Năm học 2015-2016, trường Trung học Cơ sở Chu Văn An có 3 lớp 6A1, 6A2, 6A3 học theo chương trình VNEN. Tuy nhiên, sau một năm thí điểm VNEN, chất lượng học tập của học sinh sa sút.
Phụ huynh đã làm đơn tập thể kiến nghị Ban Giám hiệu, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho dừng hẳn VNEN.
100% học sinh lớp 7a2 biểu quyết: thích học chương trình hiện hành, được ngồi học ngang và gọi tên chức danh Lớp trưởng, lớp phó; được kiểm tra, chấm điểm, trả bài. |
Trước áp lực của phụ huynh học sinh, ngày 10/9/2016, nhà trường đã cho dừng hẳn chương trình VNEN, tổ chức học theo chương trình truyền thống đối với 105 học sinh ba lớp 7A1, 7A2, 7A3.
“Thỏa thuận chui?”
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, tại Hà Tĩnh có 2 trường Trung học Cơ sở Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) và Trung học Cơ sở Chu Văn An (Hương Khê) dừng hẳn chương trình VNEN.
Xung quanh việc dừng chương trình VNEN có một số vấn đề:
Cả hai trường xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đều chỉ được trả lời bằng miệng, hay nói cách khác là ngấm ngầm thỏa thuận.
Một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê bức xúc:
“Có những điều kỳ lạ bất thường khi triển khai hay dừng VNEN từ phía lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Tĩnh.
Khi triển khai thì liên tục công văn, giấy tờ gửi xuống cơ sở triển khai 100% mô hình VNEN.
Khi tỉnh “tuýt còi” dừng không triển khai đại trà VNEN thì có dấu hiệu “đá bóng” khuyết điểm xuống cấp dưới và khi phụ huynh đấu tranh dừng VNEN thì lại “thỏa thuận chui” không công bố minh bạch công khai bằng văn bản.
Thật ra, Sở phải chịu trách nhiệm trước thành bại của VNEN chứ?”
Học sinh tươi cười khi được học theo chương trình hiện hành. |
“Việc triển khai và dừng VNEN tại Hà Tĩnh là một minh chứng cho cách làm “thí điểm” nóng vội, thiếu bài bản, khoa học theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai”, vô cùng nguy hiểm”, một giáo viên (đề nghị giấu tên) cho biết.
Một số vấn đề phải xử lý sau khi dừng VNEN
Do ngấm ngầm thỏa thuận bằng miệng dừng chương trình VNEN, nên có một số vấn đề cần phải giải quyết.
Thầy Phan Trọng Hùng (Hiệu trưởng trường Trung học Cơ Sở Chu Văn An) cho biết:
“Hiện tại 105 học sinh 3 lớp 7A1, 7A2, 7A3 đã mua đầy đủ Sách giáo khoa hiện hành, còn Sách giáo khoa chương trình VNEN thì chúng tôi đã trả lại cho công ty thiết bị trường học rồi”.
Về vấn đề học bạ, các em học sinh học theo chương trình VNEN dùng mẫu học bạ khác với học sinh học theo chương trình hiện hành.
Cụ thể học bạ chương trình thí điểm VNEN chỉ có 9 môn trong khi đó, học bạ học sinh theo chương trình hiện hành có 12 môn (với lớp 6, 7) 13 môn (với lớp 8,9).
Trường THCS Chu Văn An, nơi được lãnh đạo Sở thỏa thuận “ngầm” dừng chương trình thí điểm VNEN |
Mặt khác, học bạ chương trình thí điểm khác hẳn học bạ chương trình hiện hành về nội dung, quan điểm đánh giá.
Cụ thể, học sinh học theo chương trình hiện hành được đánh giá theo Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (mỗi học kỳ có điểm sơ kết học kỳ từng bộ môn, cuối năm có điểm tổng kết cuối năm, kèm theo nhận xét của giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm), còn học sinh học theo chương trình thí điểm chỉ đánh giá:
“Những biểu hiện nổi bật về mức độ hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh” kèm theo một con điểm định kỳ kiểm tra cuối năm.
Chúng tôi đã trao đổi điều này với thầy Đặng Quốc Hiền (Trưởng phòng Giáo dục Cẩm Xuyên).
Thầy Hiền trao đổi:
“Về vấn đề giải quyết hồ sơ, thủ tục cho học sinh chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày và xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo quyền lợi cho học sinh 2 lớp 7A1 và 7A2 Trung học Cơ sở Cẩm Trung”.
Cảm xúc của thầy trò trường Cẩm Trung sau khi không phải học theo VNEN |
Tại trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, thầy Phan Trọng Hùng đã trao đổi với chúng tôi về lộ trình hợp lý xung quanh giải quyết hồ sơ, học bạ cho 105 học sinh đúng trình tự và thủ tục.
“Vấn đề không chỉ là thủ tục mà liên quan đến chất lượng học sinh học thí điểm VNEN một năm qua, Sở Giáo dục phải chịu trách nhiệm chứ? Chẳng lẽ họ phủi tay, đứng ngoài cuộc?”, chị Hồ Thị T. (phụ huynh học sinh lớp 7A2, trường Trung học Cơ sở Chu Văn An) lên tiếng.
Ngoài các trường Trung học Cơ sở Cẩm Xuyên, Hương Khê (Hà Tĩnh) cho dừng hẳn VNEN thì phụ huynh ở một số huyện, thị khác cũng đang đấu tranh để dừng hẳn chương trình này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc!