LTS: “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017” với nhiều thay đổi đang trở thành tâm điểm thảo luận trong toàn ngành giáo dục và xã hội.
Xoay quanh những đề xuất thay đổi của Bộ giáo dục, thầy giáo Tạ Quang Sum (Nguyên hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa) đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Chiều 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017”.
Thông tin này được người dân cả nước xôn xao bàn luận, đặc biệt thầy và trò của tất cả các trường học đều có sự quan tâm sâu sắc.
Xét về mặt lý luận có thể thấy, sau nhiều năm thử nghiệm kỳ thi 3 chung sau đó là kỳ thi 2 trong 1, cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận những khiếm khuyết trong tổ chức khảo thí và hệ quả tiêu cực từ quản lý.
Có 4 phương thức xét tuyển vào các trường đại học năm 2017 (Ảnh: Thùy Linh) |
Mỗi bậc, ngành, trường học đều có vị trí riêng, là yếu tố cấu thành cơ bản, cơ quan quản lý quốc gia; không thể bỏ qua để gộp chung, rồi điều hành chủ quan cấp vi mô bất chấp sự phát triển khách quan của nó.
Về nội dung dự thảo, có thể chấp nhận được những cải cách đề ra.
Việc giảm số môn thi và thời gian thi là cần thiết, việc lập ra hai môn thi tự chọn theo kiểu tổ hợp là giải pháp tối ưu, việc chuyển các môn thi khác ngoài Văn qua hình thức trắc nghiệm khách quan là phù hợp xu thế hiện đại.
Hiệp hội tổ chức trao đổi về dự thảo thi quốc gia và xét tuyển năm 2017 |
Tất nhiên những cái mới luôn gặp phản ứng dè dặt thậm chí phản bác, vì một bộ phận không nhỏ người dân và giáo viên quen với nhiều cách dạy và học bị mạo nhận là truyền thống, thụ động với sự thay đổi!
Việc mô hình giáo dục kiểu VNEN bị thất bại là một bài học đắt giá, mà từ đó Bộ cần phải có những phương cách tiếp có tính khả thi cao nhằm tạo ra chuyển biến tích cực cho kỳ thi 2017 (theo Bộ là bản lề, là cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh việc cải cách thi cử).
Vấn đề cả nước lo lắng là với thời gian không nhiều, việc triển khai thực hiện chương trình năm học mới liệu có kịp kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ diễn ra vào năm 2017?
Điều này hoàn toàn nằm trong tay lực lượng chuyên gia của Bộ và sự điều hành nhanh nhạy - sáng tạo - quyết liệt của Tân Bộ trưởng.
Điều quan trọng có tính hữu cơ là khi chuyển qua thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thì cách dạy của thầy và học của trò sẽ như thế nào? Khi chỉ cần nhận biết đáp án đúng – sai thì kỹ năng tư duy của học sinh sẽ ra sao?
Từ đây rất cần thiết tổ chức một cuộc vận động mới kiên trì và chặt chẽ là trong mỗi nhà trường, thầy phải dạy sao cho học sinh: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
Đó không chỉ là câu khẩu hiệu mà là triết lý Giáo dục, mà các nhà trường phải thực sự đưa vào chương trình năm học mới nhằm tạo ra được sự cách tân về dạy và học.
Nhất thiết phải tạo ra được quan điểm và mục tiêu mới trong nội hàm Giáo dục của các nhà trường: Vì sự phát triển của bản thân và xã hội, chứ không phải chỉ học để thi.
Tuy nhiên, việc Bộ sẽ cử các đoàn cán bộ, giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng đến địa phương để phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi là không cần thiết.
Trong quá khứ các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ chỉ làm những cuộc dạo chơi qua các hội đồng thi.
Ngoài ra còn nhiều điều tế nhị không thể nói ra trong việc đón tiếp các đoàn này của địa phương và trường thi, đã làm mờ đi chức năng hỗ trợ giám sát.
Bộ Giáo dục giải đáp các thắc mắc về phương án thi quốc gia 2017 |
Các hội đồng coi và chấm thi từ trước đây do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phân công, đều am hiểu các quy định có tính chuẩn mực khảo thí.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành đủ năng lực chuyên môn làm công việc hỗ trợ giám sát, có chăng Bộ Giáo dục chỉ cần lập 63 nhóm công tác gọn nhẹ của Bộ gửi đến các địa phương để điều hành cao cấp là đủ.
Sản phẩm từ bậc học phổ thông là lực lượng nhân sự có tri thức, được đào tạo bài bản theo những định chuẩn của nền Giáo dục quốc gia, cung ứng cho toàn xã hội chứ không phải chỉ dành riêng cho các trường Đại học, Cao đẳng.
Việc sử dụng lực lượng này để đào tạo chuyên ngành và nâng cao tiếp theo hoàn toàn theo cách riêng của mỗi ngành, mỗi trường Đại học, Cao đẳng liên quan. Những trường Đại học trọng điểm quốc gia cần tổ chức sát hạch hết sức gắt gao để chọn ra người đủ năng lực học tập.
Các trường thuộc tốp trung chỉ cần có bài khảo sát năng lực vừa đủ. Trường tốp sau cứ cho ghi danh tự do miễn là ứng viên đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Tôi tin tưởng rằng, một khi người đi học được định hướng nghiêm túc, kĩ lưỡng trước khi quyết định thi vào trường nào, xét tuyển ra sao đồng thời việc tuyển chọn nhân sự vào các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước tuân theo quy luật chính quy thì nguyện vọng ảo sẽ chấm dứt đáng kể.
Như vậy không nên tạo ra sự liên thông mang tính hình thức qua những đoàn giám sát hỗ trợ từ các trường Đại học, Cao đẳng vì họ chưa có chức trách với đối tượng thuộc bậc học phổ thông.
Dự kiến những điều chỉnh trong kỳ thi quốc gia 2017 |
Họ sẽ chọn người vào học theo cách riêng của họ còn công việc trước đó thuộc về bậc học phổ thông.
Từ đó sẽ có sự phân công mặc nhiên: Có trường đào tạo lực lượng nhân sự cho quốc gia, có trường đào tạo chuyên ngành cho địa phương khu vực, có trường chỉ nhằm nâng cao dân trí theo yêu cầu người học.
Thời gian không có nhiều, nếu toàn ngành Giáo dục cùng bắt tay xây dựng chương mới thật khoa học thì chắc chắn sẽ vượt qua được nhiều khó khăn để tạo ra thành công lớn trong sự nghiệp phát triển Giáo dục.