác song phương với Trung Quốc về hoạt động nghề cá ở Scarborough, để Bắc Kinh khỏi phải bẽ bàng vì phán quyết trọng tài, Ngô Sĩ Tồn vẫn đặt điều kiện tiên quyết: "Nhưng Philippines phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên bãi cạn này." [1]
Những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác sau nỗ lực phá băng không liên quan đến Biển Đông gồm: Du lịch, đầu tư, chống tội phạm ma túy và tham nhũng. Dù kết quả này không liên quan nhiều đến Biển Đông, nhưng là những bước đi quan trọng để tạo dựng lòng tin và đối thoại giữa hai nước.
Còn các cuộc đàm phán về "tranh chấp lãnh thổ" giữa hai nước sẽ được tổ chức, nhưng diễn ra khi nào và ở đâu thì còn phải chờ thêm. Ông Fidel Ramos quay trở về nước sẽ trao đổi với Tổng thống đương nhiệm.
Cá nhân người viết cho rằng, ít nhất Philippines đã thành công trong việc bắc cầu đối thoại với Trung Quốc. Đó là bước đi khôn ngoan, thức thời của tân Tổng thống Duterte, bởi đối đầu trực diện với Bắc Kinh chỉ làm Manila sứt đầu mẻ trán, cho dù Washington và Tokyo có hậu thuẫn, chống lưng đi nữa.
Bởi lẽ chiến tranh, xung đột dù khó xảy ra, nhưng việc tạo cớ cho Bắc Kinh leo thang quân sự hóa Biển Đông và có những bước đi manh động chiếm quyền kiểm soát ngoài thực địa rõ ràng không phải lựa chọn khôn ngoan. Tốt nhất hãy kéo họ vào bàn đàm phán, dù cò cưa kéo dài, dù không mấy dễ chịu.
Bằng cách này, cho dù căng thẳng trên Biển Đông sẽ chưa thể hạ nhiệt trong một sớm một chiều, nhưng chí ít cũng nhen nhóm những hy vọng cho hòa bình, đối thoại, thay vì vũ lực, đối đầu và các trò tiểu xảo gây hấn như vụ chiếm quyền kiểm soát Scarborough năm 2014.
Thuận lợi của Philippines là có thể ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc, nhưng nội dung đàm phán sẽ là những khó khăn không nhỏ.
Khó khăn không chỉ bởi tương quan lực lượng, mà còn bởi thủ đoạn đánh tráo khái niệm, cả vú lấp miệng em của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Đòi thừa nhận "chủ quyền" của Trung Quốc ở Scarborough trước rồi hợp tác nuôi cá sau là một ví dụ.
Ông Fidel Ramos và bà Phó Oánh trong cuộc gặp tại Hồng Kông, ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên người viết tin rằng, chỉ cần kiên trì và giữ vững nguyên tắc: Xác định đúng bản chất tranh chấp, tìm ra cơ chế pháp lý và thông lệ quốc tế giải quyết tranh chấp đó là gì, bằng chứng pháp lý như thế nào, Philippines sẽ không bao giờ bị khuất phục trước Trung Quốc.
Thắng lợi trong phán quyết trọng tài ngày 12/7 đã chứng minh, trong thực tiễn đời sống chính trị của nhân loại văn minh ngày nay, pháp lý và công lý quốc tế ngày càng đứng vững.
Không những thế, pháp lý và công lý quốc tế còn khẳng định vị thế rường cột bảo vệ hòa bình, ổn định và trật tự quốc tế, thay cho cường quyền và áp đặt như trước kia.
Philippines cần tiếp tục củng cố thêm thực lực, tận dụng các xu thế có lợi và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật
Theo cá nhân người viết, luật bất thành văn trong các hoạt động đàm phán xưa nay là tương quan lực lượng trên "chiến trường", thực địa sẽ ảnh hưởng, thậm chí quyết định đến kết quả trên bàn đàm phán. Bởi kẻ tham lại mạnh không dễ gì từ bỏ những cái đang có, cho dù do chiếm đoạt bất hợp pháp mà có.
