LTS: Trong bài viết “Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường?” của cô giáo Phan Tuyết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả cho rằng việc giáo viên trao cho lớp trưởng, đội sao đỏ các trường quá nhiều quyền lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường phát triển.
Tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Cao lại có quan điểm cho rằng, thực tế ở các trường chức vụ lớp trưởng và đội Sao đỏ đang thực hiện rất tốt vai trò quản lý và giám sát học sinh.
Để rộng đường dư luận, xin đăng tải ý kiến phản biện này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Khái niệm "bạo lực học đường" là một khái niệm rộng, bao hàm cả chuyện học sinh bạo lực học sinh, thầy cô bạo lực học trò, học trò bạo lực với thầy (cô) giáo hay thầy với thầy bạo lực với nhau…
Hành vi bạo lực được xếp vào một số hình thức như: Bạo lực về tâm lí, tình cảm; Bạo lực về thể chất; Bạo lực về vật chất; Bạo lực về tình dục…
Chính vì lẽ đó mà khi đọc bài “Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường?” của tác giả Phan Tuyết, đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 23/10/2016, bản thân tôi có đôi điều trao đổi về hai vấn đề mà tác giả đã nêu trong bài báo trên.
Thứ nhất: “Quyền lực” của lớp trưởng
Dân gian ta thường nói: “có chức phải có quyền”, nếu như giáo viên chủ nhiệm phân công nhiệm vụ cho học sinh mà không trao quyền thì làm sao phát huy được vai trò của lớp trưởng? Nếu lớp trưởng không có quyền thì bầu lớp trưởng để làm gì?
Chúng ta biết rằng một lớp học được xem là một tập thể, trong đó có mấy chục học sinh với chừng ấy tính cách khác nhau. Rồi, cả chuyện một số em học hành chểnh mảng, bỏ bê trong học tập hay thường xuyên không học bài, không làm bài tập và vi phạm các nội quy của nhà trường.
Bạo lực học đường làm gia tăng bất ổn xã hội, thiếu niềm tin vào giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Nếu không phát huy vai trò của lớp trưởng và ban cán sự lớp thì ai sẽ là người quản lớp?
Đối với cấp Tiểu học, giáo viên chủ nhiệm ngày nào cũng có mặt trên lớp thì không nói làm gì nhưng với cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung học Chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học… khi mà giáo viên chủ nhiệm không thể ngày nào cũng có mặt trên lớp thì ai sẽ là người theo dõi và đốc thúc lớp thực hiện nhiệm vụ của lớp.
Nào là sinh hoạt lớp, kiểm tra bài tập, quản lí nề nếp, lao động, tham gia các phong trào Đoà, Đội.
Một lớp trưởng mà không có “uy quyền” làm sao “lãnh đạo” được một tập thể?
Giáo viên chủ nhiệm giỏi là người biết tìm cho mình một lớp trưởng và ban cán sự lớp năng động, có trách nhiệm và đặc biệt, lớp trưởng phải có uy tín, biết lôi kéo các bạn làm những việc tốt, hữu ích cho lớp, cho trường.
Thường, những em được phân công, hay được bầu làm lớp trưởng là những em học tốt, năng động trong phong trào và có quan hệ tốt với giáo viên, bạn bè trong lớp, trong trường.
Việc giáo viên ít “phạt và mắng” lớp trưởng trước tập thể lớp cũng là điều dễ hiểu. Người chủ nhiệm khéo không bao giờ làm việc này trước lớp, bởi lớp trưởng là người thay mình những lúc vắng mặt để điều hành lớp.
Nếu quở trách trước lớp không chỉ làm mất uy tín của lớp trưởng mà vô tình sẽ làm cho học sinh đó chán nản, có những suy nghĩ tiêu cực. Bởi vậy, thường là những sai sót của lớp trưởng hay được giáo viên gặp gỡ và trao đổi riêng để định hướng các em làm việc tốt hơn.
Chúng ta đều biết, với quy định hiện hành thì lớp trưởng ở cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông không hề có một chút ưu tiên về quyền lợi so với các bạn bè khác.
Vì thế, việc động viên các em làm lớp trưởng hay tham gia ban cán sự lớp cũng không hề dễ dàng, nhất là khi các em đã lớn, có nhiều mối quan hệ tế nhị với bạn bè nên không muốn đảm nhiệm chức vụ này vì dễ đụng chạm đến bạn bè trong lớp.
Vì thế, nhiều lớp trưởng cảm thấy cô đơn trong công việc của mình. Làm sao để các bạn học của mình tiến bộ, không để thầy cô phiền lòng cũng cần cả một nghệ thuật để dung hòa các mối quan hệ về vai trò, trách nhiệm của mình trước tập thể.
Thứ hai: Đội sao đỏ của trường
Hiện nay, ở Tiểu học và Trung học Cơ sở đội Sao đỏ (cờ đỏ) hoạt động dưới sự điều hành của Tổng phụ trách Đội, cấp Trung học Phổ thông là Bí thư Đoàn trường.
Phải nói rằng phần lớn các em ở đội Sao đỏ đang góp phần làm tốt thêm nền nếp cho nhà trường.
Bởi mảng nền nếp chung của học sinh phần lớn được giao cho Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường, trong khi theo điều lệ nhà trường thì giáo viên này chỉ không phải dạy khi trường đó là trường loại I, còn trường loại II, III thì phải dạy từ 1/3 đến 1/2 số tiết quy định.
Nên nhiều lúc giáo viên Đoàn - Đội lên lớp mà trong trường thì có rất nhiều hoạt động như: dạy học trên lớp, hoạt động ngoài giờ và một số lớp học thể dục ngoài sân.
Một số em đi trễ hay không đồng phục, rồi cả chuyện một số em xin giáo viên ra ngoài đi vệ sinh nhưng lại đi chơi hay chạy xuống căng tin ăn uống. Vậy, những lúc này ai sẽ là người theo dõi, ghi chép những sai phạm của học sinh trong trường nếu không phải là đội Sao đỏ?
Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường? |
Việc ghi chép những thiếu sót của học trò để định hướng và có biện pháp giáo dục các em chẳng phải là việc tốt hay sao? Vậy đội sao đỏ là ai?
Phần lớn các em là những thành viên trong cán sự lớp đều là những nhân tố tích cực của nhà trường, năng nổ, nhiệt tình, hết lòng vì cái chung.
Các em đi trực trái buổi, nỗi vất vả của các em gấp đôi với học sinh bình thường.
Sau mỗi buổi trực là bàn giao sổ sách, báo cáo tình hình với giáo viên phụ trách. Đối với trường học, ngoài đội Sao đỏ thì trong trường còn có bảo vệ nhà trường, các giáo viên trong Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách Đoàn - Đội.
Nếu có sự “lộng hành” thì chúng ta phải xem trách nhiệm của nhà trường trước, đừng trách các em mà tội nghiệp!
Thời gian qua đã có nhiều bài báo đã từng đề cập đến “nỗi sợ” đội Sao đỏ, không chỉ học sinh vi phạm sợ mà ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng sợ bởi bị ghi nhiều lần thì bị cắt thi đua của lớp.
Song, nếu học sinh không vi phạm và giáo viên chủ nhiệm sâu sát với lớp thì làm sao có sai sót để đội Sao đỏ ghi mà “sợ”?
Việc hạn chế bạo lực học đường là cả một quá trình giáo dục và phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, sự gương mẫu của cha mẹ, giáo viên về tấm gương biết yêu thương, chia sẻ, sống có trách nhiệm trước cộng đồng là tấm gương “dễ soi” nhất cho học trò.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức riêng của thầy giáo Nguyễn Cao.