Những hành vi đáng xấu hổ ấy phải được xử lý nghiêm bằng pháp luật

27/09/2016 07:37
Ngọc Quang
(GDVN) - Luật sư Nguyễn Đăng Quang nhận định, hành hung, đập phá thiết bị tác nghiệp của nhà báo, phóng viên rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong diễn biến mới nhất liên quan tới vụ một nhóm người, trong đó có cả cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên Quang Thế (Báo Tuổi trẻ), Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu xử lý nghiêm minh và báo cáo Thành ủy Hà Nội.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra sự việc, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cũng cho biết đã nắm được sự việc và giao cho PC 44 - Văn phòng Cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội xác minh, khẳng định: "Nếu là cán bộ Công an vi phạm thì dứt khoát sẽ xử lý nghiêm. Còn nếu không phải cán bộ công an thì cũng phải xử lý chứ không thể để tình trạng như thế".

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang (đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định: “Báo chí là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính đặc thù, nhiệm vụ của họ là đưa tin về mọi mặt của đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, chính trị, tuyên truyền đường lối chính sách của nhà nước.

Báo chí biểu dương những gương tốt về đạo đức xã hội, những người có thành tích trong lao động, sản xuất, sáng tạo khoa học kĩ thuật… đồng thời lên án những thói hư tật xấu của mọi tầng lớp xã hội.

Nhiều thế kỷ qua, báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, tiến tới một xã hội công bằng, văn minh và dân chủ, hạnh phúc cho mọi người.

Cũng vì báo chí giữ một nhiệm vụ quan trọng như vậy mà luật (cả Việt Nam và các quốc gia khác) đều quy định, không ai có quyền ngăn cản nhà báo, phóng viên tác nghiệp hợp pháp theo luật báo chí”.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang phân tích, đập phá thiết bị tác nghiệp có giá trị từ 2 triệu đến 50 triệu đồng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. ảnh: Ngọc Quang.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang phân tích, đập phá thiết bị tác nghiệp có giá trị từ 2 triệu đến 50 triệu đồng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. ảnh: Ngọc Quang.

Trong 4 ngày qua, khi vụ việc này nổ ra, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được hàng nghìn phản hồi của độc giả có chung một quan điểm là hết sức bất bình với những hành vi đấm đá phóng viên.

Trên những website không chính thống cũng có những thông tin ngược bênh vực cho hành vi đánh phóng viên với những lời lẽ sặc mùi du côn, bạo lực.

Và, theo phân tích của Luật sư Nguyễn Đăng Quang, khi phóng viên tác nghiệp họ có giấy tờ hợp pháp, được luật báo chí bảo vệ, nhưng lập tức bị một số đối tượng mặc thường phục (chưa rõ công an hay không) ngăn cản, đập thiết bị tác nghiệp.

Sau đó một người đàn ông mặc áo phông đỏ xuất hiện đã sử dụng những lời nói thô tục, lao vào giật máy ảnh, hành hung đánh đập phòng viên đến chảy máu miệng, và còn dọa đánh tiếp nếu phóng viên không rời đi.

Những hành vi đáng xấu hổ ấy phải được xử lý nghiêm bằng pháp luật  ảnh 2

Người chiến sĩ công an nhân dân tử tế, không ai hành xử như thế!

(GDVN) - Gần đây, nhiều chiến sĩ đã phạm vào điều cấm kỵ, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

“Đây thực sự là những hành vi đáng quan ngại, bởi vì hành vi của một số chiến sĩ công an huyện Đông Anh đã vi phạm vào quy chế của lực lượng cảnh sát nhân dân và đạo đức người chiến sĩ Công an nhân dân.

Những hành vi đáng xấu hổ như vậy chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp mà biết bao chiến sĩ công an đang nỗ lực ngày đêm để xây dựng”, luật sư Quang khẳng định.

Cũng theo phân tích của Luật sư Nguyễn Đăng Quang, hành vi của người chiến sĩ công an hành hung nhà báo, đánh nhà báo đến chảy máu miệng và đập máy ảnh là vi phạm pháp luật, cùng lúc xâm phạm đến hai quan hệ pháp luật đó là: Quan hệ về tính mạng và sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người; Quan hệ sở hữu.

“Trong trường hợp phóng viên bị hành hung mà bị thương tật đến 11% thì người hành hung phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Nếu máy ảnh của phóng viên bị đập hỏng có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người cố tình đập cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 143 Bộ Luật Hình sự.

Ngoài ra họ còn vi phạm luật báo chí đó là cản trở phóng viên tác nghiệp hợp pháp, cũng cần phải xử lý nghiêm minh”, Luật sư Quang cho biết.

Đây là người xuất hiện trong clip đã chửi bới phóng viên và đập phá thiết bị tác nghiệp.
Đây là người xuất hiện trong clip đã chửi bới phóng viên và đập phá thiết bị tác nghiệp.

Trên thực tế những năm gần đây, trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo, phóng viên nhằm đưa các vụ việc tiêu cực ra ánh sáng đã nhiều lần bị ngăn cản, hành hung.

Đáng tiếc trong số những vụ việc ngăn cả nhà báo, phóng viên lại có cả sự tham gia của những cán bộ trong cơ quan nhà nước.

Mặc dù dư luận nhiều lần lên án, nhưng những vụ việc như vậy vẫn đang diễn ra cho thấy có việc xử lý những đối tượng ngăn cản, hành hung nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp chưa đủ mức răn đe.

Ở khía cạnh khác, những hành vi hung hãn của một số cán bộ trong cơ quan nhà nước nhằm vào các nhà báo, phóng viên cũng khiến cho người dân lo lắng rằng trong đời sống xã hội đang có nhiều bất ổn.

Từ kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, Luật sư Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Bản thân tôi khi thực hiện chức năng là một luật sư thì chưa bao giờ gặp phải những hành động thô bạo như vậy từ phía các cán bộ công an. Tôi cũng gặp nhiều cán bộ công an tốt, họ thực sự xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Còn đối với vụ việc này, sau khi sự việc xảy ra, một số cán bộ có trách nhiệm ở Công an huyện Đông Anh đã đến tận nơi xin lỗi phóng viên và Báo Tuổi trẻ, điều đó cho thấy họ đã nhìn nhận hành vi của cán bộ trong lực lượng là sai.

Dư luận chờ đợi đã sai thì phải xử lý, không thể chỉ bằng vài ba lời xin lỗi để xí xóa đi tất cả. Đây là một vụ việc điển hình, nếu không xử lý dứt điểm thì sẽ còn nhiều vụ khác nguy cơ hành hung nhà báo, phóng viên vẫn có thể xảy ra.

Nếu chỉ là giải thích tranh luận bằng lời nói thì sẽ đi một nhẹ, và ngay cả trong hoàn cảnh ấy thì lời lẽ cũng phải đúng mực, không được chửi bới xúc phạm nhau.

Đó không chỉ là vấn đề văn hóa ứng xử giữa những người cùng đang thực hiện nhiệm vụ, là văn hóa ứng xử giữa con người với con người, mà còn là thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Không chỉ tôi mà chắc chắn tất cả những ai được hỏi đều mong muốn, những ai có hành vi côn đồ phải bị loại ra khỏi lực lượng Công an".

Ngọc Quang