Dàn xếp đấu giá tài sản khiến nhân dân bức xúc

15/09/2016 08:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh đặt ra vấn đề này khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Ông Võ Trọng Việt nhận định, việc đấu giá tài sản những năm gần đây được thắt chặt, hạn chế được tiêu cực, đem lại lợi ích cho đất nước và tinh thần Luật đấu giá tài sản cũng theo hướng đó.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tiêu cực, kẽ hở trong đấu thầu, đấu giá là vấn đề nhức nhối, cần tính toán.

Từ thực tiễn đặt ra vấn đề, cần phải cấm các doanh nghiệp không có đủ năng lực tham gia vào hoạt động này.

“Thực tế có doanh nghiệp èo uột nhưng hồ sơ tham gia đấu giá hoành tráng. Có nhiều bài học rồi, đấu thầu đấu giá xong rồi thậm chí xuất hiện nhiều công ty ma, vậy ai kiểm soát và chịu trách nhiệm thì luật này chưa làm rõ”, ông Việt chỉ rõ.

Ông Việt đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và đặt ra các quy định để người tham gia đấu giá nghĩ đến lợi ích tổng thể và muốn lợi dụng, muốn lách luật cũng không thể làm được.

Ông Việt nói: “Làm thế nào trong đấu thầu, đấu giá tài sản phải tránh được dàn xếp trong quá trình thực hiện đấu giá tài sản.

Nhiều khi luật bất thành văn nghiêm hơn luật chính thống. Điều này cần phải xem lại vì thực tế có việc lợi dụng khiến nhân dân bức xúc”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ để chống dàn xếp khi đấu giá tài sản. ảnh: quochoi.vn
Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ để chống dàn xếp khi đấu giá tài sản. ảnh: quochoi.vn

Dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi đấu giá tài sản đối với đấu giá viên: Cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình để hành nghề đấu giá; Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi;

Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá;

Dàn xếp đấu giá tài sản khiến nhân dân bức xúc ảnh 2

“Có ngăn chặn được chuyện Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ không?”

Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá trái quy định của pháp luật; Vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các hành vi sau đây: Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản;

Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá;

Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, giao, nhận tài sản đấu giá;

Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận; Hoãn việc tổ chức cuộc đấu giá, trừ trường hợp bất khả kháng.

Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá;

Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá.

Người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngọc Quang