Giáo dục Việt Nam có vấn đề trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh?

10/09/2016 07:33
Phúc Lai
(GDVN) - Với những cháu không có khả năng chạy thì phải chấp nhận sự thiếu công bằng của xã hội giành cho mình chăng?

LTS: Bàn về vấn đề phụ huynh chạy trường cho con, tác giả Phúc  Lai đã gửi đến bài viết chia sẻ câu chuyện của những bậc phụ huynh có con sắp lên lớp 6.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Với những phụ huynh có con học lớp năm, ngay từ kì thứ hai đã phải tính toán xem sang năm lên cấp II, cho con học trường nào? Riêng tôi quyết “không cho cháu học trường nào cả”.

Chính xác gia đình không “cho” mà để cháu tự chọn.

Con tôi học loại khá, không phải giỏi giang gì, từ một lớp ở trường dân lập bình thường. Điều đó cũng phù hợp với cách nhìn nhận lâu nay của gia đình là việc học tập ở môi trường giáo dục như ở Việt Nam rất khó đánh giá thực chất tiềm năng con đến đâu vì tất cả chỉ dựa trên điểm số.

Và đặc biệt từ khi có Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì là các đánh giá còn “chung chung” hơn nữa, Giáo dục Việt Nam đã loay hoay cải cách suốt mấy năm qua mà vẫn chưa thấy có gì cải tiến!

Chạy trường chạy lớp còn tồn tại ở nhiều nơi (Ảnh: congly.com.vn).
Chạy trường chạy lớp còn tồn tại ở nhiều nơi (Ảnh: congly.com.vn).

Do đó, gia đình tôi chỉ làm mỗi một việc là định hướng bước đi cho con.

Trao đổi với con các lựa chọn: học tiếp lên trường Trung học Cơ sở cùng hệ thống với trường hiện nay, sang một vài trường khác tương tự… và cuối cùng là “về trường làng” (tức là về học đúng tuyến theo hộ khẩu thường trú của cháu) từ đó tôi để cháu tự quyết.

Không phải là “gia đình “cho” cháu học trường nào?” mà cháu tự “cho” cháu, và “cho” luôn cả bố mẹ cơ hội để làm phụ huynh học sinh của trường.

Chuyện bạn của con trai

Trong số những phụ huynh có chung lo lắng, có một người bạn học của tôi cũng có con sang năm chuyển cấp học.

Giáo dục Việt Nam có vấn đề trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh? ảnh 2

GS. Hồ Ngọc Đại: Chạy trường làm gì? Nơi trẻ học tốt nhất là gần nhà

Khổ nhất là gia đình họ có ông bà đã từng là giáo viên, nên chỉ nghĩ con phải theo trường công lập để học. Cả ông và bà của cháu kia, đều giữ vững quan điểm phải vào công lập cho cháu mình.

Ông bà cháu kia rất sửng sốt khi gia đình tôi hoàn toàn không “cưỡng bức” con phải chọn trường theo ý của mình, và cho rằng quyết định của tôi là sai:

Chúng nó thì biết cái gì mà tự cho lựa chọn?

Theo quan điểm cho con vào học trường công, gia đình bạn tôi theo đúng lộ trình sẽ cho cháu đi học ở trường công lập đúng tuyến.

Theo đúng công thức thứ hai vẫn thịnh hành lâu nay ở… trên mạng là “chạy trường chạy tiếp cả lớp”, thế là gia đình bạn tôi chạy trường điểm ở Quận cho con, tuy nhiên, khi vào được trường thì cháu không được xếp vào lớp phụ huynh muốn.

Thế là mọi việc rối tinh hết cả lên.

Đêm hôm, bố cháu gọi điện cho tôi vì sáng mai muốn xuống trường Trung học Cơ sở dân lập cùng hệ thống mà con tôi đã nộp hồ sơ để xin học. 

Dù trường đã “đầy” nhưng do chính sách ưu tiên các cháu từ cấp Tiểu học cùng hệ thống lên, nên cháu vẫn được nhận.

Tuy nhiên, sau đó lại nảy sinh trở ngại nhà trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm để phân loại xếp lớp… và mẹ cháu thì e ngại con không “thi đấu” được, nên thôi.

Vài ngày sau, bố mẹ cháu lại “lóc cóc” chạy về trường công đúng tuyến, lại năn nỉ ỉ ôi, gãi đầu gãi tai nói khó nói dễ để cháu được nhận trở lại!

Khi nói chuyện với bố cháu này, tôi thấu hiểu sự mệt mỏi của phụ huynh trong việc chạy đua từ trường này sang trường khác, mà rõ ràng Thế vận hội Rio 2016 chưa bắt đầu. Ủy ban Thể dục thể thao đã bỏ sót rất nhiều vận động viên điền kinh tiềm năng tranh chấp huy chương về môn… “chạy trường”.