Vì vậy đồng thời với việc nối lại đối thoại, đàm phán hòa bình với Trung Quốc, tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế và giải quyết các khó khăn nội tại trong nước, Philippines cần tăng cường thực lực của mình trên Biển Đông thì mới mong bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên bàn đàm phán.
Đối thoại, đàm phán với Trung Quốc trong khi không làm mất mặt Bắc Kinh vì hả hê với chiến thắng của vụ kiện trọng tài là cả một nghệ thuật. Đó sẽ là cơ sở quan trọng nhất để Philippines cùng các bên liên quan duy trì hiện trạng, không làm leo thang tranh chấp dẫn đến bùng nổ nguy cơ xung đột, đối đầu.
Trong lúc đó, Philippines cần chớp thời cơ tăng cường hợp tác với các bên liên quan, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản để tăng sức mạnh nội lực, tăng khả năng tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Sở dĩ nói Manila phải "chớp thời cơ" vì nó đang đến. Theo Nikkei Asian Review ngày 11/8, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Nhật Bản đang nhanh chóng thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Rodrigo Duterte. [2]
Thứ Năm tuần này Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã sang Davao, Philippines để hội đàm với người đồng cấp Perfecto Yasay, mục đích là để cùng Manila tái khẳng định cam kết tiếp tục phát huy kết quả phán quyết trọng tài hôm 12/7.
Ông Kishida đã chọn quê nhà của Duterte để hội kiến với tân Tổng thống thay vì đến Manila. Điều này cho thấy sự nhiệt tình của Nhật Bản muốn giữ quan hệ với Philippines.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đến Manila gặp ông Duterte ngay sau hội nghị Ngoại trưởng Đông Á tại Vientians, Lào trong tháng Bảy.
Kerry mang đến món quà với cam kết hỗ trợ tân chính phủ Philippines 32 triệu USD. Kishida thì cam kết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Philippines xây dựng tuyến đường sắt tại Manila và các dự án khác mà ông Duterte trước khi đắc cử đã tìm kiếm từ Trung Quốc và coi đó là "điều kiện" để đàm phán song phương. [2]
Đó là còn chưa kể đến 1 tàu tuần tra cỡ lớn sẽ được Nhật bàn giao cho Philippines tuần tới. Từ năm tài chính 2017, Tokyo sẽ tăng số Tùy viên Quân sự tại Philippines và Việt Nam từ 1 lên 2 người nhằm tăng cường chia sẻ thông tin tình báo Biển Đông.
"Trung Quốc không thể từ bỏ yêu sách sau một đêm, cần thời gian để thay đổi" |
Cá nhân người viết cho rằng, sự sốt sắng của Hoa Kỳ và Nhật Bản khi tiếp cận ông Rodrigo Duterte phản ánh vị thế của Philippines trong cạnh tranh giữa các siêu cường, cụ thể là Washington và Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho Rodrigo Duterte và cộng sự.
Do đó tiếp tục đàm phán với Trung Quốc và mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại để tạo thế ràng buộc, duy trì hiện trạng ở Biển Đông và tránh đối đầu, xung đột, đồng thời tăng cường hợp tác và khai thác tối đa quan hệ với Nhật Bản, Hoa Kỳ thiết nghĩ là bài toán đang đặt ra cho các nhà lãnh đạo Philippines.
Chiều hướng thay đổi trong chính sách của Manila, ASEAN đã không còn là mối bận tâm
Sự can thiệp của Trung Quốc vào ASEAN thông qua Campuchia và nguyên tắc đồng thuận của khối có lẽ là một thực tế không thể tranh cãi, cho dù Bắc Kinh luôn phủ nhận.
Người viết đặt câu hỏi, phải chăng Manila đã thay đổi chiến thuật và không còn quá câu nệ vào diễn đàn ASEAN để đấu tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ luật pháp và công lý ở Biển Đông, thay vào đó Philippines chọn hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, EU và các nước khác?
