Ninh Thuận là một trong những tỉnh nghèo. Song chỉ với một dự án như “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận”, liệu Ninh Thuận có thể trở thành "một trong những địa phương đóng góp cho ngân sách trung ương nhiều nhất” như ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, chủ đầu tư dự án hứa hẹn?
Phải nói thẳng, dự án Hoa Sen - Cà Ná, đang được dư luận gọi đúng tên "siêu dự án" cả quy mô lẫn quy trình triển khai.
Theo đó, ngày 28/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ra thông báo thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen tại lễ công bố dự án nhà máy luyện thép Cà Ná. Ảnh: Lao động. |
Không đầy 2 hai tháng sau, ngày 25/8 Bộ Công Thương ký quyết định số 3516 bổ sung dự án Hoa Sen - Cà Ná vào quy hoạch giai đoạn 2020-2025.
Và đúng hai ngày sau (ngày 27/8), tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm. Tại hội nghị, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Group đã công bố dự án Hoa Sen - Cà Ná.
10 ngày sau, Hoa Sen Group tổ chức đại hội cổ đông bất thường, lấy ý kiến về dự án Hoa Sen - Cà Ná. 100% cổ đông tán thành.
Về phía địa phương, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh thay mặt tỉnh ký biên bản với Tập đoàn Hoa Sen. Biên bản này thể hiện những ưu ái đặc biệt, những cam kết được dư luận cho là kỳ lạ với Hoa Sen.
Tập đoàn Hoa Sen chưa đủ năng lực xử lý chất thải dự án thépDự án thép Cà Ná: Chỉ cần ông Lê Phước Vũ hứa là người dân tin ngay sao?Nội dung |
Cụ thể ưu đãi gồm: Được cấp khoảng 1.400 ha diện tích đất để đầu tư siêu dự án. Tỉnh cam kết giao đất sạch, hoàn tất giải phóng mặt bằng, tái định cư, đáp ứng kịp tiến độ triển khai dự án như hai bên đã cam kết;
Dự án được thực hiện trong 69 năm, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Hai bên cùng tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Bộ Giao thông vận tải để cho chủ trương xây dựng tuyến đường sắt nối dự án đến ga Cà Ná sớm nhất.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng có những cam kết thực hiện các hành động cần thiết để đạt được sự chấp thuận hoặc cấp phép từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… nhằm đáp ứng các yêu cầu của Tôn Hoa Sen, về việc cung cấp đủ điện cho dự án;
Cung cấp đủ 250.000-300.000 m3 nước/ngày, đêm cho tập đoàn Hoa Sen đảm bảo sản xuất từ 6-12 triệu tấn thép. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào khu công nghiệp Cà Ná;
Cùng chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp (5%) cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp bị lỗ, được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm;
UBND tỉnh cùng chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên ( kể cả người Việt Nam và nước ngoài) làm việc tại dự án.
Được miễn thuế đối với việc nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện sản xuất… được miễn thuế dất, thuế mặt nước và ưu đãi mức cao nhất đối với thuế tài nguyên nước.
Những người am hiểu nói rằng, tỉnh Ninh Thuận đã ưu đãi Tập đoàn Tôn Hoa Sen đến tận "chân răng, kẽ tóc".
Đúng là khi được cả tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương ủng hộ, “ngu gì mà không làm” - lời tuyên bố dậy sóng của ông Lê Phước Vũ.
Song với những ưu đãi trên cho một dự án thép, liệu Ninh Thuận có thoát nghèo, có thể trở thành "một trong những địa phương đóng góp cho ngân sách trung ương nhiều nhất”?
Trong khi đó, một thực tế mà ai cũng thấy, mỗi năm vào mùa hạn hán là người dân ở nhiều vùng trong tỉnh thiếu nước trầm trọng để sinh hoạt. Đầu tuần tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Kiên quyết không để dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt.
Lo nước sinh hoạt cho dân chưa thấy lối ra nhưng lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận lại dốc sức cam kết lo cung cấp đủ 250.000-300.000 m3 nước/ngày đêm cho dự án?
Không thể hiểu nổi với những “tranh thủ tối đa sự ủng hộ; hành động cần thiết để đạt được sự chấp thuận hay cấp phép từ Bộ Công Thương”.
Dư luận băn khoăn, tỉnh Ninh Thuận đang cố bằng mọi giá trợ giúp Tôn Hoa Sen thực hiện siêu dự án nhưng đổi lại điều gì?