Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào?

24/09/2016 06:25
TS.Nguyễn Khánh Trung
(GDVN) - Mục tiêu của nền giáo dục quốc gia là gì và tại sao lại như vậy? Mẫu hình lý tưởng điển hình của học sinh sau khi tốt nghiệp giáo dục phổ thông phải ra sao?

LTS: Triết lý giáo dục không phải là một bản tuyên bố, mà ám chỉ những suy tư, những truy vấn mang tính triết lý trên mọi khía cạnh của giáo dục, là việc “đặt vấn đề trên tất cả những gì chúng ta biết và chúng ta tin trong giáo dục” (Reboul, 1989).

Trong ba bài viết liên quan đến chủ đề “triết lý giáo dục”, TS.Nguyễn Khánh Trung đã tập trung chủ yếu bàn về khía cạnh mục tiêu giáo dục, khâu quan trọng nhất trong một hệ thống giáo dục, và đã lấy trường hợp Pháp và Phần Lan như những minh họa điển hình.

Giáo dục Việt Nam hiện nay có lẽ đã có nền tảng lý luận của nó, nhưng nền tảng đó đã thực sự mang tính triết lý, đã rõ ràng, nhất quán, thuyết phục và phù hợp với thời đại chưa ? 

Hôm nay, TS. Nguyễn Khánh Trung hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), TP.Hồ Chí Minh tiếp tục góp ý cho công cuộc đi tìm câu trả lời này. 

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 


Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào?

Có một sự trùng hợp khi Phần Lan, Pháp và Việt Nam là ba nước đang tiến hành đổi mới giáo dục phổ thông.

Giống như Phần Lan, Pháp và nhiều nước khác, Việt Nam cũng đang hội nhập quốc tế và chịu ảnh hưởng của trào lưu toàn cầu hóa với sự thống trị của văn hóa số càng ngày càng phủ khắp mọi mặt của đời sống. 

Do vậy, người Việt cũng đang thay đổi nhanh chóng trong lối sống, trong cách tư duy và cách hành động, nên giáo dục cần phải thay đổi kịp thời.

Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào? ảnh 1
Muốn đổi mới giáo dục, cần trả lời rõ những câu hỏi liên quan đến mục tiêu (Ảnh minh họa trên news.zing.vn)

Nếu đưa ra một so sánh về tính hiệu quả của nền giáo dục trong sự tương quan với sự phát triển của quốc gia, cũng như sự tiến bộ theo hướng từ cổ truyền đến hiện đại thì chúng ta có thể có một xếp hạng theo mũi tên như sau:

Việt Nam => Pháp => Phần Lan

Phần Lan là quốc gia đã và đang rất thành công trong bậc giáo dục cơ bản, điều đó không chỉ thể hiện trong kết quả của các kỳ thi quốc tế, mà còn ở mức độ phát triển kinh tế xã hội với nhiều thành tích đứng đầu thế giới.

Pháp có mức độ kinh phí đầu tư cho giáo dục trên đầu học sinh gần tương tự như Phần Lan, nhưng hiệu quả gặt hái thì không bằng. 

Các nhà lãnh đạo Pháp nhận thấy nếu không cải cách hệ thống giáo dục vốn nặng tính hàn lâm với phương cách quản lý tập quyền của họ thì Pháp sẽ không thể cạnh tranh với các nước khác.

Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào? ảnh 2

Mẫu học sinh lý tưởng mà hệ thống giáo dục Phần Lan theo đuổi là gì?

(GDVN) - Người Phần Lan luôn lấy con trẻ và tương lai của chúng làm trung tâm, với mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai.

Do vậy, quốc gia này cũng đang cải cách theo hướng tương tự như Phần Lan. Đó là:

Bớt tính hàn lâm, tăng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trong và ngoài trường học, giúp học sinh khám phá, gần gũi với môi trường thiên nhiên, đẩy mạnh phương thức giáo dục khác biệt hóa, tích hợp, và bớt tập quyền trong cách quản lý,…

Việt Nam đi sau cùng và đang ở xa với hai nước nói trên, do vậy cũng đang đổi mới theo hướng của các nước phát triển.

Nhưng thực tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và chướng ngại, trong bài viết này tôi mạn phép nêu ra vài kiến nghị liên quan đến đổi mới giáo dục

Thứ nhất, cần phải cải cách triệt để và học hỏi các nước phát triển

Công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đang được tiến hành hiện nay chính là con đường bắt buộc nếu muốn làm cho giáo dục phổ thông nước ta xích lại gần hơn với các nước phát triển.

Phải xác định một điều: khoảng cách của Việt Nam và các nước phát triển là một khoảng cách của kẻ đi trước và người đi sau về sự phát triển và tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, về mặt lý tính, cách thức tổ chức xã hội theo hướng kỹ trị và dân chủ với nền kinh tế thị trường.

Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đều nhờ vào con đường “nhập Âu” để phát triển, nên Việt Nam cũng không thể đi con đường khác, vì chẳng có con đường nào có thể phát triển mà xa lánh với yếu tố lý tính và khoa học kỹ thuật, mà ở đây là câu chuyện giáo dục.

Thứ hai, cần xác định rõ mục tiêu

Đọc các tài liệu liên quan đến dự án đổi mới giáo dục, tôi thấy các nhà hoạch định vẫn thiếu những câu trả lời, hoặc có những nội dung trả lời chưa thuyết phục với những câu hỏi căn bản chẳng hạn: 

Xã hội tương lai tại Việt Nam sẽ như thế nào? Những công dân tương lại sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ cần những phẩm chất và loại kỹ năng gì để có thể bước vào đời một cách vững chãi, có khả năng tự phát triển bản thân và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển trong bối cảnh xã hội đó? 

Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào? ảnh 3

Đây có phải là triết lý cho Giáo dục Việt Nam?

(GDVN) - Nếu ai đó nói rằng ở Việt Nam chưa có triết lý giáo dục thì tôi cho rằng điều đó là không đúng.

Mục tiêu của nền giáo dục quốc gia là gì và tại sao lại như vậy? Mẫu hình lý tưởng điển hình của học sinh sau khi tốt nghiệp giáo dục phổ thông phải như thế nào? 

Vì thiếu những trả lời cho các câu hỏi này, hoặc những nội dung trả lời đã có nhưng chưa có sức thuyết phục, chưa ăn khớp với nhau, chưa đúc kết được nguyện vọng của người dân nên giáo dục nói chung và dự án đổi mới nói riêng thiếu một mục tiêu rõ ràng.

Và thiếu một nền tảng biện luận mang tính triết lý chắc chắn và hợp thời, thiếu một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ bên ngoài xã hội đến bên trong trường học được thể hiện một cách nhất quán thông qua các văn bản pháp luật và các tài liệu giáo dục liên quan. 

Chẳng hạn, nếu bên ngoài xã hội không thể làm rõ một cách thuyết phục nội hàm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì bên trong giáo dục, cũng khó lòng làm sáng rõ thế nào là “con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa” được nêu trong Luật Giáo dục (Điều 27 - khoản 1).

Những điều như vậy ảnh hưởng mạnh trên việc xác định mục tiêu giáo dục một cách nhất quán và rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng trong các khâu còn lại. 

Thứ ba, không nên áp đặt

Nếu người Phần Lan và người Pháp đặt con trẻ và tương lai của chúng làm trung tâm trong các dự phóng và kế sách giáo dục, trong sự lo lắng làm thế nào để các trẻ có cuộc sống tốt nhất, có khả năng tự phát triển một cách tốt nhất trong xã hội tương lai của chúng … 

Thì tại Việt Nam, có vẻ như người lớn luôn muốn áp đặt trên con trẻ những gì có sẵn với sự hình dung của người lớn, thậm chí là của những người lớn đã sống nhiều thế hệ trước đây, nhằm để thỏa mãn nhu cầu và ý chí của người lớn. 

Thay vì mong muốn làm cho học sinh hạnh phúc và sống tốt cuộc sống của riêng mỗi cháu trong xã hội tương lai mà chính các cháu là những chủ nhân.

Thứ tư, giáo dục toàn diện

Ở đây không phải là dạy cho học sinh đủ thứ trong chương trình, mà nhiệm vụ của giáo dục là làm cho học sinh phát triển toàn diện, cân bằng mọi mặt về trí tuệ, tâm hồn và thân thể.

Việc chuyển tải các tri thức khoa học chỉ là một trong những nội dung giáo dục mà nhiệm vụ của điều này phải dẫn đến việc khai phóng trí tuệ nơi học sinh, để học sinh có căn bản nhằm có thể tự học suốt đời.

Nền giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào? ảnh 4

Triết lý giáo dục, đích đến là ta muốn đào tạo ra con người như thế nào?

(GDVN) - Khi bàn về mục tiêu của một hệ thống giáo dục nghĩa là tìm đáp án cho câu hỏi muốn đào tạo ra mẫu người học sinh lý tưởng sau khi tốt nghiệp phổ thông thế nào?

Hay tiếp tục học lên cao hơn, chứ không phải chỉ là việc buộc học sinh tiếp nhận một khối lượng kiến thức có sẵn một cách thụ động (đây là một trong những vấn đề lớn của giáo dục Việt Nam hiện nay). 

Trong dự thảo chương trình đổi mới hiện nay, dường như vẫn thiếu hay chưa nhấn mạnh đủ một số từ khóa quan trọng như "khai phóng", “sáng tạo”, “phản biện”, “tự chủ”, “trách nhiệm”. 

Theo tôi, những từ khóa này nên được xem là những nội dung căn bản trong toàn bộ các khâu của giáo dục, vì dù cho hoàn cảnh xã hội tương lai có thế nào, thì đó cũng là những hành trang cần thiết để những người trẻ bước vào đời với một tinh thần tự tin và tự do.

Và có khả năng tự phát triển bản thân, tự giải quyết những khó khăn của mình và của cộng đồng, cũng như góp phần thúc đẩy xã hội thay đổi và phát triển.    
Bên cạnh đó, trường học phải kết hợp với các hội đoàn, các tổ chức dân sự, tôn giáo và Nhà nước tại địa phương để chăm lo cho các em về mặt thể chất và tinh thần… mà tôi chưa thấy trình bày trong các tài liệu liên quan đến dự án đổi mới lần này.

Việt Nam là nước đi sau nên đã có những bài học, những mô hình tốt của các nước đi trước để học hỏi. 

Do vậy, trong mọi khâu, cần lấy sự chặt chẽ của lý tính, của triết lý làm công cụ tư duy, lấy mỗi con trẻ làm trung tâm, trong sự chân thành lo lắng cho tương lai của trẻ, trong sự tôn trọng các trẻ với tư cách là những chủ thể duy nhất và khác biệt, những chủ nhân tương lai của đất nước.

TS.Nguyễn Khánh Trung