LTS: Bàn về vấn đề áp dụng VNEN và tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi, cô giáo Mai Lan đã có bài phân tích, bình luận hướng đổi mới để cải cách được hiệu quả!
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Tôi là một giáo viên Tiểu học công tác lâu năm trong nghề, đầu năm học mới nghe và đọc những ý kiến của Bộ trưởng về Thông tư 30 và mô hình trường học mới VNEN, tôi thật sự thấy cảm động, “Xin cảm ơn Bộ trưởng”!
Tôi cám ơn vì ông đã thấu hiểu, nói đúng những hạn chế, bất cập mà "phần lớn do lỗi chủ quan" của các lãnh đạo, dẫn đến sự bức xúc cho giáo viên và xã hội khi thực hiện Thông tư 30 và VNEN.
VNEN và Thông tư 30 còn áp dụng máy móc, dập khuôn!
Nói về việc giao các địa phương thực hiện một số vấn đề đổi mới giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ rằng:
"Rất mong chờ sự sáng tạo từ địa phương, cơ sở; Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ quản lý mục tiêu giáo dục, khung chương trình chung còn vẫn tạo độ linh hoạt cho các trường sáng tạo, đổi mới. Chất lượng giáo dục chỉ thực sự tốt khi các thầy cô và các địa phương đổi mới sáng tạo".
Nhân đây, tôi xin có vài ý kiến gửi tới Bộ trưởng như sau:
Thứ nhất, về Thông tư 30:
Nếu cứ chạy theo thành tích và thiếu cố gắng áp dụng sáng tạo, việc đổi mới giáo dục khó lòng hiệu quả! (Ảnh: vietnamnet.vn). |
Tôi rất đồng ý tinh thần chung của việc sửa đổi Thông tư 30 là dễ hiểu, dễ thực hiện và quan trọng nhất là phải tạo được sự hứng khởi cho thầy cô.
Để thực hiện được điều đó, tôi đề nghị lượng hóa về đánh giá. Ở đây là chuyển mục đích từ đánh giá để báo cáo, minh chứng sang đánh giá vì sự tiến bộ hàng ngày của học sinh.
Vì vậy không nên quy định đánh giá theo từng tháng hoặc 3 tháng. Quy định như vậy vẫn cứng nhắc và không hợp lý.
Ví dụ, có những học sinh cần có sự trao đổi giữa giáo viên với cha mẹ thường xuyên hơn các học sinh khác hoặc có những biểu hiện của học sinh cần trao đổi ngay...
Nghĩa là, giáo viên cần được tự chủ để tự tin và hứng khởi (như Bộ trưởng đã nói) trong việc đánh giá hàng ngày bằng lời và chỉ cần quy định tổng hợp đánh giá vào cuối học kỳ, năm học.
Bộ cũng nên quy định rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin vì hai năm học trước chúng tôi bị cấm sử dụng máy tính để soạn bài và hiện nay, chúng tôi vẫn phải ngồi chép tay các loại sổ, rồi luyện viết chữ đẹp nên rất bức xúc.
Thứ hai, về chương trình VNEN
Tôi là người ủng hộ chương trình không phải chỉ vì tôi là người dạy và quản lý trường Tiểu học của dự án mà điều quan trọng hơn là những điểm tích cực chương trình đã mang lại cho học sinh.
Đó là sự vui tươi, phấn khởi, sự năng động tự tin ngời sáng trên những gương mặt trẻ thơ để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" với các em.
Đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình VNEN được phản ánh từ những giáo viên và phụ huynh một cách rất thành ý, tâm huyết với giáo dục.
Các ý kiến đó đều nêu đúng thực tế như: học sinh ngồi theo "mâm", không đảm bảo sức khỏe; tự nghiên cứu nên không hiểu bài, chờ để chép bài của bạn; chất lượng học tập giảm. Và các nguyên nhân được nêu ra chủ yếu do cơ sở vật chất không đáp ứng, do quản lý cứng nhắc, đội ngũ giáo viên chưa chủ động, tích cực, ngại đổi mới.
Là người được thực hiện chương trình, tôi thấy các ý kiến đó nêu đúng và đều có thể thay đổi, khắc phục được nếu bỏ cách quản lý dập khuôn, cứng nhắc như hiện nay.
Cô giáo Phan Tuyết cũng đã nêu trong bài viết "Bộ trưởng Nhạ có biết, nhiều nơi VNEN bị áp dụng rất cứng nhắc, dập khuôn?”
Trong tài liệu hướng dẫn học có in hình logo cho từng bước học tập, hình logo học cá nhân, nhóm đôi, cả lớp... khi giáo viên quan sát thấy đa số học sinh không biết làm bài, làm sai, nếu đến từng nhóm hướng dẫn thì quá mệt, không thể đủ thời gian nên giáo viên yêu cầu cả lớp chú ý lên bảng để cô chữa chung thì bị bắt lỗi ngay là... không đúng logo.
