Vụ việc hai cán bộ thuộc lực lượng Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) hành hung phóng viên Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) trên cầu Nhật Tân đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận suốt 3 ngày qua.
Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi xem những hình ảnh hãi hùng này và đặt ra câu hỏi: Nhà báo cũng bị hành hung giữa ban ngày thì liệu còn có chuyện gì họ không dám làm?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, những hành vi coi thường pháp luật, coi thường nhân dân phải xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai.
Trước hết, nhìn nhận sự việc ở góc độ là một công dân Thủ đô, TS.Vũ Thái Hà chỉ rõ: “Cho dù họ là ai, ở vị trí nào thì hành vi đấm, đá, đánh đập, hành hung người khác đều không thể chấp nhận được. Những người nghiêm khắc còn gọi đó là hành vi của những kẻ thiếu học thức.
Là con người với nhau, lại cùng đang thực hiện nhiệm vụ, người ta không thể cư xử với nhau bằng bằng những hành vi hung đồ như thế.
Hành vi đánh phóng viên, nhà báo khi tác nghiệm của một số người được cho là công an mà báo chí nêu vừa qua là những hành vi coi thường pháp luật, coi thường nhân dân và đương nhiên phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật”.
Cần phải xử lý nghiêm minh những người đã đuổi đánh phóng viên Quang Thế trên cầu Nhật Tân. ảnh: HN |
Cụ thể, việc đánh đập, hành hung người khác, nói chung, tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu xử lý hình sự.
Nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Trong vụ việc này, thiệt hại về sức khỏe hay thiệt hại về vật chất có thể là không lớn. Tuy nhiên, cái lớn chính là vấn đề phẩm chất đạo đức, hình ảnh vốn tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân bị một số cá nhân làm cho xấu đi trong mắt người dân.
Không ai có thể chấp nhận việc những người được nhân dân tin tưởng giao phó nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân lại đi xâm hại chính những người đã tin tưởng và giao phó nhiệm vụ cho mình.
Theo quy định của Luật Công an nhân dân, ngoài các tiêu chuẩn về sức khỏe, học vấn... để được đứng trong đội ngũ công an nhân dân, người được tuyển chọn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức.
Người chiến sĩ công an nhân dân tử tế, không ai hành xử như thế! |
Tôi cho rằng, những người ở trong ngành công an mà có hành vi đánh nhà báo như vừa qua đều không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức.
Vì thế, họ không đủ tiêu chuẩn và không xứng đáng đứng trong đội ngũ công an nhân dân”, TS Hà phân tích.
Trên thực tế những năm vừa qua đã có rất nhiều vụ việc cán bộ công vụ nhà nước ngăn cản, thậm chí hành hung nhà báo, phóng viên trong lúc tác nghiệp theo quy định của luật báo chí.
Khi những vụ việc ấy xảy ra, dư luận đã tỏ rõ thái độ phản ứng hết sức phẫn nộ, nhưng những vụ việc như vậy vẫn chưa chấm dứt.
Nhà báo được Luật báo chí bảo vệ, nhưng thực tế họ vẫn đang là nạn nhân của cả những kẻ côn đồ (theo nghĩa đen) và cả một số người gắn mác thực thi công vụ.
Trong thời gian vừa qua, các sự việc mang tính bạo lực có chiều hướng gia tăng. Các vụ việc hành hung không chỉ giới hạn trong giới báo chí mà còn lan sang nhiều giới khác, trong đó có cả giới luật sư.
Nhà báo, luật sư là những người được cho là có hiểu biết pháp luật, được pháp luật bảo vệ nhưng vẫn bị hành hung. Điều đó cho thấy những kẻ mang danh công vụ thực sự rất coi thường pháp luật, tha hóa và mất tư cách đạo đức.
TS.Hà nêu quan điểm: “Nhà báo hay luật sư vẫn bị hành hung vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta đã không xử lý nghiêm minh đối với những hành vi này.
Dân đánh cán bộ thì dân đi tù, với cái tội chống người thi hành công vụ. Cán bộ đánh dân thì có khi chỉ vài lời xin lỗi rồi ỉm đi là xong, cùng lắm là áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó, trừ trường hợp đánh chết người.
Chúng ta thiếu sự minh bạch, thiếu kiên quyết trong việc xử lý những hành vi hung hãn thì sẽ còn nhiều nhà báo bị hành hung”.
Cũng theo Luật sư Vũ Thái Hà, bản thân những người là lãnh đạo, có thẩm quyền xử lý đối với những người có hành vi này hầu như đều có xu hướng nói đỡ cho thuộc cấp của mình, rút kinh nghiệm, xin lỗi và cuối cùng là xí xóa.
“Chúng ta có pháp luật, có chế tài, nhưng lại thiếu sự minh bạch, thiếu sự nghiêm minh trong quản lý, điều hành và thường không đi tới cùng khi xử lý đối với những trường hợp này nên mới bị ‘nhờn thuốc’.
Để tình trạng này không tiếp diễn, cần phải nghiêm khắc khi xử lý và điều quan trọng là phải làm cho những người đang thực thi nhiệm vụ nhân dân giao phó hiểu ra rằng họ có vị trí, có chức vụ là do nhân dân giao cho.
Vị trí đó, chức vụ đó là để phục vụ nhân dân, chứ không phải đứng trên nhân dân, quản lý nhân dân”, TS.Hà bình luận.
Kết thúc cuộc trao đổi, phóng viên đã đặt ra câu hỏi nếu phải đối diện với những hành vi bạo lực như vậy của những cán bộ cơ quan công quyền thì luật sư sẽ làm gì?
TS.Vũ Thái Hà cho biết, trong hoạt động nghề nghiệp nhiều năm qua luôn gặp những cán bộ công an có phẩm chất tư cách đạo đức rất tốt.
“Tuy nhiên, một vài tình huống ở tư cách là một công dân thì tôi cũng đã chứng kiến hành động không đẹp của những người trong ngành công an.
Những vụ việc hay xảy ra tình trạng cư xử không đúng mực thường diễn ra ở cấp xã, huyện, nơi mà sự am hiểu pháp luật của nhân dân còn chưa đầy đủ.
Đó là nơi mà sự nhiều cán bộ tự cho rằng mình có chức vụ là có quyền quản lý nhân dân theo ý muốn của họ”, TS.Hà cho biết.