Vấn đề này đã được bà Lê Thị Nga nêu ra trong buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XI.
Bà Nga nêu ra thực trạng các luật thiếu tính ổn định, thông qua một thời gian ngắn đã phải sửa: “Chất lượng làm Luật ngay từ đầu đã có vấn đề. Tôi quan sát thấy có Bộ cứ mỗi Vụ lại có một luật, nhưng lần nào trình ra Thường vụ Quốc hội cũng chỉ thấy Thứ trưởng đi trình, thậm chí Vụ trưởng giải trình Luật chứ không thấy Bộ trưởng đâu cả.
Nhiều khi không hẳn do Bộ trưởng đi công tác nước ngoài hay bận nhưng vẫn không thấy đến giải trình trước Thường vụ Quốc hội”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thời gian qua đã có những luật được thiết kế bởi vài chuyên viên nhưng vẫn lọt qua được các quy trình; khi cần báo cáo giải trình cũng giao cho cấp dưới thì luật không thể có chất lượng.
Vì vậy, Bộ trưởng, trưởng ngành cần tham gia quyết liệt ngay từ khi xây dựng các dự án luật.
Nhiều phát biểu tranh luận giữa các Đại biểu Quốc hội sẽ giúp nâng cao chất lượng các dự án luật. ảnh: Trung tâm thông tin báo chí Quốc hội. |
Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta có khoảng 15/26 ngày làm luật trong kỳ họp ở Quốc hội. Cuộc sống phức tạp vô cùng, vậy chúng ta đứng đâu trong công tác giám sát khi mà mất quá nhiều thời gian làm luật như thế này?
Làm luật là quan trọng nhưng phải để thời gian để Quốc hội giám sát, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng”.
Đề cập tới nội dung này, Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, tranh luận ở Quốc hội về các dự án Luật thì Bộ trưởng phải lên tranh luận chứ không được giao cho cấp dưới.
Nguyên tắc tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải được chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng luật, đúng tiến độ, chất lượng, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị. Đủ các yêu cầu mới trình ra Quốc hội và Quốc hội phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương.
Dàn xếp đấu giá tài sản khiến nhân dân bức xúc |
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trước khi thông qua các dự án luật hoặc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong nhiều phiên làm việc trước đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thúc đẩy tính tranh luận giữa các Đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường.
Ủng hộ quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội – ông Uông Chu Lưu cũng cho rằng, tới phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào đầu tháng 10 có dự án luật nào chưa chuẩn bị đầy đủ thì nên báo cáo Quốc hội không đưa vào chương trình.
Ông Lưu cũng cho rằng, khi thảo luận thì cần dành thời gian thoả đáng cho Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo luận để giải trình, tiếp thu, tranh luận với Đại biểu Quốc hội để nâng cao chất lượng các luật.
Đặt ra vấn đề này cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của Bộ trưởng đối với từng dự án luật, đảm bảo cho quá trình triển khai luật sát với đời sống.
Thực tế vấn đề xây dựng luật kém chất lượng đã nhiều lần được các Đại biểu Quốc hội đề cập. Có thể kể tới một số thí dụ điển hình như Luật Đất đai sau khi mất khá nhiều thời gian biên soạn, bàn thảo, cuối cùng vẫn không rõ về quan điểm chủ sở hữu đất đai, vấn đề giao quyền sử dụng đất cho nông dân.
Vào thời gian hoạt động của Quốc hội khóa XIII, khi biên soạn Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu bất ngờ khi dự thảo có nội dung dùng quỹ bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp vay, để tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp hoạt động và lấy lãi.
Ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội khi đó tỏ rõ thái độ không hài lòng, vì đây là quỹ của người lao động và người về hưu chứ không phải để cho doanh nghiệp vay.
Ở kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ông Trần Du Lịch (đại biểu đoàn TP.HCM) cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại trong nhiệm kỳ này của Quốc hội (dù đã nhận thấy nhưng chưa sửa được) đó là luật chi tiết quá yếu, dẫn tới chuyện có 4.774 văn bản dưới luật (tính đến khi diễn ra kỳ họp này).
Ông Lịch đánh giá: “Làm luật nhiều nhưng yêu cầu bớt đi văn bản dưới luật chưa đạt được kết quả đáng kể, vì vậy luật vẫn chờ thông tư, đây là điều bức xúc rất lớn của cử tri. Tôi nói ở cấp bộ có gần 4.000 thông tư, mà thông tư mới là hướng dẫn chứ chưa chi tiết”.
Từ đó, ông Trần Du Lịch nêu quan điểm (đồng thời cũng là lời gửi gắm tới các Đại biểu Quốc hội khóa XIV) đó là, làm luật phải có tính hệ thống xuyên suốt, không thể cứ sửa đi sửa lại liên tục.
Ông Lịch nói thẳng: “Tôi nói xin lỗi là làm luật đôi khi phải có tính bảo thủ một chút, phải có tính đồng bộ chứ cứ nay sửa mai sửa thì không phát triển được.
Tôi cũng đề nghị phải tiếp tục khắc phục tình trạng luật chờ thông tư. Thí dụ, Luật Doanh nghiệp thì tương đối chi tiết, nhưng quay sang Luật Đầu tư thì lại chờ thông tư.
Nói tóm lại cứ cái gì khó thì để lại Chính phủ, còn cái gì dễ thì Quốc hội thông qua, như vậy là không ổn”.