Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường?

23/10/2016 06:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Đội sao đỏ quá nhiều quyền lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường manh mún và phát triển.

LTS: Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, cô giáo Phan Tuyết có bài viết cho rằng trong đó có nguyên nhân do các trường trao quyền cho lớp trưởng, đội sao đỏ quá nhiều.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Đã từ lâu trường học không còn là nơi an toàn với học sinh, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các bậc phụ huynh. Bởi cho con tới trường nhưng họ luôn lo sợ bất an vì rất nhiều tệ nạn đang bủa vây trường học.

Một trong những mối lo sợ lớn nhất là tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng với mức độ tàn bạo, đáng sợ hơn nhiều những vụ việc xảy ra trước kia.

Trong rất nhiều nguyên nhân được đưa ra mổ xẻ, việc giáo viên ở các trường trao cho lớp trưởng, đội sao đỏ quá nhiều quyền lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường manh mún và phát triển.

Bạo lực học đường đang diễn biến ngày càng phức tạp (Ảnh: tienphong.com.vn).
Bạo lực học đường đang diễn biến ngày càng phức tạp (Ảnh: tienphong.com.vn).

"Quyền lực" của lớp trưởng

Thực hư chuyện này ra sao? Hãy lắng nghe tâm sự của một giáo viên bậc Trung học Phổ thông:

Muốn lớp chủ nhiệm có nề nếp tốt thì lớp trưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lớp trưởng là người thay mặt giáo viên những lúc thầy cô vắng mặt để quản lý lớp, báo cáo lại tình hình các bạn trong lớp cho giáo viên biết để có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại nếu có.

Thường thì mỗi ngày các lớp đều có sinh hoạt 15 phút đầu giờ, không phải lúc nào giáo viên cũng có mặt.

Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường? ảnh 2

Vì sao bạo lực học đường chưa có hồi kết?

Lớp trưởng sẽ ổn định trật tự cho các cán sự môn học lên bảng giải và hướng dẫn bài tập, giữ trật tự cho cả lớp. Muốn làm được điều này, lớp trưởng phải có uy tín, khi đó nói các bạn mới nghe.

Xây dựng được cái uy cho lớp trưởng cũng là cả một vấn đề. Điều này còn phụ thuộc vào tài năng của từng giáo viên chủ nhiệm”.

Nói đến đây, một số giáo viên bật mí: “Giáo viên khi được lớp trưởng thông báo em A, em B không nghe lời lớp trưởng, thầy cô thường dùng tới biện pháp mạnh với những học sinh ấy như quở phạt, la mắng, mời phụ huynh lên làm việc…

Vài lần như thế, hầu như tất cả học sinh trong lớp đều thực hiện răm rắp lời lớp trưởng đưa ra”.

Nhiều giáo viên còn khẳng định: “Có lớp, học sinh còn sợ lớp trưởng hơn sợ thầy cô giáo”.

Những lớp trưởng xử sự nhã nhặn với bạn thì chỉ dừng ở mức la, hét; có những lớp trưởng thích dùng vũ lực. Không còn lạ gì hình ảnh một lớp trưởng cầm cây thước đi lòng vòng trong lớp vừa đập bàn, la hét đôi khi còn dùng thước phạt vài bạn cố tình nói chuyện, không làm bài tập…

Học sinh cả lớp răm rắp nghe lời bởi dù đúng sai thế nào thầy cô cũng thường nghe lời lớp trưởng và có hình phạt với những học sinh bị lớp trưởng nêu tên… Không ít giáo viên lại để các lớp trưởng “lộng hành” thẳng tay phạt các bạn phạm lỗi trước mặt cả giáo viên.

Ngược lại, khi lớp trưởng phạm lỗi cũng ít bị giáo viên phạt hay la mắng. Nếu bị thầy cô quở trách, cái uy của các em sẽ mất trong mắt các bạn trong lớp.

Lúc đó, các em sẽ khó thay giáo viên quản lý lớp, bởi thế, thường thì các bạn học sinh khác sai chứ lớp trưởng bao giờ cũng đúng. Có lẽ nắm được điểm này, không ít lớp trưởng đã thể hiện phép lợi thế của mình để ra oai với các bạn trong lớp.

Còn đội sao đỏ?

Đội sao đỏ trong các trường học cũng có rất nhiều quyền lực trong tay. Theo dõi học sinh các lớp vi phạm như đi trễ, đánh nhau, không mang đồng phục, bỏ áo khỏi quần, quét trực nhật dơ, không sinh hoạt đầu giờ…

Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường? ảnh 3

Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành?

Các em giống như những “công an viên” trong nhà trường luôn đi canh, đi bắt những học sinh vi phạm.

Lớp nào mắc nhiều điểm trừ của đội sao đỏ thì thứ hạng xếp loại của lớp cũng bị thay đổi ngay, điều này còn liên quan đến cả công tác chủ nhiệm của giáo viên.

Bởi thế, nếu lớp vi phạm nhiều sẽ bị giáo viên phạt, la mắng nên phần lớp các em rất sợ, nhiều em mắc lỗi nhưng tìm mọi cách lấy lòng sao đỏ để được bỏ qua.

Thế rồi em đưa tiền, em cho đồ ăn… khi thì tự nguyện nhưng đôi khi bị chính các sao đỏ ép buộc cũng đành ngậm đắng nuốt cay để chiều sao đỏ du di cho mình. Ý thức được vai trò của mình nên đội sao đỏ dễ làm “le” với bạn cũng là điều dễ hiểu.

Có trường hợp, do nhiều khi sao đỏ chấm gắt quá, đã xảy ra nhiều cuộc ẩu đã ngay trong trường, không ít em lại đem những xích mích này ra ngoài cổng trường để giải quyết. Thế là đánh nhau, gọi người nhà đến bảo vệ, dằn mặt đối phương đã xảy ra không ít.

Trong nhiều biện pháp nhằm giảm bạo lực học đường thì việc hạn chế quyền của lớp trưởng và sao đỏ cũng là một trong những cách đáng lưu tâm hiện nay.

Phan Tuyết