LTS: Tháng 9 là tháng cao điểm của việc thực hiện an toàn giao thông nhưng tại Quảng Ngãi số lượng học sinh vi phạm luật giao thông lại gia tăng đáng kể.
Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc có bài viết đề ra kiến nghị nên tăng cường cảnh sát giao thông trước các cổng trường để hạn chế tình trạng này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Mấy năm gần đây, điều kiện kinh tế phát triển, số học sinh bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông ở tỉnh Quảng Ngãi đi xe đạp điện, xe máy… đến trường gia tăng đáng kể.
Số học sinh đi xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi, phân khối; thiếu đăng ký, bằng lái, mũ bảo hiểm khiến các cơ quan chức năng địa phương phải đau đầu kiểm soát.
Học sinh đi xe máy, chở 3 không đội mũ bảo hiểm ở Quảng Ngãi (Ảnh: Hồng Long). |
Có học sinh trường tôi, nhà cách trường có nửa cây số cũng đòi cha mẹ mua xe máy.
Loại xe máy cũ nát được gia cố, độ chế được học sinh phổ thông thành phố Quảng Ngãi, các huyện đồng bằng tận dụng tối đa, đi loạn xạ trên đường.
Đến giờ tan trường, ở các cổng trường hoặc các chỗ gửi xe; dòng xe máy, xe đạp điện của học sinh nối đuôi nhau với những hành động đùa giỡn khiến nhiều người lớn phải thót tim, nhường đường các cô cậu học sinh…
Số vụ tai nạn giao thông do thanh thiếu niên, học sinh đi xe máy, xe mô-tô gây ra ngày càng nhiều.
Riêng học sinh trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, từ tết Nguyên đán đến nay đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông vì đi xe máy, khiến 1 em tử vong, 7 em bị thương (có em chấn thương sọ não, có em bị gãy chân phải điều trị dài ngày).
Kể từ ngày thành lập trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (1992) đến nay chưa có năm nào, tai nạn giao thông trong học sinh lại nhiều và phức tạp như vậy.
Mới đây, một em học sinh lớp 8 trường Trung học Cơ sở Nguyễn Chánh (huyện Sơn Tịnh) đi xe máy, đến đoạn trên nhà thờ Phú Hòa (đường 623) gây tai nạn khiến 1 nạn nhân nữ 47 tuổi ở phường Trương Quang Trọng gãy chân, tới nay vẫn chưa thể đi lại được.
Khi hỏi về chuyện học sinh đi xe máy, các đồng nghiệp của tôi ở các trường Trung học Phổ thông Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình, Mộ Đức số 2… đều ngao ngán, thất vọng về ý thức tham gia giao thông của các em.
Sau vụ việc cháu bé 9 tuổi tử vong vì bị tôn cứa cổ, Hà Nội sẽ làm gì? |
Thói đua đòi, bắt chước, muốn thể hiện cùng với sự chiều chuộng con của phụ huynh học sinh là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên đi xe gây mất an toàn giao thông trên phạm vi cả tỉnh như hiện nay.
Vào năm học mới chưa được bao lâu nhưng tình trạng học sinh, nhất là bậc Trung học Phổ thông ở địa phương này đi xe máy đến trường và vi phạm Luật giao thông đường bộ càng phổ biến, phức tạp hơn.
Các hàng quán, nhà dân ở gần trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp đầy ắp xe máy, xe đạp.
Có nhà lấn chiếm luôn vỉa hè dành cho người đi bộ để dựng, giữ xe cho học sinh nên tới giờ tan trường tạo nên cảnh tượng ùn tắc, hỗn loạn trên một đoạn đường dài thuộc phường Trương Quang Trọng (thành phố Quảng Ngãi).
Trong vai trò của mình, ngành giáo dục và các đơn vị trường học, nhiều năm qua đã làm khá tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về ý thức và văn hóa giao thông cho học sinh khi tham gia giao thông.
