VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay...

15/08/2016 08:13
GS Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - Cán bộ trong đoàn Bộ GDĐT sang Colombia nghiên cứu mô hình EN cho tôi biết: Thực sự chưa có học sinh nào học ở những trường theo mô hình EN vào được đại học.

LTS: Xung quanh câu chuyện mô hình VNEN đang gây tranh cãi trong xã hội, đặc biệt là các thày cô giáo và phụ huynh học sinh, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Đại biểu Quốc hội và là người theo dõi mô hình này từ khi bắt đầu được đưa vào Việt Nam, gửi tới báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích về VNEN. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.

Lai lịch 

Chương trình Trường học mới Việt Nam (VNEN) là một thí điểm vận dụng mô hình Trường học kiểu mới của Colombia (Escuaela Nueva, viết tắt là EN) nhằm đổi mới giáo dục phổ thông. 

Câu chuyện EN du nhập vào nước ta, trở thành VNEN bắt đầu từ một hội thảo về giáo dục nông thôn do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Philippines năm 2008 mà tôi có tham dự theo lời mời của WB. 

Tại hội thảo này, bà Vicky Colbert, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia có giới thiệu mô hình EN mà bà là người đề xuất và chỉ đạo thực hiện. Mô hình này nhằm giải quyết một thực trạng ở Colombia mà Việt Nam cũng gặp, đó là các lớp ghép ở vùng khó khăn, tức là những lớp học mà giáo viên cùng lúc phải dạy cho học sinh thuộc nhiều trình độ khác nhau. 

Theo đánh giá của UNESSCO, EN là mô hình giáo dục có chất lượng tốt nhất ở nông thôn châu Mỹ Latin. Còn WB coi EN là một trong ba cải cách đáng chú ý nhất của các nước đang phát triển [1]. 

Trong thời gian diễn ra hội nghị, bà Vicky Colbert có gặp Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Vinh Hiển ngỏ ý nếu Việt Nam gửi người sang Colombia tham khảo mô hình này, Colombia sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. 

Sau chuyến khảo sát của một đoàn cán bộ giáo dục Việt Nam tại Colombia, Dự án VNEN đã ra đời do Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu (Global Partnership for Education - GPE) tài trợ, ủy thác qua WB.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh do tác giả cung cấp.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh do tác giả cung cấp.

Tổ chức UNESCO tại Việt Nam là cơ quan giám sát và điều phối cùng một số đối tác phát triển giáo dục tại Việt Nam, thời gian triển khai là 41 tháng tính từ tháng 1 năm 2013 đến hết tháng 5 năm 2016.

Lúc đầu, dự án này nằm trong khuôn khổ Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; sau được nhân rộng ra thí điểm tại nhiều vùng, cả nông thôn lẫn đô thị, với nhiều đối tượng học sinh khác nhau.

Bộ GDĐT, Ban quản lý Dự án VNEN, các cán bộ quản lý, chỉ đạo giáo dục các cấp và một số giáo viên đánh giá cao hiệu quả của VNEN. 

Tuy nhiên, nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh và một số chuyên gia lại sợ VNEN, lên tiếng phản đối VNEN, thậm chí có những tỉnh chỉ đạo dừng triển khai mô hình này [7].

Là người có theo dõi việc đưa mô hình EN từ Colombia vào Việt Nam ngay từ đầu, cá nhân tôi nhận thấy mô hình này có một số ưu điểm phù hợp với yêu cầu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập nên chưa đạt được kết quả mong muốn.

Rằng hay cũng lắm điều hay 

EN là một mô hình đề cao vai trò chủ động của học sinh. Điều này xuất phát từ chính sứ mạng của EN là giải quyết vấn đề dạy và học ở lớp ghép.

Vì học sinh lớp ghép thuộc nhiều trình độ khác nhau nên học sinh phải tự học, tự quản theo từng nhóm là chính; thầy, cô chỉ có thể giao việc và lần lượt kiểm tra, điều chỉnh hoạt động của từng nhóm, chứ không thể giảng bài, chữa bài cho cả lớp theo cách thông thường.

Để hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, EN đã mô hình hóa được hoạt động học tập của học sinh.

Mặc dù tên gọi hoạt động ở các cấp học có khác nhau, nhưng nhìn chung, hoạt động của học sinh trong một bài học theo mô hình EN bao gồm: chia sẻ trải nghiệm cá nhân (khởi động), xử lý một tình huống mới để tiếp nhận kinh nghiệm mới, luyện tập củng cố điều mới học, và vận dụng điều mới học vào đời sống.  