Bởi nếu tiếp tục dựa vào ASEAN, vừa mất thời gian, vừa tốn công sức và thậm chí cả những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại nhưng kết quả không được như ý. Vì suy cho cùng, ngày nào ASEAN còn duy trì nguyên tắc đồng thuận, ngày đó Trung Quốc còn can thiệp thô bạo vào khối.
Do đó không dựa vào ASEAN để đấu tranh với Trung Quốc chưa chắc đã phải là lựa chọn thiếu khôn ngoan, ngược lại nó là một thực tế cần tính đến.
Như vậy thì Trung Quốc cứ việc can thiệp, Philippines và 3 nước yêu sách còn lại có thể rảnh tay đấu tranh tại các diễn đàn quan trọng khác, hợp tác với các trục quyền lực toàn cầu khác như Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia.
Đến lúc đó, ASEAN vẫn được giữ vững và thậm chí có nhiều cơ hội để phát triển hợp tác. Riêng vấn đề Biển Đông chỉ cần giữ được những đồng thuận mang tính nguyên tắc mà các bên đã đạt được thời gian vừa qua là đủ.
Điều này được chia sẻ bởi một nhà ngoại giao giấu tên nói với South China Morning Post hôm 28/7, rằng: "Đối với một số nước nhỏ, nếu họ nghĩ rằng ASEAN không thể dựa vào, họ sẽ tìm đến các cường quốc lớn." [3]
Và đây cũng là một lý giải của người viết về việc Philippines không còn yêu cầu ASEAN phải đưa nội dung "ủng hộ phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông" vào tuyên bố chung của ASEAN như dư luận đồn đoán, thậm chí là mong mỏi.
Người viết cho rằng, đồng thời với những giải pháp này, Philippines và các bên liên quan còn phải tranh thủ những tiếng nói có ảnh hưởng và những tấm gương thượng tôn pháp luật như Singapore. Điều này được thể hiện rõ qua phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long khi thăm chính thức Hoa Kỳ vừa qua. [4]
Rõ ràng đó là một tính toán hết sức hợp lý, vừa hóa giải được "tay trong" của Trung Quốc, vừa tránh cho ASEAN phải đối mặt với chia rẽ và thế bí. Do đó, 4 nước có yêu sách ở Biển Đông, hoặc thậm chí 2 hay 3 nước cũng được, cần liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Cứ nhìn phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, G-7 vừa qua là có thể thấy, Biển Đông đang là bàn cờ, là sân chơi của các nước lớn. Ván cờ này sẽ còn cò cưa kéo dài chứ không thể kết thúc sớm. Trong cuộc họp G-20 sắp tới, chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ nóng lên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập tới vấn đề Biển Đông và phán quyết trọng tài khi gặp ông chủ Trung Nam Hải. Tuy nhiên Tập Cận Bình và Obama sẽ ai nói người đó nghe, rất ít khả năng có thay đổi bước ngoặt sau hội nghị này. Tình trạng vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên Biển Đông sẽ còn kéo dài. [5]
Tuy phức tạp vì có nhiều tay chơi và không ít kẻ đứng ngoài muốn điều khiển kẻ chơi cờ, nhưng nó cũng có mặt tích cực rất lớn, đó là không để cho bất kỳ kẻ nào có thể giở thói côn đồ, hung hăng.
Hơn thế nữa, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia luôn là bài toán phức tạp và đau đầu cho các chính khách bởi họ phải luôn cân bằng được yếu tố pháp lý và tình cảm.
Bởi với dân tộc nào, quốc gia nào, chủ quyền lãnh thổ cũng là điều hết sức thiêng liêng, và do đó người ta ngại "đụng chạm", ngại thay đổi cho dù có thấy rõ ràng một số yêu sách bất hợp lý.
Nhưng điều này càng khiến người viết đánh giá cao Tổng thống Rodrigo Duterte và cộng sự. Chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích quốc gia dân tộc phải được thiết lập hợp pháp và bảo vệ bằng luật pháp chứ không thể chỉ dựa trên lập trường chính trị, ý chí chính trị.
Tài liệu tham khảo: