Phong trào thi giáo viên dạy giỏi có thực sự cần cho hoạt động của nhà giáo?

24/10/2016 08:42
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Hãy để hội thi Giáo viên dạy giỏi phát triển tự nhiên, giáo viên nào có đủ điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia, tuyệt đối không ép buộc.

LTS: Là một giáo viên từng có nhiều bài viết nêu lên những bất cập của các hội thi giáo viên hiện nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Phó Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng) tiếp tục có bài viết phân tích tính thiết thực của phong trào thi giáo viên dạy giỏi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Thực tế có nơi này, nơi kia, trong quá trình tổ chức, triển khai Hội thi Giáo viên dạy giỏi các cấp chưa tốt để nảy sinh những bất cập, những biểu hiện tiêu cực như có giáo viên mớm bài, gài bài quá kỹ  cho học sinh, có giám khảo đánh giá tiết dạy thiếu công tâm, khách quan…

Từ đó dẫn đến một số giáo viên có cái nhìn ác cảm, định kiến về thi Giáo viên dạy giỏi; có người còn gay gắt, cực đoan hơn nên dẹp bỏ sớm hội thi mang tính chất phù phiếm, vô bổ này vì giáo viên chán ngán lắm rồi.

Nói cho công bằng, khách quan, tôi và nhiều giáo viên từng tham gia dự thi và chấm thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhận thấy, hoạt động nghiệp vụ này rất cần thiết và ý nghĩa.

Nó là “sân chơi” bổ ích để  giáo viên ở  các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, tỉnh, cả nước có dịp vừa khẳng định được năng lực Sư phạm bản thân, vừa được  giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tích lũy, trau dồi thêm kiến thức và phương pháp dạy học.

Tất nhiên, đi thi cử làm sao tránh khỏi những áp lực, căng thẳng, lo sợ, mỏi mệt… nhưng những ai vượt qua được các “cửa ải” đó, đã là những con người chiến thắng.

Phong trào thi giáo viên dạy giỏi thực sự cần cho hoạt động nhà giáo? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Phong trào thi giáo viên dạy giỏi thực sự cần cho hoạt động nhà giáo? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Dù bị rớt, không đạt giải cao nhưng cũng rất đỗi tự hào, có được nhiều bài học quý về nghề dạy học. Bao nhiêu giáo viên trưởng thành, tự tin, tay nghề vững vàng hơn nhờ vào tham gia những hội thi như thế.

Tôi cho rằng những giáo viên nào trong đời dạy học của mình mà có tư tưởng né tránh, sợ hãi, không dám một lần thử sức ở “sân chơi” này thì đáng tiếc.

Đừng nghe người A, người B phán thế này, thế kia... hãy thử sức một lần xem sao. Nghề giáo cần lắm những thầy cô bản lĩnh, dám dấn thân, trải nghiệm mọi cuộc thi đua của ngành, của nghề.     

Về quy định thời gian thông báo và chuẩn bị cho 1 tiết dự thi Giáo viên dạy giỏi ít nhất 1 tuần, theo tôi là phù hợp vì đây là cuộc thi, cần có nhiều thời gian để mọi giáo viên chuẩn bị tốt nhiều thứ từ giáo án đến đồ dùng, dạy thử…

Có nhiều thí sinh ở Quảng Ngãi từng than thở: “Thời gian chuẩn bị 1 tuần là còn ít với chúng em”.

Phong trào thi giáo viên dạy giỏi có thực sự cần cho hoạt động của nhà giáo? ảnh 2

Thi giáo viên dạy giỏi, nhiều bài giảng cứ như đến từ thiên đình!

(GDVN) - Cuộc thi giáo viên dạy giỏi cho phép có hơn một tuần để chuẩn bị cho 45 phút thi là quá nhiều, khiến phần thi nặng tính sắp đặt, xa rời chất lượng dạy thực tế!