Bố cậu bé than vãn: “Khổ cái, đây là vợ em nghe lời chị cô ấy, hình mẫu đã có sẵn là con chị ấy rất thành công ở trường này, trường kia; nên muốn áp dụng cho nhà em. Đó là một, thứ hai là con nhà em không như con nhà bác, nó lờ phà lờ phờ, chẳng biết lựa chọn gì cả”.

Và đây là những gì tôi nói với chú ấy.

Rõ ràng trong mỗi mùa hè, chúng ta lại đọc rất nhiều những tấm gương vượt khó, nhà nghèo ở tận miền núi với hải đảo, vùng sâu vùng xa… lại nhiều tấm gương bố mẹ mất sức lao động, vừa phải làm phụ gia đình vừa học mà họ vẫn đỗ Đại học, thậm chí đỗ cao và có nhiều Thủ khoa.

Tại sao họ làm được, trong khi điều kiện học tập của họ kém hơn con chúng ta rất nhiều?

Con tôi ngay từ đầu năm học lớp 5, nó đã nghiên cứu điều kiện tuyển chọn của trường Trung học Cơ sở cùng hệ thống, cháu muốn học ở lớp tăng cường tiếng Anh, và gia đình tôi tôn trọng lựa chọn đó.

Giáo dục Việt Nam có vấn đề trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh? ảnh 3

Chạy trường và sự lãng phí đầu tư giáo dục

Tôi chỉ giới thiệu với con điều kiện của trường và hoàn cảnh gia đình, để làm được điều đó là hoàn toàn không dễ, nhưng nếu cố gắng hết sức thì con sẽ đạt được.

Mẹ cháu thì thường xuyên động viên và liên tục theo dõi, giúp đỡ để cháu đạt được kết quả học tập tốt nhất trong năm học.

Cuối cùng, cháu cũng đã đạt được điều cháu mong muốn – có thể học ở đó gia đình sẽ phải lo một số tiền học phí lớn hơn là cháu đi học trường công đúng tuyến, nhưng cái “được” của gia đình tôi là cháu đã một bước trưởng thành, tự lựa chọn, tự phấn đấu và tự chịu trách nhiệm.

Và tất nhiên, nếu cháu không được xét tuyển, cháu sẽ vui vẻ về học trường công…

Với cháu con của hai “vận động viên điền kinh” kia, thì rõ ràng là bố mẹ ông bà đang sa vào một vòng luẩn quẩn: luôn nghĩ con của mình lờ phờ và không thực hiện được việc lựa chọn cho đàng hoàng; và bố mẹ sẽ làm thay con điều đó.

Cứ tiếp tục như thế cho đến Trung học Phổ thông và Đại học, bố mẹ cứ cầm tay và lôi con đi xềnh xệch.

Con cái mỗi nhà đều có những vấn đề của mình, nhưng gia đình tôi luôn mong con mình học được cách tự lập, lối tư duy mở, mềm dẻo và biết cách xử lý tình huống, biết dung hòa trong mối quan hệ với mọi người.

Tôi tin là các Thủ khoa nhà nghèo ở tận trên núi cao, hầu hết các cháu sẽ có tâm hồn rộng mở, dũng cảm, dám chấp nhận các thách thức của cuộc đời.

Tôi có hỏi ông (ngoại) của cháu kia, bây giờ ông nhìn lại ông có sống thay được cuộc sống cho mẹ cháu không, hay hầu hết là những gì bây giờ cô ấy có được là do cô ấy tự phấn đấu? Ông gật đầu công nhận, đúng là ông bà không sống thay cho cô ấy được.

Vậy thì tại sao cô ấy lại cố sống thay con cô ấy?”   

Câu hỏi ông không trả lời được.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình, dù có được sự đùm bọc, che chở của gia đình tốt đến bao nhiêu, tất yếu cũng sẽ có một ngày vì cuộc sống mà phải tự mình quyết định, tự chịu trách nhiệm với những vấn đề của mình.

Giáo dục Việt Nam có vấn đề trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh? ảnh 4

Bộ Giáo dục biết tình trạng chạy trường, chạy lớp

Cả một xã hội mà cháu nào cũng muốn chen chân vào trường điểm, trường tốt thì còn gì là minh bạch, công bằng.

Với những cháu không có khả năng chạy thì phải chấp nhận sự thiếu công bằng của xã hội giành cho mình chăng?

Nếu con tôi phải rơi vào hoàn cảnh đó, tôi sẽ giúp cháu chấp nhận mà vượt qua hoàn cảnh, chứ không cố luồn lách để chọn cho mình một chỗ đứng tốt hơn trong bóng râm hoặc hưởng ánh nắng mặt trời nhiều hơn…

Xem ra giáo dục Việt Nam “có vấn đề” trước hết là do lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh.

Phúc Lai