Những ngày qua, thông tin Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) quyết định đầu tư dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná tại Ninh Thuận nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo kế hoạch của chủ đầu tư, Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận khi hoàn thành sẽ có công suất 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư vào dự án khoảng 10,6 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đó dàn trải trong cả giai đoạn từ 2017-2031. Còn trước mắt, Hoa Sen bắt tay vào triển khai với quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Theo lộ trình Tập đoàn Hoa Sen đưa ra trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông bất thường, dự án Hoa Sen Cà Ná sẽ được chia làm 2 giai đoạn với 4 phân kỳ. Tại đại hội cổ đông lần này, Hoa Sen cũng mới chỉ bàn đến việc triển khai phân kỳ I.1 của dự án, với tổng số vốn cần thiết vào khoảng gần 14.000 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. |
Trong phân kỳ I.1 của dự án, đầu tư vào máy móc, nhà xưởng sẽ ngốn khoảng 500 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng). Để vận hành dự án, Hoa Sen còn cần thêm 2.700 tỷ đồng vốn lưu động. Như vậy, trước mắt, Tập đoàn Hoa Sen cần 14.000 tỷ đồng.
Kế hoạch về vốn mà Tập đoàn này đưa ra là vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng. 11.350 tỷ đồng còn lại sẽ là vốn vay ngắn hạn và trung hạn.
Ngay từ đầu khó thành công
Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná được đánh giá là “siêu dự án” với số tiền đầu tư rất lớn. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên được nhiều người đặt ra khi nói về Hoa Sen Cà Ná chính là Tập đoàn Hoa Sen lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để triển khai dự án.
Ngay trong giai đoạn 1, vốn tự có dùng cho dự án sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn là 11.350 tỷ đồng.
Trong khi đó tính đến ngày 30/6/2016, tổng nợ phải trả của Hoa Sen Group là 5.834 tỷ đồng, tính riêng các khoản vay nợ tài chính lên tới 4.638 tỷ đồng – chiếm tới 80% tổng nợ vay.
Nhìn vào kế hoạch vốn của Tập đoàn Hoa Sen để triển khai dự án Khu liên hợp thép ở Cà Ná và đặc biệt khoản nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 1,2 lần, TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khó thành công.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen tuyến bố dự án của Hoa Sen sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm. Ảnh: Lao động. |
TS. Cao Sỹ Kiêm phân tích, hiện nay vốn phục vụ sản xuất đang thiếu. Các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất bởi các ngân hàng dù thanh khoản đã tốt lên nhưng mới chỉ bước đầu có vốn lưu động (cho vay ngắn hạn) còn vốn dài hạn chưa phát triển, tỷ lệ cho vay vốn dài hạn của các ngân hàng rất thấp, đặc biệt các dự án dài hơi cần vốn nhiều và vay dài hạn rất khó.
“Nhìn vào năng lực của Tập đoàn Hoa Sen hiện nay, vốn tự có của doanh nghiệp chỉ vài nghìn tỷ đồng nhưng lại đầu tư dự án lên đến hơn 10 tỷ USD như vậy gần như toàn bộ vốn dự án doanh nghiệp phải vay. Nhưng quan trọng ai cho vay? Vay ở kênh nào?”, TS. Cao Sỹ Kiêm đặt vấn đề.
Trên lý thuyết, có 3 kênh Tập đoàn Hoa Sen có thể thu xếp vốn tuy nhiên thực tế gần như các kênh vốn này đều đóng sập với doanh nghiệp này.
Ưu đãi quá lớn cho Tôn Hoa Sen, Ninh Thuận có thoát nghèo?Đóng cửa nhà máy thép không đạt chuẩn môi trườngDự án thép Cà Ná: Chỉ cần ông Lê Phước Vũ hứa là người dân tin ngay sao? |
Thứ nhất với thị trường chứng khoán, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Hoa Sen Group chưa tham gia nhiều thị trường chứng khoán. Nếu muốn huy động vốn từ chứng khoán, doanh nghiệp phải bán cổ phiếu, bán cổ phần.
“Theo tôi biết, đến thời điểm công bố dự án nhà máy thép, Tập đoàn Hoa Sen chưa bán cổ phiếu, cổ phần nên coi như kênh thu hút vốn từ thị trường chứng khoán không khả thi”, TS. Kiêm nói.
Thứ hai vay vốn dài hạn, trung hạn tại ngân hàng. Theo dẫn giải của Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp này sẽ vay vốn từ Ngân hàng Công thương là chủ yếu.
“Tuy nhiên Ngân hàng Công thương dù vốn lớn do liên doanh với Nhật Bản nhưng một mình Ngân hàng Công thương không đáp ứng được số vốn đó. Hơn nữa, muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp, Hoa Sen lấy gì làm tài sản thế chấp để vay số tền lên đến hơn 11.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1?”, nguyên Thống đốc Ngân hàng đặt câu hỏi.