Để hoạt động tự học có hiệu quả, EN đã đưa ra cơ chế tự quản. Theo cơ chế này, học sinh bầu hội đồng tự quản lớp, tự quản nhóm để điều hành các hoạt động của lớp mình, nhóm mình. 

Đặc điểm thứ hai của EN là tạo điều kiện để cha mẹ học sinh tham gia vào việc học của con em.

Ví dụ, ở lớp, học sinh học về đề tài nghề nghiệp, thì về nhà sẽ hỏi bố mẹ những nội dung liên quan, như: Bố mẹ làm nghề gì? Hằng ngày bố mẹ làm những việc gì? Công việc này có ích gì? v.v...

Qua trao đổi với con, cha mẹ học sinh biết con mình hôm nay học những gì và họ hoàn toàn có thể giúp con học, vì nói những chuyện như thế không phải là vấn đề phức tạp; thậm chí, qua trò chuyện, cha mẹ còn có thể cung cấp cho con nhiều kiến thức và lời khuyên bổ ích.

Cùng với hai đặc điểm về phương pháp dạy học như đã nêu trên, về nội dung dạy học, mô hình EN coi trọng việc gắn kiến thức với đời sống.

VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay... ảnh 2

Bộ giáo dục đừng làm cô bảo mẫu, mà phải là chuyên gia hoạch định chiến lược

Ví dụ, sách giáo khoa Ngôn ngữ (tiếng Tây Ban Nha) lớp 2 của EN tích hợp yêu cầu dạy các từ chỉ bộ phận cơ thể với yêu cầu dạy học sinh biết chăm sóc cơ thể, mà yêu cầu thứ hai mới là mục tiêu chính của bài học [4]. 

Cuốn sách này không dạy theo kiểu “thuần túy ngôn ngữ học” là đưa ra một câu, in đậm hoặc in nghiêng những từ cần học và cho học sinh đọc, nhận xét về ý nghĩa, đặc điểm ngữ pháp của những từ ấy rồi tập đặt câu với chúng.

Thoạt tiên, họ hướng dẫn học sinh quan sát tranh vẽ một số trẻ em đang soi gương, nói xem các bạn ấy đang làm gì và thực hiện việc ấy bằng giác quan nào. Sau đó, hướng dẫn học sinh soi gương và mô tả các bộ phận trên gương mặt mình, rồi vẽ chân dung mình,...

Tiếp theo, học sinh được đọc các bài thơ, câu chuyện nói về các bộ phận của cơ thể, cách chăm sóc cơ thể, rồi làm những con búp bê, chơi trò chơi ô chữ, viết về cơ thể và cách chăm sóc cơ thể  v.v…

Về nhà, học sinh khoe sản phẩm mình làm với cha mẹ và trao đổi với cha mẹ về những việc cần làm để chăm sóc cơ thể. 

Với những đặc điểm như trên, có thể thấy mô hình EN phù hợp với xu hướng giáo dục tiên tiến ở các nước phát triển và đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh (dạy làm người) mà sự nghiệp đổi mới giáo dục ở nước ta đang đặt ra. 

Nhưng cũng như nhiều mô hình giáo dục và mô hình xã hội, việc biến tư tưởng tiến bộ thành hiện thực không phải điều dễ dàng. 

Một cán bộ trong đoàn của Bộ GDĐT sang Colombia nghiên cứu mô hình EN cho tôi biết: Thực sự chưa có học sinh nào học ở những trường theo mô hình EN vào được đại học. 

Tôi không có điều kiện khảo sát nên không thể đánh giá thực trạng và lý giải đầy đủ nguyên nhân hạn chế, nếu có, của mô hình EN ở Colombia.

Nhưng đọc tài liệu Hướng dẫn học tập Ngôn ngữ 2 của EN (tương tự SGK Tiếng Việt lớp 2 của ta), thú thực là tôi thấy nội dung cuốn sách rất dàn trải, tản mạn, chứ không được logic như tôi tóm tắt ở phần trên của bài viết này.

Bài vở chủ yếu do những người soạn sách biên soạn, nhiều nội dung khá tào lao và không phù hợp với học sinh lớp 2.  

Ví dụ, bài tập đọc chính của bài học số 1 là Juan, cậu bé đãng trí kể về một cậu bé đi dạo trên đường rồi bỗng (chẳng biết vì nguyên nhân gì) rơi rụng dần tay, chân, tai, mũi,… Bài tập đọc đưa ra cho học sinh lời khuyên: Ra đường phải cẩn thận, tập trung, đừng có đãng trí (???).

