Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đáng để các nước noi gương, học tập

08/08/2016 11:07
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tiêu chuẩn kép" từ lâu vẫn tồn tại như một cách hành xử khôn lỏi của một số nước lớn và là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột, chiến tranh.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/8 đăng bài bình luận của tác giả Cát Hồng Lượng từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Đại học Dân tộc Quảng Tây oán trách, "nhắc nhở" Singapore phải nhớ rằng, nước này đang là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Cát Hồng Lượng chỉ trích phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Washington DC đầu tuần trước về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7, khi ông Lý Hiển Long thăm chính thức Hoa Kỳ.

Trong một buổi tiếp tân do Phòng Thương mại Mỹ và Hội Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN Tổ chức ngày 2/8, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng phán quyết trọng tài hôm 12/7 đặt ra trật tự cho thế giới, nhất là trong khi có nhiều tranh chấp giữa các quốc gia.

"Lý tưởng nhất, phán quyết của trọng tài quốc tế thiết lập trật tự cho thế giới, bởi vì khi có tranh chấp giữa các quốc gia, nếu có cơ quan trọng tài xét xử dựa trên các nguyên tắc (pháp lý quốc tế) được thừa nhận rộng rãi thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc tranh chấp đến cùng và đọ xem súng của ai mạnh hơn.

Thủ tướng Lý Hiển Long với phát biểu tuyệt vời về tinh thần thượng tôn pháp luật và công lý tại Hoa Kỳ. Ảnh: AP Photo/Alex Brandon
Thủ tướng Lý Hiển Long với phát biểu tuyệt vời về tinh thần thượng tôn pháp luật và công lý tại Hoa Kỳ. Ảnh: AP Photo/Alex Brandon

Nói theo quan điểm của một quốc gia nhỏ, đây là nguyên tắc căn bản và quan trọng hơn tất cả." Thủ tướng Lý Hiển Long nói, Singapore hy vọng tất cả các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và chấp nhận phán quyết trọng tài.  [1]

Trung Quốc quen lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử

Ngày 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng yêu cầu Singapore "tôn trọng" quan điểm của  Trung Quốc về phán quyết trọng tài hôm 12/7 và cái gọi là "sự đồng thuận Trung Quốc - ASEAN".

Sau khi nhắc lại chủ trương "3 Không" với phán quyết trọng tài, bà Oánh cho biết:

"Trung Quốc hy vọng rằng Singapore có thể duy trì một lập trường khách quan và công bằng của nước điều phối viên quan hệ Trung Quốc - ASEAN, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Singapore, Trung Quốc - ASEAN lành mạnh và ổn định."

Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Singapore, Cát Hồng Lượng viết trên Thời báo Hoàn Cầu:

"Dựa vào quy tắc luật pháp tìm kiếm an ninh cho bản thân là nguyên tắc hành xử quan trọng của nước nhỏ như Singapore. Lâu nay Singapore vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn.

Trước xu hướng bảo vệ quyền lợi một cách mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông, Singapore không tìm hiểu xem nguyên nhân đằng sau việc Trung Quốc gia tăng bảo vệ quyền lợi là gì.

Singapore lại tiếp tục duy trì tâm lý thành kiến về "mối uy hiếp của chủ nghĩa cộng sản phương Bắc" vốn có từ thời Chiến tranh Lạnh, lẫn sự lo lắng mơ hồ không xác định về Trung Quốc.

Do đó Singapore đã lựa chọn lập trường tương đối giống với Mỹ, Nhật Bản về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông", Cát Hồng Lượng bình luận. [2]

Cá nhân người viết cho rằng, bình luận của nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng chỉ chứng tỏ tâm lý hẹp hòi, thủ cựu và là ví dụ điển hình của tư duy Chiến tranh Lạnh.

Singapore không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông, và cũng chẳng có lý do gì để Singapore phải "lo lắng mơ hồ" về Trung Quốc, cho dù là một nước nhỏ. Ông Lượng nên nhìn lại uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế thế nào và địa vị của Singapore ra sao rồi hãy nhận xét.

Phát biểu của Thủ tướng Singapore hết sức xác đáng, chuẩn mực, đặc biệt thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế và xử lý các tranh chấp quốc tế.

Nội dung phát biểu của Thủ tướng Singapore cũng không khác gì phát biểu của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. Chỉ có điều, Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo.

Việc giải thích pháp luật quốc tế, áp dụng luật pháp quốc tế thế nào đối với các vấn đề cụ thể, ví dụ như việc giải thích áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông có thể mỗi bên mỗi khác.

