LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Luật sư Đinh Anh Tuấn (đại diện phía Bộ GD&ĐT) về vụ việc ông Hoàng Xuân Quế kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – Phạm Vũ Luận.
Để rộng đường dư luận và tôn trọng tranh luận đa chiều, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thông tin này.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và nhận thức của riêng tác giả-người đại diện của Bộ GD&ĐT trước pháp luật ở vụ việc này.
Sau phiên tòa ngày 10/10/2016, đã có một số bài báo đặt dấu hỏi về “cuốn luận án tiến sỹ gốc” của ông Hoàng Xuân Quế, hiện đang được lưu giữ ở đâu? Vì sao các cuốn luận án tiến sỹ (LATS) dùng để đánh giá ông Hoàng Xuân Quế có hay không có hành vi sao chép đều là cuốn photocoppy? Việc đánh giá hành vi sao chép dựa trên các tài liệu photocoppy liệu có bảo đảm khoa học và khách quan?
Về cuốn Luận án tiến sỹ (LATS) ông Hoàng Xuân Quế nộp Thư viện Quốc gia
Quy chế Đào tạo sau đại học do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công LATS tại Hội đồng cấp nhà nước, họ phải nộp một cuốn LATS cho Thư viện Quốc gia. Cuốn LATS này nội dung giống với cuốn đã nộp cho Bộ GD&ĐT trước đó, và đính kèm thêm một số tài liệu liên quan đến việc nghiên cứu sinh bảo vệ tại Hội đồng cấp nhà nước.
Nghiên cứu sinh phải có biên lai tiếp nhận cuốn LATS của Thư viện Quốc gia, đem nộp cho Bộ GD&ĐT, mới được Bộ cấp bằng tiến sỹ.
Quy chế đào tạo sau đại học cũng có quy định nghiên cứu sinh phải nộp một cuốn LATS cho thư viện nơi đã đào tạo nghiên cứu sinh.
Theo các quy định trên, sau khi bảo vệ LATS, ông Hoàng Xuân Quế phải nộp cho Thư viện Quốc gia và Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân (nơi đào tạo ông Quế) mỗi nơi 01 cuốn LATS, và cả 02 cuốn LATS này đều là LATS gốc (tức là do chính ông Quế in, đóng quyển, giao nộp, nội dung phải trùng khớp với cuốn LATS ông Quế đã bảo vệ tại Hội đồng bảo vệ cấp nhà nước).
Theo nội quy thư viện, khi tiếp nhận các cuốn LATS này, Thư viện phải đóng dấu của thư viện vào một số trang nhất định của cuốn LATS, và đưa vào lưu trữ và phục vụ bạn đọc.
Khi đã trở thành tài liệu của Thư viện, cuốn LATS sẽ được lưu trữ và bảo vệ chặt chẽ theo đúng quy định của Pháp lệnh Thư viện.
Khi giải quyết tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT trực tiếp cùng cán bộ có trách nhiệm của Thư viện Quốc gia photocoppy cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế và cả cuốn LATS của ông Mai Thanh Quế được lưu giữ tại đây; sau đó đối chiếu với bản gốc để xác định không có sai khác; bấy giờ Thư viện Quốc gia mới đóng dấu thư viện vào các cuốn LATS photocoppy đó.
Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành đối chiếu bản sao của cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế và bản sao cuốn LATS của ông Mai Thanh Quế, để xác định ông Hoàng Xuân Quế có sao chép LATS của ông Mai Thanh Quế không.
Như vậy, Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT không đối chiếu trên bản photocoppy, mà đã đối chiếu trên bản sao của cuốn LATS gốc của ông Hoàng Xuân Quế.
Luật sư Đinh Anh Tuấn (người đứng bên phải) tại phiên tòa sơ thẩm. ảnh: HM. |
Về cuốn LATS ông Hoàng Xuân Quế nộp Bộ GD&ĐT
Theo quy định của Quy chế Đào tạo sau đại học, sau khi bảo vệ thành công LATS tại Hội đồng bảo vệ LATS cấp cơ sở, nghiên cứu sinh phải nộp một cuốn LATS (đã chỉnh sửa lần cuối, theo ý kiến của các giáo viên hướng dẫn, giáo viên phản biện) cho Bộ GD&ĐT.
Cuốn LATS này được Bộ GD&ĐT xem xét để thành lập Hội đồng bảo vệ LATS cấp nhà nước.