Một bài học khác thì mở đầu bằng một trò chơi có tên là Nối vòng tay: Cháo sữa. Sách hướng dẫn các em nắm tay nhau, nhảy vòng tròn, vừa nhảy vừa hát: Nối vòng tay. Tôi muốn kết hôn với một thiếu nữ thành phố biết chạy, biết nhảy, biết mở cửa đi chơi. Như thế này có, như thế này không, và tôi kết hôn với người thiếu nữ đó (!!!).

Thử tưởng tượng sách giáo khoa cho học sinh lớp 2 Việt Nam mà có những bài như vậy thì không biết tác giả và Bộ GDĐT sẽ phải hứng bao nhiêu “đá” từ công luận? 

Nhưng làm ồ ạt thế này không nên

Thông thường, một chương trình thí điểm, nhất là thí điểm trong giáo dục phải được tiến hành hết sức bài bản, cẩn trọng. Trước hết, cần thí điểm trên một diện rất hẹp và đo lường tỉ mỉ; sau đó, nếu có kết quả khả quan mới cho nhân rộng dần. 

Đáng tiếc là khi đưa mô hình EN vào thí điểm tại Việt Nam, Bộ GDĐT có phần vội vàng khi cho triển khai ồ ạt. 

Ngay trong năm học 2011- 2012, Bộ đã cho thí điểm VNEN tại 24 trường tiểu học và 48 lớp 2 ở 12 huyện thuộc địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Hình minh họa bài báo: "Đăk Lăk: Tạm dừng mô hình trường học mới vì phụ huynh phản đối" của vtv.vn.
Hình minh họa bài báo: "Đăk Lăk: Tạm dừng mô hình trường học mới vì phụ huynh phản đối" của vtv.vn.

Sau đó, vào năm học 2012 – 2013, mô hình VNEN chính thức được Bộ triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành phố với 1.447 trường; trong đó nhóm 20 tỉnh thuộc vùng khó khăn có 1.143 trường; nhóm 21 tỉnh ở mức trung bình – 282 trường; nhóm 22 tỉnh, thành còn lại – 22 trường [7].

Lợi ích rõ rệt mà VNEN mang lại cho các trường dạy thí điểm là có một số trang thiết bị và kinh phí cải thiện điều kiện dạy học từ tài trợ quốc tế. VNEN cũng góp phần thay đổi phương pháp dạy học.

Nhưng vì triển khai ồ ạt nên việc đánh giá, rút kinh nghiệm thiếu chiều sâu, việc điều chỉnh thiếu căn cơ, chất lượng dạy và học không cao.

Mặc dù tại một số hội nghị sơ kết, tổng kết, các báo cáo, tham luận có đưa ra những thống kê về điểm số, tỉ lệ học sinh khá giỏi,… nhưng đối với các chuyên gia giáo dục, đó chỉ là bề nổi, chưa phải là minh chứng thuyết phục.

Về lớp học và cấp học áp dụng VNEN, mặc dù sau hai chuyến sang Colombia, các đoàn khảo sát chỉ mang về được sách giáo khoa một số môn học lớp 2, nhưng dựa vào mẫu của mấy quyển sách lớp 2 ấy, Dự án đã liên tục tổ chức biên soạn sách của đủ các lớp tiểu học, rồi lớp 6, lớp 7,… để triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”. 

Không những thế, sau này tôi còn được mời thẩm định cuốn Phương pháp dạy học tiếng Việt – giáo trình cho các trường đại học sư phạm, viết theo kiểu VNEN.

Cuốn giáo trình này cũng có phần khởi động, có phân tích mẫu, rút ra kết luận, bài tập thực hành và bài tập ứng dụng, không khác gì mô hình sách lớp 2. Nghe nói nhiều môn khác cũng biên soạn những giáo trình tương tự.

Khi thẩm định, tôi phải kêu trời, vì dạy đại học trên 40 năm tôi chưa từng thấy một giáo trình nào trên thế giới viết như vậy. Nhưng hội đồng thẩm định không có căn cứ để bác cuốn giáo trình này vì nhóm tác giả đã thực hiện đúng hợp đồng viết sách mà họ ký với Dự án. 

Cũng may là cho đến bây giờ Dự án vẫn chưa cho in và vẫn chưa có trường đại học sư phạm hay cao đẳng sư phạm nào dạy theo giáo trình này. 

Bề ngoài thì giống EN 

Là mô hình trực sinh từ EN, chương trình VNEN cũng đề cao hoạt động tự học, tự quản của học sinh. Tuy vậy, việc thực hiện chưa thành công.