Khi không thống nhất được với nhau, việc nhờ đến cơ quan tài phán có thẩm quyền được quy định rõ trong UNCLOS 1982 mà các bên đều thừa nhận là một việc làm rất văn minh, hợp pháp, hợp lý và hợp tình.

Nhưng Trung Quốc thì cứ một mực chống lại việc nhờ cơ quan tài phán phân xử việc giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 theo đúng quy định trong Phụ lục VII của Công ước, đồng thời tìm mọi cách áp đặt cách giải thích có lợi cho mình, thậm chí bóp méo luật pháp quốc tế.

Khi được góp ý từ cộng đồng quốc tế, bộ máy tuyên truyền nhà nước Trung Quốc lập tức "xù lông xòe cánh" chỉ trích cá nhân mà không đi vào nội dung tranh luận. Điều này khiến người viết chợt nhớ đến lời dạy của Khổng Tử trong Luận Ngữ và Khổng Tử Gia Ngữ:

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đáng để các nước noi gương, học tập ảnh 2

Ông Tập Cận Bình chỉ đạo "động thủ", dàn dựng khủng hoảng ở Biển Đông?

(GDVN) - Dàn dựng một cuộc khủng hoảng quân sự là cách hiệu quả nhất để thoát khỏi vũng lầy. Khủng hoảng ở Biển Đông đã được Tập Cận Bình xác định là cái cớ lý tưởng.

Có một lần Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: “Lời nói của tiểu nhân có đặc điểm gì chung? Là một người quân tử, không thể không phân biệt cho rõ.”

Khổng Tử trả lời: “Quân tử dùng hành động của mình thay lời nói, lời nói đi đôi với việc làm, trong mỗi lời nói và hành động, nỗ lực làm theo đạo của Thánh hiền.

Tiểu nhân chỉ khoe tài miệng lưỡi, một mặt yêu cầu và chỉ trích người khác, bản thân lại không thực hiện...Tiểu nhân coi việc loạn cộng đồng làm cơ sở, thoạt nhìn bề mặt là nhất trí, nhưng sau lưng lại công kích lẫn nhau.”

Khổng Tử còn nói: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ." (Người quân tử tâm chỉ khắc ghi một bề đạo đức, kẻ tiểu nhân trong lòng chỉ có đất cát, danh lợi). [3]

Phát biểu của Thủ tướng Singapore rất đáng để các nước lớn nghiền ngẫm, "phản quang tự kỷ"

Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thực sự rất thấu tình, đạt lý.

Nó không chỉ là nguyên tắc căn bản, quan trọng đối với các nước nhỏ, mà còn nên là nguyên tắc hành xử của tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc trong thời đại văn minh, đặc biệt là 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an.

Bởi lẽ "tiêu chuẩn kép" từ lâu vẫn tồn tại như một cách hành xử khôn lỏi của một số nước lớn và là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột, chiến tranh.

Đành rằng không có kẻ thù vĩnh viễn hay bạn bè mãi mãi, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng. 

Nhưng lợi ích quốc gia, dân tộc cũng phải được xác lập một cách hòa bình và hợp pháp, chứ không thể giật bát cơm trên tay người khác nhận là của mình rồi đòi đàm phán, chia phần như cái cách Trung Quốc đang ứng xử trên Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Nikolay Murashkin ngày 21/7 có một bài phân tích khá rõ về "tiêu chuẩn kép" trong cách ứng xử của các nước lớn đối với các tranh chấp lãnh thổ đăng trên website Russian Council. [4]

Theo đó các nước lớn thường có xu hướng hành xử ngược nhau đối với cùng một loại tranh chấp. Khu vực tranh chấp nào họ đang kiểm soát thì không bao giờ họ thừa nhận tranh chấp, không chấp nhận đàm phán mà cũng không chấp nhận ra tòa.

Còn đối với khu vực tranh chấp khác do đối phương kiểm soát, thì họ đòi phải đàm phán, đòi đưa tranh chấp ra tòa. Phía đối phương hành xử cũng y chang vậy.

Điển hình là tranh chấp Senkaku / Điếu Ngư giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát, Nhật Bản không thừa nhận có tranh chấp và khước từ yêu cầu của Trung Quốc đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán quốc tế.

Còn Trung Quốc cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, 1974 đến nay và gây ra tranh chấp, nhưng Bắc Kinh liên tục từ chối yêu cầu đàm phán của Việt Nam, đồng thời khăng khăng khẳng định rằng Hoàng Sa không có tranh chấp.

Tình trạng tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga với quần đảo Kuril / vùng lãnh thổ phương Bắc cũng vậy, chỉ có điều trong trường hợp này Nga là nước chiếm đóng trên thực tế.