Nếu không ngồi theo mâm, không có thẻ mặt cười, mặt mếu, nếu giáo viên hướng dẫn chung một kiến thức nào đó cho cả lớp... là bị đánh giá, nhắc nhở ngay “không đúng phương pháp”.
Cái gọi là "phương pháp" được tập huấn từ Bộ rồi về triển khai lại theo từng cấp Sở, Phòng, Trường; khi tập huấn, không ai dám có ý kiến khác, chỉ cố gắng làm theo cho đúng, rồi về triển khai hoặc thực hiện lại.
Lớp học đông, giơ thẻ mặt mếu đến mỏi tay rồi cô mới biết còn lớp học chỉ trên chục học sinh, chỉ cần nhíu mày cô đã biết vẫn phải giơ thẻ!
Những học sinh vùng cao mùa rét thấu xương đi đôi dép tổ ong cáu bẩn, đi bộ vài cây số đến trường, học đến lớp 3 rồi mới có thể giao tiếp bằng tiếng Việt và những học sinh thành phố được bố mẹ chăm chút đến "tận chân răng", biết giao tiếp bằng tiếng Việt từ khi chưa biết nói… cũng được ngồi học "tự nghiên cứu" theo từng bước giống nhau.
Tôi đã đến lớp học và thường trao đổi với cô giáo Hoàng Thị Vân (người được giới thiệu trên báo qua bài viết "Mô hình trường học mới (VNEN) trong suy nghĩ của cô giáo vùng cao", thật sự là một cô giáo có năng lực và tâm huyết.
VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay... |
Lớp học VNEN của cô làm bất kỳ ai khi bước vào lớp đều thích thú, khen ngợi, không hề diễn, không gượng ép, tự nhiên như hàng ngày lên lớp.
Một lớp học mà cả cô giáo lẫn học sinh không lo lắng, không phải "chuẩn bị" để đón người đến kiểm tra, dự giờ mà ai cũng thấy vui và hài lòng.
Một điều khẳng định là cô giáo Vân thực hiện rất tốt theo định hướng của mô hình VNEN; không để mình bị gò bó vào những quy định cứng nhắc mà luôn tìm tòi, sáng tạo; chỉ thực hiện những gì cần và phù hợp với học sinh.
Nếu VNEN vẫn chỉ quan tâm đến việc thực hiện "đúng mô hình" từ trên xuống dưới một cách cứng nhắc như hiện nay mà không quan tâm đến cách làm phù hợp đối tượng học sinh, cơ sở vật chất thì vẫn khó tạo được niềm tin cho xã hội.
Thi giáo viên dạy giỏi: giáo viên đang thay học sinh làm trung tâm!
Đề nghị Bộ trưởng xem xét lại cách thực hiện thi giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học (đi kèm đó là viết sáng kiến kinh nghiệm).
Chúng ta vẫn thường nói "lấy học sinh làm trung tâm" nhưng việc thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay không hề lấy học sinh làm trung tâm mà có thể nói là giáo viên làm trung tâm.
Đầu năm học, Ban giám hiệu phân công đứng lớp, sau khoảng một tháng dạy học, khi giáo viên bắt đầu nắm được học sinh lớp mình dạy thì... bốc thăm thao giảng vào bất kỳ lớp nào.
“Nên thay kỳ thi giáo viên dạy giỏi bằng một hình thức khác” |
Kết quả thao giảng là một tiêu chí quan trọng đánh giá giáo viên trong năm học nhưng lại được đánh giá bằng một tiết dạy vào một lớp khác và chỉ một tiết đó mà thôi.
Hoạt động thao giảng các cấp đã được phản ánh rất nhiều, rất đúng thực trạng qua các bài viết như:
“Một Tiến sĩ đề xuất bỏ thi giáo viên giỏi”; “Cảnh tỉnh sau đề xuất bỏ thi giáo viên dạy giỏi của một Tiến sĩ giáo dục”; “Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Đừng ép giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi”; “Thi giáo viên dạy giỏi, nhiều bài giảng như đến từ thiên đình”...
Với cách thi đó, các bài giảng chưa bao giờ được áp dụng vào thực tế dạy học hàng ngày để nâng cao chất lượng dạy học nhưng lại làm hỏng mất hình ảnh của thầy cô trong mắt học trò.
Rất nhiều giáo viên thật sự có trách nhiệm với học sinh, âm thầm bám lớp, bám bản - những nơi thật sự khó khăn gian khổ; được sự tin tưởng của đồng nghiệp, học sinh và nhân dân nhưng không được chính thức công nhận vì không chịu mất thời gian để tham gia những "bài giảng cứ như đến từ thiên đình" đó.
Nếu chúng ta đổi mới nhưng cách quản lý, áp dụng vẫn cứng nhắc như hiện nay thì sẽ lâm vào cảnh có lượng chứ không biến đổi về chất, mang lại hiệu quả như Bộ trưởng mong đợi.