Có ai từng trong cuộc mới biết: “Ở nhà, ở trường mình thì dễ vì đều quen quen hết, song đến trường khác, có giám khảo chấm không dễ, áp lực, căng thẳng lắm; có giáo viên chuẩn bị bài rất kỹ nhưng lên dạy lại “mất lửa”, thiếu tự tin, người run cầm cập, mồ hôi nhễ nhại…”.

Nhìn rộng ra, trong nhiều cuộc thi, hội thi ở các lĩnh vực khác, thời gian dành cho chuẩn bị, tập luyện đối với thí sinh, vận động viên còn nhiều hơn nữa mà để có được thành công,  thắng lợi trước các đối thủ… cũng gian nan, cực khổ biết dường nào.

Vì vậy, xét về mức độ và tính chất giữa tiết thi với tiết dạy bình thường trên lớp của giáo viên hoàn toàn khác biệt, không thể đánh đồng với nhau được.

Còn những chuyện xảy ra như: giáo viên “bày binh bố trận” bài vở, học sinh;  giỏi “diễn kịch”, hay có “quan hệ” tốt với giám khảo… cũng không có lỗi của cụm từ mang tên: thời gian chuẩn bị nhiều.

Những biểu hiện ấy thuộc về ý thức của người dự thi, khả năng đánh giá của giám khảo, cách thức theo dõi, kiểm tra của ban tổ chức hội thi.

Nếu ban tổ chức, Ban Giám khảo làm việc đúng vai trò, trách nhiệm, luôn công tâm, khách quan thì thừa sức để phân loại ai đạt, ai không đạt ngay sau mấy tiết dạy; vấn đề cốt cõi nằm ở đây.   

Tại điều 21, Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT quy định:

Kết quả hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên và căn cứ điều kiện cụ thể, Uỷ ban Nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương quy định chế độ ưu đãi đối với giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, đối với tập thể có nhiều thành tích trong Hội thi”.

Có giáo viên than phiền:

Thông tư nói như vậy nhưng thực tế sau khi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, ngoài giấy chứng nhận của Phòng Giáo dục và mấy trăm ngàn tiền thưởng ra, giáo viên cũng không được quyền lợi thiết thực gì khác.

Đã thế, khi trật, lại bị cấp trên khiển trách, đồng nghiệp chê bai... cho nên việc tuyển chọn, cắt cử người đi thi giáo viên dạy giỏi trở nên áp đặt chứ không còn tính tự nguyện từ giáo viên.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị không được ép buộc giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi, không được gài bài, dạy thử... nhưng khi nào Bộ và các cấp quản lí còn lấy kết quả hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân thì khi đó giáo viên chúng tôi còn bị ép buộc đi thi”.

Phong trào thi giáo viên dạy giỏi có thực sự cần cho hoạt động của nhà giáo? ảnh 3

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như vậy là nhằm động viên, khích lệ kịp thời các giáo viên tham gia và đạt thành tích cao trong phong trào thi đua giáo viên dạy giỏi.

Tôi nhận thấy, ở nhiều địa phương hiện nay làm rất tốt việc biểu dương và ghi nhận đóng góp của các giáo viên dự thi, ngoài giấy khen, tiền thưởng còn công nhận các danh hiệu thi, đến chu kỳ nâng lương được nâng trước thời hạn từ 6 đến 9 tháng, thuyên chuyển về những trường tốt hơn và họ rất phấn khởi.

Từ đây, tôi cũng kiến nghị: các địa phương, các cơ sở giáo dục hãy để Hội thi Giáo viên dạy giỏi phát triển tự nhiên, giáo viên nào có đủ điều kiện và tự nguyện, tự giác tham gia, tuyệt đối không ép buộc, gắn với đó là các hình thức biểu dương và khen thưởng tương đối thỏa đáng thì ắt hẳn “mảng tối”, sự bức xúc của bộ phận giáo viên về hoạt động nghiệp vụ này sẽ mất đi.    

Đỗ Tấn Ngọc