Vẫn theo quy định của Quy chế Đào tạo sau đại học, Bộ GD&ĐT không có trách nhiệm lưu trữ LATS của các nghiên cứu sinh, song trên thực tế, tất cả các LATS của các nghiên cứu sinh sau khi họ đã bảo vệ thành công đều được Bộ GD&ĐT lưu giữ nguyên vẹn và đầy đủ tại kho lưu trữ của Bộ.
Đến nay đã có khoảng 20.000 LATS được lưu trữ tại Bộ GD&ĐT, chưa có trường hợp nào có thắc mắc, khiếu nại về việc bị mất mát, hư hỏng, tráo đổi…
Nguyên Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận bị kiện vì quyết định số 4674 (GDVN) - Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị hủy quyết định số 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. |
Trong quá trình giải quyết tố cáo đối với ông Quế, Tổ xác minh Bộ GD&ĐT đã lục tìm trong kho lưu trữ của Bộ trong nhiều ngày liền, song không tìm thấy cuốn LATS của ông Quế.
Trong thời gian này, ông Quế liên tiếp có bản giải trình, cho rằng cuốn LATS của ông Quế tại Thư viện Quốc gia là do cháu ông “nộp nhầm”, không loại trừ cả trường hợp bị ai đó “đánh tráo”; ông Quế tha thiết đề nghị Bộ GD&ĐT lấy cuốn LATS ông đã nộp cho Bộ GD&ĐT làm căn cứ để đối chiếu với cuốn LATS của ông Mai Thanh Quế.
Với quyết tâm phải cố gắng tìm được cuốn LATS của ông Quế, Tổ xác minh đã làm việc với nhiều cán bộ Cục Đào tạo sau đại học song thời điểm đó đã nghỉ hưu, và nhận được thông tin là vào năm 2008, do kho lưu trữ quá đầy, Bộ GD&ĐT đã chuyển một số lượng lớn LATS (đóng thành 64 kiện) cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Các cán bộ của Tổ xác minh lập tức lên đường vào TP Hồ Chí Minh, kết quả là đã tìm thấy cuốn LATS của ông Quế đang được lưu trữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Việc đối chiếu các cuốn LATS mang tên ông Hoàng Xuân Quế tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, và cả cuốn LATS tại Thư viện Đại học Kinh tế, cho thấy cả 03 cuốn LATS này đều trùng khớp nhau về nội dung.
Về 03 cuốn LATS do ông Hoàng Xuân Quế tự thu thập
Trong quá trình Bộ GD&ĐT xác minh nội dung tố cáo đối với ông Quế, ông Quế có đến gặp một số giáo viên phản biện, giáo viên hướng dẫn để xin lại cuốn LATS ông Quế đã nộp cho họ trước đây. Ông Quế đã đem nộp cho Bộ GD&ĐT các cuốn LATS này, và khẳng định 03 cuốn LATS này mới đúng là cuốn ông Quế đã dùng để bảo vệ tại Hội đồng bảo vệ cấp nhà nước.
Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT nhận định: Theo các quy định pháp luật cũng như Quy chế đào tạo sau đại học của Bộ GD&ĐT, việc các giáo viên phản biện, giáo viên hướng dẫn lưu giữ các cuốn LATS của nghiên cứu sinh là không bắt buộc. Vì vậy, tính pháp lý của 03 cuốn LATS này không bảo đảm chặt chẽ như các cuốn LATS được lưu trữ tại các Thư viện.
Những ai tham mưu cho nguyên Bộ trưởng giáo dục ban hành quyết định 4674? |
Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT cũng đi sâu đánh giá tính khách quan của 03 cuốn LATS do ông Quế thu thập. Về vấn đề này, Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (A83) Bộ Công an đã xác minh tại những nơi ông Quế đến “xin lại” các cuốn LATS, kết quả như sau:
+ Về cuốn LATS tìm được tại nhà của cố PGS Mai Siêu, Biên bản làm việc ngày 15/7/2013 của cán bộ A83 với bà Đỗ Hoàng Oanh (vợ cố PGS Mai Siêu) có nội dung: “Lần đầu cả tôi và anh Quế lên tủ sách của nhà tôi tìm khoảng nửa tiếng không thấy. Lần hai cách khoảng 2 tuần, anh Quế cùng một em học sinh tìm hộ tôi ở nhà. Khoảng 20 phút thì em học sinh tìm thấy. Sau đó anh Quế đề nghị tôi xác nhận là nhận tại nhà tôi”.