Trong nhiều trường hợp, chỉ thấy VNEN giống EN ở hình thức, ví dụ: gọi tên các hoạt động dạy học là Những hoạt động cơ bản, Những hoạt động thực hành; lấy hoạt động nhóm làm chính; đổi lớp trưởng, lớp phó thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản lớp,… 

VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay... ảnh 4

“Cố tiến lên hàng đầu, nhưng hàng đầu rồi không biết đi đâu?"

(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, chuyện cử nhân đại học đi lái taxi hay bán hàng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Về tổ chức hoạt động, vai trò giáo viên khá mờ nhạt. Ở nhiều lớp, thầy cô gần như buông cho học sinh “tự bơi” theo nhóm mà không kiểm soát xem kết quả hoạt động thế nào.

Kết quả hoạt động của nhóm cũng ít được báo cáo trước lớp để các nhóm khác cùng chia sẻ.

Thậm chí, có cán bộ điều hành dự án VNEN cấm giáo viên không được nói. Dĩ nhiên là theo phương pháp dạy học mới, giáo viên không nên nói nhiều, không nên làm thay học sinh. Nhưng nếu giáo viên không được giải thích cho học sinh thì học sinh biết làm thế nào? 

Bên trong thì vẫn đường quen lối mòn 

Về nội dung dạy học, Dự án VNEN dựa vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Trong hoàn cảnh cụ thể lúc bắt đầu thực hiện Dự án, đó là cách lựa chọn đúng, vì viết một bộ sách giáo khoa mới không hề đơn giản. 

Nhưng qua tiếp cận với bộ sách Tiếng Việt - Ngữ văn VNEN, tôi thấy sách VNEN không điều chỉnh sách giáo khoa hiện hành để nội dung dạy học gắn kết nhiều hơn với đời sống, nhằm rèn luyện kiến thức và kĩ năng sống cho học sinh, như tinh thần của mô hình EN.

Đây đó có thể nhận ra một vài điều chỉnh về chi tiết, nhưng mục đích điều chỉnh không phải để nội dung dạy học gắn kết hơn với đời sống. Điều đáng buồn hơn nữa là sách VNEN Tiếng Việt - Ngữ văn tuy rất ít điều chỉnh nội dung sách giáo khoa hiện hành, nhưng hễ cứ điều chỉnh là không đúng. 

Theo tôi, đây là một trong những hạn chế lớn của chương trình VNEN. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm gì?

Được biết, mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục thí điểm VNEN thêm một thời gian nữa, và Bộ dành quyền lựa chọn cho các địa phương, chứ không áp đặt thực hiện [5], [6]. 

Tôi tán thành ý kiến của Bộ trưởng. Tuy nhiên, theo ý kiến tôi, trước mắt, chưa nên mở rộng diện thí điểm mà nên tập trung thực hiện cho tốt ở các nơi đang thí điểm; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí khách quan để đánh giá dự án này, kịp thời phục vụ việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mà Bộ đang tiến hành theo Nghị quyết của Quốc hội. 

Bộ sách VNEN hiện nay đang dựa vào sách giáo khoa hiện hành. Nhưng khi có chương trình mới, nếu VNEN trở thành một phương án biên soạn sách giáo khoa theo phương châm “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” thì các tác giả sẽ phải nỗ lực gấp bội vì không còn chỗ dựa nữa. Đó là một việc đòi hỏi rất nhiều công phu, cần bắt tay vào chuẩn bị sớm. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình trường học kiểu mới của Colombia. Hà Nội, 2010.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vụ Giáo dục tiểu học. Dự án mô hình trường học mới Việt Nam. Tổ chức lớp học theo mô hình Trường học mới tại Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013.

[3] Đặng Tự  Ân. Mô hình trường học mới Việt Nam – Nhìn từ góc độ thực tiễn và lí luận. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016.

[4] Tổ chức “Trường học kiểu mới  hướng tới con người”. Hướng dẫn học tập Ngôn ngữ 2 (2 tập). Tài liệu dịch, Hà Nội, 2010.

[5] http://tieuhoc.moet.gov.vn/ver2/portal.php?u=soct&mod=news&new=6620

[6]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Phung-Xuan-Nha-Bo-van-tiep-tuc-thuc-hien-mo-hinh-truong-hoc-moi-VNEN-post169879.gd

[7]http://thanhnien.vn/giao-duc/vi-sao-giao-vien-va-phu-huynh-deu-so-vnen-730070.html

GS Nguyễn Minh Thuyết