The Straits Times ngày 21/8 đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng ngày phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh, quốc đảo sư tử này phải giữ vững nguyên tắc của riêng mình trên Biển Đông, không thể vì áp lực mà chạy theo yêu sách của bất kỳ bên nào.
Biển Đông tắc, Singapore sẽ chết
The Straits Times dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Biển Đông cùng với eo biển Malacca là "hai động mạch quan trọng" kết nối Singapore với thế giới. Tàu thuyền phải qua một trong 2 "động mạch" này để đến những nơi khác.
"Với cả hai động mạch, nếu bị chặn một thì bạn sẽ chết", ông Lý Hiển Long khẳng định. Do đó, điều quan trọng là tàu thuyền và máy bay phải tiếp tục được di chuyển tự do qua Biển Đông, bất chấp những tranh chấp diễn ra ngay đó.
"Các quốc gia khác sẽ thuyết phục chúng tôi đứng về phía họ, bên này hay bên khác, chúng tôi phải chọn vị trí đứng cho mình", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Dù Singapore không phải một bên có yêu sách trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng quốc đảo này có lợi ích ở Biển Đông.
Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trong ngày Quốc khánh, ảnh: BBC. |
Duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông và thúc đẩy một ASEAN đoàn kết là 3 điều quan trọng đối với Singapore. Luật pháp quốc tế chính là chìa khóa để giải quyết tranh chấp.
Ông nêu ví dụ về tranh chấp đảo Pedra Branca giữa Singapore với Malaysia đã được hai bên đưa ra Tòa án Quốc tế vì Công lý, kết quả phán quyết nghiêng về Singapore và cả hai bên đều chấp nhận.
Tranh chấp về chi phí mặt bằng phát triển tuyến đường sắt cũ Malayan giữa hai nước cũng được đưa ra cơ quan trọng tài quốc tế, lần này phán quyết nghiêng về Malaysia và được cả hai bên vui vẻ chấp nhận.
"Chúng tôi đã không để nó ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với Malaysia, hoặc quan hệ cá nhân giữa tôi với ngài Thủ tướng Najib Razak", ông Lý Hiển Long chia sẻ.
Các nước lớn thường không tuân thủ pháp luật, Singapore chỉ bảo vệ cái đúng
Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng, các nước lớn thường không tuân thủ luật pháp quốc tế trong khi nhấn mạnh đến lợi ích riêng của họ.
Ví dụ như trường hợp Trung Quốc từ chối phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xử vụ kiện Biển Đông giữa nước này với Philippines.
"Trung Quốc không phải nước đầu tiên từ chối tuân thủ phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế, nhưng Singapore vẫn phải tiếp tục hỗ trợ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Chúng tôi không thể để quan hệ quốc tế vận hành trên cơ sở lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Nếu điều này trở thành hiện thực thì các quốc gia nhỏ như Singapore không có cơ hội sống sót." Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định. [1]
Còn theo phản ánh của tờ Today Online, trong khi Singapore là bạn tốt của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, việc quản lý quan hệ với hai siêu cường không phải là điều dễ dàng, vì xung đột lợi ích giữa hai nước nhiều lúc buộc Singapore phải chọn đứng về bên nào.
"Cả hai đều tin rằng, Thái Bình Dương đủ rộng lớn cho hai cường quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây cho biết, Mỹ và Trung Quốc nên vun đắp cho tình hữu nghị. Đây chính xác là những gì Singapore đang cố gắng làm, tạo vòng tròn bè bạn với cả Mỹ và Trung Quốc." Ông Long nói.
Tuy nhiên ông Lý Hiển Long cũng cảnh báo, quản lý quan hệ với siêu cường không hề đơn giản. Ví dụ Washington đã phản đối khi Singapore trừng phạt Michael Fay, một công dân Mỹ vì tội phá hoại năm 1994.
Trung Quốc thì cũng "có vấn đề" với Singapore khi họ cảm thấy quốc đảo này không "quan tâm đúng mực" đến cái Bắc Kinh coi là lợi ích của mình.
Ông Lý Hiển Long cho biết, Singapore ủng hộ vai trò Mỹ đã đóng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong hơn 70 năm kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trong thời gian đó, Mỹ đã mang đến sự thịnh vượng qua hoạt động đầu tư, thương mại, duy trì an ninh và ổn định, kích hoạt phát triển và cạnh tranh một cách hòa bình.
Thái độ nước lớn sẽ làm Trung Quốc khó lớn trong mái nhà nhân loại văn minh |
"Singapore hy vọng rằng, Mỹ sẽ tiếp tục làm điều này ngay cả khi ảnh hưởng của Trung Quốc phát triển.
Một Trung Quốc không ổn định và lạc hậu sẽ gây rắc rối lớn cho châu Á, như những gì đã xảy ra trong hai thập niên 1950, 1960." Thủ tướng Long phân tích.
"Chúng tôi không thân Mỹ hay ủng hộ Trung Quốc, cũng không chống bất kỳ ai.
Chúng tôi đứng trên lập trường vì lợi ích của chính mình và hy vọng bạn bè của chúng tôi hiểu." Phó giáo sư Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore nói với Today Online.
"Một bộ phận người Trung Quốc hay Hoa Kỳ sẽ luôn cảm thấy chúng ta không làm đủ cho họ. Nhưng lý trí tôi hy vọng, tất cả các bên có thể nhìn thấy các nguyên tắc và giá trị Singapore mang lại cho cái chung", Phó giáo sư Simon Tay nói. [2]
Quan hệ hợp tác bình đẳng cùng có lợi thì đừng dọa nhau
Cũng theo tường thuật của Today Online, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định với một bộ phận người dân Singapore đang lo lắng rằng, quan hệ giữa đảo quốc với Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất đồng giữa hai nước về Biển Đông.