Thứ ba vay nước ngoài. Để vay nước ngoài đầu tư dự án thép trong nước Hoa Sen càng khó, cho vay đầu tư thép vào Việt Nam lúc này nhà đầu tư ngán ngẩm, khó có thể huy động được. Mặt khác cho vay nước ngoài phải có bảo lãnh. Chính phủ nếu đứng ra bảo lãnh sẽ tăng nợ công quốc gia.
Theo TS. Kiêm, với các lập dự án, thi công trượt giá, phát sinh nhiều vốn đầu tư sẽ bị đội lên so với ban đầu. Mặt khác, trong điều kiện môi trường kiểm tra chặt chẽ, hạn chế chất thải đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, tốn gấp nhiều lần với xử lý chất thải thông thường thậm chí lớn hơn cả đầu tư nhà máy. Vì thế số vốn cần thực hiện giai đoạn 1 dự án phải lớn hơn nhiều dự tính.
“Dự án nhà máy thép Formosa phải mấy gần 10 năm đến nay mới đưa vào chạy thử nghiệm đã xảy ra bao nhiêu vấn đề môi trường, trong khi dự án nhà máy thép của Tập đoàn Hoa Sen dự định 3 năm 2017 – 2020 có thép bán là không khả thi”, TS. Kiêm cho biết.
Câu hỏi lớn dành cho Bộ Công Thương
Bên cạnh thu xếp vốn, một trong vấn đề được TS. Cao Sỹ Kiêm đặt ra xung quanh dự án Khu liên hiệp cán thép Hoa Sen Cà Ná chính là quy hoạch của Bộ Công Thương về ngành thép Việt Nam.
TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết, trước đây quy hoạch ngành thép chưa có dự án của Tập đoàn Hoa Sen. Câu hỏi đặt ra, tại sao Bộ Công Thương lại ra quyết đưa dự án thép của Hóa Sen vào quy hoạch trong khi trên thế giới tình hình sản xuất thép đang là ứ đọng, quốc gia sát với nước ta Trung Quốc đang ứ đọng xuất bán giá rẻ.
“Quy hoạch ngành thép trong ngắn hạn và dài hạn đã được duyệt nay bổ sung thêm dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen Bộ Công Thương phải có lý giải, thuyết trình khoa học để thông suốt”, TS. Kiêm nêu quan điểm.
TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng Bộ Công Thương phải làm rõ tại sao có việc bổ sung dự án thép Cà Nà vào quy hoạch ngành thép - ảnh H. Lực. |
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, những phát ngôn của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen trên truyền thông về dự án thép vừa qua chưa thuyết phục được dư luận.
“Nếu Hoa Sen cho rằng trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu sử dụng thép tăng lên nhưng nhu cầu tăng lên đó căn cứ vào đâu, tốc độ phát triển công nghiệp hóa của đất nước đến năm 2020 như thế nào chưa ai rõ. Giờ đã sắp hết năm 2016, còn mấy năm nữa mà đưa ra nhu cầu tiêu thụ sắt lớn như vậy, đưa vào đầu tư một khu liên hiệp sắt lên đến 10 tỷ USD, dự tính đến năm 2020 có sản phẩm thì không bao giờ có được”, TS. Kiêm nhận định.
Cũng theo TS. Kiêm, từ bài học Formosa dù đã trải qua 20 bộ, ngành thẩm định nhưng vẫn xảy ra sự cố môi trường. Để tránh lặp lại bài học đó, Chính phủ phải trực tiếp xem xét vấn đề quy hoạch, bởi đây là vấn đề quốc gia.
“Chính phủ phải có ý kiến, phải vào cuộc... Chính phủ phải trực tiếp rà soát kiểm tra cẩn thận, phải yêu cầu các bộ ngành giải trình minh bạch rõ ràng thông suốt cho dư luận xã hội, đặc biệt phải chứng minh được khả năng thành công dự án và đảm bảo yếu tố môi trường. Chúng ta đi vào công nghiệp hóa, đi vào hội nhập không cẩn thận hôm nay dự án này tốt nhưng ngày mai sẽ là tai họa cho đất nước”, TS. Kiêm cho biết.
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp tư nhân, đầu tư thua lỗ tư nhân chịu nên nhà nước phải tạo điều kiện.
“Đành rằng lỗ lãi Hoa Sen phải chịu nhưng hậu quả môi trường (nếu có), hậu quả với nền kinh tế thì cả nước phải chịu. Để sản xuất thép cần tài nguyên nước, tài nguyên điện rất lớn, nước điện là tài nguyên của quốc gia không thể sử dụng tùy tiện”, TS. Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, lúc này dự án thép Cà Nà của Hoa Sen không cần thiết cho nền kinh tế và thị trường.
“Suốt dải ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh trở vào thích hợp nhất để đầu tư là du lịch chứ không phải dự án thép. Đầu biển miền Trung đã có Formosa, cuối dài biền miền Trung lại có Cà Ná, nếu có sự cố môi trường hậu quả sẽ cực kỳ lớn ảnh hưởng đến tất cả các địa phương, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong đó có du lịch”, TS. Kiêm kết luận.