Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

20/10/2016 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Bệnh thành tích sẽ còn lây lan đến khi nào mà Ban Giám hiệu các đơn vị còn ấn định chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn, từng giáo viên và học sinh.

LTS: Bệnh thành tích trong lớp học, tại các trường từ đâu mà ra? Hãy nghe thầy giáo Nguyễn Cao lý giải về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Ngày 11/10/2016, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài “Bệnh thành tích đã ngấm vào thầy cô, cán bộ quản lý đến mức biết sai vẫn làm của tác giả Thùy Linh đã thể hiện một điểm nhìn khá đúng với thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là cấp nào cũng thể hiện bằng những bản báo cáo đẹp để làm vui lòng nhau nhưng thực tế thì chưa hẳn là vậy.

Bệnh thành tích vẫn âm thầm “xâm nhập” từ người này sang người khác, từ đơn vị này đến vị khác, từ cấp thấp đến cấp cao…

Năm nào cũng vậy, khi bước vào năm học được khoảng một tháng là các đơn vị trường học tổ chức hội nghị công nhân viên chức nhà trường.

Khó "cai nghiện" bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh: vtv.vn).
Khó "cai nghiện" bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh: vtv.vn).

Tại Hội nghị này tất cả các chỉ tiêu của tập thể và cá nhân được đưa ra, có những chỉ tiêu xuất phát từ nhu cầu của giáo viên nhưng có những chỉ tiêu được ấn định từ cấp trên đưa xuống.

Và, một khi đã đặt ra chỉ tiêu rồi thì cũng đồng nghĩa cả tập thể và từng cá nhân phải thực hiện.

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục ảnh 2

Thị trường tài liệu và chuyện mua, bán giáo án của giáo viên

Một điều không thể phủ nhận được là không thi đua thì không thể có sự phát triển, không thúc đẩy được chất lượng giảng dạy của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung nhưng có những phong trào thi đua chỉ chạy theo số lượng thì vô tình đang đẩy giáo viên tới rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chất lượng của học sinh thì thấp mà năm nào cũng đặt ra chỉ tiêu học sinh khá giỏi cao nên rồi giáo viên phải tìm mọi cách để nâng lên để “đạt và vượt chỉ tiêu” đã được giao.

Có một nghịch lí ở ngành giáo dục là các chỉ tiêu của năm học mới sẽ phải cao và đẹp hơn năm trước, chính vì thế mà nhiều chỉ tiêu như tỉ lệ  học sinh khá giỏi cứ mãi được đẩy lên cao và tỉ lệ học sinh yếu kém được hạ tới mức thấp nhất.

Điều này cũng đồng nghĩa cách đánh giá về học tập và hạnh kiểm của học sinh ngày càng hướng tới số lượng, còn chất lượng thật thì chỉ có… người trong nghề mới biết.

Là một đơn vị thuộc diện còn khó khăn nhưng năm học vừa qua trường chúng tôi có tỉ lệ học sinh giỏi tới trên 29 %. Nhưng so với một số trường lân cận trong huyện thì trường chúng tôi vẫn còn thấp hơn, tỉ lệ yếu kém của trường là 2,8 %...

Điều này cũng đồng nghĩa năm học này trường phải đặt ra chỉ tiêu là có ít nhất 30% học sinh đạt loại giỏi, và, cứ tính theo tỉ lệ này thì rõ ràng tìm những học sinh trung bình trong lớp sẽ khó hơn rất nhiều những em học sinh khá giỏi bởi chỉ tiêu đặt ra đã hơn 70% khá và giỏi...

Nếu số lượng học sinh giỏi ở đây là thực như số lượng thì rõ ràng trường của chúng tôi không có gì phải bàn thêm nữa, bởi mục tiêu giáo dục đã quá đạt, song, hình như đó mới là số lượng, còn chất lượng thật thì không phải vậy.

Ngoài các chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy thì nhà trường cũng đưa ra hàng loạt các chỉ tiêu về viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; ôn thi học sinh giỏi.

Tất cả được căn cứ vào số lượng của các năm học trước và bao giờ cũng lấy phương châm là “năm sau phải cao hơn năm trước”.

Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm đã được bàn và nói khá nhiều nhưng có lẽ câu chuyện này vẫn còn rất dài, bởi ngay đầu năm học, bản thân người viết bài này đã nhận được rất nhiều lời “nhờ vả” từ đồng nghiệp.

Người thì nhờ sửa, người nhờ viết đề cương và có người không ngần ngại nhờ tôi viết rồi lấy bao nhiêu tiền thì lấy. Nói ra thì thật chua xót nhưng nó lại đang là thực tế của nhiều đơn vị trường học.

Cứ đến mùa sáng kiến kinh nghiệm là các giáo viên văn trong trường lại thêm bận rộn bội phần.

Đồng nghiệp trong trường nhờ sửa chữa đề tài như chỉnh lại các câu cho đúng ngữ pháp, bố cục văn bản hay sửa một số lỗi chính tả thì không sao nhưng có những giáo viên không biết một tí gì về sáng kiến kinh nghiệm cũng đăng kí rồi sau đó nài nỉ anh em trong đơn vị viết giùm thì thật là những nỗi bi hài trong đơn vị trường học.

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục ảnh 3

Thị trường tài liệu và chuyện mua, bán giáo án của giáo viên

Không viết thì giận hờn, nói này nói khác mà viết cho thì còn đâu nhân cách của một người thầy? Hơn nữa mỗi người một chuyên môn khác nhau, không phải cái nào cũng làm được.

Bệnh thành tích sẽ còn “lây lan” đến khi nào mà Ban Giám hiệu các đơn vị còn “ấn định” chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn, từng giáo viên, và, chuyện học sinh lớp 6, lớp 2 không biết viết tên mình sẽ không dừng lại ở một vài trường hợp như báo chí đã nêu trong thời gian qua.

Bởi không chỉ giáo viên, nhà trường chạy theo bệnh thành tích và ngay cả Điều lệ trường trung học cũng quy định rõ tại: Khoản 3, Điều 37, Điều lệ trường Trung học Cơ sở, trường Trung học Phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học.

Vì thế, dù học sinh học yếu cỡ nào cũng chỉ có thể cho các em lưu ban chỉ 1 lần/ cấp học!

Nguyễn Cao