Dự án sản xuất thép tại Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư đưa ra giữa lúc sự cố ô nhiễm môi trường từ nhà máy thép Formosa vẫn còn âm ỉ đã gây nhiều tranh luận trái chiều từ dư luận.
Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD, tương đương 230.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khởi công đầu năm 2017.
Mặc dù phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ và báo giới, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cam kết mạnh mẽ không để xảy ra ô nhiễm môi trường với lới hứa: "Sẽ không thải giọt nước xả nào ra biển", thậm chí khẳng định "nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước", tuy nhiên, chính những phát ngôn quá tự tin này đang gây ra tác dụng ngược.
Bởi ai cũng biết, đầu tư xây dựng công nghệ xử lý chất thải sản xuất thép rất tốn kém, chi phí có khi ngang bằng và hơn chi phí đầu tư nhà máy thép.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. |
Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ khi đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao Tôn Hoa Sen đầu tư sản xuất thép trong khi khắp thế giới đang khủng hoảng dư thừa? Nếu nói nhà máy không thải giọt nước xả nào ra biển thì chất thải xả đi đâu? Tại sao phải làm nhà máy gần biển? Ông Vũ có phải chuyên gia hóa học hay chuyên gia môi trường và am tường về sản xuất thép không khi dám quả quyết sẽ không bị ô nhiểm môi trường?...
Không nên đầu tư bất kỳ dự án thép nào nữa
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án lớn nhằm thay thế ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài, tuy nhiên phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia”.
Tuy nhiên với dự án thép tại Cà Ná – Ninh Thuận cần thận trọng. “Lúc này không nên đầu tư thêm bất kỳ dự án thép nào nữa bởi dự án thép chúng ta đang đi sau các nước với quy mô mức trung bình, sản xuất khó cạnh tranh trong khi đầu tư lớn”, GS. Nguyễn Mại nhận định.
Chủ tịch VAFIE cho rằng, dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen đi vào hướng thép cuốn và thép cao cấp, đây cũng chính là mặt hàng Formosa đang đầu tư. Trong khi theo thông tin, dự án gần như Hoa Sen phải nhập toàn bộ quặng sắt, than cốc, toàn bộ vật liệu khác… có nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép, như vậy sẽ khó cạnh tranh.
Ông Lê Phước Vũ trong vòng vây báo chí tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận ngày 27/8/2016. Ảnh: HOÀNG CÔNG TÂM/PLO. |
Theo GS. Nguyễn Mại, hiện nay gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua. Vì vậy thay vì sản xuất thép doanh nghiệp Việt Nam nên đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano.
Mặt khác, gang thép được xếp vào công nghiệp cổ điển, ở các nước phát triển gần như không có nhà máy thép. Sự dịch chuyển được chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển như Việt Nam.
Ông Lê Phước Vũ: Ai mua phải tôn Hoa Sen giả, gặp tôi!Chủ tịch Tôn Hoa Sen nói về "món lợi 170 tỷ" vụ Nick Vujicic đến VN |
Ngoài vấn đề lợi nhuận không thể so với công nghệ hiện đại, có thể thấy sự dịch chuyển này xuất phát từ ảnh hưởng của môi trường. Theo đó, các dự án đầu tư như cán sắt, thép, nhuộm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Tập đoàn Hoa Sen chưa thể xử lý được chất thải dự án thép
Bài học ô nhiễm môi trường từ nhà máy thép Formosa khiến dư luận lo ngại dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận sẽ trở thành một Formosa phiên bản 2.0.
Nhìn góc độ khoa học, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng không nên vì sự cố Formosa mà dị ứng với dự án sản xuất thép.
“Không chỉ sản xuất thép mới ô nhiễm môi trường, mà sản xuất gì cũng tạo ra rác thải từ lỏng, khí, rắn, quan trọng nhất là quy trình công nghệ xử lý chất thải ra sao”, TS. Khải nêu quan điểm.
Do đó, với dự án cán thép Hoa Sen Cà Ná, trước khi đi vào đầu tư cần phải minh bạch công nghệ xử lý chất thải.
“Đây không phải bí mật quốc gia cũng không phải bí mật kinh doanh nên Tập đoàn Hoa Sen phải công bố công nghệ quy trình xử lý chất thải, công bố tiêu chuẩn về nước thải, khí thải, chất thải rắn khi thải ra môi trường ra sao.
Mặt khác cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định phê duyệt, ở đây Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận.
Trong phê duyệt dự án, có phê duyệt về công nghệ xử lý chất thải. Phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân khi phê duyệt dự án để nếu dự án thực hiện tốt phải khen thưởng, nếu để xảy ra sự cố môi trường để xử lý”, TS. Khải nêu quan điểm.
TS. Khải nhấn mạnh, công nghệ xử lý chất thải như doanh nghiệp đưa ra phải có sự đồng thuận của người dân, được người dân giám sát.
“Bộ ngành phê duyệt nhưng người chịu tác động môi trường là người dân sống ở gần nhà máy. Vì vậy người dân phải được biết công nghệ xử lý chất thải ra sao”, TS. Khải nói.
Tuy không phản đối dự án của Tập đoàn Hoa Sen nhưng TS. Khải lo ngại năng lực Hoa Sen khó thực hiện dự án đồng bộ, nhất là để xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại đảm bảo môi trường.
“Xây dựng hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém, đắt hơn nhiều so với xây dựng nhà máy cán thép. Nếu xây dựng đồng bộ cả hệ thống xử lý chất thải và công nghệ sản xuất thép hiện đại như Hoa Sen cam kết cần số vốn rất lớn mà sức của một doanh nghiệp chưa chắc thực hiện được”, TS. Khai cho biết.
Theo phân tích của các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 tạo ra khủng hoảng thừa thép và làm giảm giá sâu. Chiều hướng tiêu dùng thép ở thế giới, theo Hiệp hội Thép thế giới, cũng được dự báo tăng thấp trong hai năm 2015-2016, và ở Trung Quốc, dự báo giảm mỗi năm 0,5%. Áp lực của Trung Quốc nhằm xuất khẩu khối lượng thép ngày càng dư thừa nhiều (như năm 2014 là 82 triệu tấn) là một trong những lý do chính đưa giá xuống. Để chống lại việc Trung Quốc bán phá giá lượng thép dư thừa, Mỹ đã ấn định thuế nhập khẩu 266% lên một số loại thép của Trung Quốc. Với giá thép trên 300 đô la Mỹ/tấn như hiện nay, các công ty sản xuất thép trên thế giới chỉ có lãi bằng 1,2% doanh thu, còn công ty Mỹ hoàn toàn lỗ. |