+ Về cuốn LATS tìm được tại nhà PGS-TS Lê Đình Hợp, Biên bản làm việc ngày 15/7/2013 của cán bộ A83 với con trai PGS Lê Đình Hợp cho biết: “…Sau một hồi không tìm thấy, tôi đã để anh Quế tự tìm và đi xuống nhà. Một lát sau, anh Quế nói đã tìm thấy cuốn luận án… Anh Quế đã tự đọc nội dung và đề nghị tôi xác nhận vào cuốn luận án… đồng thời đề nghị tôi ký xác nhận vào một số trang trong cuốn luận án, các trang này do anh Quế tự lật và bảo tôi ký”.
+ Về cuốn LATS tìm được tại nhà GS Cao Cự Bội, Biên bản làm việc ngày 30/7/2013 của cán bộ A83 với GS Bội cho biết: “Ông Quế và người nam đã lên phòng để tự tìm trong kho sách của thầy Bội nhưng không thấy. Vài ngày sau, ông Quế và người nam nói trên lại đến tự tìm. Một lúc sau, hai người nói là đã tìm thấy và đem xuống để xin thầy Bội ký xác nhận vào cuốn luận án. Tuy nhiên, thầy Bội đã không xác nhận vào cuốn luận án này”.
Với các tài liệu được A83 Bộ Công an xác minh như trên đây, Tổ xác minh Bộ GD&ĐT đánh giá cả 03 cuốn LATS do ông Quế tự thu thập không bảo đảm khách quan, vì vậy Tổ xác minh không đi sâu vào nội dung các cuốn LATS này.
Về chữ ký của ông Hoàng Xuân Quế trên các cuốn LATS
Hiện đang có ý kiến cho rằng do các cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế được Thư viện Quốc gia, Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh lưu giữ đều không có chữ ký của ông Quế trong đó, nên ông Quế có quyền phủ nhận đó không phải là LATS do ông Quế đã giao nộp.
Vấn đề này đã được tranh luận khá kỹ tại phiên tòa ngày 07 và 10/10/2016. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là: Ông Quế chắc chắn đã nộp các cuốn LATS cho các Thư viện và cho Bộ GD&ĐT, bởi Quy chế Đào tạo sau đại học của Bộ GD&ĐT bắt buộc nghiên cứu sinh phải thực hiện việc này.
Việc cuốn LATS tại Thư viện Quốc gia thiếu một số tài liệu đính kèm, lỗi trước hết thuộc về ông Quế, bởi ông Quế đã không đính kèm các tài liệu.
Còn về chữ ký của nghiên cứu sinh, quan điểm của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng: Theo quy định tại Quy chế Đào tạo sau đại học và Công văn số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện Quy chế này, trong cuốn LATS chỉ có lời cam đoan của nghiên cứu sinh bắt buộc phải có, không có quy định phải có chữ ký của nghiên cứu sinh.
Thực tế có rất nhiều luận án tiến sỹ (trong đó có ông Mai Thanh Quế) chỉ có lời cam đoan mà không có chữ ký của nghiên cứu sinh.
Về việc ông Quế cho rằng cuốn LATS của ông tại các Thư viện đã bị ai đó “đánh tráo”, Bộ GD&ĐT khẳng định đây chỉ là suy diễn vô căn cứ của ông Quế. Người nào muốn “đánh tráo” cuốn LATS của ông Quế, họ phải thông đồng với nhân viên các Thư viện, thì mới có con dấu Thư viện trên cuốn LATS tráo vào đó.
Ông Quế hoàn toàn không có căn cứ để chứng minh việc này, trong khi Bộ GD&ĐT đã làm việc với cán bộ có trách nhiệm của các Thư viện, họ hoàn toàn bác bỏ sự suy diễn của ông Quế (biên bản làm việc đã có trong hồ sơ vụ án).
Điều quan trọng nữa, nếu khẳng định cuốn luận án của mình bị “đánh tráo”, ông Quế phải có đơn tố cáo và phải có chứng cứ chứng minh cho tố cáo đó.
Cần nói thêm, giả sử việc “đánh tráo” có thật, thì nó đã diễn ra ở cả 03 thư viện: Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân, Thư viện Quốc gia, và Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Điều này không thể xảy ra trong thực tế.
Tóm lại, Bộ GD&ĐT khẳng định 03 cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ tại Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân, Thư viện Quốc gia, và Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh đều là các cuốn LATS “gốc” (do ông Quế in, đóng quyển, nộp, và được các Thư viện đóng dấu và lưu trữ theo đúng quy định pháp luật).
Việc ông Quế cho rằng các cuốn LATS này bị “đánh tráo” là không có căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế. Còn việc có thông tin cho rằng “hiện không biết bản gốc các LATS đang nằm ở đâu” chỉ là một kiểu tung hỏa mù làm rối dư luận mà thôi.