"Chúng tôi hợp tác với nhiều tỉnh thành khác nhau (ở Trung Quốc). Chúng tôi đang theo đuổi các cơ hội về cơ sở hạ tầng, kết nối, dịch vụ tài chính, quy hoạch đô thị và công nghệ sạch.
Singapore đang làm việc với Bắc Kinh về sáng kiến Một vành đai, một con đường cũng như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với nhau.
Tôi biết một số người Singapore đang lo ngại về những lời chỉ trích, vì họ có những người bạn, đối tác kinh doanh, đồng nghiệp, quan hệ cá nhân ở Trung Quốc.
Họ có thể cho bạn biết rằng, bất kỳ sự căng thẳng nào giữa Singapore và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và hợp tác của bạn.
Tôi hiểu những lo lắng này.
Chúng tôi muốn kinh doanh và hợp tác giữa Singapore và Trung Quốc tiếp tục phát triển, vì đây là những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Nếu chúng bị gián đoạn, cả hai bên đều thiệt.
Nhưng Chính phủ phải đặt lợi ích quốc gia lên trên, quyết định những gì là lợi ích tổng thể của Singapore. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước khác nếu như có thể. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho những thăng trầm theo thời gian.
Chúng ta hợp tác với các nước khác, nhưng chúng ta có tính toán của mình. Đó chính là những gì giúp Singapore trở thành đối tác đáng tin cậy, phù hợp, có giá trị với các thành viên ASEAN cũng như với Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu." Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết. [3]
Tầm nhìn Lý Hiển Long
Người viết rất khâm phục, ngưỡng mộ tầm nhìn, tài năng và tính cương trực, thượng tôn pháp luật của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đáng để các nước noi gương, học tập |
Với những gì ông đã làm cho Singapore, với những gì ông đã thể hiện trong việc bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông thì có thể hiểu, tại sao cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều muốn lôi kéo quốc đảo này về phía mình.
Tuy nhiên ông Lý Hiển Long ý thức rất sâu sắc rằng, chỉ có độc lập và hành xử thượng tôn pháp luật, bảo vệ luật pháp quốc tế mới có thể giữ cho Singapore không bị ngả về bên nào, và ngả về bên nào cũng đều không nên là lựa chọn.
Quốc đảo này không theo Mỹ, không theo Trung Quốc mà chỉ theo luật pháp quốc tế. Singapore không bênh kẻ mạnh, mà bênh cái đúng.
Có quan điểm cho rằng quốc đảo này "an ninh phụ thuộc Mỹ, kinh tế phụ thuộc Trung Quốc". Nhưng theo người viết, Singapore phụ thuộc vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông và eo biển Malacca.
Đúng như ngài Lý Hiển Long đã ví, đó là 2 động mạch chủ đối với quốc đảo này. Biển Đông tắc, Singapore chết.
Là một người Việt Nam, đất nước có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là đối tượng một số nước nhảy vào tranh chấp, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa án ngữ ngay vị trí yết hầu với cả hai "động mạch chủ" là Biển Đông và eo biển Maclacca, người viết thấy rằng lập trường của Singapore và Việt Nam khá gần nhau.
Thứ nhất là phải thượng tôn pháp luật. Luật pháp quốc tế không còn thì các nước nhỏ khó sống. Thứ hai là giữ cho được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp luật quốc tế.
Những căng thẳng trên Biển Đông không chỉ buộc Singapore phải chọn bên này hay bên kia, mà ngay cả dư luận Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về "chọn bên".
Người viết cho rằng, Singapore chọn luật pháp quốc tế, công lý và lẽ phải. Đó là lựa chọn đúng đắn, và cũng là lựa chọn chung của Việt Nam. [4]
Do đó người viết thiết nghĩ, Singapore chính là một tấm gương cho Việt Nam, đồng thời cũng là tiếng nói quan trọng trong khu vực mà chúng ta cần tranh thủ, để cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, luật pháp quốc tế và lợi ích chung của khu vực.
Chính nhờ biết thượng tôn công lý và bảo vệ lẽ phải đã giúp Singapore lớn mạnh mà không lệ thuộc bất kỳ siêu cường nào, mặc dù xuất phát điểm cũng vô cùng khó khăn.
Tư duy và lập trường ấy được thể hiện một cách nhất quán từ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho đến đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long.
Bởi lẽ ấy, dù nhỏ về diện tích và dân số, nhưng không nước nào dám coi thường Singapore. Trong ứng xử với các siêu cường, Singapore cũng rất đường hoàng, cương trực và thẳng thắn.
Ví dụ điển hình là ông Lý Hiển Long đã đến thăm Đài Loan trước khi trở thành Thủ tướng Singapore năm 2004. Hoặc cố Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc sinh tiền, ông đã đến thăm Hoa Kỳ năm 2010 và kêu gọi Washington cần đóng vai trò tích cực hơn ở châu Á để cân bằng với Trung Quốc.
Điều này cho thấy tầm nhìn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã được con trai ông tiếp nối và nâng lên một tầm cao mới.
Cha con ông không những thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi, mà còn thấy luật pháp và công lý chính là dây cương để điều chỉnh các hành vi "bất kham" của các siêu cường trong đời sống chính trị quốc tế hiện đại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực, thế giới. [5]
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.todayonline.com/world/despite-superpower-pressure-spore-must-choose-its-own-place-stand
[3]http://www.todayonline.com/chinaindia/china/spore-beijing-relations-go-beyond-s-china-sea-pm