Tranh chấp đảo Dokdo / Takeshima giữa Hàn Quốc với Nhật Bản cũng thế. Seoul đang kiểm soát đảo này và tuyên bố không có tranh chấp.

Đó mới là một số ví dụ điển hỉnh về tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có không ít ví dụ về "tiêu chuẩn kép" trong áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 được học giả Đài Loan Yann-huei Song chỉ ra trong bài phân tích của mình đăng trên website của CSIS ngày 24/3/2016. [5]

Đây cũng là lý do tại sao Bắc Kinh "cứng họng" khi Indonesia tuyên bố không có bất cứ vùng tranh chấp, vùng chồng lấn nào với Trung Quốc ở Biển Đông, khu vực vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa phía Bắc quần đảo Natuna, với đúng cách mà Trung Quốc lập luận với Việt Nam về Hoàng Sa, theo The Jakarta Post ngày 18/7. [6]

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đáng để các nước noi gương, học tập ảnh 3

Không xem quảng cáo… đừng đọc báo

(GDVN) - Trước thực trạng độc giả báo mạng chặn các quảng cáo, một số tờ báo lớn trên thế giới đã phản pháo bằng thông điệp: “Không xem quảng cáo thì đừng đọc báo".

Tuy nhiên người viết xin lưu ý rằng, bản chất lập luận của Trung Quốc đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa khác hoàn toàn lập luận của Trung Quốc với đường lưỡi bò.

Bởi lẽ tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là có thật, xảy ra chí ít từ năm 1909 khi Lý Chuẩn đổ bộ bất hợp pháp lên đảo Phú Lâm, đặc biệt là kể từ năm 1956, 1974 Trung Quốc cất quân chiếm đóng, xâm lược bất hợp pháp.

Trước năm 1909, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này một cách hợp pháp, hòa bình và liên tục, theo đúng nguyên tắc và thực tiễn luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Còn đường lưỡi bò là sản phẩm Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947, không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

Indonesia và các nước ven Biển Đông mặc nhiên không thừa nhận sự tồn tại của đường lưỡi bò như một yêu sách, mặc nhiên không tồn tại tranh chấp với Trung Quốc là chuyện đương nhiên.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy tại rất nhiều quốc gia và có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực cũng như thế giới, việc làm rõ bản chất các tranh chấp, cơ chế pháp lý quốc tế nào để giải quyết chúng cũng như căn cứ pháp lý của từng bên yêu sách là vô cùng quan trọng.

Khi các bên không thể thuyết phục được nhau bằng lý lẽ trên cơ sở nguyên tắc, thực tiễn pháp lý quốc tế đã xác định làm căn cứ xem xét giải quyết tranh chấp, thì nhờ đến cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền xét xử theo các nguyên tắc và thực tiễn pháp lý quốc tế được thừa nhận rộng rãi là giải pháp văn minh nhất, khoa học nhất để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên.

Chỉ có những ai không đủ tự tin về yêu sách của mình, lập luận của mình thì mới sợ cơ quan tài phán quốc tế. Trung Quốc đang là tấm gương điển hình, hình ảnh và uy tín của Trung Quốc trong mắt dư luận khu vực và quốc tế cùng vì vậy mà xấu đi nhanh chóng.

Thiết nghĩ thay vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ích kỷ hẹp hòi, thay vì chỉ trích Thủ tướng Lý Hiển Long để thỏa mãn cảm xúc của đám đông, Trung Quốc cũng như tất cả các bên liên quan nên nghiên cứu kỹ phát biểu của ông thì chắc chắn sẽ tìm ra được giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận.

Chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc đối với bất cứ nước nào cũng đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích đó có được xác lập một cách hợp pháp hay không, hay do xâm lược, nhận xằng mà có, tất cả những yếu tố này cần được soi rọi dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế.

Chỉ có như vậy Biển Đông nói riêng, thế giới nói chung mới thực sự giữ được hòa bình ổn định, luật pháp và công lý quốc tế được bảo vệ và thực thi, những nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương Liên Hợp Quốc mới có thể trở thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/beijing-to-spore-respect-chinas-position-on-south-china-sea-issue

[2]http://opinion.huanqiu.com/1152/2016-08/9276507.html

[3]http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/lam-sao-phan-biet-quan-tu-va-tieu-nhan-rat-don-gian.html

[4]http://russiancouncil.ru/en/blogs/nikolay-murashkin/?id_4=2609

[5]https://amti.csis.org/will-others-respect-precedent-set-philippines-case/

[6]http://www.thejakartapost.com/academia/2016/07/18/indonesia-speaks-chinese-in-south-china-sea.html

Hồng Thủy