Sáng 19/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT long trọng tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020”.
Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện lãnh đạo Ban thi khen thưởng Trung ương, một số Bộ, ban, ngành và 252 giáo viên, học sinh tiêu biểu trong cả nước.
Năm học 2015-2016, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới và đạt được những kết quả tích cực.
126 giáo viên và 126 học sinh đại diện cho hơn 1,1 triệu giáo viên và trên 15 triệu học sinh phổ thông trong cả nước về dự lễ vinh danh là những tấm gương sáng về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.
Đây là những những tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các giải văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Chú trọng đào tạo đạo đức, nhân cách học sinh
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT đã tổ chức tuyên dương nhà giáo và học sinh năm học 2015-2016 và phát động đổi mới sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020, ngay sau khi thầy trò bước vào năm học mới. Sự kiện này thể hiện quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ |
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong những năm qua, tinh thần đổi mới đó đã thúc đẩy giáo dục, đào tạo Việt Nam có nhiều cải cách mạnh mẽ từ nội dung, phương pháp dạy và học, đổi mới trong quản lý thi cứ để hướng tới hoàn thiện và chuẩn hóa hơn.
Quy mô giáo dục được phát triển, tăng cường mở rộng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội.
Các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” ở các cấp học đã xuất hiện ngày càng nhiều nhiều tấm gương học sinh tiêu biểu và xuất sắc. Ngành đã xây dựng được đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng và luôn tận tụy, tâm huyết với nghề.
Hà Nội tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc(GDVN) - Tối 28/8, tại Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016. |
Nhiều học sinh đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, điển hình như năm 2016, đạt được 6 huy chương vàng và đứng đầu tại cuộc thi Olympic Toán học Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 12/76 quốc gia, lãnh thổ về kiểm tra Toán và Khoa học lứa tuổi 15.
Ngoài ra, ngành cũng tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, trí tuệ con người Việt Nam cũng như nền giáo dục nước ta với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, giáo dục và đào tạo nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, có mặt còn tụt hậu đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa so với sự phát triển của cuộc cách mạng tri thức, khoa học và công nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh sáng kiến tổ chức lễ phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học của giai đoạn 2016-2020 trong toàn ngành giáo dục, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung trong quá trình thực hiện:
Thứ nhất, phát huy những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc đổi mới trong toàn hệ thống theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI.
Trong đó, đặc biệt chú trọng gắn đổi mới với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước để chuẩn hóa chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học;
Cần quan trọng kết quả thực chất, không chạy theo thành tích và tiếp tục hoàn thiện các chương trình Bộ đã tiến hành đổi mới phù hợp hơn, gắn với yêu cầu thực tế.
Thứ hai, quan trọng và chuyển biến hơn về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành, kể cả khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vinh danh giáo viên tiêu biểu |
Thứ ba, phải thực sự quan trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước; có chính sách trọng dụng và khuyến khích những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Đây là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên được môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ.
Bên cạnh đó, với tư cách Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ cần quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành theo hướng thật chất và thực sự tiêu biểu để đội ngũ giáo viên và các em học sinh không chỉ là người thầy giỏi, học sinh xuất sắc mà còn là những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội.
Nhân lễ tuyên dương, Phó Chủ tịch nước mong toàn ngành hướng về đội ngũ nhà giáo và học sinh vùng bão lũ miền Trung bằng những việc làm ý nghĩa nhất với tinh thần tương thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm
Bước sang năm học mới 2016-2017, toàn ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp lớn nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo.
Phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định:
“Đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện; là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài; bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày, để việc làm ngày hôm nay đạt năng suất, hiệu quả hơn ngày hôm qua;
Là hành động thiết thực nhất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và các em học sinh, sinh viên góp phần tạo chuyển biến căn bản chất lượng, hiệu quả giáo dục nước nhà.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập, làm theo”.
Bộ trưởng gửi tới các thầy cô giáo và các em học sinh trong cả nước thông điệp:
Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn;
Đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hội nhập quốc tế; ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục;
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; cùng nhau xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại…
Bộ trưởng mong muốn mỗi cơ quan quản lý giáo dục các cấp sẽ là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi nhất phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo.
Và là nơi đánh giá, thẩm định các minh chứng, sản phẩm đổi mới sáng tạo để biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phạm vi toàn ngành và cả nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên trong cả nước hãy bằng những việc làm thiết thực nhất chung tay, chia sẻ, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất hướng về đồng bào miền Trung đang chịu nhiều tổn thất bởi đợt lũ lụt vừa qua, trước hết là hướng về các thầy cô giáo và các em học sinh vùng lũ lụt.