Đầu năm, các trường đều mời công an giao thông về báo cáo, cho học sinh và phụ huynh ký cam kết về thực hiện an toàn giao thông.
Hàng tuần, nhà trường, giáo viên trong tiết chào cờ, sinh hoạt lớp cuối tuần… cũng dành thời gian nhắc nhở các em về vấn đề trên, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Khi bước ra đường, các em lại hành động hoàn toàn khác, bất chấp tất cả lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu… trên đường.
Những chiến công thầm lặng! |
Với những trường hợp vi phạm, nhà trường cũng ít khi nhận được thông báo xử lý của công an.
Để con đường giáo dục tuyên truyền tác động đến nhận thức, chuyển hóa thành hành động ở giới trẻ, thiết nghĩ cần một quá trình rất lâu dài.
Cả thành phố Quảng Ngãi, bộ phận công an giao thông chỉ có mười mấy người là quá mỏng để quán xuyến, tuần tra thường xuyên mọi điểm giao thông “đen”.
Chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông tại các nhà trường cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan hơn nữa.
Bên cạnh đó, là sự quan tâm sâu sát của các bậc phụ huynh,không nên mua hoặc giao xe máy cho con em khi các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Công tác tuần tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng cần phải thường xuyên, đồng bộ, đúng quy định pháp luật.
Ngay khi các em vi phạm, cảnh sát giao thông cũng cần thông báo về cho nhà trường để nhắc nhở làm gương theo Điều lệ trường phổ thông.
Nếu mọi cảnh sát, thanh tra giao thông đều làm việc công minh, nghiêm túc thì còn ai dám khinh nhờn pháp luật?
Tôi tin rằng nếu công an tăng cường giám sát học sinh trước các cổng trường thì chỉ sau một tuần số lượng học sinh vi phạm an toàn giao thông sẽ thuyên giảm đáng kể.
Xử lý các trường hợp vi phạm, liệu có nghiêm?
Trước thực trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông gia tăng, các lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành động tới từng học sinh của từng trường.
Ông Trần Hữu Tháp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vấn đề giáo dục an toàn giao thông luôn được các nhà trường chú trọng, đưa vào một số tiết học chính khóa; đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền vào các buổi chào cờ đầu tuần; phối hợp với Công an tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông.
Tuy nhiên, nhiều trường mới chú tâm tuyên truyền đầu năm, mà không chú trọng chất lượng, nên vẫn còn nhiều học sinh vi phạm. Cha mẹ học sinh vẫn cho con đi xe máy đến trường...
Sở chỉ đạo các trường học họp với phụ huynh HS để tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không giao xe máy cho học sinh và cam kết đội MBH cho HS khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
Đại tá Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, lâu nay ngành giáo dục và Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ trên xuống, nhưng sự phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương và phụ huynh chưa đồng bộ.
Một số địa phương, trường học cho rằng, việc xử lý các em vi phạm là công việc của lực lượng Cảnh sát giao thông nên chưa quan tâm.
Thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, kiên quyết xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm các lỗi đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi học bằng xe mô tô, xe máy...
Theo Thiếu tá Lê Minh Hoàng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP.Quảng Ngãi, tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông hiện nay chiếm phần lớn là học sinh, sinh viên.
Nhiều em đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Lưu lượng người tham gia giao thông ở TP. Quảng Ngãi rất lớn, nhưng các tuyến đường giao thông lại nhỏ, các em lại dàn hàng 3, 4 đi chiếm hết lòng đường, gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trước đây theo quy định, khi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, Công an phải gửi thông báo cho nhà trường, nhà trường xử lý bằng cách hạ bậc hạnh kiểm, nên sẽ bất lợi cho các em khi thi vào một số trường đại học.
Vì vậy, trong công tác xử lý, lực lượng Cảnh sát giao thông chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục các em là chính. Chính điều này đã tạo cho các em tính chủ quan trong việc chấp hành Luật Giao thông.