Ông Lê Phước Vũ: Ai mua phải tôn Hoa Sen giả, gặp tôi!

26/11/2014 16:29
Mai Anh
(GDVN) - Đó là khẳng định của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen trước việc sản phẩm tôn giả dập ký hiệu của tôn Hoa Sen.

9 tháng nhập 500.000 tấn tôn từ Trung Quốc

Trước vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép tại Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam đã phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại tại thị trường tôn thép.

Đánh giá ngành sản xuất tôn thép trong nước, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng ngành thép và tôn Việt Nam hiện nay có công suất 10 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu thị trường chỉ khoảng 6 triệu tấn. Trong đó đa số doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ không quá 3 triệu tấn/năm.

Hội thảo về vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại tại thị trường tôn thép.
Hội thảo về vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại tại thị trường tôn thép.

“Quy mô nhỏ, vốn ít doanh nghiệp tôn thép trong nước phải cạnh tranh gay gắt với tôn thép nhập khẩu. Trong tương lai hiệp định FTA (có thể ký vào Quý 1 năm 2015) với liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazachstan là thách thức lớn với ngành thép Việt Nam, khi đó thép của Nga sẽ vào Việt Nam trong khi Nga là nước cócông nghiệp thép lớn, công suất lớn”, TS Lê Đăng Doanh nhận định.

Mặc dù lo ngại nhưng theo TS Lê Đăng Doanh, khi tham gia FTA ngành tôn thép Việt Nam cung có cơ hội tìm thị trường xuất khẩu mới sang các nước Australia, New Zealand, Chile…

Đồng quan điểm với TS Doanh, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ước tính năm 2014 sản lượng thép có thể đạt 12 triệu tấn (tăng 18% so với năm 2013). Sản lượng tôn thép Việt Nam sản xuất đang vượt quá nhu cầu của thị trường trong nước, tuy nhiên thống kê trong 9 tháng đầu năm các công ty thương mại đã nhập khoảng 500.000 tấn tôn các loại chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan 10 tháng đầu năm 2014 cả nước nhập khẩu 9,43 tấn sắt thép (trong đó 4,8 tấn từ Trung Quốc). Nhập 530.000 tấn tôn mạ trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Các mặt hàng tôn thép nhập khẩu phát hiện sai phạm chủ yếu khai sai về tên hàng, mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế. Năm 2014 cơ quan Hải quan đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép nhập khẩu các loại của doanh nghiệp do vi phạm về khai sai tên hàng hóa và mãsố HS.

Về vấn nạn tôn giả, tôn nhái ông Sưa cho biết, tôn giả xuất hiện trên thị trường với số lượng lớn chủ yếu là tôn kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc, sau đó được in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong nhành thép in lên và hô biến “hàng nhái” thành hàng  chính hãng để tiêu thụ.

“Tôn giả, tôn nhái khiến ngân sách nhà nước thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, với người tiêu dùng việc mua phải tôn giả với giá thành cao sử dụng trong các công trình không đảm bảo, ước tính người tiêu dùng bị móc túi 20% giá thành”, ông Sưa cho biết.

Sẽ kiện doanh nghiệp nhái tôn Hoa Sen

Trước viêc tôn giả được gắn mác thương hiệu các hãng tôn uy tín được các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra gần đây. Mánh khóe của các đại lý, cửa hàng bán tôn là sau khi nhập tôn về kho nếu khách hàng có nhu cầu mua tôn từ các nhãn hiệu lớn trong nước các cửa hàng sẽ lấy xăng hoặc cồn lau toàn bộ dòng chữ dập nổi trên tôn rồi dùng máy in đè tên, nhãn hiệu các hãng tôn mà khách đặt.

Trong chương trình Bản tin Tài chính của Truyền hình Việt Nam, một trong thương hiệu tôn bị làm giả là nhãn hiệu tôn Hoa Sen.

Trước thực trạng này, trao đổi bên lề hội thảo vấn nạn tôn thép giả, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, trong trường hợp khách hàng mua tôn nghi ngờ tôn giả thương hiệu của tôn Hoa Sen có thể liên hệ với Tập đoàn Hoa Sen để làm rõ.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.

Theo ông Vũ, với sản phẩm tôn Hoa Sen, doanh nghiệp luôn có thông tin rõ ràng về ngày giờ sản xuất, số lô sản xuất… Vì vậy nếu là tôn giả nhãn hiệu Hoa Sen sẽ phát bị phát hiện.

“Sau khi khách hàng phản ánh nếu đung là tôn giả nhãn hiệu Hoa Sen, chúng tôi sẽ báo với cơ quan quản lý thị trường để xử lý, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng đến thương hiệu Hoa Sen chúng tôi sẽ kiện”, ông Vũ cho biết.

Cũng liên quan thực trạng hàng giả hàng nhái, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, hiện nay hàng giả xuất hiện như một ngành công nghiệp với quy mô lớn, ở Việt Nam mặt hàng thường bị làm giả gồm: Hàng điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, dược liệu, thuốc thú y, nước giải khát…

Riêng với thị trường tôn thép, theo ông Bảo hiện trên thị trường các loại thép bị làm giả gồm Việt –Úc (ký hiệu YV-UC) tuy nhiên thép giả lại ký hiệu HV-Úc, thép Việt – Hàn (ký hiệu VPS) nhưng thép giả Việt – Hàn ký hiệu HPS…

Để bảo vệ thương hiệu chống hàng giả hàng nhái theo ông Bảo doanh nghiệp tôn thép nên đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế và kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, thiết kế kênh phân phối riêng, niêm yết địa chỉ các đại lý chính hãng, áp dụng luật cạnh tranh…

Mai Anh