Trong dự thảo tuyển sinh 2017 báo cáo Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án mở rộng việc đánh giá toàn diện học sinh bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.
Tất cả chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).
Trừ môn Văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Trước những lo lắng này, trong buổi tọa đàm tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ vào sáng 8/9, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng các khách mời đã giải đáp những thắc mắc ấy thông qua các câu hỏi được Ban tổ chức tập hợp.
Người dẫn chương trình: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kỳ thi THPT quốc gia 2016? Vì sao năm nay Bộ GD&ĐT lại tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng những năm qua đã được xây dựng trên một lộ trình cẩn thận và khoa học.
Năm 2015, lần đầu tiên đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 38 cụm thi do các trường Đại học chủ trì trong cả nước để xét tuyển Đại học, Cao đẳng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi với báo chí sau buổi tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh) |
Năm 2016, Bộ đã để các trường Đại học chủ trì các cụm ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước phục vụ xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được đánh giá thành công, thuận lợi và nhẹ nhàng với thí sinh, tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần phải điều chỉnh.
Chẳng hạn, có dư luận băn khoăn về tính khách quan của việc tổ chức 2 cụm thi (cụm tốt nghiệp và cụm đại học).
Số ngày thi quá nhiều, thi tới 4 ngày, 8 môn, gây khó khăn trong công tác tổ chức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa triệt để. Đề thi chưa thực sự đảm bảo tính khách quan đối với thí sinh. Công tác chấm thi với bài thi tự luận cũng chưa đảm bảo công bằng…
Vì vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức kỳ thi năm 2016 để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy, tạo niềm tin cho xã hội cũng như các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Thưa ông, hướng đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng trong năm 2017 sẽ như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm 2017 chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện những kết quả đã đạt được của kỳ thi THPT 2016. Cái gì tốt của kỳ thi năm 2016 sẽ được phát huy. Ví dụ năm ngoái chúng ta tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước rất tốt thì năm nay phát huy.
Bộ Giáo dục giải đáp các thắc mắc về phương án thi quốc gia 2017(GDVN) - Thay vì chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng như lần xét tuyển năm 2016, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. |
Các Sở GD&ĐT năm ngoái đã làm rất tốt thì năm nay chúng ta giao cho Sở chủ trì các cụm thi, các trường Đại học, Cao đẳng chỉ về kiểm tra, giám sát chất lượng.
Năm ngoái phát hiện đề thi khó đảm bảo tính công bằng thì năm nay sẽ tổ chức thi trắc nghiệm.
Mỗi thí sinh có một mã đề thi khác nhau để tránh hiện tượng tiêu cực.
Việc chấm bài sẽ thực hiện trên máy để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc và độ tin cậy để các trường có thể tin tưởng sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Năm 2017, Bộ sẽ cho phép các thí sinh sẽ được đăng ký nhiều trường hơn để đảm bảo quyền lợi thí sinh cao hơn nữa, do đó, lượng ảo sẽ lớn. Vì vậy, năm nay, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo, giảm khó khăn phát sinh trong năm nay.
Nhiều ý kiến cho rằng khi chuyển hoàn toàn các bài thi sang hình thức thi trắc nghiệm, học sinh và giáo viên sẽ dạy và học để luyện thi trắc nghiệm, từ đó ảnh hưởng tới kỹ năng tư duy và giao tiếp của học sinh. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Vấn đề là nội dung và kỹ năng mà nhà trường trang bị cho học sinh chứ không nằm ở phương thức thi. Thi chỉ là giải pháp kỹ thuật để đánh giá kiến thức và năng lực của học sinh. Không phải cứ thi thế nào thì dạy theo cái đó.
Chẳng hạn như nhiều năm qua, nhiều học sinh các trường trong nước đi thi ở các trường quốc tế, trường tốp cao vẫn đỗ dù phương thức thi rất đa dạng mà các em chưa từng được tập dượt ở trường.
Đây là ý kiến của giáo viên với kì thi Quốc gia 2017(GDVN) - Về công tác tuyển sinh Đại học, đa số các trường Đại học đều mong muốn Bộ vẫn đứng ra tổ chức một kỳ thi chung để các trường lấy kết quả xét tuyển. |
Điều đó có nghĩa là nếu học sinh nắm vững kiến thức trong chương trình đào tạo thì thi phương thức nào cũng làm tốt.
Vì vậy, nhà trường phải dạy kiến thức và kỹ năng, cách tư duy cho học sinh. Đó là điều quan trọng nhất. Một khi trang bị tốt kiến thức thì dù là thi trắc nghiệm hay tự luận học sinh đều có thể làm tốt.
Không thể vì thi cái này mà chương trình sẽ thay đổi thế nọ thế kia. Quan trọng nhất với nhà trường và giáo viên là làm sao dạy để đạt được mục tiêu của giáo dục.
Ông giải thích như thế nào trước ý kiến cho rằng việc thay đổi cách thức thi và môn thi cần có thời gian để thí sinh chuẩn bị, thay đổi ngay trong năm nay sẽ quá gấp gáp cho thí sinh và các trường?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc đổi mới kỳ thi THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng không thể thay đổi ngay trong một năm mà cần có lộ trình để thí sinh không bị sốc.
Nội dung thi của học sinh vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 của bậc phổ thông, cách thay đổi chỉ nghiêng về phương án kỹ thuật.
Để thay đổi như năm nay Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị từ 3 năm trước rồi chứ không phải tới năm nay thì mới thay đổi đột ngột.
Chẳng hạn, việc dùng tổ hợp xét tuyển. Năm 2015, Bộ GD&ĐT quy định các trường phải xét tuyển 75% với các khối thi truyền thống (A,B,C,D). Năm 2016 vừa rồi là 50% và năm tới là 25%. Điều đó có nghĩa là các thí sinh đã có 3 năm chuẩn bị để khối thi xét tuyển của mình.
Còn việc có 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì không phải là thay đổi gì lớn cả. Một số người nhầm lẫn bài thi tổ hợp với bài thi tích hợp.
Tôi khẳng định lại là đề thi năm 2017 là đề thi tổ hợp, gồm các môn riêng rẽ ghép lại chứ không phải tích hợp.
Tổ hợp là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thi thành chung một bài thi, nhằm giảm lượng thời gian và ngày thi, tránh gây áp lực lên thí sinh và phụ huynh.
Do đó, các thí sinh có thể yên tâm không có sự thay đổi lớn nào cả. Nếu có sự thay đổi lớn, Bộ sẽ thông báo sớm để học sinh chuẩn bị và các trường thay đổi. Còn đây chỉ là những thay đổi mang tính chất kỹ thuật để kỳ thi nhẹ nhàng, gọn nhẹ và thuận lợi hơn cho thí sinh.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.